Tư tưởng Hồ Chí Minh về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (BVCS&GDTE) là hệ thống những quan điểm, lý luận phương pháp, đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc BVCS&GDTE nhằm giúp cho trẻ em trở thành những con ngoan, trò giỏi, những công dân hữu ích cho đất nước, những người kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang của Đảng.
Quan điểm về BVCS&GDTE của Hồ Chí Minh không chỉ nghiên cứu thông qua tư tưởng, mà còn qua hoạt động thực tiễn. Đối với Hồ Chí Minh, hoạt động thực tiễn không chỉ để minh chứng, giải thích cho tư tưởng mà là một bộ phận cấu thành tư tưởng. Đây là điều hết sức độc đáo trong sự nghiệp của Người.
Truyền thống "kính già, yêu trẻ" đã thấm sâu trong văn hóa hành xử của dân tộc ta, tạo nên yếu tố kết dính bền vững trong mỗi gia đình, mỗi cộng đồng. Hồ Chí Minh đã kế thừa sâu sắc truyền thống ấy, không chỉ là đức tính hy sinh, lòng vị tha: "Sữa để em thơ lụa tặng già" (Tố Hữu) mà cao hơn nữa đến mức trở thành tư tưởng của một chính khách, của một vị đứng đầu Nhà nước.
Sự quan tâm đối với trẻ em của Hồ Chí Minh gắn chặt với những trăn trở về tương lai của dân tộc, của thế giới. Ngay từ những ngày đầu tiên của Nhà nước Việt Nam non trẻ, vị Chủ tịch nước trong bộn bề công việc vẫn không quên "những người tiểu quốc dân của một nước độc lập". Tết Trung thu độc lập đầu tiên năm 1945, Người gửi thiếu nhi Việt Nam hai bức thư trong vòng một tuần lễ. Hai bức thư ấy tràn đầy niềm vui, niềm tự hào vì nước nhà đã độc lập, các em thoát kiếp "bầy nô lệ trẻ con". Vị Chủ tịch nước cùng các em hy vọng vào những Tết Trung thu sau sẽ vui hơn.
Trong suốt cuộc đời hoạt động không mệt mỏi của mình, Hồ Chí Minh dành cho trẻ thơ tình cảm và sự quan tâm đặc biệt. Tình thương yêu của Người dành cho trẻ em có cội nguồn từ lý tưởng suốt đời phấn đấu cho sự nghiệp vĩ đại, giải phóng con người, giải phóng dân tộc, mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân. Hồ Chí Minh là người bạn lớn của nhiều thế hệ trẻ em Việt Nam.
Trong suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, các em tham gia đánh giặc cũng như các em tham gia lao động, sản xuất, làm công tác hậu phương giỏi đều nhận được thư khen ngợi, thăm hỏi kịp thời của Người. Tết Trung thu, ngày khai trường, ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6, Người luôn có thư động viên, định hướng cho các em từ việc nhỏ như giữ vệ sinh thân thể đến những việc lớn như gắng học hành vì tương lai đất nước.
Nói với trẻ em, viết cho trẻ em, đến với trẻ em, Hồ Chí Minh nhất quán trong phong cách và văn phong: giản dị, gần gũi. Hàng trăm bức thư, bài báo, bài thơ tự tay Bác viết, tặng cho các cháu. Điều ấy hiếm gặp ở bất kỳ một chính khách nào, điều ấy độc đáo và làm nên một nhân cách Hồ Chí Minh.
Trước lúc đi xa, trẻ em và thế hệ trẻ vẫn luôn ở trong trái tim và tâm trí Hồ Chí Minh. Một trong những bài báo cuối cùng đăng trên báo Nhân Dân ngày 1-6-1969, Người viết về việc nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng. Trong Di chúc, Người khẳng định "Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết". Người để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng và đặc biệt cho "toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng". Trong mỗi giai đoạn của cách mạng cũng như của cuộc đời đầy cống hiến và hy sinh của mình, trẻ em luôn là lớp "công dân đặc biệt" được Hồ Chí Minh dành sự quan tâm đặc biệt, cụ thể, sâu sát. Chăm lo cho thế hệ trẻ, cho trẻ em thể hiện trong phong cách sống, trong đạo đức, trong tầm nhìn chiến lược và khoa học của Hồ Chí Minh.
Nguồn tin: baobinhdinh.com.vn