Bác Hồ chúc Tết đồng bào, chiến sỹ
Chủ nhật - 19/01/2020 22:49
1. Suy tư và cảm xúc về Người
Hàng năm, khi đón mừng một năm mới bắt đầu, Bác Hồ thường có thư chúc mừng “năm mới thắng lợi mới” gửi đồng bào, chiến sỹ cả nước và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Bác là người yêu thơ lại là một nhà thơ lớn, “tâm hồn lộng gió thời đại” như nhận xét của Thủ tướng Phạm Văn Đồng nên Bác còn làm thơ mừng năm mới gửi đồng bào, chiến sỹ cả nước và bầu bạn trên thế giới. Đó là món quà tinh thần vô giá mà mỗi chúng ta nhận được từ tình thương yêu của Bác vào những ngày đầu năm mới - Tết đến, Xuân về.
Như đã thành một thói quen, một nét đẹp văn hóa trong thời khắc thiêng liêng chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, vào phút giao thừa, đồng bào, chiến sỹ cả nước lắng nghe tiếng Bác, đón những vần thơ chúc Tết của Bác để thêm niềm tin yêu và hy vọng. Bác một đời gắn bó với dân, với nước, một đời nêu gương mẫu mực “tận trung với nước, tận hiếu với dân” đến mức quên mình, hy sinh và dâng hiến trọn vẹn, toàn vẹn cuộc sống của mình cho Tổ quốc được độc lập, dân tộc được tự do và nhân dân có hạnh phúc. Vì lẽ đó mà Người đã hóa thân, không một chút riêng tư. Cũng vì lẽ đó, mỗi người dân Việt Nam, các thế hệ người Việt Nam, từ khi có Bác, cảm nhận sâu xa tự đáy lòng mình, công ơn trời biển và tình thương mênh mông của Người dành cho tất cả mọi người. Được lắng nghe giọng nói ấm áp của Người, được đọc và nghe Bác đọc những vần thơ Bác viết tự trái tim mình, ai cũng tự mình nhận ra điều giản dị mà sâu sắc biết bao nhiêu: “Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn”, để sống đúng, sống tốt và sống đẹp hơn, lòng dặn lòng: “Hãy xứng đáng nhiều hơn nữa với Bác kính yêu”.Năm 2019 này chúng ta tưởng niệm 50 năm ngày Bác đi xa, trở về với thế giới người hiền, đi vào cõi vĩnh hằng nhưng Bác vẫn sống mãi trong lòng dân và trong trái tim nhân loại. Đó cũng là lúc toàn Đảng, toàn dân và toàn quân sẽ tự nhìn nhận, tự đánh giá nửa thế kỷ thực hiện Di chúc của Người, cũng là nửa thế kỷ thực hiện năm lời thề thiêng liêng trước anh linh của Người trong giờ phút đau thương vĩnh biệt Người ngày ấy, 09/9/1969, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử.
Bản văn 1000 từ trong Di chúc giờ đây đã trở thành bảo vật quốc gia, trở thành tài sản tinh thần vô giá của dân tộc, của Đảng, tiếp thêm sức sống và nghị lực, củng cố niềm tin son sắt vào lý tưởng cho mỗi người chúng ta, mãi mãi truyền lửa sáng cho lớp lớp thế hệ người Việt Nam trên con đường lớn của lịch sử, vững bước đi tới tương lai. Ánh sáng từ ngọn lửa thiêng mà Bác trao chuyền sẽ muôn đời tỏa sáng. “Đường cách mệnh” do Bác khai phá và chỉ dẫn, sự nghiệp do Bác tạo dựng, đặt nền móng ban đầu và các thế hệ con cháu của Người tiếp tục xây dựng, phát huy và gìn giữ làm nên sức mạnh Việt Nam. Đó là một Việt Nam xã hội chủ nghĩa “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, có mặt xứng đáng trong cộng đồng thế giới nhân loại, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới. Trong Di chúc, đó là điều mong muốn cuối cùng của Người, như một tâm nguyện thiêng liêng Bác ký thác vào chúng ta. Đó là một Việt Nam trong tương lai sẽ là một dân tộc thông thái1, một xã hội văn hóa cao2 như một giá trị nhân văn cao đẹp của chủ nghĩa xã hội. Đón năm mới 2019, mừng Xuân Kỷ Hợi, lòng ta nhớ Bác khôn nguôi, hình dung thấy Bác đang về với đàn con cháu đông vui, đang ân cần thăm hỏi chúc Tết đồng bào chiến sỹ và lời Bác đang sưởi ấm lòng ta. Đã từ lâu, Thư chúc mừng năm mới và Thơ Xuân Bác đọc phút giao thừa không chỉ là nét đẹp văn hóa mà còn là nguồn cảm hứng dạt dào từ trí tuệ và tâm hồn Bác truyền cảm hứng tới chúng ta.
Từ việc làm ấy của Bác, ta càng thêm một lần nhận ra tư tưởng, đạo đức và phong cách của Người. Chỉ một tên gọi - “Hồ Chí Minh”, chỉ một tiếng gọi “Bác Hồ” mà chúng ta hằng gọi, ở trong sâu thẳm tiềm thức của chúng ta, trong ký ức của muôn người và muôn đời, cũng lại thêm một lần giúp ta thấu hiểu và thấu cảm về Người, “hình ảnh của dân tộc và lương tâm của thời đại” (Phạm Văn Đồng).
Kết tinh tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh, ta nhận ra từ Di chúc của Người mà Người khiêm nhường gọi là “một bức thư để lại”, là “mấy lời để lại” cho đồng bào và đồng chí trong Đảng.
Di chúc và những tác phẩm tiêu biểu khác của Người được xếp hạng bảo vật quốc gia3 càng làm cho chúng ta tự hào về một đỉnh cao văn hóa và văn hiến Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, cũng là tinh hoa văn hóa Việt Nam hiện đại đóng góp vào văn hóa nhân loại. Suy tư ấy trong những ngày đầu Xuân nhớ Bác làm bền chặt hơn cảm xúc về Bác trong tâm hồn ta.
Thời gian càng lùi xa ta càng thấy rõ hơn, đó không chỉ là Quốc bảo mà còn là Pháp bảo nhiệm màu giúp cho Việt Nam phát triển và con người Việt Nam trở nên hoàn thiện.
2. Kỷ niệm về Bác Hồ chúc Tết đồng bào, chiến sỹ
Tấm lòng lo nước, thương dân của Hồ Chủ tịch thể hiện trong mọi hoạt động hàng ngày của Bác, nhất là trong dịp Tết.
Kể từ Tết Độc lập đầu tiên của đất nước, Tết Bính Tuất, 1946 đến Tết cuối cùng của Bác - Kỷ Dậu 1969, Bác Hồ đã cùng đón Xuân với đồng bào, chiến sỹ cả nước 24 Xuân. Không những Bác đến với Dân trong những ngày Tết mà còn đến sớm hơn, trước cả những ngày Tết để tìm hiểu đời sống và công việc của nhân dân, kiểm tra quan hệ và trách nhiệm của các cấp lãnh đạo trong việc dân, việc nước.
Những năm ở Hà Nội, có lần Bác Hồ muốn đi thăm chợ Đồng Xuân trong những ngày giáp Tết. Bác muốn biết qua quan sát cảnh sắm Tết của người Hà Nội ở ngôi chợ lớn nhất này, người giàu sắm Tết ra sao và bà con lao động còn nghèo đói, vất vả đến với Tết như thế nào. Ông Phạm Văn Xoàn là người trực tiếp bảo vệ Bác Hồ, sau này là Thiếu tướng Công an đề nghị Bác tổ chức một đoàn đi gồm ba người: Bác đóng vai cha, ông Xoàn đóng vai con và anh Đính, chiến sỹ trẻ của ông Xoàn đóng vai cháu. Bác đồng ý và cho cách hóa trang như vậy là hợp lý. Hôm sau vào chợ, ông Xoàn không thấy Bác đi theo đường đã bố trí sẵn mà đi một nơi khác. Ông Xoàn vội thưa:
- Thưa cha, ta đi lối này.
Bác cầm tay ông Xoàn nói khẽ:
- Cha con ta qua đây một chút.
Giọng Bác trìu mến, tự nhiên làm ông Xoàn rất xúc động, lần đầu tiên được Bác dành cho tình cảm cha - con gần gũi đến thế, đó là kỷ niệm ông không bao giờ quên.
Cũng ở chợ Đồng Xuân, vào ngày tất niên, 29-30 Tết, Bác đến đây tìm mua một bó hoa Huệ để thắp hương cho mẹ - bà Hoàng Thị Loan khi mất (1901) có 33 tuổi, ở Huế. Lúc mồ côi mẹ, Bác của chúng ta mới có 10 tuổi đầu thơ bé và em nhỏ Nguyễn Sinh Nhuận tức Nguyễn Sinh Xin mới có mấy tháng tuổi. Mẹ Hoàng Thị Loan lại mất vào ngày giáp Tết, 22 tháng Chạp. Bác không bao giờ quên nỗi đau của tuổi thơ mất mẹ, vào ngày 23 Tết, 10 tuổi đầu, mặc áo tang, bế em nhỏ trên tay, nước mắt ròng ròng, Bác đưa mẹ đến nơi an nghỉ cuối cùng ở ngoại ô thành Huế. Ta cũng đừng quên, hồi hoạt động ở Pháp, Bác còn nhớ ngày giỗ mẹ lần thứ 20, Bác vào tận ngõ nhỏ ở ngoại ô tìm bông hoa dâm bụt cắm vào miệng con gà, đặt trong buồng nhỏ ở ngõ hẻm Công Poăng, thắp hương nhớ mẹ. Và giờ đây, là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Bác hóa trang thành một lão nông đến chợ Đồng Xuân mua hoa huệ thờ mẹ. Bác dặn người chiến sỹ cảnh vệ trẻ tuổi cùng đi với Bác: Chú nhớ giữ bí mật cho Bác, nước nhà mới độc lập, kẻ thù trà trộn xung quanh hãy còn nhiều lắm, lộ ra, nó giết Bác mất. Đến chợ, Bác thấy một bà cụ đang bán hoa huệ. Bác ngồi xuống bên gánh hoa của cụ, tự tay chọn từng bông huệ. Dù đã hóa trang rất kỹ nhưng đôi mắt rất sáng của Bác không lẫn vào đâu được, bà cụ nhìn Bác chăm chú, làm mọi người xung quanh cũng nhìn theo. Dường như bà con đã kịp nhận ra Bác Hồ. Người chiến sỹ cảnh vệ vội kéo Bác đi không để Bác mua hoa nữa. Bác vẫn ngoái lại nhìn mấy bông huệ đang chọn dở. Thương Bác quá, anh hỏi bà cụ bán hoa:
- Bó hoa này cụ lấy bao nhiêu?
Bà cụ trả lời thật hiền hậu:
- Các bác cho bao nhiêu cũng được.
- Vậy hai đồng cụ bán không? Anh chiến sỹ nói lấy lệ vậy thôi, cốt để phân tán chú ý của mọi người đang chăm chú nhìn Bác chứ có mua đâu.
Khi về đến chỗ ở, Bác nói mà trong mắt như ngấn lệ,
- Chú có biết hôm nay bao nhiêu Tết rồi không? Bác muốn có mấy bông huệ cho mẹ Bác, chú chẳng mua cho Bác, mà chú trả rẻ như vậy thì bà cụ bán sao được.
Như vậy đấy! Là một người con hiếu thảo, Bác thương nhớ mẹ khôn nguôi. Là vị Chủ tịch nước, thương dân, Bác thấu hiểu lòng dân đến thế!
Cũng dịp Tết ở Hà nội, Bác đi chúc Tết đồng bào trước lúc giao thừa. Bác nói với các đồng chí ở Thành ủy thu xếp cho Bác đến chúc Tết gia đình các vị nhân sỹ, trí thức nổi tiếng, trong đó có bác sỹ Trần Duy Hưng, Chủ tịch thành phố và các gia đình lao động nghèo khổ nhất.
Tết Nhâm Dần, 1962, Bác đến thăm gia đình chị Chín ở ngõ 16 phố Lý Thái Tổ, ở sâu trong một cái ngách (hẻm), đường rất hẹp, chỉ hơn một thước. Nhà cửa tuềnh toàng, như quán chợ. Chồng chị đã mất từ lâu, để lại cho chị đàn con thơ dại ba trai, hai gái. Chị phải đi làm công nhật. Gặp việc gì làm việc đó để nuôi năm đứa con. Sắp đến giao thừa mà chị vẫn phải đi gánh nước thuê lấy tiền mua gạo cho con. Bác bước vào nhà, chị Chín sửng sốt nhìn Bác. Chiếc đòn gánh bỗng rơi khỏi vai chị. Đôi thùng sắt gieo xuống đất kêu loảng xoảng. Mấy cháu nhỏ kêu lên: “Bác, Bác Hồ!”, rồi chạy lại quanh Bác. Lúc này chị Chín mới như chợt tỉnh, chị chạy tới ôm choàng lấy Bác và bỗng nhiên khóc nức nở. Đôi vai gầy sau làn áo nâu đã bạc rung lên từng đợt. Bác đứng lặng, hai tay Người nhè nhẹ vỗ lên mái tóc chị Chín như an ủi. Chờ cho chị bớt xúc động, Bác nói: Năm mới sắp đến, Bác đến thăm thím và các cháu, sao thím lại khóc?
Tuy đã cố nén nhưng chị Chín vẫn không ngừng thổn thức, chị nói:
- Có bao giờ… có bao giờ… mà bây giờ… con cảm động quá! Mừng quá… thành ra con khóc.
Bác nhìn chị Chín, nhìn các cháu một cách trìu mến và bảo:
- Thím hiện nay làm gì?
- Dạ, cháu làm phu khuân vác ở gần Văn Điển ạ!
- Như vậy là làm công nhân chứ! Sao gọi là phu?
- Vâng ạ, cháu trót quen miệng như trước kia.
- Thím vẫn chưa có công việc ổn định à? Rồi Bác lại hỏi:
- Mẹ con thím có bị đói không?
Chị rơm rớm nước mắt mà trả lời:
- Dạ, bữa cơm bữa cháo cũng tùng tiệm ạ.
Bác chỉ vào cháu lớn nhất và hỏi:
- Cháu có đi học không?
- Dạ, cháu đang học lớp bốn ạ. Cháu vừa đi học vừa bán kem, bán lạc rang để đỡ đần mẹ cháu. Còn cháu thứ hai học lớp ba, cháu thứ ba học lớp hai.
Bác nghe, tỏ ý hài lòng.
Bác quay nhìn đồng chí Phó Bí thư Thành ủy. Cái nhìn của Bác như một câu hỏi: “Sao vậy, những người góa bụa, năm đứa trẻ mồ côi như thế này, tại sao chưa được công đoàn đặc biệt quan tâm?”.
Bà con trong xóm đã tới quây quần trước sân. Bác bước ra thăm hỏi và chúc Tết bà con. Bác ân cần dặn dò việc làm ăn và việc học hành cho các cháu.
Trên xe về Phủ Chủ tịch, nét mặt Người đượm buồn, vầng trán mênh mông của Người còn đượm những nét suy nghĩ. Bác nói với cán bộ cùng đi: Muốn cho mọi người vui Tết, trước hết phải lo cho ai cũng có việc làm. Phải chú ý những người đặc biệt khó khăn.
Lại nhớ những ngày thường, Bác vẫn bảo:
- Làm cho một số người được sung sướng thì không khó. Nhưng lo cho toàn dân, mỗi người thêm một thước vải, cho mỗi bữa thêm một chút thức ăn, mỗi thôn thêm một trường học, là cả một vấn đề phấn đấu lớn của Đảng và Chính phủ.
Đó chỉ là một trong muôn vàn chuyện kể về việc Bác đi thăm, chúc Tết các gia đình nghèo cho thấy Bác hiểu lòng dân, lo cho dân biết nhường nào…
Cũng vào những năm sáu mươi của thế kỷ trước, có lần Bác ra thăm đảo Tuần Châu. Chiếc ca nô vừa rời khỏi bến khoảng chục mét thì trên bờ có tiếng kêu vọng ra: “Sao các ông không cho tôi được gặp Bác Hồ? Bác Hồ đâu, Bác Hồ đâu?”. Thì ra có một bà cụ trên đảo ra đón Bác nhưng đến muộn đang đòi gặp Bác. Khi biết, Bác liền ra lệnh quay ca nô trở lại bờ. Ca nô cập bến. Một hình ảnh vô cùng xúc động. Trên bờ, một bà cụ chừng 70 tuổi, mắt bị lòa đang quờ quạng hai tay, hỏi dồn “Bác Hồ đâu? Bác Hồ đâu?”. Bác bước vội đến đỡ cụ già:
- Thưa cụ, tôi đây, cụ có khỏe không?
Nghe tiếng Bác, toàn thân bà cụ rung lên, bà khuỵu xuống bên cánh tay Người, nói trong tiếng nấc:
- Bác Hồ… đây… ư? Bác Hồ… đây… ư?
Bà cụ dường như không nghe câu Bác hỏi vì quá xúc động… Cụ lắp bắp nói như trong mơ:
- Tôi, … tôi… tôi được gặp Bác Hồ thật ư?
Rồi vừa nói, hai tay xương xẩu, run run của cụ vừa lần sờ lên cánh tay, lên vai, lên chòm râu bạc của Người. Những giọt lệ sung sướng từ hai con mắt đục mờ cứ tràn xuống gò má khô héo, răn reo đang nở ra của cụ.
Hiểu thấu nỗi lòng khát khao của người dân trên đảo, Bác đứng đó, yên lặng hồi lâu để thỏa nỗi ước mong của cụ.
Liệu có ở nơi đâu trên Trái đất này có được tình nghĩa của dân đối với lãnh tụ và tấm lòng của lãnh tụ dành cho dân với tất cả tình thương và đức khiêm nhường cao quý như vậy không?
Đủ hiểu vì sao, trong thư gửi cụ Phùng Lục ở Ứng Hòa, Hà Tây (nay là Hà Nội) trong lễ mừng cụ thượng thọ, Bác lại xưng hô với dân là “cháu”. Lãnh tụ bận biết bao công việc mà vẫn không quên ngày sinh của dân, vẫn có thư và quà chu đáo, ân cần gửi chúc thọ người dân. Đó là cốt cách, phẩm hạnh của Người, suốt đời thực hành một lẽ sống làm công bộc tận tụy, đầy tớ trung thành của dân.
Cũng đủ hiểu vì sao, hơn 70 năm về trước (1948), trong thư gửi cho cán bộ chiến sỹ công an, Người đặc biệt nhấn mạnh “đối với nhân dân phải kính trọng lễ phép”4. Đây là điều cốt lõi nhất trong Sáu điều Người dạy về tư cách người công an cách mạng, bởi công an là bạn của dân. Nhân dân là cội nguồn sức mạnh của cách mạng. Người căn dặn chúng ta: “Nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn”5.
Còn bao nhiêu lần khác nữa Bác đi chúc Tết đồng bào, chiến sỹ, mỗi lần lại có một chuyện cảm động không thể nào quên trong tâm trí mọi người. Có thể kể ra một vài ví dụ:
- Xuân 1955 là mùa Xuân đầu tiên sau ngày Hà Nội được giải phóng. Đêm 30 Tết năm ấy, Bác Hồ cho mời toàn đội cảnh vệ trên Việt Bắc đến ăn cơm với Bác. Bác nói:
- Hôm nay là ngày Tết Nguyên Đán. Bác cháu ta cùng vui Tết và cùng nhau ôn lại những ngày gian khổ trên chiến trường Việt Bắc. Đồng chí phụ trách đội cảnh vệ thay mặt anh em tặng hoa Bác. Bác nói: Các chú thật khéo vẽ chuyện. Bác với các chú sống bên nhau hàng ngày, việc gì phải hoa. Đáng chừng, Bác cho ăn cỗ Tết mà đến tay không thì ngại phải không? Các chú trồng được nhiều rau tốt sao không mang tới biếu Bác? Bác sẽ giới thiệu là của các chú trồng, hết Tết các chú mang về mà ăn. Thế là các chú có quà tặng Bác, lại được Bác tuyên truyền cho mà lại chẳng mất gì, như vậy có tốt hơn không?
Lại đến Tết Ất Tỵ, 1965, Bác về chúc Tết khu mỏ? Để khỏi tốn kém cho địa phương, Bác đã cho đem về các món ăn ngày Tết. Lại có một số cán bộ cao cấp cùng về với Bác. Bác nói: Sinh hoạt của dân ta thật là phong phú. Cũng là gạo nếp đỗ xanh nhưng mỗi nơi lại làm ra những loại bánh khác nhau. Nơi thì bánh chưng, nơi thì bánh dày, nơi thì bánh ú. Rồi Bác hỏi một đồng chí cán bộ cao cấp: Chú có biết đồng bào trong Nam gói bánh gì không, loại bánh tròn và dài ấy? Đồng chí đó không biết. Bác giải thích, đó là bánh tét. Rồi Bác trầm ngâm một lát và nói: Mỗi ngày chúng ta biết thêm được một điều mới. Chú thì biết thêm cái bánh tét còn Bác biết thêm một cán bộ cao cấp chưa biết cái bánh tét là gì. Chuyện đơn giản đời thường vậy thôi mà ý nghĩa giáo dục cán bộ thường trực ở trong Bác sâu sắc biết bao.
Ta cũng đừng quên, năm 1965, Tết Ất Tỵ ấy, chỉ vài tháng, sau Tết âm lịch, chọn tháng Năm sinh nhật lúc 75 tuổi, Người bắt tay vào viết “Tài liệu tuyệt đối bí mật”, đó là bản Di chúc của Người.
Càng nghĩ đến điều ấy, lòng ta càng thêm một lần hiểu rõ:
“Ôi giữa lòng ta, Bác đến tự hồi nào?
Bác vĩ đại mà chẳng làm ai kinh ngạc
Mỗi buổi sáng, nhìn lòng ta, ta thấy Bác
Nước mắt tràn, ta cảm hết ơn sâu”…
(Chế Lan Viên).
Ta càng không thể nào quên, năm 1969, Tết Kỷ Dậu. Bác đã 79 tuổi và đây là cái Tết cuối cùng Bác ở cùng ta. Dù sức khỏe của Bác đã yếu đi nhiều mà sao năm ấy, chương trình chúc Tết của Bác nhiều vậy. Lo cho Bác, các đồng chí lãnh đạo Trung ương xin Bác giảm bớt các chuyến đi. Còn Bác, có lẽ, Bác rõ hơn ai hết, cái hữu hạn của đời người, dường như Bác biết tự tâm linh của mình, như Bác viết trong Di chúc, bản viết năm 1969, “Ai mà đoán biết được tôi còn phục vụ Tổ quốc và đồng bào được bao lâu nữa”. Vậy nên, Bác đến với đồng
bào, chiến sỹ nhiều hơn, đem đến cho mọi người tình thương và nỗi nhớ vô hạn, của Người “quên nỗi mình đau để nhớ chung”.
Trước đó, ngày 14/7/1969, Hồ Chí Minh đã tiếp và trả lời nữ đồng chí Mácta Rô bát, phóng viên báo Grama, Cuba. Khi nhà báo hỏi Người về điều thiêng liêng nhất, Bác nói: “Tôi yêu đồng bào ở miền Bắc cũng như yêu đồng bào ở miền Nam. Tôi hiến cả đời tôi cho dân tộc tôi”.
Và Người còn nói, “mỗi người, mỗi gia đình đều có một nỗi đau khổ riêng, và gộp cả những nỗi đau khổ riêng của mỗi người, mỗi gia đình lại thì thành nỗi đau khổ của tôi”6.
Còn ngày 28 Tết Kỷ Dậu, 1969, Bác tiếp Đoàn liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ, hòa bình Huế, trong đoàn có bà Nguyễn Đình Chi, Ủy viên Hội đồng cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam. Bà đã nhiều lần được gặp Bác nhưng lần này để lại cho bà và các thành viên trong đoàn ấn tượng sâu sắc nhất. Bà mời Bác dùng mứt do tự tay bà làm. Bác nếm mứt chanh và mứt cam, Bác nói phải có cam, có khổ chứ, bà hiểu ý Bác dặn dò “làm cách mạng phải chịu đựng cam khổ”. Trong lần tiếp Đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam, Bác ôm hôn bác sỹ Phùng Văn Cung, Trưởng đoàn và nói: Gặp các vị ở đây, với đồng bào miền Nam, có nói trăm câu, nghìn câu, vạn câu cũng không đủ nói hết nỗi lòng. Vậy tôi xin phép đọc một câu thôi:
“Bao giờ Nam Bắc một nhà
Việt Nam đại thắng chúng ta vui mừng”.
Nào ai có hay, Bác đau tim rất nặng, Người đã yếu nhiều mà vẫn vui, vẫn mẫn tiệp lạ thường để chúng ta vui, để truyền tin yêu và hy vọng cho tất cả. Mùng hai Tết Kỷ Dậu, 1969, Bác đến thăm “Đồi cây đón Bác” ở thôn Yên Bồ, xã Vật Lại, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội). Bác trồng cây đầu Xuân, tiếp tục phát động Tết trồng cây, gây dựng một tập quán, một truyền thống văn hóa mới - hài hòa con người và cuộc đời, xã hội và tự nhiên trong một triết lý văn hóa nhân sinh.
Lại cũng Tết Kỷ Dậu năm ấy, Bác đến thăm Quân chủng phòng không không quân, một quân chủng tuy mới thành lập nhưng đã lập nhiều thành tích vẻ vang. Anh hùng phi công Nguyễn Văn Cốc bắn rơi chín máy bay Mỹ được vinh dự Bác gọi lên, đứng cạnh Bác. Bác thăm các chiến sỹ nuôi quân và các thầy thuốc giỏi. Bác ân cần dặn chiến sỹ toàn quân chủng nâng cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu. Bác ôm hôn và nắm tay anh Cốc giơ lên và nói: Chúc các cô, các chú năm nay lập nhiều chiến công mới, nhiều Cốc mới hơn nữa. Đó là lần cuối cùng Bác thăm chiến sỹ quân đội mà Bác rất mực tin yêu.
Tết Kỷ Dậu, 1969 cũng là cái Tết cuối cùng chúng ta được Bác chúc Tết, được nghe Bác đọc Thơ Xuân:
“… Tiến lên! Chiến sỹ, đồng bào,
Bắc - Nam sum họp, Xuân nào vui hơn!”.
Ngày Xuân nhớ Bác, trong muồn vàn nỗi nhớ thương, chúng ta không thể nào quên Thư chúc mừng năm mới và Thơ Xuân đón Tết cũng như những kỷ niệm trong những lần Người chúc Tết đồng bào, chiến sỹ.
Bác đã về với tổ tiên, đã đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị đàn anh khác của Người tròn nửa thế kỷ nay nhưng Bác không ở đâu xa, Bác vẫn gần gũi bên ta trong mỗi ngày ta sống với tình thương yêu bao la của Người, với những cảm thông, bao dung thấm đượm lòng nhân ái vị tha của Người, cả những gì Người căn dặn, đòi hỏi chúng ta vươn lên, làm tròn trọng trách với dân. Ghi nhớ lời căn dặn của Bác trong Di chúc, mỗi chúng ta nguyện làm tất cả để cho Đảng thật trong sạch, thật vững mạnh, là đạo đức, là văn minh. Đảng vì dân, Nhà nước của dân và dân tin Đảng, theo Đảng đến cùng. Ý Đảng - lòng dân - phép nước trở thành sức mạnh tổng hợp để thực hiện bằng được khát vọng và tâm nguyện của Người, theo hệ giá trị cao quý: Độc lập - Tự do - Hạnh phúc mà Người đã suốt đời lựa chọn./.
---
1. Bác nói với đồng bào Hải Phòng khi đón Bác từ Pháp trở về, 10/1946.
2. “Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là xây dựng một xã hội văn hóa cao” (Hồ Chí Minh).
3. Năm tác phẩm Bảo vật Quốc gia của Hồ Chí Minh gồm: “Đường cách mệnh” (1927), “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” (19/12/1946), “Lời kêu gọi đồng bào chiến sỹ cả nước chống Mỹ xâm lược” (17/7/1966), “Nhật ký trong tù” (1942 - 1943), và “Di chúc” (1965 - 1969).
4. Hồ Chí Minh, Toàn tập, 15 tập, CTQG. H.2011, Tập 5, tr.498-499.
5. Hồ Chí Minh, Sđd, Tập 7, tr.270.
6. Hồ Chí Minh, Sđd, Tập 15, tr.674-676.
GS, TS. Hoàng Chí Bảo
Chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương
Theo Ban quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh