TÀI LIỆU SINH HOẠT CHI ĐOÀN THÁNG 3/2021
KỶ NIỆM 90 NĂM NGÀY THÀNH LẬP
ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH 26/3/931-26/3/2021)
I. SỰ RA ĐỜI CỦA ĐOÀN THANH NIÊN CỘNG SẢN HỒ CHÍ MINH
1. Vai trò của Nguyễn Ái Quốc đối với việc thành lập tổ chức Đoàn
Ngày 05/6/1911 người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành từ bến cảng Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước. Với nhiệt huyết của tuổi thanh niên, năm 1917, Người sáng lập “Nhóm những người Việt Nam yêu nước” tại Paris (Pháp), thành phần chủ yếu là thanh niên, mục đích chuẩn bị cho cuộc đấu tranh chính trị chống thực dân Pháp ngay tại Pháp mà hoạt động tiêu biểu là gửi bản yêu sách 08 điểm đòi quyền tự do, dân chủ, quyền bình đẳng và tự quyết của dân tộc Việt Nam. Dư luận Pháp coi đây là quả bom chính trị nổ ngay giữa Paris. Đến tháng 7/1920, khi được đọc “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của Lênin, Nguyễn Ái Quốc đã sáng rõ con đường giải phóng dân tộc, từ đó Người quyết định đi theo con đường cách mạng tháng Mười Nga và sau đó tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, bỏ phiếu tán thành gia nhập Quốc tế III (tháng 12/1920). Năm 1921, tại Paris (Pháp), Nguyễn Ái Quốc thành lập ra “Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa”, thành viên chủ yếu là thanh niên, mục đích đoàn kết các lực lượng cách mạng chống chủ nghĩa thực dân, thông qua tổ chức này truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin đến các dân tộc thuộc địa. Đây chính là loại hình Quốc tế thanh niên thuộc địa theo quan điểm của Lênin mà Nguyễn Ái Quốc bước đầu bắt tay thực hiện.
Tháng 6/1924, Nguyễn Ái Quốc là đại diện ưu tú của các dân tộc bị áp bức, đại biểu chính thức tại Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ V tại Matxcơva (Nga), Người đã đề nghị với Ban Phương Đông Quốc tế Cộng sản về việc thành lập “Nhóm châu Á” tại trường Đại học Phương Đông nhằm tạo điều kiện cho thanh niên có cơ hội nghiên cứu tình hình, đặc điểm các nước thuộc địa phụ thuộc. Khi tham gia Đại hội Quốc tế thanh niên cộng sản lần thứ IV tại Matxcơva vào tháng 7/1924, Nguyễn Ái Quốc đã chủ trì soạn thảo và trình bày tại Đại hội “Luận cương về thanh niên thuộc địa”, trong đó nêu lên yêu cầu cấp bách phải tổ chức, tập hợp lực lượng thanh niên cách mạng và hình thành các đoàn thể thanh niên, xây dựng các tổ chức Thanh niên cộng sản ở thuộc địa.
Tháng 12/1924, tại Quảng Châu, Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc đã tìm hiểu tình hình, tìm cách tiếp cận và làm việc với nhóm thanh niên trong tổ chức Tâm Tâm xã. Người đã nêu lên những thiếu sót trong nhận thức, hành động của nhóm này và khâm phục tinh thần yêu nước đối với các chiến sĩ cách mạng trẻ tuổi. Dưới hình thức mở các lớp bồi dưỡng về chủ nghĩa xã hội khoa học và học thuyết Mác - Lênin, Cách mạng tháng Mười Nga, Quốc tế Cộng sản… Nguyễn Ái Quốc đã tạo nên niềm tin mạnh mẽ cho số thanh niên yêu nước và đưa họ dần đến với chân lý cách mạng. Tháng 02 năm 1925, Nguyễn Ái Quốc tổ chức một nhóm thanh niên bí mật gồm 09 người (Lý Thụy, Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Phong, Lê Quảng Đạt, Lâm Đức Thụ, Vương Thúc Oánh, Lưu Quốc Long và Lâm Văn Dĩnh). Đây là sự kiện đặc biệt quan trọng mở đầu cho quá trình hình thành và phát triển các tổ chức thanh niên cách mạng theo xu hướng cộng sản cũng như sự ra đời của Đoàn Thanh niên Cộng sản ở nước ta.
Tháng 6 năm 1925, “Hội Việt Nam cách mạng thanh niên” với nòng cốt là Cộng sản Đoàn đã chính thức tuyên bố thành lập và bắt đầu mở rộng các hoạt động, tạo ra bước ngoặt quan trọng trong phong trào yêu nước của Nhân dân ta, đặc biệt là của thanh niên. Cơ quan ngôn luận của Hội là báo “Thanh niên”, với mục đích truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam và chuẩn bị về tư tưởng, chính trị, tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội Việt Nam cách mạng thanh niên đã đặt nền tảng đầu tiên để chuẩn bị cho sự ra đời tổ chức thanh niên sau này.
Cuối năm 1925 đầu năm 1926, Nguyễn Ái Quốc cử đồng chí Hồ Tùng Mậu về Thái Lan để củng cố cơ sở cách mạng của bà con Việt kiều, đồng thời lựa chọn một số thiếu niên ưu tú là con em Việt kiều yêu nước đang học tại trường Hoa - Anh học hiệu (của một nhà yêu nước người Trung Quốc) bí mật đưa sang Quảng Châu đào tạo để chuẩn bị cho đội ngũ kế cận cách mạng sau này và chuẩn bị cho việc xây dựng Thanh niên cộng sản Đoàn ở trong nước.
2. Vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam với việc thành lập tổ chức Đoàn
Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ nhất (tháng 10/1930) đã đặt nền móng cho sự ra đời của Đoàn Thanh niên cộng sản. Hội nghị đã thông qua: “Án nghị quyết về tình hình Đông Dương và nhiệm vụ cần kíp của Đảng”. Đặc biệt là thông qua “Án nghị quyết về Cộng sản thanh niên vận động”. Trong Án nghị quyết có ghi: “Đảng phải thi hành ngay Án nghị quyết của Quốc tế cộng sản Đoàn và giúp cho Đoàn có tính độc lập…”. “Đảng Cộng sản phải cần kíp công tác trong quần chúng thanh niên, phải lãnh đạo quần chúng thanh niên… Muốn vậy, chỉ có thể tổ chức ra một đoàn thể của thanh niên mới được”. “Trung ương, các xứ ủy, các tỉnh, thành, đặc ủy phải phái ra một số đồng chí trẻ tuổi phụ trách tổ chức ra Thanh niên cộng sản Đoàn và giúp cho Đoàn có tánh chất độc lập”. “Án nghị quyết về Cộng sản thanh niên vận động” là văn kiện nền tảng về lý luận vận động thanh niên đầu tiên của Đảng, đáp ứng kịp thời những đòi hỏi của phong trào yêu nước trong thanh niên đang phát triển và thực sự tạo nên những chuyển biến quan trọng trong sự nghiệp xây dựng tổ chức Đoàn.
Thực hiện Án nghị quyết tháng 10/1930 về công tác thanh niên của Trung ương Đảng, các cơ sở Đoàn được xây dựng trên hầu hết các địa phương cả nước, nhưng hệ thống tổ chức của Đoàn vẫn chưa được thống nhất và Đoàn chưa có sinh hoạt riêng. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 2 diễn ra tại Sài Gòn từ ngày 20 đến ngày 26/3/1931 do Tổng Bí thư Trần Phú chủ trì đã dành nhiều thời gian bàn về công tác xây dựng Đảng và xây dựng Đoàn. Hội nghị đã đề ra nhiệm vụ cần kíp mà Đảng phải làm, trong đó có việc phải nhanh chóng thành lập tổ chức Đoàn:
“Cần kíp tổ chức ra Cộng sản thanh niên Đoàn, Đảng cần kíp đánh tan cái thái độ hờ hững lãnh đạm với vấn đề đó. Lập tức các Đảng bộ địa phương phải mau mau tổ chức những ủy viên tổ chức ra Đoàn, đốc xuất cho chi bộ tổ chức; tổ chức cơ quan báo chương về việc vận động của Đoàn và phải chỉ đạo cho các chi bộ mới thành lập của Đoàn bắt đầu hoạt động trong quần chúng thanh niên... Trong một thời gian ngắn ngủi tới đây, Đảng bộ các địa phương phải gây ra cơ sở của Đoàn...”.
Sau khi có Nghị quyết của Đảng và Chỉ thị của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, các chi bộ đảng ở địa phương đã cử ngay các cấp ủy viên của Đảng phụ trách công tác Đoàn. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào thanh niên ngày càng lớn mạnh, đã xuất hiện nhiều tổ chức Đoàn cơ sở trên cả 3 miền Bắc, Trung, Nam, một số địa phương đã hình thành hệ thống tổ chức đoàn xã, huyện lên đến tỉnh. Đến cuối năm 1931, số lượng đoàn viên trong cả nước lên đến khoảng hơn 2.500 đoàn viên. Qua cao trào cách mạng 1930 - 1931, với những đóng góp to lớn của đoàn viên, thanh niên cả nước, Ban Chấp hành Quốc tế thanh niên cộng sản đã công nhận Đoàn Thanh niên cộng sản Đông Dương là một bộ phận của Quốc tế thanh niên cộng sản.
Theo đề nghị của Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam, được sự đồng ý của Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ 3 (tháng 3/1961) đã quyết định lấy ngày 26/3/1931 (một trong những ngày cuối của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ hai đã bàn và quyết định những vấn đề quan trọng đối với công tác vận động thanh niên) làm ngày kỷ niệm thành lập Đoàn hằng năm.
3. Ý nghĩa sự ra đời của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh
Sự ra đời của Đoàn TNCS Đông Dương (nay là Đoàn TNCS Hồ Chí Minh) đáp ứng kịp thời đòi hỏi cấp bách của phong trào thanh niên nước ta lúc bấy giờ. Đây là sự vận động khách quan phù hợp với quy luật phát triển của cách mạng Việt Nam; đồng thời thể hiện quan điểm sáng suốt, tầm nhìn chiến lược của Đảng ta và Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về vị trí, tầm quan trọng của thanh niên và công tác thanh niên. Sự ra đời của Đoàn Thanh niên Cộng sản ở Việt Nam trở thành một dấu mốc lịch sử trọng đại của thế hệ trẻ Việt Nam, từ đây những người cộng sản trẻ tuổi đã có tổ chức riêng của mình đặt dưới sự lãnh đạo, rèn luyện thường xuyên, trực tiếp, toàn diện về mọi mặt của Đảng; luôn sắt son niềm tin với Đảng, trở thành đội dự bị tin cậy của Đảng, lực lượng đông đảo, đội quân xung kích cách mạng, trường học xã hội chủ nghĩa của thanh niên Việt Nam; luôn phấn đấu vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; xây dựng đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
II. ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH - 90 NĂM RÈN LUYỆN VÀ TRƯỞNG THÀNH
1. Các tên gọi của Đoàn qua các thời kỳ lịch sử
Trải qua các giai đoạn lịch sử, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã mang nhiều tên gọi khác nhau, cụ thể:
- Từ 1931 - 1936: Đoàn Thanh niên Cộng sản Đông Dương.
- Từ 1936 - 1939: Đoàn Thanh niên Dân chủ Đông Dương.
- Từ 1939 - 1941: Đoàn Thanh niên Phản đế Đông Dương.
- Từ 1941 - 1956: Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam.
- Từ 1956 - 1970: Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam.
- Từ 1970 - 1976: Đoàn Thanh niên Lao động Hồ Chí Minh.
- Từ 1976 đến nay: Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
2. Những cống hiến của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh qua 90 năm rèn luyện và trưởng thành
Ngay sau khi thành lập, Đoàn TNCS Đông Dương đã phát triển được nhiều đoàn viên trong cao trào cách mạng 1930 - 1931 mà đỉnh cao là Xô - Viết Nghệ Tĩnh. Từ phong trào cách mạng giai đoạn này đã xuất hiện nhiều gương thanh niên đấu tranh, hy sinh vì Tổ quốc, tiêu biểu là người đoàn viên thanh niên cộng sản Lý Tự Trọng với câu nói nổi tiếng trước tòa án kẻ thù:
“Con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng, không thể có con đường nào khác”.
Tháng 7/1936, Hội nghị Trung ương Đảng đã đề ra đường lối chuyển hướng nhiệm vụ từ đấu tranh bí mật, bất hợp pháp sang đấu tranh công khai hợp pháp và nửa hợp pháp. Đoàn Thanh niên Dân chủ Đông Dương tiếp nối truyền thống của Đoàn TNCS Đông Dương, tích cực vận động thanh niên đấu tranh chống thực dân, đế quốc, phản động tay sai, đòi tự do, dân chủ, cơm áo, hòa bình. Tháng 9/1939, chiến tranh thế giới lần thứ II bùng nổ, trong tình hình mới, Tổ chức Đoàn phải chuyển vào hoạt động bí mật và xây dựng tổ chức chặt chẽ với tên mới là Đoàn Thanh niên Phản Đế Đông Dương.
Mùa xuân năm 1941, sau 30 năm hoạt động ở ngước ngoài, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về Tổ quốc trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Tháng 5 năm 1941, Người đã chủ trì Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 tại Pác Bó (Cao Bằng). Dưới ánh sáng của Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8, Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam ra đời tiếp nối sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của các tổ chức thanh niên trước đó do Đảng, Bác Hồ tổ chức, giáo dục và rèn luyện. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đoàn Thanh niên Cứu quốc cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiến hành Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, mở ra kỷ nguyên độc lập tự do cho dân tộc, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam).
Thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ cách mạng, đoàn viên, thanh niên là lực lượng hăng hái đi đầu trong phong trào chống
“giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm”. Thời gian độc lập không được bao lâu, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa, cả dân tộc lại bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ đầy gian khổ, hy sinh. Tiêu biểu cho những ngày đầu kháng chiến là tuổi trẻ Sài Gòn - Chợ Lớn đã thành lập các Đội Thanh niên xung phong cảm tử, thanh niên tự vệ kiên quyết đánh trả kẻ thù. Tại Thủ đô Hà Nội trong suốt 60 ngày đêm, nhiều chiến sỹ với tuổi đời còn rất trẻ đã ôm bom ba càng chặn xe tăng giặc ngay trên đường phố...
Tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ I được tổ chức tại Đại Từ, Thái Nguyên (từ ngày 07 đến ngày 14/2/1950) với chủ đề
“Chiến đấu và xây dựng tương lai”. Phát huy tinh thần của Đại hội, hàng vạn nam, nữ thanh niên hăng hái xung phong tham gia phục vụ các chiến dịch, phong trào
“Tòng quân giết giặc lập công” phát triển khắp mọi nơi. Sau chín năm trường kỳ kháng chiến, tháng 5/1954, quân và dân ta đã làm nên một Điện Biên Phủ chấn động địa cầu. Trong cuộc trường kỳ kháng chiến ấy đã xuất hiện nhiều tấm gương tuổi trẻ kiên cường, dũng cảm như: Trần Văn Ơn, Võ Thị Sáu, La Văn Cầu, Cù Chính Lan, Nguyễn Thị Chiên, Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót, Tô Vĩnh Diện... Họ thật xứng đáng đại diện cho một lớp trẻ
“Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.
Ngày 19/10/1955, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết đổi tên Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam thành Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam. Tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ II từ ngày 25/10 đến ngày 04/11/1956 Bác Hồ đã ân cần căn dặn:
“Đảng và Chính phủ ta có thể tự hào đã tạo nên một thế hệ thanh niên dũng cảm như các cháu, và mong các cháu tiếp tục phấn đấu hăng hái cho công cuộc bảo vệ Tổ quốc, xây dựng nước nhà”. Từ sau Đại hội, tuổi trẻ miền Bắc đã dấy lên phong trào thi đua lao động sản xuất để khôi phục kinh tế, cải tạo và xây dựng xã hội mới. Hàng vạn thanh niên tham gia xây dựng các công trình thủy lợi, khai hoang phục hóa đất đai; hàng triệu thanh niên hăng hái theo học các lớp bổ túc văn hóa... Ở miền Nam, phong trào đấu tranh chính trị của thanh niên, học sinh, sinh viên tuy bị đế quốc Mỹ và tay sai đàn áp dã man song không hề nao núng. Trong những ngày đồng khởi, các đội
“Trung kiên”, “Xung phong” do thanh niên đảm nhận đã được thành lập ở khắp mọi nơi, tiến hành vây đồn, lấy bốt, trừ gian, phá ấp chiến lược...
Tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ III được tổ chức tại Hà Nội (từ ngày 23 đến ngày 25/3/1961), đã phát động phong trào
“Xung phong tình nguyện vượt mức kế hoạch 5 năm lần thứ nhất”. Tháng 8/1964, đế quốc Mỹ leo thang gây chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân, tuổi trẻ Thủ đô đã phát động phong trào
“Ba sẵn sàng”. Được sự chỉ đạo kịp thời của Trung ương Đoàn, phong trào đã phát triển sâu rộng trong cả nước, ở miền Bắc, hàng triệu đoàn viên, thanh niên đăng ký tham gia phong trào
“Ba sẵn sàng” nêu cao quyết tâm chi viện cho chiến trường miền Nam với tinh thần
“Chưa thắng giặc Mỹ, chưa về quê hương”.
Tháng 02/1965, Đại hội Đoàn Thanh niên toàn miền Nam đã phát động phong trào
“Năm xung phong”, sau một thời gian ngắn, có hàng vạn đoàn viên, thanh niên tham gia phong trào này. Từ phong trào
“Ba sẵn sàng” và
“Năm xung phong” đã xuất hiện nhiều tập thể và cá nhân với những chiến công xuất sắc như: 10 cô gái thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc, Bảy dũng sỹ Điện Ngọc (Quảng Nam) anh dũng đánh trả một tiểu đoàn địch; Tạ Thị Kiều tay không đoạt bốt giặc; Lê Thị Hồng Gấm chiến đấu đến hơi thở cuối cùng không chịu đầu hàng giặc; Nguyễn Văn Trỗi
“Còn giặc Mỹ thì không có hạnh phúc”; Anh hùng liệt sỹ Nguyễn Viết Xuân
“Nhằm thẳng quân thù mà bắn!” đã trở thành hiệu lệnh thúc giục quân và dân ta xông lên tiêu diệt quân thù.
Nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, thể theo nguyện vọng của cán bộ, đoàn viên, thanh niên cả nước, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra quyết định: Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam được mang tên Đoàn Thanh niên Lao động Hồ Chí Minh. Thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã làm nên một Đại thắng mùa xuân năm 1975, cả nước thống nhất và đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong chiến thắng vĩ đại ấy, có sự đóng góp to lớn của đoàn viên, thanh niên trên khắp các mặt trận. Sau ngày thống nhất nước nhà, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (1976) đã ra quyết định Đoàn Thanh niên Lao động Hồ Chí Minh mang tên Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ IV đã được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội (từ ngày 20 đến ngày 22/11/1980). Đại hội đã quyết định đẩy mạnh hơn nữa phong trào
“Ba xung kích” thành cao trào thi đua hành động cách mạng của tuổi trẻ thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Vào thời điểm này, hàng triệu lượt đoàn viên, thanh niên tham gia phong trào
“Ba xung kích làm chủ tập thể”; gần 9 triệu đoàn viên, thanh niên tham gia phong trào
“Thanh niên xung kích xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”; hàng chục vạn thanh niên gia nhập lực lượng vũ trang, góp phần tích cực bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc và làm tròn nghĩa vụ quốc tế. Tiếp đó là các phong trào
“Hành quân theo bước chân những người anh hùng” đã thu hút gần 6 triệu đoàn viên, thanh thiếu nhi tham gia và
“Hành quân theo chân Bác” đã có 10 triệu thiếu niên nhi đồng tham gia.
Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ V được tổ chức tại Hà Nội (từ ngày 27 đến ngày 30/11/1987), Đại hội đã phát động phong trào
“Tuổi trẻ xung kích, sáng tạo xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ VI diễn ra từ ngày 15 đến 18/10/1992; tại Hội nghị lần thứ 2, Ban Chấp hành Trung ương Đoàn khóa VI (tháng 02 năm 1993) đã quyết định triển khai 2 phong trào lớn là:
“Thanh niên lập nghiệp” và “Tuổi trẻ giữ nước”.
Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ VII từ ngày 26 đến ngày 29/11/1997 đã quyết định tiếp tục phát triển và nâng hai phong trào trên lên một tầm cao mới. Năm 2000, Bộ Chính trị và Chính phủ quyết định chọn là
“Năm thanh niên Việt Nam”. Từ thời điểm này phong trào
“Thanh niên tình nguyện” có bước phát triển mới, đi vào thực tiễn, được đông đảo các cấp bộ Đoàn và đoàn viên, thanh niên tham gia, tạo nên ấn tượng tốt đẹp về lớp thanh niên Việt Nam của thời kỳ mới.
Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ VIII từ ngày 08 đến ngày 11/12/2002 với tinh thần
“Đoàn kết, sáng tạo, xung kích, tình nguyện” đã mở ra một trang mới trong lịch sử phát triển của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Đại hội đã phát động phong trào lớn
“Thi đua, tình nguyện xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” và kêu gọi tuổi trẻ Việt Nam cùng xiết chặt tay dưới lá cờ vinh quang của Đoàn, nguyện đi theo con đường cách mạng của Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã lựa chọn, nắm chắc thời cơ, vượt qua thách thức, góp phần to lớn vào sự nghiệp đổi mới đất nước.
Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ IX diễn ra tại Thủ đô Hà Nội từ ngày 17 đến 21/ 12/ 2007. Đại hội đã khẳng định: Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tiếp tục đổi mới toàn diện, phấn đấu thực sự trở thành người bạn thân thiết của thanh niên, định hướng cho thanh niên đến với lý tưởng cách mạng và những giá trị cao đẹp, đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp, xung kích trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Các phong trào, các cuộc vận động và các hoạt động của Đoàn đều phải hướng tới mục tiêu tập hợp, đoàn kết, giáo dục thanh niên, tạo môi trường lành mạnh, an toàn cho thanh niên rèn luyện và tự khẳng định, vì sự tiến bộ của thanh niên và sự phát triển của đất nước. Mục tiêu chung của công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi nhiệm kỳ 2007 - 2012 là:
Tăng cường bồi dưỡng lòng yêu nước và ý thức công dân, lý tưởng và đạo đức cách mạng, bản lĩnh chính trị và văn hoá cho thanh thiếu nhi; xây dựng Đoàn vững mạnh; tích cực chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của thanh thiếu nhi; phát huy tiềm năng to lớn của thế hệ trẻ Việt Nam xung kích “Sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển”, phấn đấu cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Nhằm cụ thể mục tiêu trên, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tập trung triển khai hai phong trào lớn là
“Năm xung kích phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc” và
“Bốn đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp”.
Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X
, nhiệm kỳ 2012 - 2017 là Đại hội của khát vọng tuổi trẻ. Đại hội được tổ chức từ ngày 11 đến ngày 14 tháng 12 năm 2012 tại Thủ đô Hà Nội. Đại hội đã quyết định tiếp tục triển khai 02 phong trào “
Xung kích, tình nguyện phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc” và “
Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp” (có điều chỉnh, bổ sung các nội dung của hai phong trào để phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới) nhằm tiếp tục phát huy mạnh mẽ vai trò xung kích, tinh thần tình nguyện, khơi dậy tiềm năng to lớn của thanh niên tham gia thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế.
Trong nhiệm kỳ Đại hội, nhiều phong trào lớn của Đoàn được triển khai mạnh mẽ, thu hút sự tham gia của đông đảo đoàn viên, thanh niên và tạo được hiệu ứng tốt đẹp trong cộng đồng xã hội như phong trào “
Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới”, “
Thanh niên tham gia xây dựng văn minh đô thị”, các phong trào học sinh, sinh viên như: “
Học sinh 3 rèn luyện”, “
Khi tôi 18”, “
Sinh viên 5 tốt”; hay phong trào thi đua “
3 trách nhiệm”
, “
Sáng tạo trẻ”
... Phong trào “
Thanh niên tình nguyện” có bước phát triển cả về chất lượng và số lượng với các hoạt động nổi bật, ý nghĩa như Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè, Tiếp sức mùa thi, hiến máu nhân đạo, các hoạt động tình nguyện mùa đông, xuân tình nguyện, các hoạt động tình nguyện của y, bác sỹ trẻ, đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn... Nhiều chương trình, cuộc vận động hướng về biển đảo thu hút sự quan tâm, tham gia của tuổi trẻ cả nước như: “
Hành trình tuổi trẻ vì biển đảo quê hương”, “
Đồng hành với ngư dân trẻ ra khơi”... với nội dung có nhiều đổi mới, sáng tạo đã thu hút được đông đảo thanh niên tham gia, được xã hội ghi nhận, ủng hộ và đánh giá cao. Ngoài ra, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cũng tích cực tham gia vào nhiều sự kiện, hoạt động chính trị, đối ngoại quan trọng của tuổi trẻ trong khu vực và trên thế giới, góp phần vun đắp tình hữu nghị, sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa thế hệ trẻ Việt Nam với các nước trên thế giới, trang bị cho mình những kiến thức và kỹ năng cần thiết cho việc tham gia vào quá trình hội nhập của đất nước.
Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI diễn ra từ ngày 10 đến ngày 13 tháng 12 năm 2017 tại Thủ đô Hà Nội, với khẩu hiệu hành động
“Tiên phong - bản lĩnh - đoàn kết - sáng tạo - phát triển”. Đại hội biểu thị quyết tâm thực hiện mục tiêu công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi nhiệm kỳ 2017 - 2022:
“Xây dựng lớp thanh niên thời kỳ mới có lý tưởng cách mạng, bản lĩnh chính trị vững vàng, giàu lòng yêu nước; có đạo đức, lối sống văn hóa, trách nhiệm, tuân thủ pháp luật, yêu chuộng hòa bình; có tri thức, sức khỏe, hoài bão, khát vọng vươn lên. Xây dựng Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thực sự vững mạnh, tập hợp đoàn kết đông đảo thanh niên, xứng đáng là đội dự bị tin cậy của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nâng cao trách nhiệm phụ trách Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh và tích cực tham gia bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng. Phát huy thanh niên xung kích, tình nguyện, sáng tạo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.
Nhiệm vụ trọng tâm trong Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI là tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh thiếu nhi, trọng tâm là giáo dục, bồi đắp lý tưởng cách mạng, nâng cao bản lĩnh chính trị cho thanh niên. Tập trung triển khai 3 phong trào hành động cách mạng:
“Thanh niên tình nguyện”; “Tuổi trẻ sáng tạo”; “Tuổi trẻ xung kích bảo vệ Tổ quốc” trong từng nhóm đối tượng, tiếp tục duy trì các phong trào đặc thù. Toàn Đoàn triển khai 3 chương trình đồng hành với thanh niên: “
Đồng hành với thanh niên trong học tập”;“Đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp”; “Đồng hành với thanh niên rèn luyện và phát triển kỹ năng trong cuộc sống, nâng cao thể chất, đời sống văn hóa tinh thần”, góp phần phát triển thanh niên toàn diện, khẳng định vai trò của Đoàn trong bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của thanh niên. Thu hút, tập hợp, giáo dục thanh niên qua phong trào góp phần phát huy tính tích cực chính trị - xã hội của thanh niên, tạo môi trường thực tiễn rộng lớn, phong phú để giáo dục, rèn luyện, phát huy thanh niên.
Phát huy truyền thống vẻ vang trong 90 năm qua, các cấp Đoàn và tuổi trẻ cả nước giữ vững niềm tin sắt son với Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta, biến những khó khăn, thách thức thành động lực, kiên trì, kiên định thực hiện vị trí, chức năng, vai trò của mình trong hệ thống chính trị; phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế; khơi dậy khát vọng dựng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong các tầng lớp thanh thiếu niên và nhi đồng. Luôn tiên phong đi đầu, phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, xung kích, sáng tạo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
LỊCH SỬ, Ý NGHĨA NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ 8/3
VÀ CUỘC KHỞI NGHĨA HAI BÀ TRƯNG |
|
I. LỊCH SỬ, Ý NGHĨA NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ 8/3
1. Lịch sử ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3
Cuối thế kỷ XIX, chủ nghĩa tư bản ở Mỹ đã phát triển một cách mạnh mẽ. Nền kỹ nghệ đã thu hút nhiều phụ nữ và trẻ em vào các nhà máy, xí nghiệp. Nhưng bọn chủ tư bản trả lương họ rất rẻ mạt. Căm phẫn trước sự bất công đó, ngày 8/3/1899 nữ công nhân Mỹ đã đứng lên đấu tranh đòi tăng lương, giảm giờ làm. Phong trào bắt đầu từ công nhân ngành dệt và ngành may tại thành phố Chi-ca-gô và Nữu Ước. Mặc dù bọn tư bản ra tay đàn áp, chị em vẫn đoàn kết chặt chẽ, đấu tranh buộc chúng phải nhượng bộ. Cuộc đấu tranh của công nhân Mỹ đã cổ vũ mạnh mẽ phong trào phụ nữ lao động trên thế giới, đặc biệt phụ nữ ở nước Đức. Phong trào đấu tranh đã xuất hiện hai nữ chiến sỹ lỗi lạc đó là bà Cla-ra-zét-kin (người Đức) và bà Lô-ra Lúc-xăm-bua (người Ba Lan). Nhận thức sự mạnh mẽ và đông đảo của lực lượng lao động nữ và sự cần thiết phải có tổ chức, phải có lãnh đạo để giành thắng lợi cho phong trào phụ nữ nên năm 1907 hai bà đã phối hợp với Crup-xcai-a (vợ Lênin) vận động thành lập Ban “Thư ký phụ nữ quốc tế”. Bà Cla-ra-zét-kin được cử làm Bí thư.
Năm 1910, Đại hội phụ nữ quốc tế XHCN họp tại Cô-pen-ha-gen (thủ đô Đan Mạch) đã quyết định lấy ngày 8/3 làm ngày “Quốc tế phụ nữ” - Ngày đoàn kết đấu tranh của phụ nữ với khẩu hiệu:
- Ngày làm 8 giờ.
- Việc làm ngang nhau, tiền lương ngang nhau.
- Bảo vệ bà mẹ và trẻ em.
Từ đó ngày 8/3 trở thành ngày đấu tranh chung của phụ nữ lao động toàn thế giới.
2. Ý nghĩa của ngày Quốc tế Phụ nữ
Trong 365 ngày của một năm, phụ nữ trên toàn thế giới có riêng một ngày để được xã hội quan tâm và bù đắp những thiệt thòi, vất vả trong cuộc sống.
Không ai có thể phủ nhận vai trò và trách nhiệm to lớn của người phụ nữ thời hiện đại: Họ vừa là người nội trợ, vừa tham gia lao động xã hội, đóng góp sức lực của mình vào sự phát triển của đất nước, không những thế họ còn giữ một thiên chức cao cả là một người mẹ, mang nặng đẻ đau ra những đứa con và nuôi dạy chúng thành người. Phụ nữ ngày nay đang dần khẳng định mình là phái đẹp chứ không còn là phái yếu như trước kia.
Ở một số nước trên thế giới, ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 được coi là ngày lễ chính trong năm và tổ chức rất lớn. Trong những xã hội này, đàn ông tặng hoa và quà cho những người phụ nữ trong đời của họ như mẹ, vợ, bạn gái…
Tại một số quốc gia, ngày Quốc tế Phụ nữ được kỷ niệm bằng những hoạt động liên hoan, diễu hành đòi quyền bình đẳng với nam giới, ở các vấn đề thực tiễn như mức lương, cơ hội giáo dục đào tạo và thăng tiến trong nghề nghiệp hay điều kiện an sinh xã hội, chống mại dâm và bạo lực đối với phụ nữ…
Ở nước ta, ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 còn là ngày kỷ niệm cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, 2 vị nữ anh hùng dân tộc đầu tiên đã đánh đuổi giặc ngoại xâm phương Bắc, giành lại chủ quyền dân tộc. Niềm tự hào và ý chí vươn lên của phụ nữ Việt Nam một phần cũng có cội nguồn từ truyền thống dân tộc độc đáo đó.
Để thể hiện sự tôn vinh những người phụ nữ, một nửa thế giới, các cơ quan, đoàn thể, gia đình thường tổ chức kỷ niệm ngày 8/3 rất trang trọng, tràn ngập hoa và những lời chúc tốt đẹp.
Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 cũng là ngày nam giới thể hiện sự chăm sóc yêu thương cho người phụ nữ mà họ yêu quý.
II. NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ Ở VIỆT NAM
Thực hiện cam kết đó, ngày 4 tháng 10 năm 1997, chính phủ nước ta đã có quyết định số 822/TTG về việc phê duyệt kế hoạch hành động Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ, ban hành 11 mục tiêu vì sự tiến bộ của phụ nữ đến năm 2000 nhằm cam kết trước thế giới Hành động vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam thực hiện mục tiêu "Hành động vì bình đẳng, phát triển và hòa bình" của hội nghị Bắc Kinh.
Ở nước ta, ngày 8/3 còn là ngày kỷ niệm cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, 2 vị nữ anh hùng dân tộc đầu tiên đã đánh đuổi giặc ngoại xâm phương Bắc, giành lại chủ quyền dân tộc. Niềm tự hào và ý chí vươn lên của phụ nữ Việt Nam một phần cũng có cội nguồn từ truyền thống dân tộc độc đáo đó.
Ngày 8/3/1965, đánh giá cao cống hiến của phụ nữ miền Nam Đảng, chính phủ, Bác Hồ đã tặng bức trướng thêu 8 chữ vàng "Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang" và Nhà nước đã tặng Phụ nữ miền Nam Huân chương "Thành đồng" hạng nhất.
Vào ngày 8/3 hàng năm, những người phụ nữ trong cả nước thường được tặng hoa, tặng quà hoặc tổ chức những buổi lễ kỷ niệm để thể hiện sự quan tâm, ngợi ca và bày tỏ niềm kính trọng. Một ngày bù đắp cho những vất vả của những người mẹ tảo tần cho gia đình và xã hội, những người vợ đảm đang, vun vén dựng xây tổ ấm gia đình.
III. CUỘC KHỞI NGHĨA HAI BÀ TRƯNG
Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng diễn ra vào năm 40 đầu Công nguyên, cách chúng ta gần hai nghìn năm. Lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc người phất cờ khởi nghĩa là phụ nữ, xưng Vương dựng nước cũng là phụ nữ. Chưa một dân tộc nào, một quốc gia nào lại có được niềm vinh quang như vậy.
Sử cũ còn ghi, vào giữa mùa xuân năm Kiến Vũ thứ 16 (tháng 3/40), mở đầu cuộc khởi nghĩa của nhân dân Giao Châu chống lại áp bức bóc lột của nhà Đông Hán là cuộc khởi nghĩa của nhân dân Giao Chỉ cùng với nhân dân các quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố dưới sự lãnh đạo của Hai Bà Trưng.
Hai Bà Trưng (chị là Trưng Trắc, em là Trưng Nhị) là con gái Lạc tướng huyện Mê Linh, thuộc dòng dõi Hùng Vương. Chồng bà Trưng Trắc là Thi Sách bị viên Thái thú Tô Định giết hại. Nợ nước, thù nhà, trước sự bóc lột tàn ác của chính quyền đô hộ, Trưng Trắc cùng em là Trưng Nhị đứng lên phất cờ khởi nghĩa. Cuộc khởi nghĩa đã được phát động từ cửa sông Hát (Hát Môn, Phúc Thọ, Hà Tây). Dưới sự lãnh đạo của Hai Bà Trưng, các cuộc khởi nghĩa của các địa phương trong nước thống nhất thành một phong trào quần chúng ở khắp nơi. Trước sự tấn công mạnh mẽ của quần chúng khởi nghĩa, chính quyền đô hộ tan rã sụp đổ nhanh chóng. Nền độc lập dân tộc lại được phục hồi, Trưng Trắc được suy tôn làm vua, hiệu là Trưng Nữ Vương, đóng đô ở Mê Linh.
Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng là trang sử bất hủ của dân tộc ta ở đầu Công nguyên. Nhưng chẳng bao lâu, nghe tin Trưng Trắc xưng Vương, vua Quang Vũ nhà Hán đã cử Mã Viện đem quân sang đàn áp. Trưng Vương cùng các tướng lĩnh lại phát quân từ Mê Linh đến đánh địch ở vùng Lãng Bạc. Tại đây đã diễn ra cuộc chiến đấu rất ác liệt giữa quân của Trưng Vương và quân của Mã Viện. Quân của Trưng Vương gồm rất nhiều nữ tướng kiên cường chiến đấu rất anh dũng, xong vì thế cùng lực tận bị thua rút về Cấm Khê. Quân Mã Viện đuổi theo, cuộc chiến đấu diễn ra oanh liệt sau gần một năm trời, quân Trưng Vương hy sinh rất nhiều, Hai Bà Trưng về Hát Môn rồi gieo mình xuống dòng sông Hát tự vẫn.
Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng cuối cùng thất bại, đất nước và nhân dân ta lại bị phong kiến phương Bắc đô hộ, nhưng tiếng vang của nó đời đời bất diệt. Nó đã gieo hạt giống tốt cho chủ nghĩa anh hùng Việt Nam là không sợ địch dù mạnh đến đâu, “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”.
Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng không chỉ biểu thị được tinh thần bất khuất của dân tộc Việt Nam, mà còn nói lên khả năng hết sức lớn lao của phụ nữ Việt Nam trong lãnh đạo sự nghiệp xây dựng đất nước. Ngày nay, cứ mỗi mùa xuân đến, các thế hệ phụ nữ chúng ta lại kỷ niệm chiến công và sự hy sinh lẫm liệt của Hai Bà Trưng cùng các nữ tướng cách đây đúng 1978 mùa xuân.
Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, xin gửi đến những người Phụ nữ Việt Nam lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành công trên mọi lĩnh vực để luôn xứng đáng với bốn phẩm chất đạo đức của Phụ nữ Việt Nam thời kỳ mới “Tự tin - Tự trọng -Trung hậu - Đảm đang” |
(Nguồn sưu tầm)
Ngày quốc tế hạnh phúc 20/3: Ngày của yêu thương và chia sẻ
Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3, hay còn gọi là Ngày Hạnh phúc (International Day of Happiness), là ngày lễ được Liên hợp quốc quyết định chính thức trong Nghị quyết ngày 12/7/2012, chọn để tôn vinh niềm hạnh phúc của nhân loại trên thế giới.
Không chỉ là ngày mang ý nghĩa biểu tượng đơn thuần, đây còn là ngày của hành động, tích cực và nỗ lực nhiều hơn để xây dựng thế giới đại đồng, đem lại hạnh phúc cho loài người trên trái đất.
Lịch sử và ý nghĩa của ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3
Ngày Hạnh phúc được lấy từ ý tưởng của Vương quốc Bhutan một quốc gia nhỏ bé và xinh đẹp, nằm ở khu vực Nam Á, phía Đông dãy Himalaya. Nước này được đánh giá là nước có chỉ số hạnh phúc cao dựa trên các yếu tố như sức khỏe, tinh thần, giáo dục, môi trường, chất lượng quản lý và mức sống của người dân.
Từ những năm đầu tiên của thập kỷ 70 thế kỷ XX, Bhutan đã ghi nhận vai trò của hạnh phúc quốc gia. Nước này coi trọng hạnh phúc quốc gia hơn là thu nhập quốc gia và đã đề ra mục tiêu “tổng hạnh phúc quốc gia” thay vì tổng sản phẩm quốc nội.
Họ cho rằng nhu cầu về Ngày Hạnh phúc cần thiết đối với tất cả các nước và con người trên toàn thế giới để liên kết, đoàn kết toàn nhân loại.
Ngày Quốc tế hạnh phúc còn khởi nguồn từ nhu cầu về một cách tiếp cận tăng trưởng kinh tế cân bằng, hợp tình hợp lý hơn, nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững, xóa nghèo và phấn đấu vì hạnh phúc và sự thịnh vượng cho tất cả mọi người và xuất phát từ nguyện vọng mỗi người hãy chọn cho mình một quan niệm đúng về hạnh phúc, quan tâm đến vấn đề cốt lõi nhất trong sự tồn tại là làm sao tìm được thật nhiều niềm vui trong cuộc sống, làm lan tỏa những điều tốt đẹp nhất trên khắp hành tinh xanh.
Ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 được Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki Moon chính thức công bố tại một hội nghị của Liên Hợp Quốc về vấn đề này từ tháng 6/2012. Đến nay, đã có 193 quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam cùng cam kết ủng hộ, hành động, tích cực và nỗ lực nhiều hơn để xây dựng một thế giới đại đồng, nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng xã hội công bằng, phát triển bền vững, đem lại hạnh phúc cho nhân loại.
Nguyên Tổng thư ký Ban Ki-Moon khẳng định: “Chúng ta cần một mô hình kinh tế mới mà ở đó các bên phải công nhận sự phát triển bền vững của cả ba trụ cột xã hội, kinh tế và môi trường trong lành. Các yếu tố này kết hợp với nhau sẽ tạo ra khái niệm chỉ số chung về hạnh phúc toàn cầu”.
Ngoài ra, việc Liên Hiệp Quốc chọn ngày 20/3 là Ngày Quốc tế hạnh phúc, vì đây còn là một ngày khá đặc biệt trong năm, khi mặt trời nằm ngang đường xích đạo, nên trong ngày này có độ dài ngày và đêm bằng nhau – là biểu tượng cho sự cân bằng, hài hòa của vũ trụ. Cũng là biểu tượng của sự cân bằng giữa âm và dương, giữa ánh sáng và bóng tối, giữa ước mơ và hiện thực…
Bởi vậy ngày 20/3 - Ngày Quốc tế hạnh phúc cũng truyền tải thông điệp rằng: cân bằng, hài hòa là một trong những chìa khóa để mang đến hạnh phúc.
Việt Nam chúng ta là một nước có nghìn năm lịch sử phát triển dựng nước, chính vì vậy mục tiêu cũng không hề xa lạ với chúng ra đó là hạnh phúc. Kể từ khi nước ta dành được độc lập và trở thành nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam) thì tôn chỉ của quốc gia do Bác Hồ đặt ra cho đất nước là, “Độc lập, Tự do, Hạnh phúc”.
Để tiếp tục thực hiện mục tiêu phát triển an sinh xã hội, xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc và hưởng ứng Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3 do Liên Hiệp Quốc phát động, ngày 26/12/2013, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 2589/QĐ-TTg ngày 26/12/2013 phê duyệt Đề án “Tổ chức các hoạt động nhân ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 hàng năm”.
Điều đó mang ý nghĩa lớn lao nhằm tiếp tục thực hiện mục tiêu phát triển an sinh xã hội, xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ và hạnh phúc; nâng cao nhận thức toàn xã hội về ngày Quốc tế hạnh phúc, để từ đó có hành động cụ thể, thiết thực xây dựng gia đình hạnh phúc, cộng đồng hạnh phúc của người Việt Nam; kêu gọi sự hợp tác, giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đối nước các hoạt động nhân Ngày Quốc tế hạnh phúc (20/3).
(Nguồn: phunukontum)