TCCS - Phương thức cầm quyền của Đảng là tổng thể hình thức, phương pháp mà Đảng sử dụng để thực hiện nội dung cầm quyền. Cốt lõi phương thức cầm quyền của Đảng là cách thức lãnh đạo Nhà nước và xã hội thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng nhằm xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Đổi mới phương thức cầm quyền là làm thay đổi hình thức, phương pháp cầm quyền cho phù hợp hơn, hiệu quả hơn và giữ vững vai trò cầm quyền của Đảng.
Một số nhận thức xuất phát để đổi mới phương thức cầm quyền
Phương thức cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam là tổng thể hình thức, phương pháp mà Đảng sử dụng để thực hiện nội dung cầm quyền. Cốt lõi phương thức cầm quyền của Đảng là cách thức mà Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng nhằm xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đã cầm quyền liên tục gần 80 năm. Từ thực tiễn cầm quyền của Đảng và các kết quả nghiên cứu khoa học gần đây cho thấy, phương thức cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam thường bao gồm các cách thức chủ yếu sau:
Đảng cầm quyền bằng đường lối, chủ trương thể hiện trong Cương lĩnh, chiến lược, nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng. Có được địa vị cầm quyền là do Đảng có đường lối chính trị đúng đắn và được thực hiện hiệu quả. Khi trở thành đảng cầm quyền thì phương thức cầm quyền hàng đầu vẫn là bằng đường lối chính trị của Đảng. Đường lối, chủ trương, chính sách lớn của Đảng thể hiện trong Cương lĩnh, chiến lược, nghị quyết, chỉ thị, kết luận; qua đó, lãnh đạo Nhà nước và xã hội thực hiện nội dung cầm quyền của Đảng.
Đảng cầm quyền bằng pháp luật: Phương thức cầm quyền này gắn liền với phương thức cầm quyền bằng đường lối, chủ trương. Sau khi Đảng đề ra đường lối, chủ trương; với chức năng của mình, Nhà nước thể chế hóa, cụ thể hóa thành pháp luật, chiến lược, kế hoạch để toàn dân, toàn xã hội thực hiện, nhờ đó đường lối, chủ trương của Đảng đi vào cuộc sống. Bởi vậy, pháp luật không chỉ khẳng định vai trò của Đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, mà còn khẳng định vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội của Đảng. Nếu thực hiện tốt phương thức cầm quyền bằng pháp luật thì sẽ giúp bảo đảm tính nghệ thuật của lãnh đạo chính trị và giúp gia tăng sự bền vững địa vị cầm quyền của Đảng.
Đảng cầm quyền bằng công tác cán bộ: Đây là phương thức cầm quyền phổ biến của tất cả đảng cầm quyền trên thế giới. Khi trở thành đảng cầm quyền, đảng lập tức đưa người của mình vào nắm giữ các vị trí lãnh đạo, quản lý các cơ quan nhà nước, qua đó mà thực thi sự cầm quyền của đảng. Đảng cộng sản cầm quyền nói chung, Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền nói riêng càng đặc biệt chú trọng cầm quyền bằng công tác cán bộ. Đảng thống nhất lãnh đạo trực tiếp, toàn diện công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị. Đảng trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, xem xét, phân công, giới thiệu cán bộ vào các vị trí lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị và thông qua đội ngũ cán bộ để lãnh đạo thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng.
Đảng cầm quyền bằng công tác tổ chức: Muốn cầm quyền tốt, Đảng phải thiết lập được mô hình tổ chức và các mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước, các tổ chức khác trong hệ thống chính trị phù hợp, bảo đảm được vai trò lãnh đạo của Đảng; đồng thời, có cách thức tốt để phân công, bố trí, kiểm tra, giám sát cán bộ của Đảng giữ vị trí chủ chốt của bộ máy nhà nước, các tổ chức trong hệ thống chính trị để tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng.
Đảng cầm quyền bằng công tác tư tưởng: Các bộ phận cấu thành công tác tư tưởng đều có thể phục vụ cho sự cầm quyền của Đảng. Công tác lý luận giúp xác lập sự thống trị hệ tư tưởng của Đảng đối với xã hội, bảo đảm nền tảng tư tưởng cho sự cầm quyền của Đảng. Công tác tuyên truyền, cổ động, văn hóa, văn nghệ giúp Đảng tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng đến toàn xã hội và bảo vệ địa vị cầm quyền, nền tảng tư tưởng của Đảng.
Đảng cầm quyền bằng tổ chức đảng và đảng viên trong các tổ chức của Nhà nước và các tổ chức khác của hệ thống chính trị: Trong các thể chế đa đảng, thường các chính đảng, kể cả đảng cầm quyền không được phép thiết lập tổ chức đảng trong các cơ quan nhà nước, thậm chí công chức không được tham gia đảng phái chính trị; vì vậy, cầm quyền bằng tổ chức đảng và đảng viên trong các tổ chức của Nhà nước và các tổ chức khác của hệ thống chính trị là một đặc thù, một thế mạnh trong phương thức cầm quyền của đảng cộng sản với thể chế nhất nguyên chính trị. Phương thức cầm quyền này quan hệ chặt chẽ với phương thức cầm quyền bằng công tác tổ chức, tuy có phạm vi hẹp hơn, chỉ trong phạm vi xây dựng tổ chức của Đảng, nhưng là phương thức cầm quyền rất mạnh, trực tiếp lãnh đạo Nhà nước và xã hội thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng.
Đảng cầm quyền bằng công tác kiểm tra, giám sát: Đường lối, chủ trương của Đảng có được thực hiện nghiêm túc hay không? Việc thể chế hóa nghị quyết, chủ trương của Đảng có kịp thời, đầy đủ không? Chất lượng, hiệu quả công việc có được đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện tốt không...? Thông qua công tác kiểm tra, giám sát, Đảng sẽ biết được rõ ràng vấn đề này; trên cơ sở đó, điều chỉnh phù hợp nội dung, phương thức cầm quyền. Hệ thống tổ chức của Đảng Cộng sản Việt Nam được lập tương ứng với hệ thống tổ chức hành chính của Nhà nước, với hệ thống tổ chức đảng và đội ngũ đảng viên hoạt động trong tất cả cơ quan nhà nước, các tổ chức của hệ thống chính trị nên cần thiết và đủ điều kiện để cầm quyền thông qua công tác kiểm tra, giám sát của Đảng.
Quá trình gần 80 năm cầm quyền liên tục, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đúc rút nhiều bài học kinh nghiệm về phương thức lãnh đạo, cầm quyền, về lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Thành công lớn nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam với tư cách là đảng cầm quyền trong gần 80 năm qua là Đảng đã lãnh đạo xây dựng, phát triển Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa từ “con số không” do hệ quả của chiến tranh, của chế độ chính trị thực dân, phong kiến, đến đủ sức quản lý đất nước, tổ chức nhân dân đánh bại hai “đế quốc to”, giành độc lập, thống nhất trọn vẹn cho đất nước; và ngày nay, đang từng bước đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước, hệ thống chính trị và toàn dân tộc thực hiện đường lối đổi mới đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, làm cho đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.
Bên cạnh những thành công, Đảng Cộng sản Việt Nam cũng thẳng thắn thừa nhận rằng còn có một số hạn chế, khuyết điểm cần khắc phục trong thời gian tới. Đặc biệt, với vị trí, vai trò, trách nhiệm của một đảng cầm quyền duy nhất, Đảng Cộng sản Việt Nam tự nhận thấy, vẫn “Chưa xác định rõ nội dung và phương thức cầm quyền”(1); đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội còn chậm, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị có nội dung còn lúng túng, cơ chế kiểm soát quyền lực trong Đảng và Nhà nước chưa đầy đủ, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả chưa cao.
Trong điều kiện mới hiện nay, muốn thực hiện tốt nội dung cầm quyền, giữ vững vai trò lãnh đạo, cầm quyền đòi hỏi Đảng Cộng sản Việt Nam đổi mới phương thức cầm quyền. Nhiệm vụ trọng tâm thứ nhất của nhiệm kỳ do Đại hội XIII của Đảng nêu rõ phải: “Đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng”(2). Tuy nhiên, đổi mới không phải là phủ định sạch trơn cách làm và thành tựu trước đây, mà là khẳng định những gì đã hiểu đúng, làm đúng, loại bỏ những gì hiểu sai, làm sai; những gì trước kia đúng, nhưng do tình hình và điều kiện đã thay đổi, trở nên không phù hợp nữa, cần bổ sung nhận thức mới và cách làm mới, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng cũng phải theo tinh thần chỉ đạo như vậy, nghĩa là không phủ định các phương thức cầm quyền đã và đang vận hành, mà trước hết và chủ yếu là bổ sung nhận thức mới và thay đổi cách làm cụ thể trong mỗi phương thức cầm quyền cơ bản.
Giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
Đổi mới phương thức cầm quyền là làm thay đổi các hình thức, phương pháp cầm quyền, làm cho phương thức cầm quyền của Đảng phù hợp hơn, hiệu quả hơn, đáp ứng yêu cầu thực hiện tốt nội dung cầm quyền và giữ vững vai trò cầm quyền của Đảng. Để thực hiện đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay, cần thực hiện tốt các giải pháp sau:
Một là, đổi mới phương thức cầm quyền bằng Cương lĩnh, chiến lược, nghị quyết và định hướng chủ trương, chính sách lớn.
Với vị trí, vai trò là phương thức cầm quyền cơ bản của Đảng và từ thực trạng ban hành, tổ chức thực hiện nghị quyết của Đảng, để đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay, nhiệm vụ hàng đầu là phải đổi mới, nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện nghị quyết của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, cầm quyền. Đại hội XIII của Đảng yêu cầu: “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành nghị quyết của Đảng. Ban hành nghị quyết khi thật sự cần thiết, hợp lý, thiết thực, ngắn gọn, khả thi”(3).
Đồng thời với tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành nghị quyết của Đảng, phải đổi mới việc tổ chức triển khai, thực hiện nghị quyết của Đảng để nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, cầm quyền. Tiếp tục đổi mới việc học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng bảo đảm thiết thực, hiệu quả. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo kiên quyết, giám sát chặt chẽ việc cụ thể hóa, thể chế hóa, tổ chức thực hiện nghị quyết; coi trọng kiểm tra, giám sát, đôn đốc, sơ kết, tổng kết việc thực hiện nghị quyết, quy định, chỉ thị, kết luận của Đảng, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả.
Hai là, đổi mới phương thức cầm quyền bằng pháp luật.
Đổi mới phương thức cầm quyền bằng pháp luật đòi hỏi tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật, bảo đảm thể chế hóa nhanh, đầy đủ, chất lượng đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng. Tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát của Đảng.
Xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển nhanh, bền vững. Gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật. Tập trung chỉ đạo quyết liệt, đầu tư hợp lý nguồn lực và điều kiện để thực hiện tốt các nhiệm vụ nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật.
Đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân do Đảng lãnh đạo, với vai trò là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị.
Ba là, đổi mới phương thức cầm quyền bằng công tác tư tưởng.
Để đổi mới phương thức cầm quyền, công tác tư tưởng của Đảng phải tiếp tục tăng cường đổi mới toàn diện trên các mặt công tác lý luận, tuyên truyền, cổ động nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả; từ đó, thực hiện vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, định hướng tư tưởng cho toàn Đảng, toàn dân.
Đảng phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức công tác tư tưởng theo hướng chủ động, thiết thực, kịp thời và hiệu quả; nâng cao tính chiến đấu, tính giáo dục, tính thuyết phục trong tuyên truyền, học tập chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bảo đảm sự lãnh đạo xã hội bởi những giá trị của nền tảng tư tưởng của Đảng; sự thấu suốt đường lối, chủ trương của Đảng.
Công tác tư tưởng phải nắm chắc, dự báo đúng, định hướng chính xác, xử lý đúng đắn, kịp thời các vấn đề tư tưởng trong Đảng, trong xã hội; nắm bắt, định hướng dư luận xã hội, bảo đảm thống nhất tư tưởng trong Đảng, đồng thuận cao trong xã hội. Phải đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, hoàn thiện hệ thống lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam để bảo đảm vai trò, sứ mệnh tiên phong về lý luận của Đảng lãnh đạo, cầm quyền.
Đổi mới phương thức lãnh đạo, cơ chế quản lý lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, tạo môi trường tự do sáng tạo, phát huy tài năng của các văn nghệ sĩ, để thúc đẩy xây dựng nền văn hóa Việt Nam mới tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Bốn là, đổi mới phương thức cầm quyền bằng công tác tổ chức.
Công tác tổ chức của Đảng phải thiết lập, hoàn thiện hệ thống tổ chức bộ máy của Đảng, Nhà nước và các tổ chức khác trong hệ thống chính trị bảo đảm sự lãnh đạo, cầm quyền chặt chẽ, thông suốt đối với hệ thống chính trị, các lĩnh vực và xã hội trong điều kiện mới; đồng thời, hệ thống tổ chức bộ máy đó phải giúp tháo gỡ ách tắc, trì trệ, thúc đẩy sự phát triển. Khâu nào, chỗ nào tổ chức chưa hợp lý, chưa bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, kìm hãm sự phát triển, thì phải được rà soát, sửa chữa, kiện toàn, khắc phục kịp thời.
Công tác tổ chức phải bảo đảm thực hiện nghiêm túc nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo việc đổi mới, sắp xếp và quản lý tổ chức bộ máy, biên chế của hệ thống chính trị; bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung thống nhất của Trung ương, đồng thời phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của từng cấp, từng ngành, từng địa phương; xác định rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân, nhất là người đứng đầu.
Phương hướng, mục tiêu đổi mới công tác tổ chức là tiếp tục đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đồng bộ với đổi mới kinh tế, văn hóa, xã hội, con người..., đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức của hệ thống chính trị. Tổng kết các mô hình thí điểm về tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị, khắc phục sự chồng chéo và điểm bất hợp lý trong tổ chức của Đảng và tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Đẩy mạnh thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm.
Năm là, đổi mới phương thức cầm quyền bằng công tác cán bộ.
Công tác cán bộ của Đảng phải quán triệt và nghiêm túc thực hiện quan điểm Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, đi đôi với phát huy quyền và trách nhiệm của các tổ chức và người đứng đầu các tổ chức trong hệ thống chính trị về công tác cán bộ, trong đó có Quy định số 142-QĐ/TW, ngày 23-4-2024, về “Thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ”.
Đổi mới việc Đảng giới thiệu đảng viên vào hoạt động trong các cơ quan lãnh đạo của hệ thống chính trị bảo đảm thật sự là đảng viên ưu tú, có đủ đức, đủ tài. Tiếp tục ban hành và thực hiện các quy định, quy chế, cơ chế trong công tác cán bộ bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và chặt chẽ giữa các khâu, liên thông giữa các cấp; trong đó, có quy chế về việc đánh giá đúng đắn, khách quan đối với cán bộ, để có cơ sở sử dụng, bố trí cán bộ, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng chạy chức, chạy quyền.
Đổi mới phương thức tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ để lựa chọn người có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, năng động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung giữ vị trí lãnh đạo, đặc biệt là người đứng đầu. Theo đó, cần thực hiện nghiêm Kết luận số 14-KL/TW, ngày 22-9-2021, của Bộ Chính trị, “Về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung”. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực và phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ. Có cơ chế, chính sách phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài cả trong và ngoài Đảng.
Sáu là, đổi mới phương thức cầm quyền thông qua các tổ chức đảng trong các tổ chức của hệ thống chính trị và vai trò tiên phong, gương mẫu của đội ngũ đảng viên.
Việc đổi mới phương thức cầm quyền thông qua các tổ chức đảng trong các tổ chức của hệ thống chính trị đòi hỏi tiếp tục đổi mới, hoàn thiện tổ chức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của đảng bộ, chi bộ, đảng đoàn, ban cán sự đảng trong các tổ chức của hệ thống chính trị. Rà soát, sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, mối quan hệ công tác của các loại hình tổ chức đảng phù hợp với tiến trình đổi mới, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, sinh hoạt của chi bộ.
Thực hiện chủ trương bí thư cấp ủy đồng thời là thủ trưởng cơ quan, đơn vị, cơ bản thực hiện mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch hội đồng nhân dân các cấp, bí thư cấp ủy là chủ tịch ủy ban nhân dân, bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, tổ trưởng dân phố hoặc trưởng ban công tác mặt trận ở nơi có đủ điều kiện.
Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức đảng trong việc giáo dục, quản lý, rèn luyện, kiểm tra, giám sát đảng viên. Phát hiện, quy hoạch, bồi dưỡng, phát huy vai trò đảng viên ưu tú, có triển vọng, chuẩn bị nguồn cán bộ chủ chốt các cấp. Coi trọng công tác phát triển đảng viên để tạo nguồn cán bộ cho hệ thống chính trị các cấp. Sàng lọc, kiên quyết đưa những đảng viên là cán bộ, công chức, viên chức không đủ tư cách ra khỏi Đảng.
Bảy là, đổi mới phương thức cầm quyền bằng công tác kiểm tra, giám sát của Đảng.
Nội dung này yêu cầu đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của Đảng. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện quy định, quy chế nhằm giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát. Cải tiến, đổi mới phương pháp, quy trình, kỹ năng công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng bảo đảm khách quan, dân chủ, khoa học, đồng bộ, thống nhất, thận trọng, chặt chẽ, khả thi; trong đó, tập trung vào cơ chế, biện pháp chủ động phát hiện sớm để phòng ngừa, ngăn chặn khuyết điểm, vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên; có biện pháp phòng ngừa, xử lý nghiêm minh hành vi vi phạm kỷ luật đảng.
Tập trung kiểm tra, giám sát tổ chức đảng, người đứng đầu, cán bộ chủ chốt ở nơi dễ xảy ra vi phạm, nơi có nhiều bức xúc nổi cộm, dư luận quan tâm; xử lý kịp thời, kiên quyết, triệt để, đồng bộ, nghiêm minh tổ chức đảng, đảng viên vi phạm. Tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp để kịp thời phát hiện, ngăn chặn từ xa, từ đầu, giải quyết từ sớm, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn, kéo dài và lan rộng./.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn