Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Thị xã Điện Bàn - Tỉnh Quảng Nam

https://tuoitredienban.net


Người cựu binh miệt mài với hành trình đi tìm đồng đội

Bắt đầu công việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ đã hơn 30 năm nay nhưng những bước chân của người cựu binh Trần Ngọc Doanh vẫn không ngơi nghỉ. Ông vẫn đau đáu với hành trình tìm kiếm những người đồng đội còn nằm lại ở chiến trường.
Ông Trần Ngọc Doanh (sinh năm 1950, quê Thanh Hóa, hiện trú tại phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng) cho biết, ông nhập ngũ vào năm tháng 4/1968, đã tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu ở các chiến trường Quân khu 5, Lào, Campuchia.

Lần đầu tiên ông tham gia tìm kiếm mộ đồng đội là vào năm 1985, đến năm 2004, khi nghỉ hưu, ông dành hầu hết thời gian để tham gia “đi tìm đồng đội”.

Do từng công tác, tham gia chiến đấu tại các chiến trường và trực tiếp chôn cất nhiều đồng đội hi sinh trong các trận đánh nên ông vẫn còn nhớ những vị trí đồng đội mình nằm lại. Lúc đầu là cá nhân ông tự đi tìm theo đề nghị của các gia đình, sau đó các đơn vị mời ông cùng tham gia. Không chỉ tìm kiếm mộ đồng đội ở khu vực Quân khu 5, ông còn tham gia sang tận các nước Lào, Campuchia tìm kiếm, quy tập.

Mỗi năm, ông Doanh tham gia tìm kiếm mộ liệt sĩ nhiều nhất là 10 chuyến, có những chuyến chỉ đi trong mấy ngày nhưng cũng có những chuyến đi cả tháng trời. Dù đã tham gia tìm kiếm được hàng trăm mộ nhưng khi nhìn thấy hài cốt của đồng đội lúc nào ông cũng thấy xúc động nghẹn ngào.

Trải qua 30 năm, với ông mỗi chuyến đi là một kỷ niệm khó quên. Một trong những kỷ niệm mà ông nhớ nhất là chuyến đi tìm kiếm mộ của liệt sĩ Ngô Xuân Thu.

Theo nguồn tin của Công binh Hải Vân cung cấp, liệt sĩ Ngô Xuân Thu là người đã ôm khối bộc phá cảm tử hi sinh trong trận đánh ở Hói Mít (Lăng Cô, Thừa Thiên-Huế). Ông Doanh nhiều lần khăn gói đi tìm nhưng không ra. Tuy nhiên, không nản chí, người cựu binh vẫn luôn kiên trì, miệt mài và phải đi đến lần thứ 10, ông mới tìm được mộ của liệt sĩ này.

Tại TP. Đà Nẵng, con đường mang tên liệt sĩ Ngô Xuân Thu là con đường nằm trên địa bàn phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu). Tên đường được Đà Nẵng đặt trước khi ông Doanh tìm được mộ liệt sĩ Ngô Xuân Thu.

Nói về hành trình không mỏi trên con đường tìm mộ liệt sĩ, ông Doanh cho hay: Gần nửa thế kỷ trôi qua, được sống trong tình yêu thương của quê hương, gia đình, bạn bè, nhưng nhiều đồng đội vẫn đang nằm đâu đó trong rừng sâu, hài cốt chưa đưa được về với gia đình, điều đó đã thôi thúc tôi “đi tìm đồng đội” với trí nhớ còn đủ để hình dung lần tìm và xác định những lối mòn, địa danh, vật chuẩn, nơi tôi và đồng đội đã chiến đấu. Được sự giúp đỡ của nhân dân, dựa vào bản đồ quân sự, công tác của đồng đội cũ, tôi đến những nơi đồng đội được an táng vội vàng trong những cánh rừng già chiến trường xưa”.

Khi đất nước đã hòa bình, chiến tranh đã lùi về quá khứ, việc đi tìm dấu tích chiến tranh để đưa hài cốt các anh hùng liệt sĩ về với gia đình, quê hương là nhiệm vụ cần thiết, một chính sách lớn của Đảng, Nhà nước nói chung và với cả những người làm công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Với ông Doanh, trong hành trình đi tìm đồng đội, những nơi đã đến đều xa xôi, vất vả và gian khổ, nhưng tình cảm với đồng đội, lời hứa một thời đã giúp ông vượt qua…

Trò chuyện với chúng tôi, được biết, ông vừa trở về nhà sau chuyến tìm kiếm thành công mộ liệt sĩ tại Quảng Trị vào những ngày cận Tết Nguyên đán Canh Tý.

Với những thành tích xuất sắc trong công tác cung cấp thông tin, tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ, ông Doanh được Ban Chấp hành Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam tặng bằng khen giai đoạn 2005-2015 và giai đoạn 2014-2018. Năm 2017, cựu chiến binh Trần Ngọc Doanh cũng được Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam tặng huy hiệu 45 năm tuổi Đảng.

Nguồn tin: chinhphu.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây