Chúng tôi đã trưởng thành từ 'ngôi trường' tình nguyện
- Thứ tư - 21/08/2019 08:41
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Chúng tôi đã trưởng thành từ chính "ngôi trường" có tên gọi tình nguyện. Điều này được nhìn nhận trong nhiều phát biểu tại tọa đàm nhân 20 năm Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè của tuổi trẻ Việt Nam chiều 17-8.
Chọn chủ đề "20 năm chiến dịch thanh niên tình nguyện - hành trình trải nghiệm, cống hiến, trưởng thành của tuổi trẻ Việt Nam", tọa đàm do Trung ương Đoàn tổ chức tại TP.HCM như nhịp cầu nối bao thế hệ thanh niên tình nguyện ngồi lại bên nhau.Chung màu áo tình nguyện
Nguyên bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Vũ Trọng Kim nhớ lại ngay khi khai sinh phong trào thanh niên tình nguyện vào năm 2000, lúc đó vẫn chưa có chung màu áo tình nguyện, mỗi nơi mỗi kiểu.
"Ngoài bàn thảo các đề án, quyết định chọn năm 2000 là Năm thanh niên tình nguyện, cũng là năm khai sinh phong trào thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ trên quy mô toàn quốc, chúng tôi đã lựa chọn cùng màu áo xanh tình nguyện" - ông Kim cho biết.
Và màu áo ấy đi cùng năm tháng, đã sống tuổi trẻ Việt Nam 20 năm qua cũng như tự tin cho chặng đường phía trước.
"Màu áo đã tạo nên dáng vóc của thanh niên Việt Nam hôm nay. Đó còn là niềm tin, khẳng định đội hình, là sự gửi gắm của cộng đồng vào lực lượng thanh niên" - ông Kim bày tỏ.
Nói lời cảm ơn vì những bài học không trường lớp, sách vở nào dạy, bạn Nguyễn Ngọc Uyên Vy (ĐH Bình Dương) kể mình đã cảm mến các anh chị sinh viên tình nguyện từ ngày còn bé, khi thấy và được tham gia hoạt động do chính các anh chị tổ chức tại quê mình.
Vy nói ngay lúc đó chỉ có một mong ước rằng sau này khi trở thành sinh viên, nhất định cô sẽ trở thành chiến sĩ tình nguyện.
Lời hứa đó được thực thi ngay trong mùa hè đầu đời sinh viên của Vy. Cô cùng các bạn đến với đảo Phú Quý (Bình Thuận), tham gia các hoạt động tại đó. Suốt bốn năm đời sinh viên, Vy chỉ đến duy nhất hòn đảo ấy vào mùa hè mỗi năm.
"Chỉ cần bước chân lên cầu cảng, nhìn thấy bà con ở đảo ra đón, tôi nghĩ mình như đang trở về nhà chứ không phải đi tình nguyện nữa. Tình cảm của bà con đã là "tấm giấy chứng nhận" lớn đến mức không có giấy chứng nhận nào ghi nhận hết những điều chúng tôi làm" - Vy xúc động.
Trong mắt bạn bè quốc tế
Bạn Chanthalath Phennapha - sinh viên Lào đang học tập tại ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM - cho biết đây là năm đầu tiên bạn được tham gia tình nguyện với sinh viên TP.HCM.
Cuối tháng 6, bạn theo đoàn chiến sĩ tình nguyện của TP.HCM về Lào, làm phiên dịch trong quá trình hoạt động tại Champasak và Attapeu. Kết thúc, bạn quay lại TP.HCM, cùng đội hình sinh viên Lào đang học tại thành phố tham gia hoạt động.
"Tôi vui khi có phần của mình góp vào các hoạt động làm thay đổi cuộc sống ở những nơi còn khó khăn cả ở Lào và Việt Nam. Và tôi cũng được rèn luyện, trưởng thành hơn về nhân cách, lối sống khi tham gia tình nguyện với các bạn" - Chanthalath nói.
Chia sẻ tại tọa đàm, anh Sathish Appalanaidu - Tổ chức Sinh viên tình nguyện (Bộ Giáo dục đại học Malaysia) - cho biết tổ chức của mình đã đưa sinh viên tham gia hoạt động tại nhiều nơi và nhận thấy hoạt động bền vững nhất vẫn là ở Việt Nam.
Anh cho rằng các bạn tình nguyện viên tại Việt Nam luôn nhận ra các nhu cầu của địa phương và biết cách phải làm gì trước các nhu cầu ấy. Đây cũng là bài học nhiều sinh viên Malaysia học được khi sang TP.HCM tham gia Mùa hè xanh trong bảy năm qua.
"Chúng tôi coi trọng sự hợp tác với TP.HCM và mong muốn Việt Nam cùng Malaysia sẽ trở thành những nước đi đầu trong công tác tình nguyện của khối ASEAN" - anh Sathish Appalanaidu phát biểu.
Kỳ vọng và tin tưởng
Trong những chia sẻ tại cuộc gặp, đó không chỉ là lời cảm ơn, lời khen mà gửi vào đó nhiều kỳ vọng, sự tin tưởng về một ngày mai lớn mạnh không ngừng của hoạt động, phong trào tình nguyện.
Bà H`Ngọc Êban (xã Cư Suê, huyện Cư M`gar, Đắk Lắk) vắn tắt: "Sinh viên tình nguyện mang đến cho buôn chúng tôi nhiều thay đổi lắm, bà con biết thêm nhiều thứ mới, không nghe lời xúi giục làm bậy. Mong là năm nào các buôn trong xã chúng tôi cũng được đón tình nguyện về".
Bà là người cùng buôn Sứt M`Đrưng với hoa hậu H`Hen Niê. Mà ngay trong ngày xuất quân Mùa hè xanh 2019 tại TP.HCM, chính hoa hậu H`Hen Niê đã cho biết nhờ có sinh viên tình nguyện, cô biết rằng hết phổ thông còn có học lên đại học.
Và H`Hen nói cô được thôi thúc phải bước ra khỏi buôn, lên thành phố học chứ không chấp nhận ở nhà lấy chồng sớm như bao cô gái dân tộc khác trong buôn của mình.
Nói về trẻ em, chị Hồ Hồng Nguyên (Đồng Nai) mong các nội dung hoạt động tình nguyện hè liên quan đến trẻ em cần được kết nối với chương trình công tác Đội, phong trào thiếu nhi hằng năm để việc chăm sóc trẻ em luôn đạt hiệu quả nhất vì không chỉ là sứ mệnh mà còn là tấm lòng của thanh niên tình nguyện gửi vào đó.
Theo chị Nguyên, cũng cần kết nối để gắn chặt hoạt động với địa bàn, duy trì thành quả những việc đã làm sau đó chứ không phải chiến dịch rút quân thì mọi việc cũng kết thúc luôn.
Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Lê Quốc Phong khẳng định sự trưởng thành của phong trào, của mỗi thanh niên tình nguyện đều đã rõ, được minh chứng qua nhiều số liệu, hoạt động cụ thể.
Do vậy, khi đã xác định tình nguyện là một trong ba phong trào lớn của tuổi trẻ Việt Nam hiện nay, anh Phong nói chắc chắn sẽ có sự đổi mới nội dung, phương thức, lựa chọn các giá trị để hiệu quả mang lại từ hoạt động tình nguyện phải là cao nhất.
"Khi Tổ quốc, nhân dân, đất nước vẫn cần thì phong trào tình nguyện vẫn còn lớn mạnh hơn nữa trong tương lai" - anh Phong nhấn mạnh.
Nguồn tin: tuoitre.vn