Nhìn lại 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Thứ ba - 06/08/2019 15:54
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Đó là nội dung thông tin chuyên đề do Đảng ủy Khối các cơ quan trung ương tổ chức vào sáng 7-5 tại Hà Nội.
Thông tin tại hội nghị, giáo sư Hoàng Chí Bảo nêu rõ năm 2019, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta kỷ niệm 50 năm ngày Bác mất và 50 năm thực hiện Di chúc của Người. Thời gian càng lùi xa, những tư tưởng cao quý của Bác trong Di chúc càng trở nên sáng rõ không chỉ đối với đồng bào trong nước mà còn trong lòng bạn bè quốc tế.
Di chúc của Người là quốc bảo, đồng thời là một đóng góp của văn hóa Việt Nam đương đại vào kho tàng văn hóa chung của nhân loại.
Những ngày viết Di chúc, Bác nghiền ngẫm rất sâu sắc xung quanh những lời căn dặn về Đảng. Bác sửa đi sửa lại đoạn về đoàn kết, thống nhất trong Đảng.
Bác nói: “Tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để làm cho Đảng trong sạch vững mạnh và tăng cường sức chiến đấu của Đảng”. Bác còn lấy bút đỏ ghi thêm: “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”.
Vào lúc này, điều Bác căn dặn trở nên thấm thía, sâu sắc và hệ trọng, giáo sư Hoàng Chí Bảo nói. Theo giáo sư Hoàng Chí Bảo, từ sau Đại hội XII, thực hiện chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị, các cấp, các ngành, các địa phương đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, quyết tâm xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh.
Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) và nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) cũng nêu rõ: “Phải quyết tâm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, vượt qua tất cả những sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống”.
“Xây dựng, chỉnh đốn Đảng được xem là một trọng điểm. Suốt 50 năm qua, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, Đảng ta đã làm hết sức mình để xứng đáng với Bác.
Đại hội XII của Đảng bổ sung thêm vào lý luận xây dựng Đảng một điều rất căn bản, không chỉ xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức, mà còn phải xây dựng Đảng về đạo đức, đưa văn hóa vào trong chính trị, kinh tế, vào trong Đảng, trong Nhà nước và trong hệ thống chính trị”, giáo sư Hoàng Chí Bảo nhấn mạnh.
Cũng tại hội nghị, Đảng ủy khối các cơ quan trung ương đã quán triệt nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”.
Ông Vũ Trọng Hà - phó vụ trưởng, chánh Văn phòng Ban chỉ đạo 94 trung ương, Ban Tuyên giáo trung ương - khẳng định: Đấu tranh, phản bác các luận điệu sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng luôn được Đảng ta coi là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu và xuyên suốt quá trình lãnh đạo cách mạng.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, bên cạnh những thành quả to lớn thì công tác tư tưởng, việc đấu tranh, phản bác các luận điệu sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng còn rất nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh đất nước hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới và cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ 4, trong đó thông tin, truyền thông là một trong những thách thức rất lớn.
Trước bối cảnh trên, để đấu tranh phòng chống các luận điệu sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, theo ông Vũ Trọng Hà, một số giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới là: nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, hệ thống chính trị, trong đó yêu cầu các cấp ủy đảng, người đứng đầu các địa phương, cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác này và nâng cao vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong cuộc đấu tranh này.
Bên cạnh đó, cần quan tâm bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ công tác đấu tranh phản bác cho các lực lượng, ngoài việc sử dụng truyền thông báo, đài, báo điện tử, trang tin điện tử, cần phối hợp xây dựng tạo lập hệ thống trang web, blog, Facebook, YouTube trong hệ thống chính trị...
Mặt khác, cần xây dựng cơ chế để triển khai nhiệm vụ bao gồm cơ chế phối hợp giữa các lực lượng và cơ chế về trang thiết bị, hạ tầng kỹ thuật…
Nguồn tin: tuoitre.vn