Thứ hai, chủ trương, chính sách liên quan đến NVNONN của Đảng và Nhà nước ta mang tính nhân văn, nhân đạo sâu sắc.
Đảng và Nhà nước luôn chú trọng việc chăm lo cho đồng bào ta ở nước ngoài. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành cho kiều bào tình cảm và sự quan tâm đặc biệt. Thấm nhuần tư tưởng của Người, các văn bản chỉ đạo của Đảng và Nhà nước trong công tác về NVNONN luôn nêu cao trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị và của toàn dân nhằm hỗ trợ NVNONN có địa vị pháp lý vững chắc, phát triển ổn định và hòa nhập sâu rộng vào xã hội sở tại, khơi dậy hơn nữa niềm tự hào, tự tôn dân tộc, quan hệ gắn bó với quê hương, đất nước. Kết luận số 12 của Bộ Chính trị yêu cầu công tác về NVNONN phải thể hiện rõ hơn tình cảm và trách nhiệm của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo cho cộng đồng NVNONN.
Thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, nhiều chính sách trên các lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, khoa học công nghệ, xuất nhập cảnh, quốc tịch, sở hữu nhà ở… được ban hành nhằm hỗ trợ và bảo đảm quyền lợi hợp pháp của NVNONN khi về nước.
Bên cạnh những chính sách cụ thể, lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước rất quan tâm, dành thời gian trực tiếp thăm hỏi bà con người Việt ở nhiều nước trên thế giới trong các chuyến công tác nước ngoài. Nhiều sự kiện, hoạt động với các hình thức đa dạng, phong phú được thường xuyên tổ chức cả trong và ngoài nước nhằm tạo điều kiện cho NVNONN bày tỏ tâm tư, nguyện vọng của mình với quê hương, đất nước. Hoạt động hỗ trợ địa vị pháp lý và đời sống cho bà con, nhất là ở địa bàn khó khăn, được triển khai tích cực, kịp thời, hiệu quả. Ngoài ra, các cơ quan trong nước cũng quan tâm giải quyết các vấn đề do lịch sử để lại, tạo điều kiện thuận lợi cho NVNONN thăm viếng, tu sửa phần mộ thân nhân tại Nghĩa trang Bình An (tỉnh Bình Dương); cũng như hỗ trợ việc tìm kiếm, cải táng hài cốt những người phục vụ trong chế độ cũ và những người phục vụ trong chế độ cũ qua đời trong thời gian cải tạo…
Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, trong đó luôn ghi nhận và đề cao nguồn lực của cộng đồng NVNONN. Đáp lại, NVNONN cũng luôn có mong muốn và tự nguyện cống hiến cho đất nước, cho dân tộc. Đó cũng là nhân tâm thiên lý và tình nghĩa một nhà.
Nhìn lại lịch sử, ngay từ những ngày đầu bảo vệ Tổ quốc Việt Nam non trẻ, ghi nhận và đánh giá cao tài năng của những kiều bào yêu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi các trí thức NVNONN như bác sĩ Trần Hữu Tước, kỹ sư Võ Quý Huân, kỹ sư Phạm Quang Lễ… về nước, góp sức cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đáp lại sự tận tụy, sự cống hiến không màng danh lợi của các trí thức kiều bào, ngoài những danh hiệu, phần thưởng cao quý, Đảng và Nhà nước đã vinh danh tên tuổi của họ, đặt thành tên của nhiều tuyến đường, để con cháu đời sau mãi khắc ghi sự hi sinh to lớn của thế hệ cha anh đi trước đối với nước nhà. Trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và Đổi mới, được sự ghi nhận, đánh giá cao của Đảng và Nhà nước, đông đảo NVNONN tiếp tục đóng góp đắc lực cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Trong số những NVNONN tiêu biểu, phải kể tới 04 trí thức NVNONN tại Pháp, Nhật Bản, Mỹ và Singapore tham gia Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016 -2021, 01 chuyên gia NVNONN là thành viên Tổ tư vấn của Ủy ban Quốc gia Đổi mới Giáo dục của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2016 -2021 và 16 NVNONN được bầu làm Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa IX, nhiệm kỳ 2019 - 2024. Những đóng góp quý báu về nhân lực, tài lực, trí lực, vật lực của người Việt Nam trên toàn thế giới trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 tại Việt Nam luôn được Đảng, Nhà nước và Nhân dân trong nước ghi nhận, trân quý.
Như vậy, không nằm ngoài đường lối chung của Đảng và Nhà nước ta về công tác NVNONN, Đề án Phát huy nguồn lực tiếp tục thể hiện chủ trương đại đoàn kết toàn dân tộc, đề ra một trong những mục tiêu là hỗ trợ cộng đồng NVNONN phát triển, có vị thế ở nước sở tại và một trong ba nhóm giải pháp là bồi dưỡng, phát triển cộng đồng NVNONN ở nước sở tại. Đề án cũng minh chứng cho sự tiếp tục ghi nhận, đánh giá cao những đóng góp của cộng đồng NVNONN trên con đường thực hiện hóa mục tiêu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của Đảng và Nhà nước ta.
Hiện nay, có hơn 5,3 triệu người Việt Nam sinh sống, học tập và làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, với khoảng 1.000 hội đoàn người Việt trên toàn thế giới, trong đó có trên 500 hội đoàn có sự gắn bómật thiết với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Các tổ chức hội đoàn NVNONN ngày càng lớn mạnh; phát triển về số lượng, thành phần; đa dạng, phong phú về hoạt động với cơ cấu tổ chức ngày càng được kiện toàn, củng cố; được chính quyền sở tại công nhận, tạo điều kiện trong hoạt động.
Việc thành lập các hội đoàn NVNONN xuất phát từ nhu cầu của kiều bào trong việc gắn kết với nhau và với đất nước. Hội đoàn NVNONN ra đời, trở thành lực lượng nòng cốt, hạt nhân đoàn kết, trung tâm kết nối, điểm tựa về cả tinh thần và vật chất cho NVNONN. Vì lẽ đó, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm, mong muốn duy trì và phát triển mạng lưới hội đoàn NVNONN với mục đích trên hết, trước hết là phục vụ lợi ích của cộng đồng, giúp cộng đồng ngày càng lớn mạnh cả về lượng và chất, ổn định cuộc sống, hội nhập sâu rộng vào xã hội sở tại, đồng thời duy trì bản sắc văn hóa truyền thống, lan tỏa niềm tự hào dân tộc và đóng góp cho sự phát triển của đất nước.
Có thể thấy, các lập luận của lực lượng phản động cực đoan người Việt lưu vong ở nước ngoài trong cái gọi là “Bản lên tiếng về chủ trương mới của Đảng Cộng sản Việt Nam nhằm khai thác người Việt tại hải ngoại” đều là xuyên tạc, bóp méo sự thật. Với chiêu thức ngày càng tinh vi, lực lượng này vẫn sẽ tiếp tục sử dụng các con bài cũ nhằm bôi nhọ uy tín và hạ thấp vai trò của Đảng và Nhà nước ta. Song, với xu thế phát triển của cộng đồng NVNONN, chúng chỉ là nhóm thiểu số với quy mô hoạt động ngày càng suy giảm và tiếng nói ngày càng mất trọng lượng.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn