Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam còn một số hạn chế như: công tác tuyền truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng hiệu quả chưa cao, hiện tượng phải hối lộ, bôi trơn hoặc tác động bằng các hình thức khác để được thuận lợi hơn trong giải quyết công việc còn khá phổ biến ở nhiều nơi, một số cơ chế, chính sách còn thiếu chặt chẽ, chưa phù hợp với thực tiễn; thực thi pháp luật có lúc, có nơi chưa nghiêm; chưa quản lý chặt chẽ việc kê khai, công khai, giải trình nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý; vấn đề phát hiện, xử lý tham nhũng chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là tự phát hiện, xử lý tham nhũng trong nội bộ.
Để tiếp tục phát huy kết quả đạt được, khắc phục hạn chế, yếu kém, các bộ ngành, địa phương cần quán triệt và tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, giải pháp về phòng chống tham nhũng theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Chỉ thị 04-CT/TW, ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; Kết luận 05-KL/TW, ngày 03/6/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 50-CT/TW của Bộ Chính trị trong công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng... gắn với thực hiện hiệu quả Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XIII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Cần tiếp tục khẳng định rõ quyết tâm của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, làm cho mọi người thấy rõ việc đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, kiên quyết xử lý nghiêm khắc nhiều cán bộ, đảng viên sai phạm không làm hạn chế sức sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của những người tâm huyết, vì sự nghiệp đổi mới của Đảng, với động cơ trong sáng, lành mạnh; không “làm chậm” sự phát triển của đất nước, mà ngược lại, làm trong sạch, tạo sức mạnh thật sự của bộ máy và đội ngũ cán bộ, củng cố tăng cường lòng tin của nhân dân, tạo động lực mới, khí thế mới để thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Các cấp ủy, tổ chức đảng phải xác định phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài, cần tập trung cao cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo; gắn công tác phòng, chống tham nhũng với đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Khẩn trương cụ thể hóa, thể chế hóa Nghị quyết Trung ương 4 khóa XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Nghị quyết số 18-NQ/TW về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết 26-NQ/TW tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; Quy định số 205-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền, trong đó quy định cụ thể các hình thức xử lý đến mức cao nhất là trách nhiệm hình sự đối với hành vi chạy chức, chạy quyền hoặc bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền. Đồng thời, hoàn thiện và thực hiện nghiêm các chế tài xử lý vi phạm trong các luật, như: Luật Phòng, chống tham nhũng; Bộ luật Hình sự; Luật quản lý và sử dụng tài sản công; Luật Đầu tư công; Luật đấu giá tài sản...
Rà soát sửa đổi, bổ sung các quy định về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và phòng, chống tham nhũng trong nội bộ Đảng, bảo đảm chặt chẽ, đồng bộ; hình thành hệ thống các nguyên tắc và chuẩn mực đạo đức áp dụng đối với cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong việc giữ gìn phẩm chất, đạo đức, liêm chính, trong sạch gương mẫu đi đầu trong phòng, chống tham nhũng. Xây dựng cơ chế bảo vệ, khuyến khích mạnh mẽ người đứng đầu các bộ ngành, địa phương tự kiểm tra, phát hiện, xử lý tham nhũng, cũng như bảo vệ khuyến khích người tố cáo, tích cực đấu tranh với tham nhũng.
Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng. Xây dựng và hoàn thiện cơ chế giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn thực sự có hiệu lực, hiệu quả để ngăn ngừa tham nhũng theo nguyên tắc: mọi quyền lực phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế, quyền lực phải được ràng buộc bằng trách nhiệm, quyền lực càng cao, trách nhiệm càng lớn; lạm quyền, lợi dụng quyền lực phải truy cứu trách nhiệm và xử lý vi phạm. Tiếp tục giám sát, kiểm soát chặt chẽ quyền lực để bảo đảm quyền lực được vận hành công khai, minh bạch, đúng đắn, để quyền lực không bị “tha hóa”. Cùng với hoàn thiện hệ thống pháp chế về kinh tế - xã hội và phòng chống tham nhũng để nhốt quyền lực vào thể chế, phải tăng cường giám sát việc thực thi thể chế thông qua công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, công tác thanh tra, kiểm toán của Nhà nước, công tác giám sát cơ quan đại biểu dân cử, công tác giám sát của các cơ quan tư pháp, hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội, của nhân dân và của toàn xã hội.
Phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm của các cơ quan và đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, nhân dân và cơ quan truyền thông, báo chí trong phòng chống tham nhũng. Đẩy nhanh việc xây dựng Đề án Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập; rà soát, bổ sung chương trình công tác của Chính phủ để triển khai đầy đủ nhiệm vụ về sửa đổi, bổ sung các luật và các văn bản của Chính phủ, nhằm hoàn thiện cơ chế phòng ngừa tham nhũng. Đề xuất các biện pháp kiểm soát thu nhập của cá nhân, tiếp tục hoàn thiện các pháp lệnh về minh bạch tài sản, quản lý bản kê biên tài sản; xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân không kê khai hoặc kê khai không trung thực; không giải trình được nguồn gốc tài sản tăng thêm; xây dựng cơ chế thu hồi tài sản tham nhũng không dựa trên kết án về hình sự. Để giải quyết các vấn đề tài sản tham nhũng, Nhà nước cần sửa đổi các quy định như: giảm nghĩa vụ chứng minh thu hồi tài sản tham nhũng đối với những tội phạm về tham nhũng; chuyển nghĩa vụ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của tài sản cho người bị tình nghi tham nhũng sau khi cơ quan có thẩm quyền có chứng cứ đáng tin cậy cho rằng tài sản đó do tham nhũng mà có; cho phép tịch thu tài sản không dựa trên bản án hoặc quyết định hình sự hoặc tòa án nước ngoài; cho phép phong tỏa tài sản và thu hồi tài sản thay thế có giá trị tương đương đã bị thất thoát. Khi đã xảy ra tham nhũng thì phải xử lý kiên quyết, nghiêm minh, kịp thời, đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.
Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, năng lực hiệu quả hoạt động của cơ quan, đơn vị có chức năng phòng chống tham nhũng; mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về phòng chống tham nhũng.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn