|
TÀI LIỆU SINH HOẠT CHI ĐOÀN
Tháng 4/2021
Lưu hành nội bộ |
HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH
|
Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng tổ chức Đoàn vững mạnh, mở rộng mặt trận đoàn kết, tập hợp thanh niên
1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng tổ chức đoàn vững mạnh
Sinh thời chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặc biệt quan tâm vấn đề tổ chức thanh niên, xuất phát từ sự đánh giá của Người về vai trò và khả năng cách mạng của thanh niên trong tiến trình lịch sử. Người thấy rõ, muốn giải phóng dân tộc, muốn thành công xã hội mới, thanh niên phải được giáo dục, bồi dưỡng và tổ chức lại thành lực lượng, xuất phát từ vai trò, vị trí, quyết định của họ trong cách mạng. Theo Người: “… nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên”. Mục đích cuối cùng của việc nhìn nhận, đánh giá đúng vai trò và khả năng cách mạng của thanh niên theo quan điểm Hồ Chí Minh là để tổ chức thanh niên thành lực lượng chính trị hùng hậu của Đảng.
Để phát huy vai trò của thanh niên, Hồ Chí Minh rất coi trọng nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục và tổ chức thanh niên. Người viết: “Ở Đông Dương, chúng ta có tất cả những cái mà một dân tộc có thể mong muốn… nhưng chúng ta thiếu tổ chức và thiếu người tổ chức”. Để đi tới việc thành lập Đảng, Hồ Chí Minh đã hình thành một tổ chức của thanh niên - Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội, với tư cách là tiền thân của Đảng. Đây chính là sự thể hiện trong thực tiễn luận điểm quan trọng của Người về hồi sinh thanh niên, thức tỉnh thanh niên không chỉ bằng báo chí, tuyên truyền mà phải tổ chức họ lại, đưa họ ra đấu tranh.
Hồ Chí Minh nhiều lần nhấn mạnh đến xây dựng một tổ chức thanh niên Cộng sản làm cánh tay và đội hậu bị cho Đảng. Trong quan điểm của Người: Đoàn “Là cánh tay đắc lực của Đảng để thực hiện những chủ trương và chính sách cách mạng;, trong việc tổ chức và giáo dục thế hệ thanh niên và nhi đồng thành những chiến sĩ tuyệt đối trung thành với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đoàn không chỉ là cánh tay mà còn là “…đội hậu bị của Đảng”,nghĩa là, Đoàn là một tổ chức chính trị gần Đảng nhất và chỉ lớp người đi sau trong mối quan hệ với lớp chiến sỹ cách mạng đàn anh đi trước.
Về chức năng của Đoàn, Hồ Chí Minh còn chỉ rõ Đoàn là: “Người phụ trách dìu dắt các cháu nhi đồng”. Trong quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chức năng của Đoàn Thanh niên được thể hiện hoàn chỉnh trong các mối quan hệ cơ bản nhất phản ánh tính chất của Đoàn là “đội xung kích cách mạng”.
Đoàn muốn mạnh thì mỗi thành viên trong tổ chức đều mạnh. Như vậy, rõ ràng chất lượng của tổ chức Đoàn được nâng lên từ chất lượng của từng đoàn viên. Đây chính là mối quan hệ giữa số lượng và chất lượng đoàn viên trong tổ chức đoàn. Báo cáo chính trị tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ nhất (2/1950) đã nêu lên vấn đề sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, do chạy theo số lượng nên nhiều địa phương đã phát triển theo kiểu “đánh trống ghi tên”. Đại hội đã nghiêm khắc phê phán hiện tượng này và đề ra những chủ trương phải xây dựng, củng cố tổ chức Đoàn với tư cách là “Một tổ chức trung kiên” của thanh niên có lòng yêu nước, tự nguyện phấn đấu cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc và xây dựng chế độ dân chủ nhân dân.
Luận điểm của Hồ Chí Minh về mối quan hệ giữa số lượng và chất lượng đoàn viên rất rõ ràng. Người nhiều lần khẳng định: “Tổ chức của Đoàn phải rộng hơn Đảng… Cố nhiên, khi kết nạp đoàn viên cần phải lựa chọn cẩn thận những thanh niên tốt”; “Cần phải phát triển Đoàn hơn nữa, nhưng phải chọn lọc cẩn thận, trọng chất lượng hơn số lượng”. Như vậy, trước yêu cầu nhiệm vụ cách mạng càng khó khăn phức tạp, Người yêu cầu về chất lượng đoàn viên ngày càng cao hơn. Chất lượng cán bộ, đoàn viên được Hồ Chí Minh xác định trong 5 điều Người dạy đoàn viên, thanh niên trong thư Người gửi cho tuổi trẻ cả nước nhân kỷ niệm lần thứ 20 ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2/9/1945):
“- Phải luôn nâng cao chí khí cách mạng “trung với nước, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Không sợ gian khổ, hy sinh, hăng hái thi đua tăng gia sản xuất và anh dũng chiến đấu, xung phong đi đầu trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước.
- Phải tin tưởng sâu sắc ở lực lượng và trí tuệ của tập thể, của nhân dân. Tăng cường đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau. Nâng cao ý thức tổ chức và kỷ luật. Kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tự do.
- Luôn trau dồi đạo đức cách mạng, khiêm tốn và giản dị. Chống kiêu căng, tự mãn. Chống lãng phí, xa hoa. Thực hành tự phê bình và phê bình nghiêm chỉnh, để giúp nhau cùng tiến bộ mãi.
- Luôn chú ý dìu dắt và giáo dục thiếu niên và nhi đồng, làm gương tốt mọi mặt để đàn em noi theo”.
Để từng bước hình thành những phẩm chất trên, Hồ Chí Minh yêu cầu từng đoàn viên cần ý thức sâu sắc về vai trò, vị trí của mình trong tổ chức đoàn và trong các tập thể thanh niên để ra sức tu dưỡng, rèn luyện. Ra sức học tập nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, khoa học kỹ thuật và quân sự để cống hiến ngày càng nhiều cho Tổ quốc, cho nhân dân.
Theo quan điểm Hồ Chí Minh, Đảng phải trực tiếp lãnh đạo việc xây dựng, củng cố tổ chức đoàn để đoàn trở thành lực lượng tiên phong chiến đấu của thanh niên, đội hậu bị của Đảng và đặt ra yêu cầu cán bộ, đảng viên phải trực tiếp chăm lo xây dựng, củng cố Đoàn. Nói chuyện tại lớp bồi dưỡng cán bộ đảng cấp huyện (tháng 1/1967), Hồ Chí Minh căn dặn chi bộ phải chăm lo xây dựng Đoàn Thanh niên cho thật tốt, vì“Đoàn viên và các đội thanh niên xung phong là cánh tay của chi bộ”.
Khi đến thăm các địa phương, đơn vị cơ sở, hoặc thay mặt Trung ương Đảng kêu gọi cán bộ, đảng viên, cũng như khi nhắc tới đảng viên, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhắc tới đoàn viên. Trong lễ chúc mừng Đảng ta 30 tuổi (1/1960), Hồ Chí Minh thay mặt Trung ương kêu gọi: “...toàn thể đảng viên và đoàn viên thanh niên lao động, bất kỳ ở cương vị nào, làm công việc gì đều phải trau dồi đạo đức cách mạng, tẩy trừ chủ nghĩa cá nhân, cố gắng học tập chính trị, văn hóa và khoa học kỹ thuật, làm tốt công tác kinh tế, tài chính, gương mẫu trong mọi việc làm”. Đối với Người hai khái niệm đảng viên và đoàn viên luôn đi liền với nhau.
Để Đoàn phát triển mạnh mẽ, vững chắc, theo Hồ Chí Minh cần phải phát động phong trào thi đua yêu nước, vì: “Phong trào thi đua yêu nước làm nảy nở ra nhiều thanh niên tích cực và tiên tiến ở các ngành, các nghề. Đó là điều kiện thuận lợi giúp cho Đoàn phát triển mạnh mẽ và vững chắc”. Vì vậy, xây dựng củng cố tổ chức Đoàn không chỉ là giữ sinh hoạt cho đều, nắm được danh sách đoàn viên, thu được đoàn phí, tổ chức học tập lý luận … mà quan trọng nhất là phải thông qua hoạt động thực tiễn, qua phong trào hành động từ đó phát hiện những nhân tố tích cực mà bồi dưỡng, tuyển chọn để đưa vào Đoàn nhằm tăng sức chiến đấu cho Đoàn. Tổ chức đoàn chỉ có thể phát triển và trở thành vững mạnh khi thực hiện tốt vai trò đầu tàu, quy tụ thanh niên tham gia phấn đấu cho mục đích lý tưởng. Người dạy: “Thanh niên phải làm xung phong đến những nơi khó khăn, gian khổ nhất. Nơi nào người khác làm ít kết quả, thanh niên phải xung phong đến làm cho tốt”.
2. Tư tưởng Hồ Chí Minh về mở rộng mặt trận đoàn kết, tập hợp thanh niên
Một là, mục tiêu của tổ chức, tập hợp thanh niên là để xây dựng tổ chức đoàn vững mạnh
Mục tiêu của đoàn kết, tập hợp thanh niên là hình thành một mặt trận rộng lớn, một nhiệm vụ rất quan trọng của Đoàn mà Người luôn căn dặn phải thực hiện cho tốt. Người chỉ ra rằng muốn xây dựng và phát triển Đoàn thành một lực lượng vững chắc trước hết phải đoàn kết, tập hợp rộng rãi các tầng lớp thanh niên, tránh cô độc, hẹp hòi.
Huấn thị tại Đại hội Đoàn Thanh niên Cứu quốc Hà Nội (27/9/1945) điều đầu tiên Người nêu ra là thanh niên phải hình thành một mặt trận thống nhất. Đầu năm 1946, Hồ Chí Minh chỉ thị thành lập Mặt trận đoàn kết thanh niên do Đoàn Thanh niên Cứu quốc làm trụ cột, lấy tên là Tổng đoàn Thanh niên Việt Nam (sau đổi tên là Liên đoàn Thanh niên Việt Nam). Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Vì thanh niên là người tiếp sức cách mạng cho thế hệ thanh niên già, đồng thời phụ trách dìu dắt thế hệ thanh niên tương lai - tức là các cháu nhi đồng”, nên thanh niên phải được đoàn kết, tập hợp lại.
Hai là, cần phải đưa thanh niên vào các loại hình tổ chức thích hợp để ai cũng được giáo dục, rèn luyện, trưởng thành.
Tại Đại hội xứ Đoàn Thanh niên Cứu quốc Bắc Bộ (25/11/1945), huấn thị với các đại biểu, Hồ Chí Minh phê bình: “Trong tổ chức thanh niên vẫn còn giữ một xu hướng chật hẹp, không bao bọc được nhiều giai tầng, không kéo được đại đa số thanh niên”. Vì lẽ đó, đến đầu năm 1946, Hồ Chí Minh chỉ thị phải hình thành Mặt trận đoàn kết thanh niên.
Năm 1950, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta chuyển sang giai đoạn mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra sáng kiến thành lập các đơn vị thanh niên xung phong công tác mà Người cho rằng đây là nơi tập hợp rộng rãi các đối tượng thanh niên và là trường học thực tiễn của thanh niên. Do sáng kiến độc đáo của Người nên lúc đó các đơn vị thanh niên xung phong công tác còn có tên gọi là Thanh niên xung phong của Bác Hồ. Thanh niên xung phong đã tồn tại và phát triển, trở thanh nơi tập hợp đội viên hoạt động ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước, đảm nhiệm những công việc ở nơi khó khăn gian khổ rất có hiệu quả, đồng thời là môi trường rèn luyện của nhiều thế hệ thanh niên nước ta.
Ba là, yêu cầu về hình thức và phương pháp đoàn kết, tập hợp các tầng lớp thanh niên.
Hồ Chí Minh yêu cầu tổ chức Đoàn các cấp: “Về phần mình, thì Đoàn cần phải nghiên cứu tìm ra những hình thức và phương pháp thích hợp để đoàn kết và tổ chức thanh niên một cách rộng rãi và vững chắc”. Theo Người, việc tìm tòi và ứng dụng có hiệu quả những hình thức, phương pháp thích hợp để đoàn kết, tập hợp các tầng lớp thanh niên là một quá trình nghiên cứu khoa học đòi hỏi tinh thần sáng tạo cũng như sự kiên trì, đặc biệt là đi sâu, đi sát thanh niên, hiểu được tâm tư, khát vọng của họ.
Bên cạnh việc tập hợp rộng rãi thanh niên tham gia, các hình thức, phương pháp phải có mục tiêu phấn đấu rõ ràng, có tính ổn định và triển vọng phát triển. Hồ Chí Minh khẳng định: “Đoàn kết là lực lượng mạnh nhất của chúng ta”, nghĩa là phát huy được lực lượng sẽ tạo ra sức mạnh. Người nhắc nhở cán bộ, đoàn viên “Phải thật thà đoàn kết và hợp tác với anh em thanh niên trong Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam”.
Bốn là, phải bảo đảm mối liên hệ thường xuyên, chặt chẽ, mật thiết giữa tổ chức đoàn với đông đảo thanh niên.
Điều kiện quyết định thắng lợi việc mở rộng mặt trận đoàn kết, tập hợp thanh niên theo quan điểm Hồ Chí Minh là: Muốn đoàn kết thì tất cả cán bộ, đoàn viên phải gương mẫu, phải giữ vững đạo đức cách mạng, phải khiêm tốn, cần cù, hăng hái, dũng cảm, “Phải xung phong trong mọi công tác; xung phong là đi trước, làm trước để lôi cuốn quần chúng, chứ không phải là xa rời quần chúng”. Và hơn thế muốn thực hiện đoàn kết, tập hợp đông đảo thanh niên, vấn đề sống còn của Đoàn là phải bảo đảm mối liên hệ chặt chẽ, mật thiết giữa tổ chức đoàn với đông đảo thanh niên, phải bồi dưỡng, đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ và chất lượng đoàn viên với phương châm “trọng chất hơn lượng”.
Đoàn Thanh niên trước hết là tổ chức của những thanh niên tiên tiến, nhưng Đoàn lại là người đại diện lợi ích chính đáng của thanh niên vì vậy Đoàn cũng là tổ chức của thanh niên, vì thanh niên. Vì vậy, theo Người: “Trong hoàn cảnh nào, Đoàn Thanh niên phải củng cố và phát triển hơn nữa”, chính là do yêu cầu tự thân của Đoàn. Một tổ chức quần chúng, từ quần chúng mà ra thì mối liên hệ với quần chúng là điều kiện tiên quyết để tồn tại và phát triển. Đó là mối quan hệ được xem như là máu thịt.
Theo Hồ Chí Minh: “Muốn củng cố và phát triển, thì Đoàn phải liên hệ rộng rãi và chặt chẽ với các tầng lớp thanh niên. Phải quan tâm đến đời sống công tác, học tập của thanh niên”. Mối liên hệ này được thể hiện trên cả hai mặt: Vừa rộng rãi, tức là không bỏ sót một đối tượng nào, lại vừa chặt chẽ. Chặt chẽ ở đây chính là sự gắn bó mật thiết để hiểu được những gì thanh niên đang cần đến Đoàn, đang mong mỏi Đoàn và ngược lại. Nhưng cao hơn thế, không chỉ nắm được, hiểu được mà còn “Phải quan tâm đến đời sống, công tác và học tập của thanh niên”. Người đặt vấn đề đời sống lên trên bởi lẽ thanh niên là lớp người mới bước vào đời, mới bắt đầu xây dựng cho mình cuộc sống tự lập nên họ thường gặp rất nhiều khó khăn; họ cần tìm đến Đoàn như là người bạn đồng hành gần gũi nhất để có thể chia sẻ và giúp đỡ họ. Thanh niên cần được tạo điều kiện để học tập và làm việc. Học tập để tích lũy kiến thức và làm việc để cống hiến. Đó là hai vấn đề mà ở bất cứ ở đâu, hoạt động trên lĩnh vực nào, thanh niên đều cần được giúp đỡ.
Nguồn: Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh
LỊCH SỬ NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC 30/4/1975
Mùa Xuân năm 1975, nhân dân Việt Nam ta đã ghi một chiến công vĩ đại nhất, hiển hách nhất trong lịch sử anh hùng của dân tộc: sau 55 ngày đêm tiến công thần tốc đã quét sạch toàn bộ chế độ thực dân kiểu mới của đế quốc Mỹ ở miền Nam, giải phóng miền Nam thân yêu, giành lại độc lập hoàn toàn cho đất nước.
Tháng Giêng năm 1973, Hiệp định Paris được ký kết. Mặc dầu đã bị thất bại nặng nề, đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai vẫn ngoan cố theo đuổi âm mưu áp đặt chủ nghĩa thực dân kiểu mới lên toàn bộ miền Nam nước ta. Chúng đã trắng trợn chà đạp hầu hết các điều khoản chủ yếu của Hiệp định, tiếp tục tiến hành cuộc chiến tranh thực dân kiểu mới trên quy môn lớn bằng các kế hoạch "tràn ngập lãnh thổ" và những cuộc hành quân "bình định" lấn chiếm vùng giải phóng, chồng chất muôn vàn tội ác đối với đồng bào ta.
Đánh giá đúng âm mưu của kẻ thù, Đảng ta nhận định rằng, bất kể trong tình huống nào, con đường giành thắng lợi của cách mạng miền Nam cũng phải là con đường bạo lực, kiên quyết dùng chiến tranh cách mạng đánh bại cuộc chiến tranh thực dân kiểu mới của Mỹ - ngụy.
Sau hai năm 1973, 1974 và nhất là từ chiến thắng giải phòng toàn tỉnh Phước Long, cục diện chiến trường miền Nam đã thay đổi một cách căn bản, có lợi cho ta. Hội nghị Bộ Chính trị Trung ương Đảng, tháng 10-1974 và đầu năm 1975, đã kịp thời đánh giá đúng lực lượng so sánh giữa ta và địch, vạch rõ sự xuất hiện của thời cơ lịch sử và hạ quyết tâm chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam, đánh bại hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược thực dân kiểu mới của Mỹ bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt mùa Xuân năm 1975.
Ngày 10-3-1975 cuộc Tổng tiến công chiến lược và nổi dậy vĩ đại được mở đầu bằng trận đánh hết sức táo bạo, bất ngờ của quân ta vào thị xã Buôn Mê Thuột - một vị trí then chốt, hiểm yếu trong hệ thống phòng ngự của quân địch ở Tây Nguyên. Trận đánh trúng huyệt đó đã làm rung chuẩn toàn bộ Tây Nguyên và bắt đầu quá trình sụp đổ không thể cứu vãn nổi của ngụy quân và ngụy quyền Sài Gòn. Sau thất bại nặng nề và choáng váng đó, quân ngụy phải rút khỏi Kon Tum và Plây Cu ngày 24-3, cả vùng Tây Nguyên rộng lớn đã được hoàn toàn giải phóng.
Một cao trào tiến công và nổi dậy đã dâng lên mạnh mẽ ở các tỉnh ven biển miền Trung Trung Bộ. Các tỉnh thành được giải phóng với một nhịp độ dồn dập.
(tham khảo đường link bên dưới)
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 đã toàn thắng. Miền Nam nước ta đã hoàn toàn giải phóng. Trong 55 ngày đêm chiến đấu dồn dập và thần tốc, anh dũng và táo bạo, quân và dân ta đã đập tan hoàn toàn bộ máy chiến tranh khổng lồ và hiện đại của quân ngụy đông tới 1.351.000 tên, được xếp vào loại mạnh nhất ở Đông Nam Á, đã xóa bỏ hoàn toàn bộ máy ngụy quyền từ trung ương tới cơ sở mà Mỹ đã dày công gây dựng và nuôi dưỡng từ hơn hai chục năm nay. Chế độ thực dân mới đã hoàn toàn bị sụp đổ. Tổng tiến công và nỗi dậy mùa Xuân 1975 đã đập tan toàn bộ lực lượng quân sự địch.
Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 đã kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến lâu dài nhất, gian khổ nhất và vĩ đại nhất trong lịch sử dân tộc, chấm dứt vĩnh viễn ách thống trị kéo dài 117 năm của đế quốc xâm lược trên đất nước ta, làm cho Tổ quốc ta vĩnh viễn độc lập, thống nhất và đưa cả nước ta tiến lên chủ nghĩa xã hội. Dân tộc ta bước vào kỷ nguyên phát triển rực rỡ nhất trong lịch sử 4.000 năm của mình - kỷ nguyên Độc lập, Tự do và Chủ nghĩa xã hội.
Đối với đế quốc Mỹ, đây là một thất bại nặng nề nhất, nghiêm trọng nhất trong toàn bộ lịch sử 200 năm của nước Mỹ. Thất bại đó đã đánh dấu một thời kỳ suy sụp mới, toàn diện của chủ nghĩa đế quốc Mỹ - "Thời kỳ sau Việt Nam" và khẳng định sự phá sản không tránh khỏi của chủ nghĩa thực dân kiểu mới.
Thắng lợi vĩ đại của dân tộc ta là một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính chất thời đại sâu sắc. Thắng lợi đó đã mở ra một thời kỳ mới vô cùng thuận lợi cho phong trào cách mạng thế giới, càng thúc đẩy mạnh mẽ thế tiến công chiến lược của ba dòng thác cách mạng.
Thắng lợi của Việt Nam một lần nữa làm sáng tỏ chân lý vĩ đại: "Trong thời đại ngày nay, khi các lực lượng cách mạng thế giới ở thế tiến công, một dân tộc nước không rộng, người không đông, song đoàn kết chặt chẽ và đấu tranh kiên quyết dưới sự lãnh đạo của một đảng Mác-Lê-nin có đường lối và phương pháp cách mạng đúng đắn, giương cao hai ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, được sự đồng tình ủng hộ và giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa, các lực lượng cách mạng và nhân dân tiến bộ trên thế giới, thì hoàn toàn có thể đánh thắng mọi thế lực đế quốc xâm lược, dù đó là tên đế quốc đầu sỏ" (nghị quyết Đại hội lần thứ IV của Đảng cộng sản Việt Nam).
Nguồn: www.lichsuvietnam.vn
Link tham khảo:
http://www.lichsuvietnam.vn/home.php?option=com_content&task=view&id=1005&Itemid=33
* Ngày tổng tuyển cử bầu quốc hội chung của cả nước (25/4/1976)
Ngày 25/4/1976, Nhân dân khắp hai miền Bắc- Nam nô nức tham gia Tổng tuyển cử bầu Quốc hội. Đây là lần thứ hai cuộc Tổng tuyển cử được tổ chức trên phạm vi cả nước, sau lần đầu tổ chức từ ngày 06/01/1946. Hơn 23 triệu cử tri (98.8% tổng số cử tri) đi bầu và đã bầu ra 492 đại biểu. Kết quả của Tổng tuyển cử là một thắng lợi có ý nghĩa quyết định trên con đường tiến tới hoàn thành thống nhất đất nước về mặt Nhà nước.
Ngày 24/6/1976, Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất, được gọi là Quốc hội khóa VI với ý nghĩa kế tục sự nghiệp của 5 khóa Quốc hội trước, họp kỳ đầu tiên tại Hà Nội. Quốc hội quyết định đặt tên nước Việt Nam thống nhất là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thông qua chính sách đối nội, đối ngoại, bầu các cơ quan, chức vụ lãnh đạo cao nhất của Nhà nước, quy định các nguyên tắc xây dựng bộ máy chính quyền các cấp, quy định quốc kỳ, quốc ca, bầu Ủy ban dự thảo Hiến pháp. Với kết quả của kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa VI, công việc thống nhất đất nước về mặt Nhà nước đã hoàn thành, đáp ứng nguyện vọng của quần chúng Nhân dân, đáp ứng yêu cầu tất yếu khách quan của sự phát triển cách mạng Việt Nam, tạo nên những điều kiện chính trị cơ bản để phát huy sức mạnh toàn diện của đất nước, tập trung cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thống nhất, mở ra khả năng to lớn để phát triển quan hệ với các nước trên thế giới. Những thành quả bước đầu trong sự nghiệp thống nhất đất nước năm đầu tiên sau hòa bình đã cho phép hai miền cùng bước vào thực hiện kế hoạch 5 năm trên phạm vi cả nước.
Nguồn: lichsuvietnam.vn
* Ngày Quốc tế lao động 1/5: Lịch sử và ý nghĩa
Ngày Quốc tế lao động, ngày hội của những người lao động toàn thế giới, được tổ chức vào 01/5 hàng năm.
Trong cuộc đấu tranh giữa tư bản và lao động, vấn đề thời gian lao động có ý nghĩa quan trọng. Ngay sau khi thành lập Quốc tế I năm 1864, Mác coi việc rút ngắn thời gian lao động là nhiệm vụ đấu tranh của giai cấp vô sản. Tại Đại hội I Quốc tế I họp tại Giơ-ne-vơ tháng 9/1866 vấn đề đấu tranh cho ngày làm việc 8 giờ được coi là nhiệm vụ trước mắt. Khẩu hiệu ngày làm 8 giờ sớm xuất hiện trong một số nơi của nước Anh- nước có nền công nghiệp phát triển sớm nhất. Yêu sách này dần lan sang các nước khác.
Phong trào đòi làm việc 8 giờ phát triển mạnh ở nước Mỹ từ năm 1827 đi đôi với sự nảy nở và phát triển phong trào Công đoàn. Năm 1868, giới cầm quyền Mỹ buộc phải thông qua đạo luật ấn định ngày làm 8 giờ trong các cơ quan, xí nghiệp thuộc Chính phủ. Nhưng xí nghiệp tư nhân vẫn giữ ngày làm việc từ 11 đến 12 giờ.
Tháng 4/1884 tại thành phố công nghiệp lớn Si-ca-gô, Đại hội Liên đoàn lao động Mỹ thông qua Nghị quyết nêu rõ: từ ngày 01/5/1886 ngày lao động của tất cả công nhân sẽ là 8 giờ.
Ngày 01/5/1886, công nhân toàn thành phố Si-ca-gô tiến hành bãi công, 40 nghìn người không đến nhà máy. Họ tổ chức mittinh, biểu tình trên thành phố với biểu ngữ “Từ hôm nay không người thợ nào làm việc quá 8 giờ một ngày! Phải thực hiện 8 giờ làm việc, 8 giờ nghỉ ngơi, 8 giờ học tập”, cuộc đấu tranh lôi cuốn ngày càng đông người tham gia. Cùng ngày đó, các Trung tâm công nghiệp ở nước Mỹ đã nổ ra 5.000 cuộc bãi công với 340 nghìn công nhân tham gia. Ở một số nơi như Niu-Oóc, Pi-Xbớc, Ban-ti-mo, Oa-sinh-tơn… có khoảng 12 vạn rưỡi công nhân giành được quyền làm việc 8 giờ một ngày, khẩu hiệu “Ngày làm việc 8 giờ” trở thành tiếng nói chung của toàn thể giai cấp công nhân. Ở nhiều nơi cảnh sát đã đàn áp các cuộc biểu tình, đặc biệt ở thành phố Si-ca-gô cảnh sát đã tàn sát đẫm máu cuộc đấu tranh, làm hơn một trăm người chết, nhiều thủ lĩnh Công đoàn bị bắt và bị kết án tử hình.
Mặc dù cuộc bãi công ở Si-ca-gô bị trấn áp, nhưng khí phách anh hùng của công nhân và yêu cầu thiết thực của cuộc đấu tranh đã gây chấn động lớn trong giai cấp công nhân thế giới; công nhân nhiều nước đã đồng tình và hưởng ứng yêu sách của công nhân Si-ca-gô. Vì thế tại Đại hội thành lập Quốc tế II do Ph.Ăng-ghen lãnh đạo họp ngày 14/7/1889, Đại biểu của giai cấp công nhân thông qua Nghị quyết lấy ngày 01/5 hàng năm làm ngày đoàn kết đấu tranh của giai cấp vô sản toàn thế giới.
Thực hiện Nghị quyết trên, năm 1890 lần đầu tiên ngày Quốc tế lao động 01/5 được tổ chức trên quy mô thế giới.
Ngày 01/5 ở các nước xã hội chủ nghĩa, đã coi là ngày mừng thắng lợi đã đạt được, nêu quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ mới và biểu lộ tình đoàn kết với những người lao động các nước khác. Ở các nước thuộc hệ thống tư bản chủ nghĩa, ngày 01/5 là ngày biểu dương cho lực lượng lao động, đấu tranh cho hòa bình, dân chủ, tiến bộ xã hội.
Ở Việt Nam, sau khi Đảng cộng sản Đông Dương ra đời (1930), giai cấp công nhân Việt Nam cũng lấy ngày 01/5 là ngày đoàn kết đấu tranh của mình. Cuộc đấu tranh ngày 01/5/1930 là một bước ngoặt của cao trào cách mạng 1930- 1931, từ thành thị đến nông thôn, từ Bắc đến Nam nhiều nơi treo cờ Đảng, tổ chức mittinh, tuần hành thị uy, lần đầu tiên dưới sự lãnh đạo của Đảng và hướng dẫn vận động của Công hội, công nhân ta biểu tình kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 01/5 đấu tranh đòi quyền lợi, tỏ tình đoàn kết với công nhân lao động thế giới.
Trong thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám việc kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 01/5 phần nhiều phải tổ chức bí mật bằng hình thức treo cờ, rải truyền đơn. Năm 1936, do thắng lợi của Mặt trận bình dân Pháp và Mặt trận dân chủ Đông Dương, ngày Quốc tế lao động lần đầu tiên được tổ chức công khai tại Hà Nội, thu hút đông đảo các tầng lớp Nhân dân tham gia.
Ngày nay, ngày Quốc tế lao động là ngày hội của giai cấp công nhân và Nhân dân lao động nước ta, ngày đoàn kết giai cấp công nhân và các dân tộc bị áp bức trên thế giới trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Nguồn: lichsuvietnam.vn
Chúng tôi xin gửi đến các bạn đoàn viên thanh niên, các tổ chức Đoàn thông tin chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ tháng 4/2021
1. Cấp thẻ BHYT mẫu mới từ 01/4/2021
Từ ngày 01/4/2021, Quyết định 1666/QĐ-BHXH của Bảo hiểm xã hội Việt Nam chính thức có hiệu lực. Theo đó, áp dụng mẫu thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) mới với nhiều cải tiến so với trước đây:
- Kích thước thẻ nhỏ gọn như một chiếc thẻ ATM, chỉ dài 85,6mm và rộng 53,98mm trong khi mẫu thẻ cũ dài đến 98mm và rộng 66mm;
- Thẻ sẽ được in plastic sau khi in, thay vì chỉ là một mảnh giấy mỏng manh như thẻ cũ. Do đó, sẽ hạn chế được tình trạng nhàu nát, ẩm mốc, rách hỏng khi gặp nước…
- Mã số thẻ sẽ chỉ còn 10 chữ số (chính là mã số bảo hiểm xã hội) thay vì 15 ký tự như trước đây. Mức hưởng của người tham gia BHYT sẽ được thể hiện tại góc bên phải của thẻ, theo các kí tự từ 1 đến 5.
- Mặt sau của thẻ có các thông tin về nơi cấp, đổi thẻ; hướng dẫn kiểm tra chi phí khám, chữa bệnh - những thông tin mà mẫu thẻ trước đây không hề có.
2. Thêm một loại phí hải quan mới từ 05/4/2021
Thông tư 14/2021/TT-BTC đã bổ sung một loại phí hải quan mới là phí cấp, cấp lại sổ tạm quản (sổ ATA) đối với hàng hóa tạm xuất, tái nhập theo Nghị định 64/2020/NĐ-CP.
Mức thu phí hải quan cấp sổ ATA là 1.000.000 đồng/sổ và phí cấp lại sổ ATA là 500.000 đồng/sổ.
Ngoài bổ sung loại phí nêu trên, mức thu các loại phí khác vẫn được giữ nguyên như trước đây, trong đó có: Phí hải quan đối với hàng xuất, nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất, nhập cảnh: 200.000 đồng/tờ khai; Lệ phí đối với phương tiện quá cảnh đường bộ (ô tô, đầu kéo, máy kéo): 200.000 đồng/phương tiện…
Cũng theo Thông tư này, phí hải quan sẽ được miễn đối với các trường hợp như: Hàng viện trợ nhận đạo, viện trợ không hoàn lại; Hàng xuất, nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh có giá trị từ 01 triệu đồng trở xuống hoặc có số tiền thuế phải nộp dưới 100.000 đồng…
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/4/2021.
3. Đánh đập chó, mèo bị phạt đến 3 triệu đồng
Chính phủ đã quy định mức phạt nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm nguyên tắc đối xử nhân đạo đối với vật nuôi.
Cụ thể, khoản 1 Điều 29 của Nghị định 14/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 20/4/2021 chỉ rõ: Phạt tiền từ 1.000.000 - 3.000.000 đồng đối với hành vi đánh đập, hành hạ tàn nhẫn đối với vật nuôi.
Riêng với cơ sở giết mổ tập trung, nếu đánh đập vật nuôi trước khi giết mổ; không có biện pháp gây ngất vật nuôi trước khi giết mổ cũng sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 - 5.000.000 đồng.
Ngoài ra, Nghị định cũng chỉ rõ, với mô hình chăn nuôi nông hộ (chăn nuôi nhỏ lẻ tại hộ gia đình), nếu không có biện pháp xử lý phân, nước thải chăn nuôi bảo đảm vệ sinh môi trường và gây ảnh hưởng đến người xung quanh sẽ bị phạt từ 500.000 đồng - 1.000.000 đồng.
Trong trường hợp trên, ngoài bị phạt tiền, còn buộc phải khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và báo cáo kết quả khắc phục…
4. Điều kiện miễn thuế nhập khẩu 5 năm với vật tư, linh kiện
Theo Nghị định 18/2021/NĐ-CP, nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được, sẽ được miễn thuế nhập khẩu trong 05 năm để sản xuất phục vụ các dự án sau:
- Dự án đầu tư thuộc Danh mục ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư
- Dự án đầu tư thuộc Danh mục địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khă
- Dự án đầu tư của doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, tổ chức khoa học và công nghệ.
Thời gian bắt đầu sản xuất là thời gian sản xuất chính thức, không bao gồm thời gian sản xuất thử. Người nộp thuế tự kê khai, tự chịu trách nhiệm về ngày thực tế sản xuất và thông báo trước khi làm thủ tục hải quan.
Hết thời hạn miễn thuế 05 năm, người nộp thuế phải kê khai, nộp đủ thuế theo quy định đối với lượng nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu đã được miễn thuế nhưng không sử dụng hết.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 25/4/2021.
5. Áp dụng quy chế thi tốt nghiệp THPT 2021
Quy chế thi trung học phổ thông (THPT) đã được sửa đổi bởi Thông tư 05/2021/TT-BGDĐT, áp dụng từ ngày 27/4/2021.
So với năm ngoái, Quy chế thi năm nay có nhiều điểm mới, trong đó có:
- Thí sinh hạnh kiểm yếu năm trước thi lại phải có xác nhận của địa phương;
- Thí sinh được bảo lưu điểm của bài thi độc lập đạt từ 05 điểm trở lên (trước đây, chỉ bài thi độc lập hoặc điểm môn thi thành phần của bài thi tổ hợp từ 05 điểm trở lên mới được bảo lưu);
- Thí sinh bị đình chỉ thi chỉ được ra về khi hết thời gian của buổi thi (trước đây được ra về sau khi hết 2/3 thời gian làm bài thi tự luận và sau khi hết giờ làm bài thi trắc nghiệm)…