BÁC HỒ - NGƯỜI SÁNG LẬP CÁC LỰC LƯỢNG VŨ TRANG CÁCH MẠNG VIỆT NAM

Thứ tư - 02/10/2019 09:32
Năm 1911, Bác Hồ với tên gọi Văn Ba rời Tổ quốc thân yêu thực hiện cuộc hành trình tìm đường cứu nước.

Người đi từ châu Á đến châu Âu, qua châu Phi, sang châu Mỹ rồi lại trở về châu Âu, châu Á. Suốt cuộc hành trình hàng vạn dặm, Người luôn trăn trở một điều - làm thế nào để giành lại độc lập dân tộc từ tay thực dân đế quốc, giải thoát đồng bào khỏi thân phận nô lệ đoạ đày? 10 năm trăn trở, phải tới tháng 12 năm 1920 đến với chủ nghĩa Mác - Lênin - mà theo Người là chủ nghĩa có ưu điểm là phương pháp biện chứng, đã giúp Người nhận ra “muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”; “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”; “giành chính quyền phải là sự nghiệp của quần chúng”; “giành chính quyền phải là mục tiêu trước tiên của mọi cuộc cách mạng”; và “bạo lực là bà đỡ cho chính quyền cách mạng ra đời”. Nhưng đối với Việt Nam giành độc lập bằng cách nào? Đấu tranh hoà bình hay bất bạo động, bất hợp tác, hay đấu tranh võ trang? Đó là một bài toán khó mà trong cách giải của Bác Hồ toát lên tầm cao trí tuệ của một nhà văn hoá kiệt xuất, Người đã cụ thể hoá và phát triển sáng tạo những quan điểm cơ bản của Mác-Lênin về những cách tạo những quan điểm cơ bản của Mác - Lênin về cách mạng và bạo lực cách mạng ở điều kiện Việt Nam.

Bác Hồ xác định cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam phải là một cuộc cách mạng của toàn dân, có liên minh công nông là gốc dưới sự lãnh đạo của Đảng cách mạng của giai cấp vô sản. Cuộc cách mạng đó phải được kết thúc bằng một cuộc khởi nghĩa võ trang toàn dân, đánh đổ đế quốc và phong kiến tay sai giành chính quyền về tay nhân dân. Bởi vậy, ngay từ khi tìm thấy con đường cách mạng giải phóng cho dân tộc, Bác Hồ đã đặc biệt chú ý xây dựng lực lượng chính trị của toàn dân. Đồng thời Người cũng chỉ ra cho thấy, thực hiện khởi nghĩa vũ trang thì lực lượng vũ trang là không thế thiếu được.

Ngay năm 1925 ở Quảng Châu - Trung Quốc, trong khi mở các lớp giáo dục chính trị đào tạo đội ngũ cán bộ đầu tiên cho cách mạng Việt Nam thì Bác Hồ cũng chú ý gửi một số các đồng chí vào học ở trường quân sự Hoàng Phố để “làm vốn quân sự” sau này cho cách mạng. Năm 1927, tại trường quân sự của những người cộng sản Đức ở Matxcơva, Bác Hồ đã có bài giảng về “Công tác quân sự của Đảng trong nông dân”, trong đó chứa đựng những tư tưởng quan trọng về vai trò của giai cấp nông dân trong cách mạng dân tộc dân chủ và cách mạng vô sản, về tổ chức, cấu trúc và hoạt động du kích trong tiến trình cách mạng. Những tư tưởng này là cơ sở quan trọng để sau này khi về nước Bác Hồ viết các tác phẩm quân sự như: Cách đánh du kích, kinh nghiêm du kích Tàu, kinh nghiệm du kích Nga… làm tài liệu huấn luyện và trực tiếp chỉ đạo cán bộ chiến sĩ ta từ năm 1941 trở đi, chuẩn bị có hiệu quả cho thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Mùa xuân năm 1941, Bác Hồ về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng nước ta. Người chủ trương xây dựng Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (Mặt trận Việt Minh) nhằm giác ngộ và đoàn kết toàn dân tộc thành một khối. Trên cơ sở đó, Bác Hồ đã thành lập và huấn luyện những đơn vị du kích đầu tiên của cách mạng tại Cao Bằng. Từ đây cách mạng Việt Nam có bước phát triển mới, lực lượng chính trị của cách mạng đã phát triển mạnh và lực lượng vũ trang đang hình thành. Trên cơ sở đó Bác Hồ đã ra Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Chỉ thị là một tài liệu ngắn gọn, súc tích, có tính chất như một Cương lĩnh quân sự vắn tắt bao gồm những vấn đề chủ yếu trong đường lối quân sự của Đảng như: Vũ trang toàn dân, kháng chiến toàn dân, nguyên tắc và phương châm xây dựng các đội quân chủ lực và phát triển các lực lượng vũ trang địa phương, phương thức hoạt động kết hợp quân sự với chính trị, nguyên tắc tác chiến của lực lượng vũ trang nhân dân. Thực hiện chỉ thị của Bác Hồ, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập ngày 22/12/1944, tại khu rừng Sam Cao thuộc tổng Hoàng Hoa Thám, châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay thuộc xã Cẩm Lý, huyện Hoà An, Cao Băng). Khi ra đời, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân có 34 chiến sĩ, nhưng tiền đồ của nó thật lớn lao. Đúng như Bác Hồ viết: “Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam”.

Từ khi ra đời, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, rồi trở thành Việt Nam giải phóng quân, thành Quân đội nhân dân Việt Nam là nòng cốt xây dựng lực lưỡng vũ trang cách mạng ba thứ quân - đã luôn luôn được Bác Hồ chăm lo dìu dắt trong quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành.

Bác Hồ không chỉ là người sáng lập ra Quân đội nhân dân, ra các lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam mà Người còn xây dựng cho nó cả một hệ thống quan điểm lý luận quân sự cách mạng làm vũ khí bách chiến bách thắng trong xây dựng và chiến đấu.

Bác Hồ dạy: Các lực lượng vũ trang cách mạng là con đẻ của nhân dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà tuyên truyền, công tác, chiến đấu, hy sinh. Trong cuộc đấu tranh gian khổ chống kẻ thù của giai cấp, của dân tộc nó là một bộ phận quan trọng trong bạo lực cách mạng chống lại bạo lực phản cách mạng để giành lấy chính quyền và bảo vệ chính quyền. Bởi vậy, trong khởi nghĩa vũ trang tất yết phải có lực lượng vũ trang, nhưng không phải chỉ là một cuộc đấu tranh quân sự. Mà khởi nghĩa vũ trang, theo Bác Hồ là nhân dân vùng dậy cầm vũ khí đuổi quân cướp nước. Đó là một cuộc đấu tranh to tát về chính trị và quân sự, là việc quan trọng, làm đúng thì thành công, làm sai thì thất bại.

Khi phải thực hiện kháng chiến - thực hiện chiến tranh vệ quốc, cuộc chiến đấu của cách mạng chống lại sự xâm lược của đế quốc sẽ bị quy luật mạnh thắng, yếu thua thì Bác Hồ dạy các lực lượng vũ trang cách mạng phải biết thực hiện kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính. Kháng chiến phải là sự nghiệp của toàn dân trên tất cả các lĩnh vực, vì không dùng toàn lực của nhân dân về đủ mọi mặt để ứng phó, không thể nào thắng lợi được. Đấu tranh quân sự là hình thức chủ yếu của chiến tranh nhưng đấu tranh chính trị là hình thức cơ bản của chiến tranh nhân dân. Phải biết kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh quân sự và đấu tranh ngoại giao, vì thắng lợi quân sự đem lại thắng lợi cho chính trị, thắng lợi chính trị sẽ làm cho thắng lợi quân sự to lớn hơn. Phải biết “vừa đánh vừa đàm” nhưng “đánh là chủ yếu, đàm là hỗ trợ”. Bởi vậy Bác Hồ căn dặn: Trong xây dựng lực lượng công việc hàng đầu là xây dựng lực lượng chính trị quần chúng, vì “sự đồng tâm của đồng bào đúc lên bức tường đồng xung quanh Tổ quốc”. Trên cơ sở xây dựng lực lượng chính trị quần chúng, Bác Hồ chủ trương xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân: Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích. Trong xây dựng lực lượng, Bác Hồ đặc biệt chăm lo bồi dưỡng ý thức chính trị, bản chất cách mạng cho các lực lượng vũ trang nhân dân. Theo Người “quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng, lại có hại”, Người chủ trương “người trước, súng sau”. Nhưng không bao giờ Người cọi nhẹ vai trò của vũ khí, kỹ thuật. Người đề ra: Quân đội ta phải từng bước tiến lên chính quy và hiện đại.

Trong chăm lo và bồi dưỡng các lực lượng vũ trang, Bác Hồ đã trang bị cho họ cả một hệ thống lý luận về nghệ thuật quân sự. Dù trong tiến công hay phòng ngự, thoái thủ thì người chiến sĩ phải giành được thế chủ động, ở thế tiến công. Phải biết kết hợp chặt chẽ giữa các yếu tố: lực, thế, thời và dùng mưu. Phải biết coi trọng cả ba yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hoà” nhưng trong đó nhân hoà là quan trong nhất. Phải biết đánh địch bằng mọi lực lượng, mọi quy mô, mọi cách đánh, mọi thứ vũ khí trang bị; kết hợp đánh du kích với đánh tập trung, đánh tiêu hao và đánh tiêu diệt. Phải biết đánh vào lòng người, kết hợp tác chiến với binh vận, địch vận. Biết khởi đầu và kết thúc chiến tranh.

Những tư tưởng của Bác Hồ về xây dựng và rèn luyện lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam, ngày nay còn soi sáng cho đường lối xây dựng nền quốc phòng toàn dân bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa của chúng ta.

Nguồn: Báo Phụ nữ Việt Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây