Blockchain có thể trở thành “thiên địch” của tin giả

Thứ sáu - 18/08/2023 04:48
Bằng cách ghi nhận thông tin về tác giả, ngày tạo, ngày xuất bản và quyền sở hữu trên blockchain, người đọc có thể “truy xuất nguồn gốc” của nội dung mình tiếp nhận. Đây là cơ sở quan trọng để độc giả phân biệt tin thật và tin giả.

Phát biểu tại Hội thảo “Ứng dụng công nghệ trong quản trị toà soạn số” diễn ra vào sáng 17/8, tại Hà Nội, do Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông tổ chức, TS Đặng Minh Tuấn - Chủ tịch Liên minh Blockchain Việt Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu CMC, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông nhận định, blockchain có thể được ứng dụng trong báo chí để xác thực và bảo vệ tính toàn vẹn của nội dung.
TS Đặng Minh Tuấn giải thích: “Hiểu đơn giản blockchain là một cơ sở dữ liệu phân tán, được sử dụng để lưu trữ thông tin một cách an toàn và bảo mật và minh bạch”.

Cụ thể, blockchain có thể bảo đảm rằng bài viết không bị thay đổi sau khi được công bố (bởi người quản trị hoặc tin tặc). Điều này giúp đối tác và độc giả tin tưởng vào tính chính xác và đáng tin cậy của nội dung.

Mặt khác, bằng cách ghi nhận thông tin về tác giả, ngày tạo, ngày xuất bản và quyền sở hữu trên blockchain, người đọc có thể “truy xuất nguồn gốc” của nội dung mình tiếp nhận. Việc này sẽ giúp độc giả tự trả lời được hàng loạt câu hỏi như: Tin đến từ nguồn nào? Tin này do ai sản xuất, con người hay trí tuệ nhân tạo?

Đây là cơ sở quan trọng để độc giả phân biệt tin thật và tin giả. Điều này có nghĩa là blockchain trở thành “thiên địch” của tin giả do trí tuệ nhân tạo sản xuất.

Tại Hội thảo, các diễn giả đã trình bày nhiều quan điểm khác nhau về quá trình ứng dụng công nghệ trong quản trị toà soạn số tại Việt Nam.

Xây dựng dữ liệu là yếu tố then chốt của toà soạn số

Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhìn nhận, Việt Nam đang bước vào một kỷ nguyên mới của báo chí số, công nghệ số: Hội tụ công nghệ và hội tụ nội dung đã hình thành và đang phát triển mạnh mẽ.

Đồng chí Lê Quốc Minh nói: “Để thực hiện được việc này, cần có một sự “tích hợp” và “hội tụ” cả về nội dung lẫn hình thức xuất bản của một tờ báo, theo đó mô hình “tòa soạn số” trở thành xu thế tất yếu”.

Tổng Biên tập Báo Nhân Dân phân tích, xây dựng tòa soạn số sẽ làm thay đổi toàn diện bộ mặt của ngành báo chí; giúp các toà soạn chủ động nắm bắt các sự kiện, kịp thời thông tin, định hướng dư luận xã hội, bảo đảm khách quan, chính xác, có trọng tâm, trọng điểm.

Tòa soạn số cũng là tiền đề để tiếp tục thực hiện nghiêm nguyên tắc một đầu mối trong chỉ đạo để báo chí chính thống giữ vững vai trò định hướng, chi phối thông tin trong xã hội.

Đặt ra câu hỏi: “Thông tin tìm đến độc giả hay độc giả tìm đến thông tin?”, TS Trần Quang Diệu, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng công nghệ thông tin, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, thông tin đang tìm đến độc giả nhiều hơn vế ngược lại. Do vậy, các toà soạn phải tiến hành chuyển đổi số, xây dựng bộ dữ liệu để thông tin tìm đến độc giả.

Có thể nói, xây dựng nền tảng dữ liệu lớn là một trong những yếu tố quan trọng bậc nhất để tạo nên một toà soạn số.

Các bộ sưu tập NFTs có thể là một nguồn thu mới cho báo chí

Tiếp tục bàn về ứng dụng NFT trong bản quyền nội dung và tác phẩm số, TS Đặng Minh Tuấn đưa ra thí dụ: “Ta hình dung NFT giống như một tờ giấy chứng nhận số cho một tài sản nào đó. Kế thừa các ưu điểm của blockchain, NFT là duy nhất và không thể thay thế. Không giống như đi mua đất, hai người cần phải đến Văn phòng đăng ký đất đai. Với NFT, người mua và người bán có thể giao dịch trực tiếp với nhau mà không cần đến bên thứ ba”.

Toà soạn có thể tạo ra NFTs để đại diện cho các tác phẩm số, bài viết, hình ảnh, video, âm nhạc và nhiều loại nội dung khác. Mỗi NFT sẽ bảo đảm tính duy nhất và không thể thay đổi của tác phẩm. Đặc điểm này giúp nhà báo bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đồng thời ngăn chặn việc “đạo văn”, “đạo báo”.

Chủ tịch Liên minh Blockchain Việt Nam cũng cho rằng việc xây dựng các bộ sưu tập NFTs độc đáo và đặc biệt, liên quan đến các chủ đề, sự kiện hoặc nhân vật nổi tiếng có thể là một nguồn thu nhập tốt của toà soạn.

Bởi độc giả có thể bỏ tiền mua để sưu tập các NFTs này và sở hữu một phần lịch sử và nội dung của toà soạn.

Cá nhân hóa độc giả

Đặt mục tiêu khán giả xem trọn 100% nội dung cung cấp, ông Huỳnh Long Thủy, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần VieOn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cá nhân hóa người dùng và khuyến nghị nội dung phù hợp.

Quá trình này là kết quả của việc thu thập và phân tích dữ liệu người dùng.

Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần VieOn phân tích: “Nếu Youtube đề xuất nội dung theo từ khóa thì Tiktok khuyến nghị người dùng theo từng frame hình. Từ đó, họ đưa ra phân tích dữ liệu và quảng cáo phù hợp. Đây là cách chúng tôi học hỏi”.

Sau khi thu thập dữ liệu người dùng, nhà cung cấp nội dung phải biết sắp xếp và đọc hiểu các nội dung đó.

Ông Huỳnh Long Thủy nói: “Dữ liệu giống một bộ lego tháo rời. Nhiệm vụ của chúng ta là phải sắp xếp, mô hình hóa, phân tích bộ lego đó. Nếu thu thập mà không biết cách đọc và dùng thì dữ liệu cũng trở thành vô nghĩa”.

Nguồn: nhandan.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây