Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Thị xã Điện Bàn - Tỉnh Quảng Nam

https://tuoitredienban.net


TÀI LIỆU SINH HOẠT CHI ĐOÀN THÁNG 6/2020

Chào mừng kỷ niệm 72 năm Ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi thi đua Ái Quốc (11/6/1948-11/6/2020)
CHUYÊN ĐỀ
HỌC TẬP VÀ LÀM THEO 
TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH 
GẮN VỚI TU DƯỠNG ĐẠO ĐỨC SUỐT ĐỜI
(Tài liệu dành cho đoàn viên, thanh niên năm 2020,ban hành kèm theo
ban hành kèm theo Công văn số 4444-CV/TWĐTN-BTG, ngày 17 tháng 3 năm 2020 của Ban Bí thư Trung ương Đoàn)
I. HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH
TƯ TƯỞNG VÀ TẤM GƯƠNG MẪU MỰC CỦA HỒ CHÍ MINH 
VỀ TU DƯỠNG ĐẠO ĐỨC SUỐT ĐỜI
------
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa, song cuộc đời, sự nghiệp của Người là một mẫu mực của đạo đức cách mạng, luôn thống nhất giữa lời nói và việc làm, đặc biệt là tự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức suốt đời. Người luôn khẳng định đạo đức là gốc, là nền tảng của người cách mạng và rèn luyện đạo đức cách mạng là nhu cầu tự thân; đồng thời là yêu cầu tất yếu đối với mỗi người. Người không chỉ nêu ra, yêu cầu mỗi người phải rèn luyện đạo đức cách mạng, mà suốt cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương đạo đức mà “giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay, uy vũ không thể khuất phục”.
1. Những quan điểm cơ bản nhất của Hồ Chí Minh về đạo đức
Chủ tịch Hồ Chí Minh có quan niệm mới, tiến bộ về đạo đức của con người mới. Đó là: Thứ nhất, đạo đức là gốc, là nền tảng của con người. Người coi, đạo đức của con người như trời có bốn mùa, đất có bốn phương,con người có bốn đức “cần, kiệm, liêm, chính” ; Thứ hai, đạo đức cách mạng là tuyệt đối trung thành với Đảng, với nhân dân: “Vô luận chung trong hoàn cảnh nào, người đảng viên cũng phải đặt lợi ích của Đảng lên trên hết”; Thứ ba, gần gũi với quần chúng nhân dân: “đạo đức cách mạng là hòa mình với quần chúng, hiểu quần chúng, lắng nghe ý kiến của quần chúng. Do lời nói và việc làm, đảng viên, đoàn viên và cán bộ làm cho dân tin, dân phục, dân yêu…” ; Thứ tư, không ngừng học tập lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin: “Học tập chủ nghĩa Mác - Lênin là học cái tinh thần xử trí mọi việc, đối với mọi người và đối với bản thân; là học tập những chân lý phổ biến của chủ nghĩa Mác - Lênin để áp dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh thực tế của nước ta. Học để mà làm. Lý luận đi đôi với thực tiễn” . Như vậy, đạo đức cách mạng chính là nội hàm bao trùm, xuyên suốt để mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, thanh niên tu dưỡng và rèn luyện. 
2. Nội dung cơ bản tư tưởng Hồ Chí Minh về tư dưỡng đạo đức suốt đời
Suốt đời tu dưỡng rèn luyện đạo đức để thấm nhuần và thực hành đạo đức cách mạng, đây vừa là nguyên tắc, vừa là phương pháp trong xây dựng đạo đức mới. Theo Hồ Chí Minh, tu dưỡng đạo đức như một cuộc cách mạng trường kỳ, gian khổ. Mỗi người phải kiên trì rèn luyện, tu dưỡng suốt đời. Việc tu dưỡng đạo đức của mỗi người phải được thực hiện qua hoạt động thực tiễn, thực hiện nhiệm vụ, công việc được giao.
Một là, việc tu dưỡng đạo đức phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, lâu dài, suốt cả cuộc đời.
Hồ Chí Minh đã nhiều lần chỉ rõ: mỗi người phải thường xuyên, chăm lo tu dưỡng đạo đức như việc rửa mặt hàng ngày, đó cũng là công việc phải làm kiên trì, bền bỉ suốt cả cuộc đời, không người nào có thể chủ quan tự mãn. Hồ Chí Minh khẳng định: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong” . Do không chú ý điều này, nên có những người trong lúc tranh đấu thì hăng hái, trung thành, không sợ nguy hiểm, không sợ cực khổ, không sợ quân địch, nghĩa là có công với cách mạng. Song, đến khi có ít quyền hạn trong tay thì đâm ra kiêu ngạo, xa xỉ, phạm vào tham ô, lãng phí, quan liêu, không tự giác mà biến thành người có tội với cách mạng. Từ đó, Người đi đến kết luận khái quát: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu xa vào chủ nghĩa cá nhân. Cho nên trong khi ta kiên trì và đẩy mạnh cuộc chiến đấu chống Mỹ, cứu nước, làm cho văn minh chiến thắng bạo tàn thì đồng thời phải loại trừ những cái xấu xa do chế độ cũ để lại trong xã hội và trong mỗi con người” .
Trong giáo dục đạo đức cho cán bộ, Hồ Chí Minh đã nhiều lần nhấn mạnh tu dưỡng đạo đức là một quá trình đấu tranh quyết liệt, lâu dài trong nội tâm của mỗi con người. Vì thế, việc rèn luyện đạo đức đòi hỏi mỗi cán bộ phải có dũng khí đấu tranh với chính mình và phải kiên trì bền bỉ, nỗ lực tu dưỡng suốt đời. Hồ Chí Minh chỉ dẫn một cách sâu sắc về cuộc đấu tranh phức tạp, lâu dài này. Trong bài nói tại Lớp chính Đảng Trung ương khóa 2 (tháng 3/1953), Người ví trong bản thân mỗi con người đều có “hai phe: một phe thiện và một phe ác. Hai phe cùng đấu tranh với nhau. Nếu đấu tranh để phe thiện thắng thì phe ác phải bại. Nếu không đấu tranh mà để cho phe thiện bại, thì là hỏng” .
Hai là, việc tu dưỡng phải trên tinh thần tự giác, tự nguyện, dựa vào lương tâm của mỗi người.
Một nền đạo đức mới chỉ có thể được xây dựng trên cơ sở tự giác tu dưỡng đạo đức của mỗi người. Hồ Chí Minh cho rằng đã là người thì ai cũng có chỗ hay, chỗ dở, chỗ xấu, chỗ tốt, ai cũng có cái thiện, cái ác ở trong mình. Điều quan trọng là dám nhìn thẳng vào con người mình, không tự lừa dối, huyễn hoặc; thấy được cái hay, cái tốt, cái thiện để phát huy, thấy được cái dở, cái xấu, cái ác để khắc phục. Hồ Chí Minh luôn quan tâm, phải làm thế nào để mọi người tự nhận thấy việc tu dưỡng đạo đức cách mạng là một việc phải kiên trì, thường xuyên, liên tục. Người nhắc lại luận điểm của Khổng Tử là “chính tâm, tu thân” để “tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”, và chỉ rõ: “Chính tâm, tu thân tức là cải tạo. Cải tạo cũng phải trường kỳ gian khổ, vì đó là một cuộc cách mạng trong bản thân của mỗi con người. Bồi dưỡng tư tưởng mới để đánh thắng tư tưởng cũ, đoạn tuyệt với con người cũ để trở thành con người mới không phải là việc dễ dàng… Dù khó khăn gian khổ, nhưng muốn cải tạo thì nhất định thành công” . Nếu người cán bộ cách mạng không làm được như vậy, thì ở thời kỳ này giữ được đạo đức trong sáng, nhưng đến thời kỳ khác lại có thể thoái hóa, biến chất, hư hỏng. 
Trong giáo dục đạo đức cho cán bộ, Hồ Chí Minh đã nhiều lần nhấn mạnh tu dưỡng đạo đức là một quá trình đấu tranh quyết liệt, lâu dài trong nội tâm của mỗi con người. Đạo đức cách mạng là nhằm giải phóng con người và đó là đạo đức của những con người được giải phóng. Vì vậy, sự tu dưỡng phải xuất phát từ lương tâm của mỗi người, hướng tới mục tiêu phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Không vượt qua được chính mình, không chiến thắng được giặc trong lòng thì không thể có đạo đức cách mạng. Hồ Chí Minh viết: “Tư tưởng cộng sản với tư tưởng cá nhân ví như lúa với cỏ dại. Lúa phải chăm bón rất khó nhọc thì mới tốt được. Còn cỏ dại không cần chăm bón cũng mọc lu bù. Tư tưởng cộng sản phải rèn luyện gian khổ mới có được. Còn tư tưởng cá nhân thì cũng như cỏ dại, sinh sôi, nảy nở rất dễ” .
Ba là, tu dưỡng đạo đức phải được thực hiện thông qua các hoạt động thực tiễn của mỗi người.
Theo Hồ Chí Minh, đối với mỗi người, việc tu dưỡng đạo đức phải được thực hiện trong mọi hoạt động thực tiễn, trong đời tư cũng như đời công - sinh hoạt, học tập, lao động, chiến đấu; trong mọi mối quan hệ từ hẹp đến rộng, từ nhỏ đến lớn - gia đình, nhà trường, xã hội; từ quan hệ bạn bè, đồng chí, anh em đến quan hệ tập thể, với cấp trên cấp dưới, với Đảng, với nước, với dân và cả trong các mối quan hệ quốc tế. 
Trong cuộc sống, mỗi người có nhiều cương vị, nhiều vai trò khác nhau đòi hỏi phải điều chỉnh hành vi của mình, và phẩm chất đạo đức của mỗi người được thể hiện rất cụ thể, phong phú và đa dạng. Thông qua hoạt động thực tiễn, thông qua quá trình tu dưỡng rèn luyện công phu mới có được phẩm chất đạo đức tốt đẹp và phẩm chất ấy ngày càng được bồi đắp, nâng cao, hoàn thiện. Bài học đó đã được Hồ Chí Minh đúc kết ở 4 câu thơ: 
“Gạo đem vào giã bao đau đớn,
Gạo giã xong rồi trắng tựa bông;
Sống ở trên đời người cũng vậy,
Gian lao rèn luyện mới thành công.” 
3. Hồ Chí Minh tấm gương tu dưỡng đạo đức suốt đời
Hồ Chí Minh là tấm gương mẫu mực về sự tự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức bền bỉ, kiên trì. Điều đó được người chứng minh bằng chính cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Với ý chí, nghị lực luôn tự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, Hồ Chí Minh trở thành tấm gương của “Kiên trì và nhẫn nại. Không chịu lùi một phân. Vật chất tuy đau khổ. Không nao núng tinh thần” . 
Ra đời trong hoàn cảnh nghèo khó của quê hương Nghệ An, Người không bao giờ nghĩ riêng cho mình một cuộc đời sung sướng. Người thấu hiểu nỗi nhục mất nước, mất tự do và nghèo khó của đồng bào, càng nung nấu quyết tâm giải phóng cho đất nước. Những ngày xa Tổ quốc cũng là những ngày nay đây mai đó, trải qua nhiều nghề vất vả từ anh phụ bếp, đốt lò đến người thợ rửa ảnh, nhà báo… Nhưng nghèo khổ không chuyển lay được lòng Người. Bị kết án tử hình và trải qua ba mươi nhà tù nhưng không uy vũ nào khuất phục được Người; Thân thể ở trong lao, nhưng tinh thần Người vẫn ở ngoài lao, hướng về Tổ quốc và tinh thần sắt đá vào thắng lợi của cách mạng. Đói rách, bệnh tật, Người vẫn tràn đầy tinh thần lạc quan và nằm ngủ với “sao vàng năm cánh mộng hồn quanh” .
Cuộc đời của Người, từ khi còn bôn ba ở nước ngoài, đến khi làm Chủ tịch nước vẫn giữ một cuộc đời thanh đạm, giản dị, trong sạch. Hành lý vị Chủ tịch nước sang dự hội nghị đàm phán với Chính phủ Pháp năm 1946 chỉ xếp gọn trong chiếc vali nhỏ với hai bộ quần áo. Tài sản riêng của Người để lại cho chúng ta hiện nay cũng chỉ có hai bộ kaki, đôi dép cao su, cái quạt giấy đã cũ, chiếc đồng hồ mặt đá đã mờ… 
Chủ tịch Hồ Chí Minh là bài học mẫu mực, sáng ngời trong việc nâng cao đạo đức cách mạng “Cần - Kiệm - Liêm - Chính - Chí công vô tư”, ý thức tổ chức kỷ luật, ý thức trách nhiệm, phục vụ nhân dân, đấu tranh, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chủ nghĩa cá nhân, tham nhũng, lãng phí. Là người đứng đầu Ðảng và Nhà nước nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi quyền lực thuộc về nhân dân và do nhân dân ủy thác. Còn mình thì như một người lính vâng mệnh lệnh quốc dân ra trước mặt trận, "bao giờ đồng bào cho tôi lui, thì tôi rất vui lòng lui".
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã suốt đời không ngừng tự tu dưỡng, tự rèn luyện mình để trở thành“tấm gương sáng ngời về con người mới”, thành hình ảnh mẫu mực về “người lãnh đạo và người đầy tớ thật trung thành của nhân dân” chẳng những có sức lôi cuốn, cảm hóa mãnh liệt đối với toàn thể dân tộc, mà còn ảnh hưởng sâu rộng trên toàn thế giới.
Nguồn: doanthanhnien.vn
BÀI THƠ NỔI TIẾNG CỦA BÁC HỒ CĂN DẶN THANH NIÊN 
ĐƯỢC RA ĐỜI NHƯ THẾ NÀO?
Đội thanh niên xung phong công tác trung ương đầu tiên thành lập ngày 15-7-1950  theo chỉ thị của Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch. Sau khi phục vụ chiến dịch Biên giới, Đội được giao nhiệm vụ bảo vệ tuyến đường quan trọng: Cao Bằng - Bắc Kạn - Thái Nguyên. Đội đã được tổ chức thành nhiều Liên phân đội rải quân dọc tuyến đường và nhận nhiệm vụ bám trụ những nơi hiểm yếu. Liên phân đội thanh niên xung phong 321 của chúng tôi được nhận trọng trách bảo vệ cầu Nà Cù (thuộc huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn), nằm trên tuyến đường từ thị xã Bắc Kạn đi Cao Bằng. Cầu Nà Cù lúc này không những đã trở thành mục tiêu ném bom bắn phá của máy bay địch, mà còn có nguy cơ bị nước lũ cuốn trôi. Trung tuần tháng 9-1950, chúng tôi được tin báo có đồng chí Trần Đăng Ninh, Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp (nay là Tổng cục Hậu cần) sẽ đến thăm đơn vị. Đêm hôm đó, chúng tôi tổ chức lửa trại trong rừng Nà Tu để đón khách. Vừa trông thấy ánh đèn pin thấp thoáng từ ngoài cửa rừng đi vào, đoán là khách đã đến, tôi cho anh chị em vỗ tay hoan hô: "Hoăn hô đồng chí Trần Đăng Ninh". Khách vào tới nơi, định thần nhìn lại, tất cả chúng tôi đều sững sờ trước niềm hạnh phúc thật bất ngờ: Bác Hồ đến thăm. Hàng ngũ của chúng tôi trở nên xáo động..., nhưng do việc giữ bí mật đã ăn sâu vào ý thức từng người nên trong hàng ngũ cũng chỉ truyền đi những tiếng reo khe khẽ: "Bác Hồ! Bác Hồ!". Rõ ràng Bác đang ở trước mắt mà chúng tôi cứ ngỡ như một giấc chiêm bao! Bác vẫn giản dị với bộ quần áo bà ba màu nâu, chiếc khăn quàng cổ che kín cả chòm râu. Đi bên cạnh Bác là đồng chí Trần Đăng Ninh.
Bác tươi cười nhìn chúng tôi và giơ tay ra hiệu:
- Các cháu ngồi cả xuống.
Chúng tôi đều răm rắp nghe theo lời Bác, im lặng ngồi xuống.
Những câu đầu tiên Bác hỏi chúng tôi là những lời hỏi thăm ân cần về tình hình đời sống của đơn vị.
Bác hỏi:
-  Các cháu ăn uống có đủ no không?
- Thưa Bác có ạ!
- Các cháu có đủ muối ăn không?
- Thưa Bác đủ ạ!
- Quần áo, chăn màn, thuốc phòng bệnh chữa bệnh có đủ không?
- Thưa Bác đủ ạ!
Qua nụ cười hiền hậu trên nét mặt của Bác, chúng tôi thấy Bác biết thừa là chúng tôi nói dối để Bác vui lòng. Bác đã được đồng chí Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp báo cáo đầy đủ về chế độ cấp phát lương thực, thuốc men, quân trang cho thanh niên xung phong còn thiếu thốn. Bác lại hỏi:
- Các cháu có biết Đảng Lao động Việt Nam không?
- Thưa Bác có ạ!
Sau đó Bác lại hỏi tiếp:
- Đảng Lao động Việt Nam với Đảng Cộng sản Đông Dương khác nhau ở điểm nào?
Một số người trong chúng tôi được Bác kiểm tra trực tiếp toát mồ hôi, nên trả lời rất lúng túng.
Sau đó bằng những câu ngắn gọn, Bác đã truyền đạt tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ II ta mới họp về việc đổi tên Đảng Cộng sản Đông Dương thành Đảng Lao động Việt Nam. Tiếp đó Bác nhắc nhở:
- Lần sau cái gì không biết các cháu phải nói không biết, không biết mà nói biết là giấu dốt.
Rồi Bác đột ngột hỏi tiếp:
- Đào núi có khó không? Chúng tôi ai cũng dè dặt không dám trả lời ào ào như nước nữa. Thế là người trả lời: khó, người sợ nói khó bị cho là tư tưởng ngại khó nên trả lời không khó.
Trả lời xong mà cứ nơm nớp sợ Bác hỏi thêm. Bác chưa kết luận mà hỏi thêm chứng tôi:
- Có ai dám đào núi không?
Và chỉ định một đội viên gái ngồi ngay trước mặt Bác, đồng chí này mạnh dạn đứng lên thưa:
- Thưa Bác có ạ! thanh niên xung phong chúng cháu ngày ngày vẫn đang đào núi để đảm bảo giao thông đấy ạ! (Hồi bấy giờ chúng tôi đào núi bằng cuốc, xẻng, không được cơ giới hoá như bây giờ). Nghe xong, Bác cười:
- Đào núi không khó là không đúng, nhưng khó mà con người vẫn dám làm và làm được. Chỉ cần cái gì?
Chúng tôi đã bình tĩnh, lấy lại được tinh thần và mạnh dạn hẳn lên, thi nhau giơ tay lên phát biểu, có người trả lời "cần quyết tâm cao", có người "cần kiên gan bền chí", "cần vượt khó vượt khổ", có người "cần xung phong dũng cảm", toàn là những khẩu hiệu hành động của thanh niên xung phong chúng tôi hồi đó.
Bác động viên chúng tôi:
- Các cháu trả lời đều đúng cả: Tóm lại việc gì khó mấy cũng làm được, chỉ cần quyết chí. Tục ngữ ta có câu: "Có công mài sắt, có ngày nên kim". Để ghi nhớ buổi nói chuyện của Bác cháu ta hôm nay, Bác tặng các cháu mấy câu thơ:
Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên.
Đọc xong mỗi câu thơ, Bác lại bảo chúng tôi đồng thanh nhắc lại. Cuối cùng Bác chỉ định nhắc lại cả bài thơ cho tất cả đơn vị nghe. Thật may mắn, tôi đã nhắc trôi chảy không sai chữ nào.
Giữa rừng đêm khuya, dưới ánh lửa bập bùng, Bác cùng chúng tôi hoà nhịp theo bài ca "Nhạc tuổi xanh". Chúng tôi hát hào hứng, say mê. Đến khi bài hát được hát lại lần thứ hai, nhìn lại thì không thấy Bác đâu nữa! Bác xuất hiện và ra đi như một ông tiên trong chuyện cổ tích huyền thoại. Đám thanh niên chúng tôi ngẩn ngơ nuối tiếc hồi lâu.
Bài thơ nổi tiếng của Bác Hồ căn dặn thanh niên được ra đời như thế đó. Rất mộc mạc, giản dị nhưng lại vô cùng sâu sắc. Bài thơ đã là nguồn cổ vũ, động viên lớp lớp thanh niên xung phong chúng tôi lao vào cuộc kháng chiến và kiến quốc. Sau này mỗi khi gặp khó khăn, hình ảnh của Bác Hồ và bốn câu thơ của Bác lại được tái hiện trong lòng chúng tôi, tiếp cho chúng tôi thêm sức mạnh để vượt qua.
Nguồn: Sách Kể chuyện Bác Hồ, Nxb Chính trị quốc gia
2. Lời Bác dạy
“Đối với các em, việc giáo dục gồm có:
Thể dục: để làm cho thân thể mạnh khỏe, đồng thời cần giữ gìn vệ sinh riêng và vệ sinh chung.
Trí dục: ôn lại những điều đã học , học thêm những tri thức mới.
Mỹ dục: để phân biệt cái gì là đẹp, cái gì là không đẹp.
Đức dục: là yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, yêu trọng của công.”
Nguồn: Gửi các em học sinh, 24/10/1955
“Cách dạy trẻ, cần làm cho chúng biết: Yêu tổ quốc, thương đồng bào, chuộng lao động, giữ kỷ luật, biết vệ sinh, học văn hóa…
Ngày nay chúng là nhi đồng , mười một năm sau chúng sẽ là công dân, cán bộ. Vì vậy, Chính phủ, các đoàn thể, và tất cả các đồng bào có trách nhiệm giúp sức vào việc giáo dục nhi đồng. Công việc ấy phụ nữ, và thanh niên phải là người phụ trách chính, nhất là thanh niên.”
Nguồn: Thư gửi Hội nghị Cán bộ phụ trách nhi đồng, 11/1949
II. TRUYẾN THỐNG
1. Theo dòng lịch sử

III. PHÁP LUẬT
Chính sách mới nổi bật có hiệu lực tháng 6/2020
Từ 15/6, chính thức bãi bỏ Thông tư 01 về thể thức trình bày văn bản
Ngày 16/4/2020, Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư 01/2020/TT-BNV nhằm bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành. Thông tư này sẽ có hiệu lực từ ngày 15/6/2020 tới.
Cụ thể, Thông tư này bãi bỏ một số văn bản sau:
- Thông tư 01/2011/TT-BNV hướng dẫn thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản hành chính;
- Thông tư 07/2012/TT-BNV hướng dẫn quản lý văn bản, lập hồ sơ và nộp lưu hồ sơ, tài liệu vào Lưu trữ cơ quan;
- Thông tư 01/2019/TT-BNV vụ quy định về quy trình trao đổi, lưu trữ, xử lý tài liệu điện tử trong công tác văn thư, chức năng cơ bản của Hệ thống quản lý tài liệu điện tử trong quá trình xử lý công việc của các cơ quan, tổ chức.
Hiện nay, thể thức và cách trình bày văn bản phải tuân thủ theo quy định tại Nghị định 30/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 05/3/2020.
Không tuyển sinh trình độ trung cấp sư phạm
Ngày 07/5/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố Quy chế tuyển sinh đại học năm 2020 tại Thông tư 09 năm 2020. Thông tư có hiệu lực từ ngày 22/6/2020.
Một trong những nội dung đáng chú ý của Quy chế ban hành kèm theo Thông tư này chính là việc không tuyển sinh trình độ trung cấp sư phạm.
Bởi theo Luật Giáo dục năm 2019 có hiệu lực từ ngày 01/7/2020, trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên tối thiểu phải từ cao đẳng sư phạm trở lên đối với giáo viên mầm non.
Do vậy, để triển khai quy định này, Quy chế đã ghi nhận từ năm 2020, các trường đào tạo sư phạm sẽ không tuyển sinh trình độ trung cấp sư phạm, chỉ tuyển sinh trình độ cao đẳng trở lên với ngành giáo dục mầm non.
Tự ý cho thuê ô tô công, phạt đến 20 triệu đồng
Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại Thông tư số 29/2020 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công. Thông tư có hiệu lực từ ngày 02/6/2020.
Liên quan đến vấn đề này, khoản 1 Điều 6 Thông tư nêu rõ, việc cơ quan Nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang, cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, cơ quan của tổ chức chính trị - xã hội sử dụng tài sản công vào mục đích sản xuất, kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết thì xử phạt theo khoản 2 Điều 8 Nghị định 63/2019/NĐ-CP.
Theo đó, cơ quan, tổ chức cho thuê xe ô tô công sẽ bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng.
Với cùng hành vi vi phạm, nếu do cá nhân thực hiện sẽ bị phạt tiền bằng ½ mức phạt đối với tổ chức, tương đương mức phạt từ 05 - 10 triệu đồng. 
4 loại tài sản không được kê biên cưỡng chế thi hành án thương mại
Theo Nghị định 44/2020/NĐ-CP về cưỡng chế thi hành án đối với pháp nhân thương mại có hiệu lực từ ngày 01/6/2020, các loại tài sản không được kê biên khi cưỡng chế thi hành án đối với pháp nhân thương mại bao gồm:
- Tài sản bị cấm lưu thông theo quy định của pháp luật; tài sản phục vụ quốc phòng, an ninh, lợi ích công cộng; tài sản do ngân sách Nhà nước cấp cho cơ quan, tổ chức;
- Số thuốc phục vụ phòng, chữa bệnh cho người lao động; lương thực, thực phẩm, dụng cụ và tài sản khác phục vụ bữa ăn cho người lao động;
- Nhà trẻ, trường học, cơ sở y tế và thiết bị, phương tiện, tài sản khác thuộc các cơ sở này nếu không phải là tài sản để kinh doanh;
- Trang thiết bị, phương tiện, công cụ bảo đảm an toàn lao động, phòng, chống cháy nổ, phòng, chống ô nhiễm môi trường.
Bãi bỏ nhiều văn bản trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm
Để phù hợp với pháp luật hiện hành, ngày 17/4/2020, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 28 năm 2020 bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành trong lĩnh vực chứng khoán, kinh doanh bảo hiểm và tài chính ngân hàng. Thông tư có hiệu lực từ ngày 02/6/2020.
Cụ thể, Thông tư này đã bãi bỏ một số văn bản trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm như:
- Quyết định số 99/2005/QĐ-BTC  về việc ban hành quy tắc, biểu phí và mức trách nhiệm bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của người kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa dễ cháy và dễ nổ trên đường thủy nội địa.
- Thông tư số 99/2011/TT-BTC hướng dẫn quản lý tài chính đối với việc thực hiện thí điểm bảo hiểm tín dụng xuất khẩu.
- Thông tư số 121/2011/TT-BTC  hướng dẫn một số điều về thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2011-2013...
Người mới ra tù dưới 18 tuổi được ưu tiên vay vốn, đào tạo nghề
Nội dung này được đề cập tại Nghị định số 49/2020/NĐ-CP ngày 17/4/2020 quy định chi tiết thi hành Luật Thi hành án hình sự về tái hòa nhập cộng đồng. Nghị định có hiệu lực từ ngày 15/6/2020.
Theo đó, người chấp hành xong hình phạt tù dưới 18 tuổi được ưu tiên đào tạo nghề và hỗ trợ vay vốn để tạo việc làm; trẻ em chấp hành xong hình phạt tù được thực hiện các biện pháp hỗ trợ, can thiệp, bảo vệ phù hợp theo quy định của pháp luật.
Với đối tượng mới ra tù khác sẽ được tham gia đào tạo nghề nghiệp trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp, dưới 03 tháng được miễn, giảm học phí, hưởng chính sách nội trú, được hỗ trợ chi phí đào tạo, tiền ăn và tiền đi lại nếu thuộc đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp theo quy định hiện hành.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây