Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Thị xã Điện Bàn - Tỉnh Quảng Nam

https://tuoitredienban.net


Thầy giáo dạy bơi miễn phí cho trẻ nhỏ quê nghèo

Thương trẻ em vùng quê nghèo còn chịu nhiều thiệt thòi, mỗi dịp nghỉ hè, thầy giáo Nguyễn Viết Tước, giáo viên Trường TH-THCS Hải Vĩnh lại tổ chức dạy bơi miễn phí cho các em ở một đoạn kênh thủy lợi của xã. Và, lớp học này đã giúp cho học sinh nơi đây có được kỹ năng bơi, kỹ năng chống đuối nước…

Tầm 4, 5 giờ chiều, con kênh thủy lợi N4 chảy ngang thôn Lam Thủy, xã Hải Vĩnh (nay là xã Hải Hưng, huyện Hải Lăng, Quảng Trị) rộn rã tiếng trẻ nhỏ. Đó là những học trò đến lớp học bơi miễn phí của thầy Tước. Sau khi hiệu lệnh còi cất lên, học trò xếp thành hai hàng dọc bắt đầu các động tác khởi động trước khi xuống nước. Thầy Tước cho biết, đây đã là mùa hè thứ 9, thầy tổ chức dạy bơi cho học trò ở Hải Hưng.

Tốt nghiệp ngành Giáo dục thể chất, Trường Đại học Thể dục thể thao Đà Nẵng, gần 20 năm trước, thầy Tước nhận nhiệm vụ giảng dạy tại Trường THCS Hải Hòa (xã Hải Hòa, Hải Lăng). Đây là một vùng rốn lũ nên việc nhắc nhở và hướng dẫn học sinh học bơi luôn là chủ đề được chú trọng trong giáo án môn Thể dục của thầy Tước. Năm 2012, chuyển công tác về xã Hải Vĩnh, nhận thấy nhiều học trò bậc Tiểu học, THCS không biết bơi, trong khi chỉ cần bước ra đồng ruộng là có rất nhiều kênh, mương, ao hồ và có cả con sông Vĩnh Định chảy ngang xã tiềm ẩn nhiều nguy cơ đuối nước. Thế là thầy quyết định mở lớp dạy bơi miễn phí.

“Tôi viết đơn lên xã trình bày nguyện vọng mở lớp dạy miễn phí. Đề xuất ấy nhận được sự đồng tình từ chính quyền xã. Mùa hè năm đó, 2 lớp học bơi miễn phí được mở ngay trên một đoạn kênh thủy lợi chảy qua thôn Lam Thủy”. Một số vật dụng như: Phao tập bơi thì thầy tự bỏ tiền túi mua. Còn tre để bắc ngang kênh, làm điểm tựa tập bơi cho trẻ thì được các đoàn viên trong xã hỗ trợ làm giúp. Lớp học bơi của thầy Tước ngày một đông, nhiều phụ huynh đích thân đưa con đến xin học, thậm chí còn hỗ trợ thầy trong việc quản lý các cháu giữa dòng kênh.

Thầy Tước cho hay, tham gia lớp học bơi, các em được rèn luyện các kỹ năng cơ bản một cách bài bản nhất. Đó là các kỹ năng nổi: Nổi sấp, ngửa, nổi hình cây bút chì và hình cây nấm. Tiếp đó là tập riêng lẻ và hoàn thiện các động tác chân, tay, thở. Ngoài các kiểu bơi ngửa, ếch, bơi tự do thì toi rèn luyện thêm cho các em kỹ năng phòng tránh đuối nước. Cho các em nhận biết mức độ nguy hiểm, khi có trường hợp đuối nước xảy ra thì không nên vội vã mà phải biết cách cứu. Đồng thời, chính các em sẽ tuyên truyền lại cho phụ huynh và người xung quanh về kỹ năng cứu hộ… Lớp học bơi ngày một đông dần lên, từ vài chục em lên đến xấp xỉ trăm em.

Đông học trò, thầy chia làm 2 ca sáng, chiều và dạy xuyên suốt trong tuần. Lớp lớn bơi thành thạo lại hỗ trợ thầy bằng cách bày lại cho lớp bé. Dạy học trên kênh mương nên việc đảm bảo an toàn luôn được thầy đặt lên hàng đầu. Những cây tre bắc ngang dòng kênh vừa là điểm tựa cho học sinh vừa dùng để cho các em tập động tác bơi.

Ba năm lại đây, thầy Tước phối hợp với Đoàn Thanh niên xã Hải Hưng và Phòng LĐ-TB&XH huyện tổ chức dạy bơi cho trẻ. Các khoản kinh phí mua sắm kính bơi, phao bơi, nước uống, bánh sữa… cho các cháu được những đơn vị này và các nhà hảo tâm tài trợ. Một mái che nắng được Đoàn Thanh niên xã dựng lên cạnh con kênh để thầy Tước và các em làm nơi tập trung, khởi động và tập các động tác trên cạn. Nhiều đoàn viên, sinh viên cùng giúp dạy bơi.

Vào cuối mỗi khóa hè, thầy Tước kiểm tra lại các kỹ năng, chọn lọc lại các em học sinh còn bơi yếu và tuyển thêm các em chưa được tham gia lớp học do quân số mỗi lớp học hạn chế để tiếp tục dạy. “Bình thường, với một học sinh nhanh nhẹn, có năng khiếu thì chỉ cần 5 buổi học là biết bơi. Nhiều em phải mất 15 đến 20 buổi, thậm chí là cả tháng. Nhưng lúc nào mình cũng kiên trì với từng em để không em nào sau mùa hè mà không có kỹ năng bơi”, thầy Tước bộc bạch.

Bên cạnh đó, thầy Tước còn tập huấn cho học sinh tham gia các sân chơi thể thao học đường. Học trò qua lớp huấn luyện của thầy từng mang về nhiều thành tích đáng kể: 1 Huy chương Vàng, 3 Huy chương Bạc, 3 Huy chương Đồng các hội thao cấp tỉnh… Thầy Tước nói rằng, ở miền quê hằng năm đều xảy ra lũ lụt này nếu có được một bể bơi đủ lớn, đảm bảo chất lượng để các em nhỏ có không gian rèn luyện là điều thầy mong muốn lớn nhất. Và thầy cũng mong phong trào dạy bơi miễn phí được lan tỏa, nhân rộng để không đứa trẻ nào bị đuối nước thương tâm...

Thị đoàn Điện Bàn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây