Bác Hồ với thiếu niên, nhi đồng qua Thư gửi Thiếu niên, nhi đồng toàn quốc nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Đội TNTP

Thứ hai - 17/06/2019 13:49
Bác Hồ kính yêu, Người đã cống hiến cả đời mình cho dân tộc Việt Nam. Trong cuộc đời làm cách mạng, Người đã quên mình cho hết thảy để giải phóng, giữ gìn và phát huy sức mạnh của dân tộc. Bác đã đi xa nhưng cả dân tộc ta vẫn nhớ Bác. Đối với thế hệ thiếu niên nhi đồng thì những tình cảm gần gũi thân thương, nồng ấm mà lúc sinh thời Người dành cho vẫn luôn đọng lại khó quên và trở thành tài sản tinh thần vô giá, là niềm tin vững chắc để lớp lớp thế hệ thiếu niên nhi đồng học tập phấn đấu vươn lên.
Có thể nói, một trong những điều Bác Hồ luôn quan tâm, trăn trở đó chính là một tương lai rạng rỡ cho các cháu thiếu niên, nhi đồng. Hình ảnh của các em không khi nào vắng bóng trong tâm trí của Bác. Từ năm 1925, sau khi sáng lập ra Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội, tổ chức tiền thân của Đảng, Bác đã chỉ thị về nước, lựa chọn một số thanh niên ưu tú đưa ra nước ngoài để đào tạo. Trong số những thanh niên được Bác Hồ quan tâm có anh Lý Tự Trọng – người sau này đã hy sinh vì sự nghiệp cách mạng. Khi tổ chức Đoàn, Đảng đã giao trách nhiệm lịch sử cho Đoàn trực tiếp phụ trách chỉ đạo các tổ chức thiếu niên, nhi đồng. Sau nhiều năm bôn ba xứ người tìm con đường giải phóng cho dân tộc. Trở về nước tháng 2/1941, thời gian chưa được bao lâu Người đã trực tiếp chỉ đạo Hội nghị Ban chấp hành trung ương Đảng lần thứ VIII vào tháng 5/1941 chủ trương thành lập Mặt trận Việt Minh bao gồm nhiều tổ chức yêu nước. Cũng trong thời gian ấy, theo chỉ thị của Đảng tổ chức Đội Thiếu niên Tiền phong và Đội Nhi đồng cứu quốc đã được thành lập tại Pắc Pó (Cao Bằng) do Đoàn Thanh niên cứu quốc (nay là Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh) trực tiếp phụ trách. Ngày 15/5/1941 đã được Ban chấp hành Trung ương Đảng đồng ý lấy là ngày chính thức thành lập Đội. Sau ngày thành lập, vâng theo lời Bác dạy, những thành viên trong đội cùng cha anh tích cực làm cách mạng, Đội thiếu nhi cứu quốc được thành lập ở khắp các địa phương trong cả nước. Thời kỳ này Đội hoạt động chủ yếu nhằm vào mục đích “Dự bị vào giúp đánh Tây, đánh Nhật làm cho Việt Nam hoàn toàn độc lập”. Các đội viên, thiếu nhi tích cực tham gia hoạt động cách mạng như: làm liên lạc, trinh sát, bảo vệ xóm làng, bảo vệ cán bộ cách mạng, làm liên lạc cho các đội Cứu quốc quân, Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, tham gia lao động tiết kiệm, xóa mù chữ... Các em trong đội được tổ chức học chữ quốc ngữ, học hát những bài ca cách mạng. Khi nước nhà mới giành độc lập, trong ngày khai giảng đầu tiên của mùa Thu cách mạng, Bác gửi thư với lời lẽ thật chân thành, đầy xúc động: “Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang sánh vai cùng các cường quốc năm châu hay không, là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”(1). Mặc dù cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ, bận rất nhiều công việc trọng đại nhưng với các em ngày quốc tế thiếu nhi, Tết Trung thu Bác vẫn luôn quan tâm nhớ đến, cũng trong Tết Trung thu độc lập đầu tiên, Người gửi thiếu nhi Việt Nam hai bức thư trong vòng một tuần lễ. Hai bức thư ấy tràn đầy niềm vui, niềm tự hào vì nước nhà đã độc lập, các em thoát kiếp “bầy nô lệ trẻ con”:
“Trung thu trăng sáng như gương
Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng”.
Hay:                                                        
“Các cháu vui thay
Bác cũng vui thay
Thu sau so với thu này vui hơn”.
Khi nào cũng vậy, đến với trẻ em, viết cho trẻ em phong cách và văn phong của Bác thật giản dị, gần gũi. Rồi mỗi khi các em tích cực tham gia việc nhà giúp đỡ gia đình có công với cách mạng hay có thành tích xuất sắc trong học tập, Bác kịp thời viết thư và gửi quà khen ngợi:
“Vở này ta tặng cháu yêu ta
Tỏ chút lòng yêu cháu gọi là
Mong cháu ra công mà học tập
Mai sau cháu giúp nước non nhà”.
Việc đánh giặc, kháng chiến, kiến quốc là những công việc của người lớn, của các tổ chức cách mạng. Bác cũng thật đau lòng và xót xa khi trong chiến tranh đạn lửa các em thiếu nhi không những không có điều kiện để được chăm sóc, bảo vệ và học tập mà ngược lại với sức lực nhỏ bé của mình các em còn tham gia một phần việc của cách mạng. Sau Cách mạng Tháng Tám Hội Nhi đồng cứu vong được đổi tên thành Hội Nhi đồng cứu quốc. Đến tháng 3/1951, Hội đổi tên thành Đội Thiếu nhi Tháng Tám. Thời gian này các em đã tham gia công tác Trần Quốc Toản, giúp đỡ các gia đình thương binh liệt sĩ neo đơn. Và cũng có những tấm gương sáng tiêu biểu đã anh dũng hy sinh khắc sâu vào lịch sử cách mạng nước nhà như: Kim Đồng tấm gương tiêu biểu thời kỳ đầu cách mạng đã hy sinh ngay bên suối Lênin để bảo vệ cán bộ thoát khỏi vòng vây của kẻ thù. Lê Văn Tám, với danh hiệu bất tử Em bé đuốc sống, hay Dương Văn Nội (Hà Nội) tự tay bắn chết ba tên Pháp và hy sinh anh dũng tại trận phục kích địch ở trận Xấu Giá (Sơn Tây), Vừ A Dính (Lai Châu)... Những tấm gương anh dũng đó là niềm tin, là động lực thúc đẩy nhanh để kháng chiến của ta mau giành thắng lợi. Khi hòa bình lập lại, tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ hai (tháng 11/1956), Đội Thiếu nhi Tháng Tám được đổi tên thành Đội Thiếu niên Tiền phong – là tổ chức gồm cả lứa tuổi thiếu niên và nhi đồng. Đến ngày 19/3/1961, Ban Bí thư trung ương Đảng lại giao cho Trung ương Đoàn tổ chức riêng lứa tuổi nhi đồng vào Đội Nhi đồng Tháng Tám. Trong dịp kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Đội Thiếu niên Tiền phong, (tháng 15/5/1941 – 15/5/1961) Bác gửi thư chúc mừng và ân cần động viên các em Bác viết: Trong thời kỳ qua, từ Bắc đến Nam, thiếu niên và nhi đồng đã hăng hái tham gia cách mạng và kháng chiến, có những thiếu niên và nhi đồng đã oanh liệt hy sinh cho Tổ quốc, như Kim Đồng, Lê Văn Tám và nhiều cháu khác. Từ ngày hòa bình trở lại, ở miền Bắc có Đảng lãnh đạo, có Đoàn giúp đỡ, các cháu đều chăm chỉ học hành, tham gia lao động, cháu nào cũng ngoan. Bác vui lòng khen ngợi các cháu. Qua bức thư của Người gửi cho thiếu nhi, chúng ta thấy một điều hết sức lớn lao đó là với một tình yêu thương bao la, một tầm nhìn sâu rộng, Bác là người đầu tiên phát hiện và chỉ ra vai trò của thiếu nhi trong sự nghiệp cứu nước và xây dựng đất nước. Người cũng đã khẳng định thiếu nhi là lực lượng cách mạng trong công cuộc giải phóng đất nước, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Với niềm tin yêu của Bác dành cho, những lời chỉ bảo ân cần của Người được các em xem như là mục tiêu phấn đấu, là tiêu chuẩn để đánh giá những đội viên tiêu biểu của Đội như:
Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào
Học tập tốt, lao động tốt
Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt
Giữ gìn vệ sinh
Thật thà dũng cảm.
Cũng ngay trong lá thư này, Bác ân cần nhắc nhở thiếu niên nhi đồng: “Mai sau, các cháu sẽ là người chủ của nước nhà. Cho nên ngay từ rày, các cháu cần phải rèn luyện đạo đức cách mạng để chuẩn bị trở nên người công dân tốt, người cán bộ tốt của nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”(2).  
Vâng lời Bác, đội viên thiếu niên tiền phong đã không ngừng tu dưỡng và rèn luyện, tích cực xây dựng tổ chức đội góp phần nhỏ bé của mình vào sự nghiệp cách mạng của đất nước như: Phong trào “Trần Quốc Toản” do Bác Hồ phát động năm 1948, phong trào “Vì miền Nam ruột thịt”, “Việc nhỏ, chí lớn, chống Mỹ cứu nước”, “Làm nhiều việc tốt thực hiện Năm điều Bác Hồ dạy”. Từ đó đã có nhiều tập thể và cá nhân đội viên giành danh hiệu “Cháu ngoan Bác Hồ”, trong đó có những đội viên trở thành dũng sĩ diệt Mỹ, diệt ngụy như: Hồ Thị Thu... hay các anh hùng thiếu nhi quên thân mình hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, xây dựng xóm làng như: Trần Văn Thọ, Nguyễn Bá Ngọc, Trần Văn Uẩn...Từ những tấm gương đã đi vào lịch sử, trong nhiều năm qua, các phong trào và hoạt động của đội luôn gắn liền với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội, với mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh. Đội đã tổ chức các hoạt động giáo dục tạo cho thiếu niên nhi đồng biết vượt khó để học tập tốt, yêu khoa hoc, yêu lao động, biết tiết kiệm, biết giữ gìn vệ sinh... Từ các phong trào được xây dựng thời kỳ đầu như: Phong trào “Kế hoạch nhỏ” (1958) để tiết kiệm làm ra của cải vật chất xây dựng Nhà máy nhựa Thiếu niên Tiền phong đến năm 1959 đi vào hoạt động, Đoàn tàu lửa chạy trên tuyến đường sát Thống Nhất (1979), Khách sạn Khăn quàng đỏ (1987)... đã xây dựng nhiều cơ sở vật chất, phong trào văn hóa cho thiếu nhi và xã hội: Phong trào xây dựng Hợp tác xã Măng non, lập các quỹ “Hỗ trợ tài năng trẻ”, “Vì bạn nghèo” rồi đến các phong trào “Nghìn việc tốt”, “Nói lời hay làm việc tốt” “Áo lụa tặng bà”...Những hoạt động đó giáo dục các em lòng yêu nước, truyền thống cách mạng, những phẩm chất tốt đẹp của dân tộc và con người Việt Nam.
Chặng đường 70 năm qua, hào khí truyền thống và những trang sử vang dội của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh ngày càng tỏa sáng. Lịch sử và truyền thống ấy luôn gắn liền với phong trào thiếu nhi Việt Nam và trở thành một bộ phận không thể tách rời trong lịch sử của Đảng, của Đoàn Thanh niên và dân tộc... Với những cống hiến của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh và Thiếu niên nhi đồng Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Đội (15/5/1941 – 15/5/2001), Nhà nước ta đã trao tặng Huân chương Sao vàng – phần thưởng cao quý nhất của Đảng và Nhà nước cho Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh.
Bước vào thế kỷ mới – thế kỷ của sự phát triển vượt bậc về khoa học công nghệ và quá trình hội nhập nền kinh tế quốc tế của đất nước, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh hiểu được vai trò và nhiệm vụ của mình đã không ngừng nỗ lực vươn lên với những bước phát triển vượt bậc số đội viên được tăng lên hàng năm, số lượng tổng phụ trách và cán bộ phụ trách tận tụy, được đào tạo chuyên sâu có đủ năng lực để hoạt động trong các cơ sở Đội, Nhà thiếu nhi...Bên cạnh đó, trong những năm gần đây công tác xây dựng Đội đã có những biến chuyển tích cực: Đội ngũ phụ trách thiếu nhi được tăng cường cả về chất lượng và nội dung sinh hoạt phù hợp với nhu cầu của thiếu nhi, tổ chức sinh hoạt đội thường xuyên và liên tục gắn kết hoạt động từ trong công tác nhà trường với địa bàn dân phố nơi các em sinh sống, từ đó quan tâm chăm lo bồi dưỡng những đội viên ưu tú cho Đoàn thiết thực tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chặng đường phát triển và trưởng thành của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh gắn với những bước thăng trầm của lịch sử dân tộc, lớp lớp thế hệ đội viên đã đi qua và giờ đây đã trở thành những nhà lãnh đạo, những công dân ưu tú của xã hội vẫn đang miệt mài nghiên cứu có những đóng góp cho đất nước và những con người ấy đang từng ngày từng giờ phải làm bổn phận cao cả của mình đấy là chăm lo, bồi dưỡng “đàn em thân yêu”. Dưới sự lãnh đạo của Đảng đặc biệt là sự dìu dắt của Đoàn và sự quan tâm chăm lo của toàn xã hội, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh đang có những thuận lợi, thời cơ mới để tiếp bước cha anh rèn đức, luyện tài xây dựng tổ chức Đội ngày càng vững mạnh. Theo tinh thần Nghị Quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ IX và phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” cuộc vận động “Vì đàn em thân yêu” được đẩy mạnh và tạo ra những kết quả tích cực với hàng ngàn công trình vui chơi cho thiếu nhi, các lớp học tình thương mang lại niềm vui, điều kiện sinh hoạt, ánh sáng tri thức đến với học sinh và thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn. Cuộc vận động “Vòng tay bè bạn”, “Giúp bạn đến trường”, “Tấm áo tặng bạn”, “Thắp sáng ước mơ thiếu nhi Việt Nam” được tổ chức sâu rộng tại cơ sở Đội khơi dậy trong thiếu nhi và toàn thể xã hội tinh thần đoàn kết tương thân tương ái, chia sẻ khó khăn thiếu thốn tạo niềm tin và sự đồng lòng cùng thiếu nhi trên con đường biến ước mơ trở thành hiện thực. Trong số các cuộc vận động ấy, Cuộc vận động “Thiếu nhi Việt Nam thi đua thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy” thực sự là cuộc vận động tiêu biểu thể hiện lòng biết ơn vô hạn của thiếu nhi Việt Nam với Bác Hồ kính yêu, là động lực to lớn để các em ra sức phấn đấu thi đua học tập trở thành người chủ thật sự của một tương lai tươi sáng như sinh thời Bác Hồ kính yêu hằng mong đợi.
Chú thích:
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H. 2000, t.4, tr.33.
2. Sđd, NxbCTQG, H. 2002, t.10, tr.357.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây