Anh ngư dân cứu 32 người Trung Quốc từng bị tàu Trung Quốc bắn cháy tàu
- Thứ hai - 12/08/2019 14:52
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Từng bị tàu Trung Quốc bắn cháy tàu cá, thuyền trưởng Bùi Văn Phải lại cứu 32 ngư dân Trung Quốc trên vùng biển Trường Sa của Việt Nam.
12h trưa 11-7, đài canh Biên phòng Quảng Ngãi nhận được tín hiệu từ tần số mới gọi lúc sáng, báo tin vừa cứu 32 ngư dân Trung Quốc gặp nạn.
Thấy chết không cứu sao đặng
Chiến sĩ trực đài canh icom vội kết nối và nghe trong tiếng sóng ồn ào, tiếng người Việt nói dồn dập: "Cập vào, cập vào, rồi kéo lên, kéo lên...". Cùng với đó là âm thanh "xí xị" (tiếng Hoa là cảm ơn) lặp đi lặp lại nhiều lần.
Những thông tin cứu người đặc biệt đó được truyền về từ thuyền trưởng Bùi Văn Phải (30 tuổi, xã An Hải, huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi) trên con tàu QNg 96169. Trước đó 6 năm, Phải cũng chính là thuyền trưởng tàu cá Việt Nam bị tàu Trung Quốc xả đạn ở vùng biển Hoàng Sa.
Qua sóng icom, thuyền trưởng Phải báo cáo tình hình cụ thể: "Hiện tàu vận tải của Trung Quốc đã cập mạn xin nhận người. Chúng tôi đã trao trả an toàn 32 ngư dân Trung Quốc vừa cứu được".
Cuộc trao đổi liên tục giữa đất liền và biển khơi, bộ đội biên phòng hướng dẫn ngư dân đồng bào việc trao trả người. Đáp lại, thuyền trưởng Phải thông tin việc trao trả đã diễn ra an toàn. Trong tiếng sóng vẫn nghe rõ thuyền trưởng Phải nói: "Sau 30 phút đã bàn giao người xong. Ngư dân Trung Quốc cảm ơn ngư dân Việt Nam đã tận tình cứu giúp".
Báo cáo về đất liền xong, Phải tắt icom để tiếp tục nghề biển cùng bạn bè. Mọi thông tin dừng lại, đến chiều tối vẫn không liên lạc được với Phải. Ai cũng hiểu anh đang cùng đội tàu của mình vượt đầu sóng ngọn gió kiếm từng con cá, con tôm...
Còn nhớ từ sau ngày Phải giương cao lá cờ Tổ quốc trở về trên con tàu bị bắn cháy, chúng tôi có dịp gặp gỡ nhau thường xuyên và trở thành bạn bè. Có lần tôi hỏi Phải: "Từng bị tàu Trung Quốc bắn cháy, nhưng sau này nếu tàu Trung Quốc gặp nạn anh có cứu không?".
"Cứu chứ, đó là việc nhân đạo người đi biển phải làm. Người ta có thể bỏ mặc, nhưng làm sao mình tàn nhẫn bỏ họ chết được" - Phải trải lòng.
Sóng biển và sóng lòng người ngư dân trẻ cứ thế ùa về. Phải nhớ lại chuyến biển không thể nào quên. Ngày ấy, tàu Phải đang đánh bắt ở biển Hoàng Sa của Việt Nam, một chiếc tàu Trung Quốc lao đến. Anh nhìn rõ trên tàu có những người mặc quân phục, có súng ống.
Họ phát loa yêu cầu tàu cá Việt Nam phải rời đi ngay lập tức, cùng với đó là các mũi súng lăm lăm. Thuyền trưởng Phải bình tĩnh trấn an anh em: "Không sợ, chúng ta đang đánh bắt trong vùng biển của nước mình đã được Nhà nước tuyên bố chủ quyền hợp pháp".
Đã mấy lần nghe Phải tâm sự về chuyến biển này, nhưng lời kể của thuyền trưởng trẻ lần nào cũng gấp gáp, xúc động như vẫn đang trên đầu sóng ngọn gió Hoàng Sa. "Họ cứ lăm lăm súng ống tiến đến. Tôi cứ lái tàu tránh né, quyết tâm không rời khỏi Hoàng Sa. Sau một hồi truy đuổi, tiếng súng vang lên. Tôi phát hiện lửa đang cháy trên tàu mình. Anh em múc nước biển dập lửa. Còn tôi cố lấy lá quốc kỳ nguyên vẹn ra khỏi chỗ cháy" - Phải xúc động kể.
Sẵn sàng sống chết nơi đầu sóng ngọn gió
Nhắc đến Phải luôn là hình ảnh người thuyền trưởng trẻ can trường và nghĩa tình.
13 tuổi, Phải đi biển Hoàng Sa lần đầu tiên cùng cha. Một ngày, cha Phải - ông Bùi Nồi, ngư dân có tiếng ở Lý Sơn - đột ngột qua đời, nhưng anh vẫn tiếp tục đi biển. Đời ngư dân dạn dày sóng gió, đến năm 23 tuổi bản lĩnh biển khơi đủ để Phải làm chủ một con tàu. Anh ngồi ở vị trí thuyền trưởng trong mỗi chuyến ra khơi trên biển cả chủ quyền của Tổ quốc.
Sau chuyến biển bị tàu Trung Quốc bắn cháy, Phải vay mượn tiền sửa chữa tàu và tiếp tục ra khơi. Vẫn là vùng biển Hoàng Sa máu thịt.
Anh luôn được ngư dân nể phục sự gan dạ và nghĩa tình.
Trong cơn bão số 6 (đầu tháng 8-2013), tàu Phải chỉ mới đánh bắt được 80 con hải sâm đã phải chạy tránh bão. Vậy mà khi nghe thuyền trưởng tàu cá QNg 96462 Mai Văn Cường (xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn) cầu cứu qua icom tàu bị chết máy, không chút do dự Phải quyết đinh bỏ phiên biển, bất chấp sóng gió lao về hướng đảo Lin Côn (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) ứng cứu.
Thấy Phải điều khiển tàu đến cứu, anh em vừa mừng vừa thương Phải bởi sóng gió đang rất nguy hiểm, chỉ có gan dạ và nghĩa tình lắm mới dám lao đi như vậy.
Ngư dân Mai Văn Cường
Tôi vẫn nhớ chiếc tàu của Phải kéo tàu bạn bị nạn trở về cảng Sa Kỳ ngày 6-8-2013. Phải đứng trước mũi tàu, nở nụ cười chào mọi người. Chàng thuyền trưởng trẻ tuổi quên mất rằng chuyến biển này lỗ tổn phí gần trăm triệu đồng.
Ngày 15-4-2013, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ra Lý Sơn. Phải vinh dự được ông mời lên ngồi cùng trò chuyện. Anh nói nhiều về khó khăn của ngư dân, chỉ khi được hỏi Phải mới kể chuyện mình. Nghe xong, ông Sang nắm tay khích lệ sự gan dạ của người ngư dân Lý Sơn trẻ, động viên anh cùng những người khác tiếp tục bám biển giữ chủ quyền Tổ quốc...
Truyền đời gắn với biển khơi, sẵn sàng sống chết nơi đầu sóng ngọn gió, nhưng chính Phải cũng từng gặp khó khăn nặng nề sau những chuyến đi biển bị thất bát. Anh bị lấy tàu vì nợ nần từ hồi phải vay tiền để sửa chữa tàu bị bắn cháy. Trắng tay, Phải ở nhà được một tháng thì quá nhớ biển khơi.
Từ thuyền trưởng, anh chấp nhận làm thuyền viên. "Chỉ để ra Hoàng Sa cho đỡ nhớ. Mình ăn ngủ trên sóng biển quen rồi, về nhà nằm giường lại khó ngủ, thèm mùi biển cả" - Phải trải lòng.
Sau đó, Phải đã được chương trình Tấm lưới nghĩa tình vì ngư dân Hoàng Sa, Trường Sa trao tặng một con tàu để trở lại vị trí thuyền trưởng từ lòng can trường và nghĩa tình của mình. Đây cũng chính là con tàu QNg 96169 treo quốc kỳ Việt Nam vừa được Phải chỉ huy cứu sống 32 ngư dân Trung Quốc.
Nguồn tin: tuoitre.vn