Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Thị xã Điện Bàn - Tỉnh Quảng Nam

https://tuoitredienban.net


ẤN TƯỢNG SÂU SẮC NHẤT

“Trong những năm công tác và học tập ở miền Bắc, tôi vinh dự được gặp Bác Hồ đến mấy lần, nhưng lần gặp Bác năm 1964, trước lúc trở về miền Nam chiến đấu đã để lại trong tôi ấn tượng sâu sắc nhất”. Ông Võ Văn Bảy (ảnh) ở tổ 46, phường Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn), Đà Nẵng đã bộc bạch điều đó trong khi trò chuyện với chúng tôi.

... Ngày 5-8-1964, Mỹ dựng lên “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ” nhằm leo thang chiến tranh, đánh phá miền Bắc bằng không quân, hải quân và đưa quân vào miềnNam để cứu nguy cho quân ngụy đang bị thua đau ở khắp nơi. Cách mạng ViệtNam bước sang một giai đoạn mới - giai đoạn trực tiếp đương đầu với quân Mỹ xâm lược. Lúc này, tôi đang là Phó Chủ nhiệm Khoa Hóa học của Trường Sĩ quan Lục quân 1, được triệu tập gấp về Trạm 66 ở Hà Nội để nhận nhiệm vụ mới. Tại đây, 20 cán bộ từ nhiều đơn vị được học tập về tình hình mới và chuẩn bị vàoNam, tăng cường cho các quân khu và sư đoàn.

Tối ngày 9-9 (1964), chúng tôi đang tập trung tại nhà khách Tổng cục Chính trị để dự bữa cơm thân mật do Bộ Quốc phòng tổ chức, thì nghe đồng chí Song Hào - Cục trưởng Cục Cán bộ thông báo là Bác Hồ sẽ đến thăm và dặn dò trước khi lên đường. Được tin ấy, chúng tôi vô cùng phấn chấn, ai cũng chăm chăm nhìn ra phía cổng.

Khoảng 10 phút sau, Bác Hồ và các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp và Phạm Hùng cùng đến. Bác bước xuống xe, giơ tay vẫy chào mọi người và đi thẳng xuống kiểm tra khu vực nhà bếp, nhà ăn của đơn vị, rồi mới trở lên phòng họp, nơi chúng tôi đang ngồi đợi.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp giới thiệu:

- Nghe tin các đồng chí chuẩn bị vào Nam, Bác Hồ cùng các anh trong Bộ Chính trị, Chính phủ đến thăm và dự bữa cơm thân mật với các đồng chí.

- Chúng tôi vui mừng vỗ tay hoan hô thật lâu. Bác đứng lên ra hiệu dừng lại và ân cần căn dặn:

- Bác rất mừng vì nghe tin các chú đã sẵn sàng vào cùng đồng bào và chiến sĩ miền Nam thực hiện nhiệm vụ trong tình hình mới. Sau 10 năm chiến đấu kiên cường, ta đã đánh cho quân ngụy thất bại nặng nề.

Ngụy thua, Mỹ sẽ nhảy vào - Bác cười - Mỹ nhảy vào để đón các chú đấy - Rồi Người nhấn mạnh: Miền Nam đã gian khổ và ác liệt, nay lại càng gian khổ và ác liệt hơn nữa. Chúng ta phải chuẩn bị mọi mặt để đối phó với con ác thú. Các chú cần đi nhanh, sớm hòa nhập chiến trường, cùng các chú trong ấy chuẩn bị đối phó với tình hình mới. Chúc các chú sức khỏe, an toàn và thắng lợi. Bộ Chính trị, Chính phủ và Bác đón chờ tin chiến thắng của các chú.

Đoạn, Bác quay sang Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đại tá Võ Bẩm - phụ trách đường dây 559, ôn tồn bảo:

- Chú Giáp và chú Bẩm cố gắng tạo điều kiện cho các chú đi vào chiến trường được nhanh, sớm và bảo đảm sức khỏe!

- ... Bác ân cần bắt tay 20 anh em chúng tôi và cùng với chúng tôi đi sang phòng ăn ở gần đó. Tôi rất vui vì trong 20 cán bộ vào Nam đợt này thì 19 người là sĩ quan cao cấp, chỉ có tôi mới mang quân hàm đại úy. Lại càng vinh dự hơn là trong bữa cơm tiễn đưa hôm ấy, tôi được ngồi cùng bàn với Bác. Người trìu mến nhìn tôi và hỏi:

- Cháu quê ở đâu? Năm nay bao nhiêu tuổi?

Tôi lễ phép đáp:

- Thưa Bác! Cháu 35 tuổi, quê ở Quảng Ngãi. 

- Bác liền bảo:

- Quảng Ngãi là quê hương của Đội Du kích Ba Tơ anh hùng. Những năm qua, nhân dân Quảng Ngãi nổi tiếng kiên cường. Chú vào Nam, cố gắng phát huy truyền thống cách mạng của quê hương cho tốt, luôn luôn nêu cao sáng tạo trong chiến đấu và công tác...

Vào chiến trường, ông Bảy được phân công làm Trưởng ban Hóa học Quân khu 5 và lời dặn dò của Bác “luôn luôn nêu cao sáng tạo” đã âm vang và thôi thúc ông trong suốt cuộc đời. Ông chủ động tham mưu xây dựng mạng lưới phòng hóa từ quân khu đến cơ sở. Thiếu khí tài trang bị cho bộ đội, ông đề xuất lãnh đạo phát động phong trào làm khí tài phòng hóa ứng dụng và trực tiếp hướng dẫn đội ngũ cán bộ làm được nhiều khí tài ứng dụng như mặt trùm phòng độc, mạng phòng độc, bao tiêu độc; đốt cây xoan, vỏ dừa làm than lọc khói, lọc khí độc; lấy dầu dừa, sun-phát đồng bổ sung vào bao tiêu độc để tăng cường khả năng tiêu độc...

Sau khi nước nhà thống nhất, ông Võ Văn Bảy lại tiếp tục làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia với nhiều cương vị khác nhau, và trong bất cứ nhiệm vụ nào, ông cũng khắc sâu lời dạy của Bác “luôn luôn nêu cao sáng tạo”. Ông về hưu năm 1995 với quân hàm đại tá và hăng hái tham gia xây dựng địa phương, 6 nhiệm kỳ làm bí thư chi bộ, chi hội trưởng CCB. Hiện nay, dù đã gần 80 tuổi nhưng ông vẫn hết sức năng nổ hoạt động trong các phong trào ở địa phương. 

Nguồn: Tạp chí lịch sử Đảng. 13/5/2008

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây