Không thể xuyên tạc kết quả và tác động tích cực của cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng ở Việt Nam

Thứ tư - 12/06/2024 15:07
Không thể xuyên tạc kết quả và tác động tích cực của cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng ở Việt Nam
Với dã tâm không thay đổi, các thế lực phản động, thù địch vẫn tiếp tục xuyên tạc, phủ nhận kết quả phòng chống tham nhũng và phủ nhận những tác động tích cực của cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng ở Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế sinh động, trong đó có chỉ số PAPI 2023 là minh chứng khẳng định những kết quả bước đầu rất quan trọng và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực “đã trở thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược”; và đây cũng là minh chứng bác bỏ mọi sự xuyên tạc, chống phá của các thế lực phản động, thù địch.

Trong thời gian qua, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đang được Đảng, Nhà nước ta đẩy mạnh với tinh thần “kiên quyết, kiên trì” hướng tới mục tiêu “xây dựng Đảng, Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Nhiều vụ đại án có liên quan đến tham nhũng, tiêu cực được đưa vào diện Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi, chỉ đạo xử lý; nhiều vụ việc được xét xử kịp thời với các bản án nghiêm khắc được đông đảo nhân dân đồng tình ủng hộ. Qua đó, không chỉ thu hồi được tài sản của Nhà nước; củng cố niềm tin của các đối tác kinh tế trong và ngoài khu vực mà còn củng cố niềm tin của nhân dân vào công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói riêng và vai trò lãnh đạo của Đảng nói chung, góp phần quan trọng trong việc gia tăng vị thế, hình ảnh và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế,…
 

image14042024085311

PAPI là chương trình nghiên cứu về quản trị do Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam khởi xướng từ năm 2009, đo lường và so sánh trải nghiệm cũng như cảm nhận của người dân về hiệu quả và chất lượng thực thi chính sách và cung cấp dịch vụ công của chính quyền địa phương ở 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam với mục tiêu thúc đẩy quản trị công hiệu quả và nâng cao niềm tin của người dân vào hoạt động của nền hành chính công. Chỉ số PAPI được đo lường dựa trên 8 tiêu chí: Sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công (tiêu chí này được đo lường với các chỉ số thành phần như: kiểm soát tham nhũng trong chính quyền; kiểm soát tham nhũng trong cung ứng dịch vụ công; công bằng trong tuyển dụng vào nhà nước và quyết tâm chống tham nhũng); thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công; quản trị môi trường và quản trị điện tử.

Với 19.536 người trên địa bàn 63 tỉnh, thành phố tham gia khảo sát của PAPI năm 2023 (tăng 3.703 người so với năm 2021), kết quả cảm nhận của người dân về công tác kiểm soát, xử lý tham nhũng trong khu vực công ở địa phương có cải thiện đáng kể từ 6,71 năm 2022 điểm lên 6,77 điểm năm 2023; vấn đề tham nhũng giảm từ vị trí quan tâm thứ 5 xuống vị trí thứ 6 trong top 10 vấn đề đáng quan tâm nhất của người dân ở địa phương.

Những chỉ số trên đây cho thấy: Thứ nhất, các kết quả chống tham nhũng của Việt Nam không chỉ được nhân dân trong nước mà còn cả các tổ chức uy tín quốc tế thừa nhận; Thứ hai, vấn đề chống tham nhũng đã được người dân coi như một việc làm tất yếu trong quá trình xây dựng đất nước; Thứ ba, mặc dù cảm nhận của người dân về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng có cải thiện chậm nhưng đó là sự tin tưởng, ủng hộ của một lực lượng xã hội đông đảo với “trăm tay nghìn mắt”, mang trong mình sứ mệnh, trách nhiệm lớn lao cùng với Đảng, Nhà nước và các tổ chức khác trong hệ thống chính trị xây dựng một nước Việt Nam ngày càng hùng cường, thịnh vượng.

Thực tế cũng cho thấy, việc đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực không “làm ảnh hưởng xấu đến kinh tế Việt Nam”, không làm nhụt chí người năng động, sáng tạo, và không hề kìm hãm sự phát triển của đất nước. Tính đến ngày 20/12/2023, vốn FDI vào Việt Nam đạt 36,61 tỉ USD, tăng 7,5% so với năm 2022, giải ngân đạt 23,18 tỉ USD - mức cao kỉ lục trong giai đoạn 2018 – 2023; nhiều tập đoàn lớn với số vốn lên tới hàng nghìn tỷ USD đã và đang có kế hoạch đầu tư tại Việt Nam như: Apple, Boeing, LEGO Group, Nvidia…; GDP bình quân đầu người của Việt Nam cuối năm 2023 theo báo cáo của Tổng cục Thống kê đạt 4.284,5 USD/người/năm, tăng 160 USD so với năm 2022 trong bối cảnh trong nước, khu vực và quốc tế gặp rất nhiều khó khăn đã là một sự nỗ lực rất lớn; về mặt đối ngoại, năm 2023 Việt Nam đón tiếp 28 đoàn lãnh đạo cấp cao nước ngoài, trong đó có nhiều nguyên thủ như: Tổng thống Mỹ Joe BidenChủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận BìnhThủ tướng Campuchia Hun ManetThủ tướng Malaysia Anwar IbrahimThủ tướng Singapore Lý Hiển Long, Thủ tướng Úc Anthony Albanese, Thủ tướng Luxembourg Xavier BettelTổng thống Hàn Quốc Yoon Suk YeolThủ tướng Hà Lan Mark Rutte, trong số 5 nước thường trực Hội đồng bảo an Liệp hợp quốc thì Việt Nam đã là đối tác chiến lược toàn diện của 3 nước, trong đó có 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới là Mỹ và Trung Quốc,…

Những minh chứng sống động đó không chỉ là sự khẳng định với nhân dân trong nước và bạn bè thế giới về những tác động tích cực của công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam mà còn làm cho những luận điệu của các thế lực phản động, thù địch càng trở nên trơ trẽn và nực cười.

Nguồn: http://thinhvuongvietnam.com/

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây