Giúp người lầm lỡ làm lại cuộc đời là "đẩy lùi tiêu cực xã hội"
- Thứ ba - 08/09/2020 09:29
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Trong bài viết "Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nêu ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc thời gian tới. Ở nhóm giải pháp thứ ba, người đứng đầu Đảng và Nhà nước ta chỉ rõ một nhiệm vụ là "thực hiện những giải pháp đột phá, mạnh mẽ nhằm ngăn chặn có hiệu quả sự xuống cấp về đạo đức, lối sống, đẩy lùi tiêu cực xã hội và các tệ nạn xã hội". Báo điện tử Chính phủ giới thiệu anh Trần Ngọc Chi, Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Vĩnh Long, người đã dùng khối óc, đôi bàn tay nhiệt huyết của mình tái tạo, uốn nắn những người lỡ sa chân vào con đường nghiện hút, định hướng, tiếp thêm động lực giúp họ làm lại cuộc đời - một tấm gương với những hành động, việc làm trong đời sống hằng ngày, góp phần thực hiện nhiệm vụ "đẩy lùi tiêu cực xã hội và các tệ nạn xã hội".
Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Vĩnh Long có địa chỉ ở huyện Tam Bình, hiện đang quản lý 195 học viên, trong đó: Bắt buộc theo quyết định tòa án 139 học viên, cai nghiện tự nguyện 42 học viên, đối tượng xã hội 14 học viên, cắt cơn giải độc 15 ngày một học viên.
Hoàn toàn trái ngược với những con số mang tính chất thống kê ấy, điều thú vị là khung cảnh cơ sở lại nên thơ vô cùng. Không gian thoáng mát được đan xen hợp lý bởi đủ các sắc màu của cây cảnh hoa lá, rau thơm quả ngọt. Đó là nhờ vào công sức chăm bón của tập thể cơ sở và các học viên, góp phần tạo nên vẻ tươi tốt, sức sống mạnh mẽ, xua đi mọi cảm giác âu lo, e ngại cho người mới đến lần đầu. Cùng với đó, nổi bật lên tinh thần trách nhiệm, tận tụy với nghề của những công chức, viên chức và người lao động tại cơ sở. Biết bao thành quả mà tập thể đã đồng lòng dựng xây dưới sự lãnh đạo của người đứng đầu, anh Trần Ngọc Chi, Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy từ bao giờ đã trở thành một nhân tố không thể thiếu trong công cuộc phát triển chung đó.
Sinh ra ở vùng đất Mang Thít giàu truyền thống anh hùng, ở độ tuổi 20, mang trong mình hoài bão góp sức trẻ dựng xây quê hương tươi đẹp, anh Trần Ngọc Chi tình nguyện tham gia vào lực lượng vũ trang. Chia sẻ về các cột mốc đáng nhớ trong quá trình công tác của mình, anh thấy tâm hồn vui như trẻ lại. Ngày đó, anh được bổ nhiệm làm Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã, nhờ sự tận tâm, tận lực, anh được tín nhiệm giữ chức Phó Chủ tịch rồi đến Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Mỹ Phước. Năm 2008, chuyển về Sở Lao động-Thương binh và Xã hội ở cương vị Chánh Văn phòng. Từ năm 2014, luân chuyển về nhận nhiệm vụ Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội, đến tháng 7/2019, tiếp tục nhận nhiệm vụ tại Cơ sở cai nghiện ma túy. Và dù ở bất cứ vị trí nào, anh vẫn luôn miệt mài cống hiến sức mình, chưa bao giờ chùn bước.
Trước khi anh về gắn bó với Cơ sở cai nghiện ma túy, nhiều vấn đề nan giải gây đau đầu cho lực lượng quản lý tại đây khi các học viên không ngừng chống đối, gây rối trật tự, tìm cách trốn khỏi cơ sở… Đứng trước tình thế cấp bách đó, bằng sự tài trí, quyết tâm cao đi đôi với tấm lòng nhân hậu, anh đã sáng suốt trấn an tinh thần, tư tưởng cho đảng viên, công chức, viên chức và người lao động. Từng bước ổn định trật tự, khẩn trương xây dựng Đề án, kiện toàn bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tích cực phối hợp với các cấp lãnh đạo, chính quyền địa phương và các đơn vị có liên quan trong việc bảo đảm giữ gìn an ninh trật tự tại cơ sở.
Anh Trần Ngọc Chi chia sẻ: “Cơ sở không chỉ là nơi điều trị bệnh mà còn được xem là ngôi trường mang tính giáo dục cao, tuyên truyền, khuyên giải giúp những con người lầm lỡ tìm lại ý nghĩa cuộc đời vừa giúp họ có nghề nghiệp ổn định trong tương lai đúng với sở thích, khả năng. Mọi người đều được tôn trọng, bình đẳng, sẻ chia. Từ lâu, chúng tôi đã xem nhau như một đại gia đình đầy ắp tiếng cười, luôn cố gắng vì mục tiêu chung”.
Anh luôn chủ động tăng cường công tác dạy nghề và tổ chức lao động trị liệu cho học viên. Không ngừng nâng cao chất lượng dạy và học, bảo đảm cho học viên học đi đôi với hành. Nhiều lớp dạy nghề đã được tổ chức. Học viên rất phấn khởi, tích cực tham gia nhằm tạo thêm thu nhập cho bản thân, tránh thời gian nhàn rỗi nhiều dẫn đến dễ phát sinh các vấn đề tiêu cực.
Bên cạnh việc điều trị theo phác đồ ATK của Bộ Y tế, anh Trần Ngọc Chi còn phát huy sáng kiến kết hợp giáo dục tâm lý trong điều trị nghiện cho học viên thông qua việc liên kết với Công ty Truyền thông & Đào tạo cuộc sống mới tổ chức thường xuyên các khóa đặc huấn kỹ năng sống nhằm giúp học viên lấy lại sự tự tin, hình thành lối sống tích cực, biết yêu thương mọi người xung quanh.
Ngoài những giọt mồ hôi cần mẫn cùng sức lao động bền bỉ trong các giờ học thực hành, một hình ảnh khác về Cơ sở cai nghiện ma túy là âm thanh rộn ràng, sôi động với tiết mục văn nghệ tuy đơn sơ, mộc mạc nhưng tràn đầy sức sống của các học viên và các đơn vị bạn. Đó là nhờ vào công lao của anh - người có niềm say mê, trân quý các loại hình nghệ thuật. Anh mang làn gió mới ấy truyền tải tinh thần văn nghệ đến tất cả mọi người. Thông qua giá trị nhân văn, cái đẹp của nghệ thuật chân chính, anh giúp các học viên thân yêu của mình chiêm nghiệm bản thân, tìm ra chân lý, cái đẹp trong cuộc đời của riêng mình. Vở kịch “Vượt qua cám dỗ” do tập thể nhân viên cơ sở dàn dựng và trình diễn thật sự đã chạm đến trái tim người xem, góp phần thức tỉnh, hồi sinh những cuộc đời tưởng như bế tắc, cùng đường trong thực tế.
Là môi trường mang tính chất giáo dục con người, đặc biệt là những con người lầm lỡ, không chỉ đòi hỏi ở người cán bộ quản lý sự năng nổ mà kiến thức phải thật sâu rộng để tinh tế am hiểu nhu cầu, nguyện vọng, mơ ước của học viên, xoa dịu tính phản kháng luôn tiềm tàng trong mỗi cá thể. Đó là tấm lòng “Lương y như từ mẫu”, “Điều trị bằng khối óc, chăm sóc bằng trái tim”, xem sức khỏe học viên là trên hết, cần được bảo vệ, nâng cao. Là người thầy, người cô tận tụy dạy nghề, song song với đó truyền tải niềm tin, động lực phấn đấu vươn lên. Và đặc biệt là tấm lòng chân thành đối đãi, giúp các học viên xem cơ sở là đại gia đình chung với rất nhiều anh chị em tuy có hoàn cảnh xuất thân khác nhau nhưng cùng chung chí hướng làm lại cuộc đời. Tất cả kết hợp nhuẫn nhuyễn trong sự hội tụ đủ các lĩnh vực: Khoa học, y tế, giáo dục, pháp luật, công tác xã hội.
Muốn thực hiện tốt vai trò thì đội ngũ công chức, viên chức và người lao động, cần đáp ứng đủ trình độ đi đôi với đạo đức nghề. Anh Trần Ngọc Chi luôn khuyến khích, tạo điều kiện cho tất cả mọi người được học tập nâng cao trình độ. Hiện tại, cơ sở có 2 người với trình độ thạc sĩ; 22 người trình độ đại học các ngành, trung cấp 10 người; một bác sĩ, một kỹ thuật viên xét nghiệm, một dược sĩ và 4 y sĩ đa khoa bảo đảm cho công tác tư vấn, giáo dục, điều trị nghiện tại cơ sở đạt hiệu quả cao, số người nghiện vào cơ sở được điều trị ngày càng tăng. Công tác tư vấn, giáo dục, truyền thông tại cơ sở luôn được chú trọng nâng cao: Tư vấn cá nhân, tư vấn nhóm, tư vấn theo yêu cầu, tuyên truyền trực tiếp trên lớp, truyền thông trên loa phát thanh nội bộ, xem tư liệu, cho mượn sách báo về phòng… Việc luôn đổi mới về nội dung, hình thức sao cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh đã giúp các học viên dễ dàng tiếp thu, nhận thức được những tác hại nguy hiểm của ma túy từ đó vực dậy đứng lên.
Anh chủ trương xóa bỏ khoảng cách vô hình đè nặng tâm lý giữa cán bộ quản lý với học viên cai nghiện và giữa các học viên với nhau. Không phân biệt đối xử, cùng học tập, rèn luyện trong ý thức chấp hành tốt nội quy của cơ sở. Bằng sự thấu lý đạt tình, anh đã cảm hóa được những tư tưởng chống đối cho dù là sắt đá nhất.
Nhiều mô hình thiết thực, ý nghĩa lần lượt được anh đẩy mạnh triển khai thực hiện. Nổi bật trong đó có mô hình “Ba không”: “Không có thẩm lậu ma túy; không có học viên trốn trường và không có đại ca, băng nhóm, anh chị trong nội bộ học viên”. Mô hình “4 Xin, 4 Luôn” được anh triển khai hiệu quả đối với việc xây dựng đạo đức công vụ của người đứng đầu, đảng viên, viên chức và người lao động. “Xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép; Luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ”.
Bằng sự tinh tế rất riêng của người đã từng gắn bó nhiều năm với nghề công tác xã hội, anh Trần Ngọc Chi khéo léo vận động gia đình kết hợp cùng cơ sở trong việc giúp học viên nghiêm chỉnh thực hiện tốt nội quy, hăng say lao động trị liệu, có động lực, ý chí mạnh mẽ để vượt qua cám dỗ chết người. Mô hình “Gia đình - Học viên - Cơ sở cai nghiện” do anh phát động là một điểm sáng hiệu quả trong toàn ngành rất được đánh giá cao. Anh cũng rất chú trọng tìm hiểu về hoàn cảnh gia đình của học viên để kịp thời giúp đỡ, trao học bổng cho con em của học viên để họ thêm an tâm…
Vì sự cống hiến tận tâm nên nhiều năm liền, anh được công nhận Chiến sĩ thi đua cơ sở và Đảng viên xuất sắc. Năm 2018, anh được Ủy ban Nhân dân tỉnh tặng bằng khen về thành tích trong công tác nhân quyền, vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Nối tiếp thành đó, anh đón nhận bằng khen Dân vận khéo giai đoạn 2015-2020 do Tỉnh ủy trao tặng, được đề cử tham dự Đại hội Thi đua yêu nước ngành lao động, thương binh và xã hội tại Thủ đô Hà Nội.
Với nụ cười khiêm tốn, hiền từ, anh tâm sự: “Những thành tích ấy đều nhờ vào sự đồng lòng, giúp đỡ của tất cả mọi người và sự quan tâm sâu sát của các cấp lãnh đạo. Nhân rộng niềm vui, xua tan nỗi khổ niềm đau để cuộc sống này mãi thêm ý nghĩa! Chúng tôi tự nhủ sẽ cố gắng nhiều hơn mỗi ngày vì sự phát triển mạnh mẽ của ngành!”.
Nguồn tin: baochinhphu.vn