BÁC HỒ DẠY VỀ THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG THAM Ô, LÃNG PHÍ

Thứ ba - 01/10/2019 22:39
Sinh thời,Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến vấn đề thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà non trẻ vừa ra đời đã phải đương đầu với những thử thách gay gắt, mà khi đó Bác Hồ gọi là “Giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm”. Giặc dốt, giặc ngoại xâm thì phải chiến đấu trường kỳ nhưng đơi với giặc đói thì phải chống ngay. Bác kêu gọi mỗi người phải cùng nhau chống giặc đói. Bản thân Bác, để làm gương, mỗi tuần Người nhịn ăn một bữa, mỗi bữa bớt một ít để vận động kêu gọi đồng bào người đói ít giúp người đói nhiều. Cưu mang, lần hồi, khuyến khích phong trào sản xuất lương thực, thực phẩm, rồi cả nước vượt qua được nạn đói khủng khiếp năm đó, vững vàng bước vào cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm.

Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và cả sau này, những năm hoà bình xây dựng CNXH ở miền Bắc, trong nhiều lời kêu gọi, nhiều bài nói chuyện, nhiều bài phát biểu, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên kêu gọi đẩy mạnh phong trào sản xuất, thực hành tiết kiệm.

Ngày 17-3-1952, Bác ra rời kêu gọi phát động phong trào sản xuất và tiết kiệm và ngay sau đó Bác có bài nói chuyện “Thực hành tiết kiệm và chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu”. Bài này Bác nói nhiều nơi, nói với nhiều tầng lớp nhân dân và cán bộ đảng viên có tác dụng hết sức sâu sắc.

Để mọi người đều hiểu, Bác giải thích từng câu, từng ý trong lời kêu gọi rất cặn kẽ, dễ hiểu. Theo Bác tiết kiệm không phải là bủn xỉn, không phải là “xem đồng tiền to bằng cái trống”, “gặp việc đáng làm cũng không làm, đáng tiểu cũng không tiêu”. Tiết kiệm cũng không có nghĩa là nhịn ăn, nhịn mặc, mà trái lại, “tiết kiệm cốt để giúp vào việc tăng gia, sản xuất mà tăng gia sản xuất là để nâng cao mức sống của bộ đội, cán bộ và nhân dân”. Do đó, Bác nhắc nhở mọi người phải “tiết kiệm thì giờ”, “tiết kiệm sức lao động” và “tiết kiệm tiền của”. Dù là bộ đội ngoài mặt trận, hay người sản xuất nơi đồng ruộng, dù là chiến sĩ quân giới, vận tải hay những người làm ở cơ quan, v.v..ai ai cũng phải tiết kiệm. Tiết kiệm đạn, tiết kiệm xăng dầu, tiết kiệm thóc, gạo, cho đến những tờ giấy. Bác nêu một thí dụ cụ thể, về sử dụng chiếc phong bì dùng để gửi công văn: “Cơ quan nào cũng dùng phong bì, nếu mỗi cơ quan đều tiết kiệm, chiếc phong bì dùng 2,3 lần thì mỗi năm chính phủ có thể tiết kiệm được hàng chục tấn giấy” (vì trong những năm kháng chiến gian khổ đó rất thiếu giấy). Chiếc phong bì nhỏ là thế mà cũng cần phải tiết kiệm, góp phần đánh thắng giặc ngoại xâm, huống hồ gì cái khác? Không phải chỉ vì nước ta còn nghèo mới phải coi trọng việc tiết kiệm. Để mở rộng tầm nhìn cho mọi người, Bác lấy dẫn chứng vê tiết kiệm ở một số nước đã có nền kinh tế khá phát triển, họ vẫn coi tiết kiệm là quốc sách. Do đó, đối với Việt Nam, tiết kiệm là cần thiết biết bao nhiêu!

Song sản xuất, tiết kiệm mà không chống tham ô, lãng phí thì khác nào chuyện tát nước mà không đắp bờ? Bác ví điều này với việc trồng lúa: “Muốn lúa tốt cũng phải nhổ cỏ cho sạch”. Muốn tăng gia sản xuất, tiết kiệm để đẩy mạnh kháng chiến, kiến quốc phải tẩy trừ cho sạch tệ tham ô, lãng phí, quan liêu. Theo Bác những kẻ tham ô là “ăn cắp của công làm của tư, đục khoét của nhân dân, ăn bớt của bộ đội, tiêu ít mà khai nhiều, lợi dụng của chung, của Chính phủ, làm quỹ riêng cho địa phương mình, đơn vị mình”. Bác phê phán những người, những cơ quan “không sát công việc thực tế, không theo dõi và giáo dục cán bộ, không đào sâu vấn đề, chỉ biết khai hội, viết chỉ thị, xem báo cáo trên giấy, chứ không kiểm tra đến nơi đến chốn”. Hay nói cách khác, đó là những cán bộ, những tổ chức mắc bệnh quan liêu. Bác chỉ ra rằng bệnh quan liêu là “mảnh đất tốt cho tham ô, lãng phí sinh sôi nảy nở và phát triển.

Trong bài nói chuyện, Bác đã chỉ rõ rằng: tham ô, lãng phí đã kìm hãm sản xuất, phá hoại sản xuất, làm chán nản và giảm sút ý chí phấn đấu của nhân dân, làm suy yếu tinh thần của cán bộ, sức mạnh của tổ chức... Nó là một thứ “giặc ở trong lòng”, là một thứ “giặc nội xâm”, nó làm hỏng tinh thầm trong sạch và ý chí vượt khó khăn của cán bộ ta, nó phá hoại đạo đức cách mạng của ta là “cần, kiệm, liêm, chính” và: “nó phá hoại tinh thần, phí phạm sức lực, tiêu hao tiền của của Chính phủ và nhân dân”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh coi tham ô, lãng phí, quan liêu là kẻ thù của cách mạng, của nhân dân. Nhưng muốn bài trừ nó không dễ, vì nếu nó là kẻ địch, đứng ở chiến tuyến bên kia thì ta có thể thấy được ngay. Còn những người mắc sai phạm đó nằm ngay trong tổ chức của ta, có khi là bạn bè, người thân, là người trong cùng cơ quan, đơn vị, cho nên phải sáng suốt phát hiện, kiên quyết ngăn chặn. Bác nói: “Cách mạng là tiêu diệt những cái gì xấu, xây dựng những cái gì tốt” thì “chống tham ô, lãng phí, quan liêu là cách mạng, là dân chủ”, “dân chủ là phải dực vào lực lượng quần chúng, đi đúng đường lối quân chúng. Cho nên phong trào chống tham ô, lãng phí, quan liêu ắt phải dựa vào lực lượng quần chúng mới thành công”. Bác yêu cầu: “Chúng ta từ trên xuống dưới phải đồng tâm hiệp lực để giành thắng lợi trong phong trào này. Vì chống tham ô, lãng phí thắng lợi sẽ giúp chúng ta đoàn kết hơn nữa, nâng cao năng suất hơn nữa, góp phần nâng cao ý chí, phẩm chất đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.

Tuy nhiên, thực hành tiết liệm, chống tham ô, lãng phí không thể hô hào một cách chung chung mà phải có biện pháp khả thi. Một trong những biện pháp quan trọng đó là phải dựa vào dân, như lời Bác Hồ dạy là cần “biến hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha rọi sáng khắp mọi nơi, không để tham ô, lãng phí, quan liêu có chỗ ẩn nấp”.

Nguồn: Báo Nhân dân.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây