Thắng lợi của cuộc cách mạng Tháng Tám năm 1945 mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc ta: Kỷ nguyên độc lập, tự do và đi lên chủ nghĩa xã hội. Bắt đầu từ đây, trong quan hệ với các nước bên ngoài, Việt Nam giữ vị thế là quốc gia độc lập, có chủ quyền. Việt Nam đã giành được độc lập là một sự thật không thể phủ nhận.
Chính quyền cách mạng lúc này còn non trẻ đang đứng trước nguy cơ thù trong, giặc ngoài, trước tình hình đó, Đảng ta đã phải đề ra nhiều chủ trương, biện pháp để bảo vệ nền độc lập. Một trong những biện pháp sáng tạo, đó là ký Hiệp định Sơ bộ ngày 06-03-1946. Thành công của việc ký Hiệp định Sơ bộ không chỉ cô lập, phân hóa kẻ thù, tránh cùng một lúc phải đối phó với nhiều kẻ thù, tìm giải pháp hòa bình có lợi cho cách mạng nước ta, mà còn đã buộc Pháp công nhận Việt Nam là một quốc gia tự do, có chính phủ, có nghị viện. Trong bối cảnh ngoại giao rất khó khăn, chưa có nước nào công nhận nền độc lập nước ta, Hiệp định Sơ bộ - Hiệp định song phương đầu tiên giữa Chính phủ Hồ Chí Minh ký với đại diện chính phủ Pháp là hết sức quan trọng.
Tuy nhiên, với bản chất xâm lược, thực dân Pháp đã từng bước phá bỏ Hiệp định Sơ bộ. Khả năng hòa hoãn không còn, hòa hoãn nữa sẽ dẫn đến họa mất nước. Vì vậy, kể từ đêm 19-12-1946, cuộc kháng chiến cứu nước, bảo vệ độc lập dân tộc của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp xâm lược bùng nổ trên toàn quốc, với tinh thần “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”.
Thực hiện đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, với phương châm dựa vào sức mình là chính, ngay sau khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Đảng đã tập trung chỉ đạo chiến đấu giam chân địch trong các đô thị, củng cố các vùng tự do, đặc biệt với chiến thắng ở Việt Bắc Thu Đông 1947 đã đánh bại âm mưu “đánh nhanh thắng nhanh” của thực dân Pháp, buộc thực dân Pháp chuyển sang đánh lâu dài với ta.
Đầu năm 1950, Trung Quốc, Liên Xô và các nước dân chủ nhân dân công nhận độc lập và đặt quan hệ ngoại giao với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, giúp đỡ cuộc kháng chiến của nhân dân ta. Đây là thắng lợi ngoại giao, cũng là thắng lợi chính trị của Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Tuy nhiên, cũng từ thời điểm này xuất hiện những khó khăn mới, khi Mỹ trực tiếp can thiệp vào chiến tranh Đông Dương, trực tiếp viện trợ cho Pháp, công nhận chính quyền Bảo Đại.
Để giành quyền chủ động chiến lược trên chiến trường chính, giải phóng một phần biên giới, mở rộng, củng cố căn cứ địa Việt Bắc và nối thông với các nước XHCN, Đảng ta quyết định mở chiến dịch Biên giới năm 1950. Thắng lợi của chiến dịch Biên giới cuối năm 1950 đã làm phá sản kế hoạch Rơve, giáng một đòn nặng nề vào ý chí xâm lược của thực dân Pháp.
Sau chiến dịch Biên giới, Bộ Chính trị quyết định mở một loạt cuộc tiến công nhằm tiêu diệt sinh lực địch, phát triển chiến tranh du kích, phá kế hoạch củng cố lực lượng và bình định đồng bằng của địch, giữ vững quyền chủ động chiến lược của ta trên chiến trường chính, tiêu biểu như: Chiến dịch Trần Hưng Đạo tiến công địch ở tuyến trung du từ Việt Trì đến Bắc Giang; chiến dịch Hoàng Hoa Thám tiến công địch ở phòng tuyến đường 18, thuộc khu vực từ Phả lại đến Uông Bí, Mạo Khê; chiến dịch Quang Trung tiến công địch ở vùng đồng bằng thuộc các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình; chiến dịch Hòa Bình; chiến dịch Tây Bắc.
Các trận thắng lớn liên tiếp trong các chiến dịch Trần Hưng Đạo, chiến dịch Hoàng Hoa Thám, chiến dịch Quang Trung, đặc biệt thắng lợi lớn ở chiến dịch Hòa Bình, Tây Bắc vào những năm 1951-1952,…đã tạo ra thế và lực mới cho cách mạng nước ta, đồng thời đẩy thực dân Pháp vào tình thế khó khăn, ngày càng rơi vào thế bị động trên chiến trường.
Bị sa lầy trong cuộc chiến tranh Đông Dương làm cho nội tình nước Pháp rối ren. Nội bộ giới cầm quyền Pháp phân hóa sâu sắc. Phong trào đấu tranh của nhân dân Pháp đòi chấm dứt cuộc chiến tranh ở Đông Dương đã bùng lên mạnh mẽ.Từ mùa hè năm 1953, Chính phủ Pháp buộc phải tìm mọi cách đưa nước Pháp thoát khỏi cuộc chiến tranh ở Đông Dương. Bước vào Thu – Đông năm 1953, thực dân Pháp và can thiệp Mỹ đã cho ra đời Kế hoạch Nava với việc tăng viện lớn về binh lực và chi phí chiến tranh. Theo đó, Pháp và Mỹ đã lập kế hoạch đến năm 1954 tăng quân chủ lực tác chiến lên gấp 3 lần. Kế hoạch quân sự Nava với mục đích xoay chuyển cục diện chiến tranh Việt Nam là nằm trong âm mưu và thỏa thuận của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ nhằm giành lại thế chủ động có tính quyết định về quân sự trên chiến trường, làm cơ sở cho một giải pháp chính trị có lợi cho thực dân Pháp.Thực hiện kế hoạch Nava, suốt mùa hè 1953 và mùa thu 1953, thực dân Pháp mở hàng chục trận càn quyét lớn nhỏ ở Bắc Bộ, Bình - Trị - Thiên, Nam Bộ, đánh phá ác liệt căn cứ của ta. Tháng 7-1953, chúng cho quân nhảy dù tập kích Lạng Sơn. Tháng 8-1953, thực dân Pháp rút lực lượng chiếm đóng Nà Sản về tập trung ở đồng bằng Bắc Bộ.
Cuối tháng 9-1953, Bộ Chính trị họp bàn và quyết định mở cuộc tiến công chiến lược Đông – Xuân với phương châm: tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt, tiêu diệt sinh lực địch, bồi dưỡng lực lượng ta, chọn nơi địch sơ hở và nơi tương đối yếu mà đánh, chọn những hướng địch có thể đánh sâu vào vùng tự do, đẩy mạnh chiến tranh du kích, giữ vững thế chủ động, kiên quyết buộc địch phải phân tán lực lượng. Quân và dân ta đã phối hợp với quân và dân Lào, Campuchia liên tiếp mở chiến dịch và giành thắng lợi ở Lai Châu, Trung Lào, Hạ Lào, Đông Campuchia, Tây Nguyên và Thượng Lào, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, mở rộng vùng giải phóng, làm phá sản âm mưu tập trung lực lượng của địch, buộc quân Pháp phải phân tán lực lượng để đối phó trên khắp chiến trường Đông Dương, đẩy chúng vào tình thế bị động chiến lược.
Trong lúc quân ta tiến công lên Tây Bắc và Trung Lào, ngày 20-11-1953, Pháp nhảy dù chiếm Điện Biên Phủ. Điện Biên Phủ là cứ điểm có ý nghĩa chiến lược khống chế cả một vùng rộng lớn của Tây Bắc và Thượng Lào. Tuy là kế hoạch nằm ngoài dự kiến ban đầu của Kế hoạch Nava, của Pháp và Mỹ, nhưng các tướng lĩnh Pháp và Mỹ đã liên tiếp cho tăng cường lực lượng, xây dựng Điện Biên Phủ thành tập đoàn cứ điểm phòng ngự mạnh nhất của Pháp ở Đông Dương. Tổng số binh lực ở tập đoàn này vào lúc cao nhất là 16.200 quân, được bố trí thành 3 phân khu Bắc, Trung, Nam với 49 cứ điểm. Nava coi Điện Biên Phủ như “một pháo đài không thể công phá”, là nơi thu hút để tiêu diệt bộ đội chủ lực của ta.
Trước tình hình đó, ngày 06/12/1953, Bộ Chính trị họp và nhận định Điện Biên Phủ là tập đoàn cứ điểm mạnh nhưng chỗ yếu cơ bản của địch là bị cô lập. Về phía ta, Điện Biên Phủ là một trận công kiên lớn nhất từ trước tới nay; diễn ra trên địa bàn rừng núi hiểm trở, đường cơ động cho pháo khó khăn, thời gian chuẩn bị cho chiến dịch gấp. Nhận định chiến dịch Điện Biên Phủ có ý nghĩa quân sự, chính trị và ngoại giao rất quan trọng; Bộ Chính trị quyết định thông qua phương án mở Chiến dịch Điện Biên Phủ và thành lập Bộ Chỉ huy chiến dịch, Đảng uỷ mặt trận do Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng uỷ chiến dịch. Chính phủ quyết định thành lập Hội đồng cung cấp mặt trận do đồng chí Phạm Văn Đồng làm Chủ tịch. Với ý nghĩa đặc biệt quan trọng của chiến dịch, Bộ Chính trị và Tổng Quân uỷ đã quyết định tập trung 4 đại đoàn bộ binh, 1 đại đoàn công pháo với tổng quân số trên 40.000. Chấp hành quyết định của Bộ Chính trị, mọi công việc chuẩn bị cho chiến dịch được tiến hành khẩn trương; cả nước đã tập trung sức mạnh cho mặt trận Điện Biên Phủ với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, các đơn vị bộ đội chủ lực nhanh chóng tập kết, ngày đêm bạt rừng, xẻ núi mở đường, kéo pháo, xây dựng trận địa, sẵn sàng tiến công địch; 261.451 dân công, thanh niên xung phong bất chấp bom đạn hướng về Điện Biên bảo đảm hậu cần phục vụ chiến dịch.
Đầu tháng 3 - 1954, công tác chuẩn bị mọi mặt cho chiến dịch Điện Biên Phủ theo phương châm “đánh chắc, tiến chắc” đã hoàn tất. Ngày 13-03-1954, chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu và thắng lợi hoàn toàn vào ngày 7-5-1954. Sau 56 ngày đêm chiến đấu liên tục, quân và dân ta đã tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Chiều 7/5/1954, lá cờ "Quyết chiến - Quyết thắng" tung bay trên nóc hầm tướng Đờ Caxtơri. Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã toàn thắng. Ảnh: Tư liệu
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, chiến thắng Điện Biên Phủ là một trong những đỉnh cao chói lọi, một kỳ tích vẻ vang của thời đại Hồ Chí Minh. Đây là chiến thắng xứng đáng “được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng hay Đống Đa trong thế kỷ XX và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi, đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc”.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là chiến thắng vĩ đại nhất, đánh bại kế hoạch quân sự NaVa, làm sụp đổ niềm hy vọng của giới quân sự và chính trị ở Pháp, giáng đòn quyết định tạo bước ngoặt lịch sử làm thay đổi hẳn cục diện chiến tranh giữa ta và địch, tạo cơ sở cho cuộc đấu tranh ngoại giao thắng lợi ở Giơnevơ, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Ðông Dương.
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến 09 năm chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ; chấm dứt hoàn toàn ách xâm lược của thực dân Pháp trên đất nước ta và các nước trên bán đảo Đông Dương; bảo vệ và phát triển thành quả cách mạng Tháng Tám; một nửa nước được giải phóng, tạo cơ sở và điều kiện vững chắc để nhân dân ta tiến lên giành thắng lợi vĩ đại trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã làm tăng niềm tự hào dân tộc, niềm tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện; cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân một lòng, một dạ chiến đấu dưới lá cờ vẻ vang của Đảng vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ mang tầm vóc thời đại, góp phần to lớn vào phong trào đấu tranh vì hoà bình, tiến bộ của nhân loại. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ giáng một đòn chí mạng vào nền móng của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, đánh sập thành luỹ của chủ nghĩa thực dân cũ ở vị trí xung yếu nhất, đánh dấu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới; báo hiệu sự thất bại chiến lược toàn cầu phản cách mạng của chủ nghĩa thực dân mới do đế quốc Mỹ cầm đầu.
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là chiến thắng chung của các nước trên bán đảo Đông Dương, chiến thắng của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, của phong trào đấu tranh vì hòa bình, tiến bộ xã hội trên toàn thế giới.
Đánh giá về ý nghĩa lịch sử của chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Lần đầu tiên trong lịch sử, một dân tộc bị áp bức đã đánh bại cuộc xâm lược của một đế quốc hùng mạnh. Đó là thắng lợi vẻ vang của nhân dân Việt Nam, đồng thời là thắng lợi của các lực lượng hòa bình, dân chủ và xã hội chủ nghĩa trên thế giới".
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ của dân tộc ta đã chứng minh một chân lý của thời đại: các dân tộc bị áp bức, bị xâm lược nếu có ý chí kiên cường và đường lối đúng đắn, sáng tạo, biết đoàn kết đấu tranh vì độc lập tự do thì dân tộc đó nhất định thắng lợi. Đó cũng là chân lý: nhân nghĩa thắng bạo tàn. Chiến thắng lịch sử Điện biên Phủ đã thức tỉnh, cổ vũ nhân dân các nước thuộc địa ở châu Á, châu Phi, Mỹ la tinh đứng lên đấu tranh tự giải phóng, thoát khỏi ách xâm lược của chủ nghĩa thực dân, đế quốc.
Thắng lợi vĩ đại của chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ của nhân dân Việt Nam là kết quả của cả một quá trình đấu tranh cách mạng anh dũng, kiên cường, bất khuất của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh; là thắng lợi của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của sự kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; thắng lợi của sự kiên trì đường lối tiến hành chiến tranh nhân dân và của nghệ thuật quân sự tài tình biết thắng từng bước.
Thời gian đã lùi xa 67 năm, nhưng chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” mãi mãi là một mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước và niềm tự hào của dân tộc Việt Nam; là nguồn sức mạnh tinh thần to lớn, là hành trang vô giá để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đoàn kết, phấn đấu vượt qua những khó khăn, thách thức, lập nên những kỳ tích mới, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới.
Học viện chính trị khu vực III
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn