Từ lúc tuổi còn thơ, tiếp xúc vói các nhà khoa bảng, văn thân như: Phan Bội Châu, Vương Thúc Oánh, Hồ Phi Huyền trong Bác đã sớm hình thành tinh thần “Trọng lão yêu nước”. Khi xuất dương sang Pháp lại được gần gũi với các nhà chí sĩ: Phan Văn Trường, Phan Chu Trinh thì tinh thần đó lại càng được Người củng cố hoàn chỉnh hơn. Đọc các bức thư viết cho cụ Phan Chu Trinh khi ở Pháp, chúng ta thấy toát lên tấm lòng “Kính già yêu nước” của người thanh niên Nguyễn Tất Thành. Với tinh thần: lớp trẻ phải gắn kết với cha anh để tiếp sức cho nhau trên con đường cứu nước, trong “Thư gửi ông Phan Chu Trinh” (năm 1914) Nguyễn Tất Thành viết.
“Bác kính mến!
Tiếng súng đang rền vang… cháu nghĩ trong ba hoặc bốn tháng, tình hình châu Á sẽ có chuyển biến…” Ở bức thư sau Nguyễn Tất Thành viết tiếp mấy vần thơ:
“Chọc trời, quấy nước tiếng đùng đùng
Phải có kiên cường mới gọi hùng…
… Ba hồi đạn thẩm hai tấc lưỡi
Sao cho ích giống mới cam lòng…”
Trong suốt cuộc đời làm cách mạng, Nguyễn Aùi Quốc – Hồ Chí Minh luôn gắn vận mệnh đất nước với trọng trách và công lao của mọi giới đồng bào, trong đó có các bậc phụ lão. Năm 1930 khi biên soạn “Diễn ca lịch sử đất nước”, Người mở đầu bằng hai câu thơ:
Dân ta phải biết sử ta
Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam
Lời thơ bình dân, mộc mạc dễ hiểu nhưng ý nghĩa lại rất sâu xa, bởi “gốc tích nước nhà Việt Nam” ắt hẳn trong đó có cả công lao của các bậc cao tuổi. Đúng vậy, đọc tiếp ta thấy Bác viết:
Lý Thường Kiệt là hiền nhân
Đuổi quân nhà Tống phá quân Xiêm Thành…
… Tuổi già phỉ chí công danh
Mà lòng yêu nước trung thành không phai…”
Trong công cuộc dựng nước và giữ nước, Bác luôn đề cao tinh thần “Lão đương ích tráng” của các bậc phụ lão và bản thân Người cũng luôn tiên phong thể hiện tinh thần đó. Người kêu gọi: “Hỡi các bậc phụ huynh, các bậc hiền huynh chí sĩ! Mong các ngài noi gương phụ lão đời Trần trước họa giặc Nguyên xâm lấn, đã nhiệt liệt hô hào con em tham gia sự nghiệp cứu nước…”. Và Người nêu rõ: “… Trách nhiệm của các vị phụ lão chúng ta đối với nhiệm vụ đất nước thật là trọng đại. Đất nước hưng thịnh do phụ lão gây dựng. Đất nước tồn tại, phụ lão giúp sức. Nước bị mất, phụ lão cứu nước… Dầu rằng mắt đã hoa, tay run chân mỏi nhưng một lời nói của phụ lão có ảnh hưởng đến giết giặc… Đồng bào cả nước đang ngẩng cao đầu mà trông chờ các bậc phụ lão”. Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ bùng nổ, Hồ Chủ tịch lại nói: “Tiếp tục truyền thống Diên Hồng vĩ đại, các cụ phụ lão cũng không vì tuổi cao tóc bạc mà hưởng thú thanh nhàn. Các cụ đều cố gắng góp phần tích cực vào công cuộc chống Mỹ cứu nước…
Tuổi cao chí khí càng cao
Chống Mỹ cứu nước già nào kém ai”
Đáp lại tinh thần “Trọng lão yêu nước” của Bác, phụ lão cả nước hăng hái thi đua đóng góp sức mình vào công cuộc kháng chiến và xây dựng đất nước. Từ việc khuyến khích con cháu tòng quân nhập ngũ, đến việc các cụ thành lập các đội Bạch đầu quân để tham gia giữ gìn trật tự trị an xóm làng, rồi phong trào “Phụ lão ba giỏi” hăng hay sản xuất, trồng cây gây rừng, cổ vũ bà con đặt “hũ gạo kháng chiến” “hũ gạo chống Mỹ cứu nước”. Các bà mẹ thức thâu đêm may áo cho chiến sĩ. Mẹ suốt (Quảng Bình) mấy năm ròng chèo thuyền dưới làn bom đạn giặc để đưa bộ đội qua sông, bà mẹ miền Nam đào hầm “giấu cả một sư đoàn dưới đất”, các cụ lão dân quân Hoằng Hóa (Thanh Hóa) tham gia trực chiến và đã bắn rơi máy bay giặc v.v…
Bác dạy chúng ta: “Đoàn kết, Đoàn kết, Đại đoàn kết. Thành công, thành công, Đại thành công” và Bác chỉ rõ: “Đại Đoàn kết dân tộc phải do phụ lão đi đầu”. Để phát huy tác dụng của vấn đề này Bác nói: “Chúng ta là bậc phụ lão, cần phải tinh thần đoàn kết trước để làm gương cho con cháu chúng ta…” rồi Người nêu ra những dẫn chứng thiết thực: “Đời xưa nhờ sự kêu gọi của các phụ lão, sự cố gắng của các thân hào, lòng nhiệt thành của quốc dân mà tổ tiên ta đã dẹp được nạn ngoại xâm, giữ vững đất nước. Ngày nay cũng do lòng yêu nước, do sự thân ái đoàn kết, do sự hăng hái hy sinh của các cụ phụ lão, các vị thân hào và toàn thể đồng bào, chúng ta nhất định chiến thắng…
Nguồn tin: baodaklak.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn