Kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền biển, đảo

Thứ ba - 04/01/2022 10:17
Kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền biển, đảo

Đại hội XII của Đảng đã khẳng định: “Chủ động, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bằng các biện pháp phù hợp, bảo vệ được chủ quyền, biển, đảo, vùng trời và giữ được hòa bình, ổn định để phát triển đất nước” . Chủ trương đó đã trở thành kim chỉ nam hành động và là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị. Thế nhưng, các thế lực thù địch, các phần tử bất mãn, cơ hội, các trang mạng phản động… lại lại đi rêu rao Đảng, Nhà nước “yếu hèn, nhu nhược”, không dám đấu tranh bảo vệ biển, đảo đất nước.

Các thế lực thù địch, các phần tử bất mãn, cơ hội dựng nên những thuyết âm mưu xung quanh mỗi sự kiện trên Biển Đông, đồng thời cổ súy, kích động người dân có những hành động cực đoan làm mất ổn định an ninh, trật tự; kích động việc sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn. Với mỗi cán bộ, đảng viên cũng như mỗi người dân, cần nắm chắc và hiểu đúng về quan điểm “kiên quyết, kiên trì đấu tranh” của Đảng trong nhận thức để vận dụng và thực hiện trong thực tiễn một cách hiệu quả; đồng thời, chủ động nhận diện và đấu tranh với những phần tử, tổ chức có hành vi xuyên tạc đường lối đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Đảng, Nhà nước.

Hiểu thế nào là “kiên quyết, kiên trì đấu tranh”

“Kiên quyết đấu tranh” thể hiện một thái độ, quyết tâm dứt khoát của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và lợi ích quốc gia, dân tộc. “Kiên trì đấu tranh” mang ý nghĩa công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo còn rất lâu dài, phức tạp, đòi hỏi toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta phải luôn bồi đắp ý chí, nuôi dưỡng quyết tâm, không được chủ quan, lơ là, nản lòng; kiên trì đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp trên tất cả các mặt trận.
 

Như vậy, “kiên quyết, kiên trì đấu tranh” vừa thể hiện bản lĩnh, quyết tâm cao độ, ý chí trước sau như một của Đảng, Nhà nước và Nhân dân; đồng thời, cũng thể hiện tính chất phức tạp, lâu dài của cuộc đấu tranh, đòi hỏi sự đoàn kết, kiên trì của toàn dân tộc để bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ đất nước trong bối cảnh mới.

Vì sao phải “kiên quyết, kiên trì đấu tranh”?

Phải kiên quyết đấu tranh vì:

Thứ nhất, chủ quyền biển, đảo là thiêng liêng và bất khả xâm phạm. Chủ quyền đó được đánh đổi bằng mồ hôi, xương máu của các thế hệ cha ông, các cán bộ, chiến sỹ, sự hy sinh anh dũng của các anh hùng liệt sĩ qua quá trình đấu tranh lâu dài và gian khổ. Vì vậy, chúng ta phải kiên quyết đấu tranh không để một tấc đất, tấc biển nào của Tổ quốc bị xâm phạm.

Thứ hai, biển, đảo không chỉ chứa đựng tiềm năng kinh tế to lớn, là cửa ngõ để đất nước mở rộng quan hệ giao thương với quốc tế mà còn là “phên dậu” bảo đảm an ninh, quốc phòng, là địa bàn chiến lược trọng yếu trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Với vai trò, vị trí và tầm quan trọng như thế, chúng ta phải kiên quyết đấu tranh bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo trước mọi hành vi xâm lấn trái phép từ bên ngoài.

Thứ ba, ý thức về chủ quyền quốc gia, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ luôn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Vì vậy, kiên quyết đấu tranh chính là sự thể hiện phẩm cách, ý chí của đất nước, con người Việt Nam đối với phần lãnh thổ quốc gia không tách rời trên biển.

Phải kiên trì đấu tranh là bởi:

Một là, tranh chấp, mâu thuẫn về chủ quyền biển, đảo trên Biển Đông đã tồn tại từ rất lâu và không thể giải quyết một sớm một chiều. Công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo sẽ luôn song hành và không tách rời với con đường phát triển đi lên của dân tộc. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải luôn kiên trì, bền bỉ đấu tranh, không một phút giây lơi lỏng mới có thể giữ vững chủ quyền biển, đảo đất nước.

Hai là, với âm mưu độc chiếm Biển Đông cùng ưu thế vượt trội về quân sự, kinh tế, Trung Quốc luôn tìm cách tạo ra những căng thẳng, tranh chấp và đẩy xung đột lên cao nhằm tạo cớ sử dụng vũ lực. Vì vậy, chúng ta cần kiên trì đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp, với đối sách mềm dẻo, linh hoạt để bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển, tránh vấp phải “bẫy” xung đột dẫn đến sử dụng vũ lực từ phía Trung Quốc tạo ra.

Thứ ba, Biển Đông đang là khu vực tranh chấp nóng bỏng, tiềm ẩn nguy cơ xung đột cao. Bối cảnh đó đòi hỏi chúng ta phải luôn tỉnh táo, kiên trì đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và các điều ước có liên quan mà chúng ta tham gia ký kết. Từ đó thể hiện lập trường chính nghĩa, khát vọng hòa hiếu của đất nước và tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế với chúng ta trong vấn đề chủ quyền biển, đảo. Đồng thời, bảo đảm được ổn định, an ninh trên biển để phát triển kinh tế, xây dựng đất nước.
 

Chủ trương “kiên quyết, kiên trì đấu tranh” được thể hiện như thế nào?

Thứ nhất, Nhà nước Việt Nam trước sau như một khẳng định nhất quán chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đảng, Nhà nước và các cơ quan hữu quan đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển ở Biển Đông được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).

Thứ hai, đối với các hành vi xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia, quyền, lợi ích hợp pháp của dân tộc và Nhân dân, Việt Nam đều kiên quyết lên án, phản đối mạnh mẽ bằng nhiều cấp độ, hình thức khác nhau. Đồng thời, các lực lượng chức năng của Việt Nam đã triển khai các biện pháp thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán theo đúng pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo đất nước. Trong giải quyết các tranh chấp tại Biển Đông, Việt Nam luôn thể hiện thiện chí thông qua các biện pháp hòa bình, đồng thời kêu gọi các nước có liên quan và cộng đồng quốc tế đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông.

Thứ ba, chủ trương “kiên quyết, kiên trì đấu tranh” trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo đất nước đã được thực tiễn chứng minh một cách đúng đắn và hiệu quả. Trước việc giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc hạ đặt trái phép trong vùng biển Việt Nam từ ngày 02/5 đến 15/7/2014, xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam hay việc nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 cùng các tàu hộ tống đã có những hoạt động vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam xung quanh bãi Tư Chính vào tháng 7/2019, các cơ quan chức năng, lực lượng thực thi pháp luật trên biển, đồng bào ta trong nước cũng như nước ngoài đã kiên quyết đấu tranh bằng các biện pháp phù hợp để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Chúng ta đã kiên trì đối thoại, tiến hành giao thiệp nghiêm túc với Trung Quốc dưới nhiều cấp độ, đồng thời phản đối mạnh mẽ hành vi sai trái của Trung Quốc, kiềm chế sử dụng vũ lực và tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ của bè bạn quốc tế. Với sự kiên quyết, kiên trì đấu tranh của Việt Nam và sự phản đối, tiếng nói từ cộng đồng quốc tế, Trung Quốc đã rút giàn khoan, tàu khảo sát cùng các tàu và máy bay ra khỏi vùng biển Việt Nam. Quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia được giữ vững. Đồng thời, chúng ta đã duy trì được môi trường an ninh, ổn định để phát triển đất nước.

Quán triệt sâu sắc và thực hiện có hiệu quả quan điểm “kiên quyết, kiên trì đấu tranh” trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo,toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta sẽ luôn đoàn kết, chủ động, sáng tạo, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc trước những khó khăn, thách thức đặt ra hiện nay.

Lê Thủ - thinhvuongvietnam.com

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây