Phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ

Thứ tư - 03/01/2024 14:48
Phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ

Tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ đang là căn bệnh nguy hại, ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng. Nó tạo ra trong Đảng những con người không chỉ “kém”, “vô dụng”, “làm việc gì cũng khó”, mà còn tạo ra những kẻ phá hoại, sẵn sàng hy sinh lợi ích của Đảng, nhân dân, dân tộc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Cán bộ là gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Trong cách mạng giải phóng dân tộc hay trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng ta luôn thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, để xác định công tác cán bộ là nhiệm vụ then chốt, sống còn của Đảng. Đã có những thế hệ cán bộ dám xả thân, hy sinh vì độc lập tự do của dân tộc; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm để đổi mới, sáng tạo, đột phá vì lợi ích chung. Trong điều kiện kinh tế thị trường, cạm bẫy “kim tiền” luôn bủa vây, một bộ phận không nhỏ cán bộ tha hóa, biến chất, sa vào chủ nghĩa cá nhân, tham nhũng, tiêu cực... Song, thực hiện Chiến lược cán bộ hiệu quả, đa phần cán bộ, đảng viên của Đảng vẫn giữ được bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, vẫn ngày ngày nỗ lực cống hiến vì nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới.
Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu: “Công tác cán bộ đã có nhiều đổi mới theo hướng ngày càng dân chủ, công tâm, khách quan, công khai, minh bạch hơn; đúng nguyên tắc, đúng quy trình, bảo đảm sự lãnh đạo chặt chẽ của Đảng. Nhiều quy định được ban hành đồng bộ, khả thi, đã giải quyết được không ít vấn đề tồn tại trước đây...”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì phiên họp thứ 23 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì phiên họp thứ 23 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Tuy vậy, không phải Đảng không đứng trước những vấn đề bất cập, hạn chế, khuyết điểm trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ cho Đảng và cả hệ thống chính trị. Trong đó, tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ đang là căn bệnh nguy hại, ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng. Nó tạo ra trong Đảng những con người không chỉ “kém”, “vô dụng”, “làm việc gì cũng khó”, mà còn tạo ra những kẻ phá hoại, sẵn sàng hy sinh lợi ích của Đảng, nhân dân, dân tộc. Họ khiến nhân dân mất niềm tin, khiến mục tiêu, lý tưởng xã hội chủ nghĩa đứng trước nguy cơ chệch hướng…
Thẳng thắn nhìn nhận vấn đề này, Ban Chấp hành Trung ương Đảng từng chỉ rõ: “Công tác cán bộ có mặt chưa đáp ứng yêu cầu, còn tình trạng khép kín; việc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý ở một số bộ, ngành, địa phương có trường hợp chưa thực hiện đúng quy trình, thủ tục nhưng việc xử lý còn chậm và chưa thống nhất; thậm chí có trường hợp bổ nhiệm thần tốc, bổ nhiệm không đủ điều kiện, tiêu chuẩn, thiếu minh bạch, cục bộ… gây bức xúc trong dư luận. Trong một số trường hợp,việc đánh giá năng lực, phẩm chất cán bộ chưa đúng thực chất, dẫn đến tình trạng có cán bộ, thậm chí là cán bộ cấp cao vừa được bổ nhiệm trong thời gian ngắn đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống gây hậu quả nghiêm trọng”.
Nguy hại là vậy, song có thể nhận diện ai - tổ chức, cá nhân nào - tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ? Hành vi của họ là gì? Ai, với lý do gì khiến các tổ chức, cá nhân nói trên sa vào tham nhũng, tiêu cực? Và, cần làm gì để đấu tranh phòng chống?
Trên thực tế, có thể tìm thấy câu trả lời từ trong di sản tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong văn kiện của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trong các bài viết, bài nói tâm huyết của các lãnh tụ cách mạng tiền bối, của cán bộ, đảng viên và đông đảo nhân dân đang góp mình vào công tác xây dựng, chỉnh dốn Đảng. Gần đây, việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền được quy định cụ thể tại Quy định 205-QĐ/TW ngày 23/9/2019 của Bộ Chính trị khóa XII; tiếp đó, việc kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ được Bộ Chính trị khóa XIII kế thừa, bổ sung, phát triển nội dung Quy định số 205-QĐ/TW, và thay thế bằng Quy định số 114-QĐ/TW ngày 11/7/2023.
Với 5 chương, 16 điều, phạm vi điều chỉnh của Quy định 114-QĐ/TW là về hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ; trách nhiệm kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ và xử lý vi phạm.
Những hành vi tham nhũng, tiêu cực được nhận diện ở việc lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, chạy chức, chạy quyền và các hành vi tiêu cực khác của những tổ chức, cá nhân có quyền lực trong công tác cán bộ.

Quyền lực trong công tác cán bộ là thẩm quyền của các cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, cơ quan, đơn vị có thẩm quyền quản lý, quyết định công tác cán bộ theo phân cấp và cơ quan tham mưu, chuyên môn giúp việc về công tác cán bộ; người đứng đầu và các thành viên của các tổ chức nói trên. Quyền lực đó thể hiện trong từng khâu liên quan đến công tác cán bộ, như: tuyển dụng, đánh giá, lấy phiếu tín nhiệm, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, tuyển chọn, bố trí, phân công, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giới thiệu ứng cử, tái cử, chỉ định, điều động, luân chuyển, biệt phái; phong, thăng, giáng, tước quân hàm; cho thôi giữ chức vụ, thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội, hội đồng nhân dân; tạm đình chỉ, đình chỉ chức vụ, cho từ chức, miễn nhiệm, cách chức; khen thưởng, kỷ luật; kiểm tra, giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo; thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ và bảo vệ chính trị nội bộ.

Trách nhiệm kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ được quy định cho nhiều nhóm chủ thể. Đó là các tổ chức, cá nhân có quyền lực trong công tác cán bộ; là nhân sự (người được cấp có thẩm quyền xem xét, thực hiện quy định, quy trình, quy chế, quyết định về công tác cán bộ); là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các cơ quan dân cử; là từng cán bộ, đảng viên, đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân. Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, các chủ thể có trách nhiệm phải tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo, theo dõi, phát hiện, tiếp nhận, phản ánh, xử lý… đối với hành vi vi phạm và khen thưởng đối với tổ chức, cá nhân có thành tích trong kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có hiệu quả.

Quy định đã rõ, chế tài cũng nghiêm khắc, song hiệu quả của công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ đến đâu, phụ thuộc vào sự nỗ lực của nhiều chủ thể.

Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy: “Đảng không phải là tổ chức làm quan phát tài”. Nhưng “Đảng từ trong xã hội mà ra”, vì vậy, những gì có trong xã hội đều có thể có trong Đảng. Nếu đó là đạo đức, là văn minh, thì Đảng sẽ mãi mãi là người soi đường cho dân tộc ta tiến tới. Nếu đó là tệ nạn, là thói xấu chưa được gột rửa, thậm chí là mới phát sinh, thì nguy cơ của Đảng, của chế độ là hiển hiện.

Nỗ lực, quyết tâm, kiên quyết, kiên trì phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong thực hiện nhiệm vụ “then chốt của then chốt”, sẽ loại trừ được những kẻ “lẻn vào Đảng” rồi chạy chức, chạy quyền, chui sâu, leo cao bằng mọi giá, để “làm quan” và “phát tài”. Kiểm soát tốt, phòng chống hiệu quả tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ sẽ nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng, sẽ thu hút, động viên được người có đủ đức-tài đến với Đảng, cống hiến cho đất nước. Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội dù xa, dù khó khăn, song có đội ngũ cán bộ đức tài dẫn đường, nhân dân Việt Nam sẽ tiếp tục làm nên những kỳ tích lịch sử.

Nguồn: http://thinhvuongvietnam.com/


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây