Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Thị xã Điện Bàn - Tỉnh Quảng Nam

https://tuoitredienban.net


Không thể xuyên tạc quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam!

Không thể xuyên tạc quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam!

Tự do tôn giáo, tín ngưỡng là một trong những quyền cơ bản của con người, được Nhà nước Việt Nam tôn trọng và thừa nhận. Điều này không chỉ được thể hiện trong hệ thống chính sách, pháp luật về tôn giáo, tín ngưỡng ngày một hoàn thiện mà còn được hiện thực hóa trên thực tế. Tuy nhiên, một số tổ chức, cá nhân vẫn cố tình vu cáo, xuyên tạc việc thực hiện quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam nhằm thực hiện âm mưu chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” đối với nước ta. Thực tế đời sống tôn giáo ở Việt Nam hiện nay đã bác bỏ những luận điệu thiếu khách quan ấy.

Thời gian qua, các thế lực cực đoan, chống đối thường xuyên lợi dụng tôn giáo để chống phá Đảng, Nhà nước, với những thủ đoạn ngày càng tinh vi. Các đối tượng này tuyên truyền, vu cáo chính quyền phân biệt đối xử, đàn áp tôn giáo để kích động, chia rẽ trong nước và hạ thấp uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Cùng với việc hậu thuẫn cho các đối tượng cực đoan, chống đối trong các tôn giáo, coi đây là lực lượng nòng cốt để lôi kéo, tập hợp lực lượng đối trọng với Đảng, Nhà nước và thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế, các thế lực cực đoan còn phối hợp chặt chẽ với các cá nhân, tổ chức quốc tế thiếu thiện chí để đưa ra các bản báo cáo, phúc trình có nội dung sai lệch, phiến diện về quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam.


Một thủ đoạn được các thế lực thù địch triệt để lợi dụng hiện nay là hình thành những tổ chức chính trị dưới vỏ bọc tôn giáo, đặc biệt ởnhững địa bàn chiến lược như: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ, nhằm thực hiện ý đồ “tôn giáo hóa vùng dân tộc thiểu số”. Chúng tuyên truyền, lôi kéo lập ra một số hình thức “tôn giáo” riêng cho người dân tộc thiểu số như: “Phật giáo riêng của người Khơme”, “Tin lành Đề-ga”, “Hội thánh Tin lành đấng Christ Tây Nguyên” nhằm lôi kéo, khống chế đồng bào các dân tộc thiểu số, kích động, gây xung đột giữa đồng bào các dân tộc thiểu số với chính quyền và đẩy tới “giải tôn giáo, giải lãnh thổ” ở các vùng dân tộc thiểu số của nước ta.
Chính sách tôn trọng quyền tự do tôn giáo của Việt Nam
Với việc tuyên bố tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của công dân, Hiến pháp năm 1946 đã tạo ra cơ sở pháp lý cho việc thực hiện chính sách đối với tôn giáo trên phạm vi cả nước. Đến Hiến pháp năm 1959 khẳng định rõ hơn: “Công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hòa có quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào” (Điều 26).
Trên cơ sở kế thừa Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980 và năm 1992 đều quy định: “Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Những nơi thờ tự của các tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ. Không ai được lợi dụng tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của nhà nước”. Gần đây nhấtHiến pháp năm 2013 (Điều 24) khẳng định rõ: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng,tôn giáo theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”.
Thực tiễn tự do tôn giáo ở Việt Nam hiện nay
Cùng với quá trình đổi mới đất nước, các tôn giáo ở Việt Nam đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ trên nhiều phương diện. Nếu như trước năm 1986, ở Việt Nam chỉ có 6 tôn giáo, 3 tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận thì đến năm 2022 đã có16 tôn giáo được Nhà nước công nhận với hơn 27 triệu tín đồ, chiếm khoảng 28% dân số cả nước. Việc nhiều tôn giáo và tổ chức tôn giáo được công nhận một mặt phản ánh sự quan tâm của Nhà nước Việt Nam trong thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; mặt khác, là minh chứng rõ nét khẳng định Việt Nam không phân biệt đối xử vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo.


Về chức sắc, năm 1990, nước ta có khoảng 38.000 chức sắc, nhà tu hành, đến nay tăng lên 61.200 chức sắc, 147.000 chức việc (tổng số chức sắc, chức việc khoảng 208.300 người), trong đó tăng nhiều nhất là chức sắc của Phật giáo và của đạo Tin lành. Nếu như trước năm 2003, trung bình mỗi năm có khoảng 7.000 lượt người tốt nghiệp các khóa đào tạo chức sắc do các tôn giáo tổ chức, thì từ năm 2003 đến nay, trung bình mỗi năm có khoảng 15.000 lượt người. Đặc biệt, hiện nay số cơ sở đào tạo của tôn giáo so với năm 1990 đã tăng gấp 3 lần, lên đến 56 cơ sở. Các loại hình đào tạo linh hoạt, đa dạng hơn, chức sắc tôn giáo được đào tạo cả ở trong nước và ở nước ngoài. Vì vậy, hàng ngũ chức sắc, chức việc của các tôn giáo ở Việt Nam ngày càng được đào tạo bài bản, trình độ được nâng cao, do đó uy tín, ảnh hưởng đối với quần chúng tín đồ ngày càng lớn, không chỉ trong đời sống tôn giáo mà cả trong đời sống xã hội.
Bên cạnh đó, từ năm 2013 đến nay, đã xuất bản gần 6.000 xuất bản phẩm tôn giáo, hơn 19 triệu bản in; nhiều xuất bản phẩm được in bằng nhiều ngôn ngữ như tiếng Anh, Pháp, tiếng cácdân tộc thiểu số; 15 tờ báo, tạp chí của các tổ chức tôn giáo đang hoạt động; nhiều tổ chức tôn giáo đã có website riêng để phục vụ việc sinh hoạt đạo, truyền bá tôn giáo của mình. Kinh sách của các tổ chức tôn giáo đã được phép xuất bản bằng 13 thứ tiếng của các dân tộc. Năm 2020, có 5.000 bản in Kinh Thánh bằng tiếng Ê Đê, 3.000 bản in Kinh Thánh tiếng Gia Rai, hàng triệu đĩa DVD, CD bằng nhiều ngôn ngữ được phổ biến rộng rãi. Các tổ chức tôn giáo đã được nhà nước công nhận luôn được đối xử công bằng, bình đẳng trước pháp luật. Chức sắc các tôn giáo được tự do truyền đạo theo quy định và được phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm theo quy định.
Trong những năm qua, nhiều hoạt động tôn giáo quốc tế lớn được tổ chức ở Việt Nam như Đại lễ Phật Đản Vesak vào các năm 2008, 2014 và 2019; 500 năm ra đời đạo Tin lành,... Đặc biệt, quyền tự do tôn giáo ở các vùng dân tộc thiểu số của Việt Nam luôn được bảo đảm: năm 2017, Học viện Phật giáo Nam tông Khmer tại Cần Thơ được xây dựng để phục vụ việc đào tạo đội ngũ chức sắc, chức việc; ở Bình Phước và Tây Nguyên có trên 50 tổ chức, hệ phái, nhóm Tin lành đang sinh hoạt tại 304 chi hội và hơn 1.300 điểm nhóm; ở Tây Bắc có 693 điểm nhóm Tin lành, 8 Hội thánh cơ sở được thành lập; nhiều điểm nhóm của người dân tộc thiểu số theo đạo Tin Lành đã đăng ký sinh hoạt tập trung...
Các ngày lễ quan trọng của các tôn giáo được tổ chức với quy mô ngày càng hoành tráng, thu hút đông đảo không chỉ tín đồ mà cả quần chúng nhân dân tham gia như: Lễ Giáng sinh, Lễ Phục sinh của Công giáo và Tin lành, Lễ Phật đản của Phật giáo, Đại lễ Vía Đức Chí Tôn của đạo Cao Đài... Nhiều cơ sở thờ tự của các tôn giáo được chính quyền quan tâm tạo điều kiện cấp phép xây mới và trùng tu, cải tạo, nâng cấp khang trang, đáp ứng nhu cầu chính đáng về nơi sinh hoạt đạo của của tín đồ và tổ chức tôn giáo.


Bên cạnh các hoạt động tôn giáo ở trong nước, đối ngoại tôn giáo cũng là một trong những hoạt động quan trọng và thường xuyên của Nhà nước Việt Nam. Trong thời gian qua, Việt Nam đã tích cực tham gia các cơ chế đối thoại dân chủ, nhân quyền, tôn giáo hằng năm với các đối tác EU, Hoa Kỳ... Chính phủ Việt Nam đã chủ động chia sẻ thông tin cho đại sứ quán và các đoàn nghị sĩ các nước vào Việt Nam làm việc về những thành tựu trong việc thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam. Không những thế, Việt Nam còn thành lập các đoàn công tác tới một số nước thuộc Liên minh châu Âu và Hoa Kỳ để đối thoại trực tiếp, trao đổi về vấn đề tôn giáo; tăng cường công tác tuyên truyền về chủ trương, chính sách, những thành tựu về bảo đảm quyền tự do tôn giáo, đồng thời phản bác những thông tin sai sự thật về tình hình tôn giáo ở Việt Nam.
Với số lượng tín đồ, chức sắc, cơ sở thờ tự, trường đào tạo, số lượng kinh sách được xuất bản của các tôn giáo tăng lên nhanh chóng trong thời gian qua và thực tế hoạt động sôi động của các tổ chức tôn giáo hiện nay là những minh chứng rõ nhất cho những thành tựu của việc tôn trọng, đảm bảo quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam. Thực tiễn này đã bác bỏ mọi nhận xét thiếu khách quan về việc thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở nước ta.

Hằng Trần - thinhvuongvietnam.com

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây