TIỂU SỬ ĐỨC VUA – PHẬT HOÀNG TRẦN NHÂN TÔNG TRẦN NHÂN TÔNG

Thứ sáu - 06/10/2023 15:01
TIỂU SỬ ĐỨC VUA – PHẬT HOÀNG TRẦN NHÂN TÔNG TRẦN NHÂN TÔNG
Dưới triều đại nhà Trần, Phật giáo trở thành Quốc giáo, hệ tư tưởng Phật giáo đã hòa nhập hoàn toàn với nền văn hóa dân tộc Việt, phù hợp với tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của nhân dân, khát khao độc lập dân tộc và yêu chuộng hòa bình.
Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông là một vị Hoàng đế, một vị tu sĩ được người đời kính trọng (ảnh minh họa)

Lý thuyết của thiền phái Trúc Lâm do đức Vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông khởi xướng mang tư tưởng hòa nhập Đạo với Đời, thấm nhuần tính nhân văn sâu sắc, một tư tưởng riêng của Phật giáo Việt Nam, đó là: không kêu gọi tín đồ lìa bỏ cuộc sống trần tục, không ép xác khổ hạnh mà đề cao nhân nghĩa, giáo dục lòng nhân đạo, không phân biệt giàu sang, luôn luôn nhớ đến cội nguồn…
“…Ở đời vui đạo hãy tùy duyên
Đói đến thì ăn mệt ngủ liền
Trong nhà có báu thôi tìm kiếm
Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền…”
Cư trần lạc đạo – Trần Nhân Tông
Đạo và Đời cả hai dung hợp, linh động, sáng tạo trong mọi hoàn cảnh xã hội, làm cho Phật giáo trở thành một tư tưởng triết lý hùng mạnh sống động, có công năng uy lực trong xây dựng và phát triển đạo pháp, cũng như bảo vệ và mở mang đất nước dưới triều đại nhà Trần.

Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông trên núi Yên Tử, tỉnh Quảng Ninh
Hoàng đế Trần Nhân Tông (1278 - 1293) tên húy là Trần Khâm quê ở hương Tức Mặc, phủ Thiên Trường (nay thuộc phường Lộc Vượng thành phố Nam Định). Ngài là con trưởng của Thánh Tông Trần Hoảng, mẹ là Nguyên Thánh Thiên Cảm Hoàng Thái hậu, sinh ngày 7 tháng 12 năm 1258. Vua ở ngôi 15 năm (1278-1293), nhường ngôi cho con là Anh Tông lên làm Thái Thượng hoàng 5 năm (1293-1298), xuất gia đi tu (1293-1308) và viên tịch ngày 3 tháng 11 năm Mậu Thân (1308), thọ năm mươi mốt tuổi.
Dù là hoàng thái tử, là bậc minh quân, là thái thượng hoàng, là thiền sư, là mây trắng nghìn năm thì Phật hoàng Trần Nhân Tông vẫn muôn thuở ung dung giữa Đời và Đạo, trở thành một hình tượng tiêu biểu độc đáo nhất trong lịch sử Việt Nam nói chung và lịch sử Phật giáo Việt Nam nói riêng. 
Với Đời, Ngài là vị vua anh minh kiệt xuất, đã lãnh đạo đoàn kết quân dân hai lần đánh thắng giặc Nguyên - Mông, một đội quân xâm lược mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ. Chiến thắng ấy còn mãi mãi khắc ghi trong sử vàng dân tộc. Sau khi nhường ngôi cho con, Ngài đã dành tâm huyết tìm kế sách khoan hòa trong nhân dân để ra chính sách dưỡng dân, an dân để xây dựng, phát triển mở mang đất nước.
Với Đạo - Ngài là Thiền sư đắc đạo, là người sáng lập và lãnh đạo thiền phái Trúc Lâm, dòng thiền riêng có của Phật giáo Việt Nam. Với tấm lòng vì dân, với nhãn quan của một vị vua minh triết, một nhà sư giác ngộ, Ngài chủ trương xây Đạo để nuôi dưỡng, phát huy nhân tâm thuận hòa trong trăm họ, xây dựng, bồi đắp tính độc lập, sức tự cường, vun bồi sự hòa hợp trong thế gian, hòa hợp vua tôi, hòa hợp cha con, hòa hợp vợ chồng, hòa hợp gia đình, hòa hợp quốc gia…, tư tưởng ấy là cội rễ làm nên sức mạnh lâu bền của dân tộc, theo thời gian đã trở thành truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Trong con người và sự nghiệp của Ngài, Đạo và Đời luôn hòa quyện vì hạnh phúc muôn dân. Ngài đã khéo kết hợp lấy tâm, đức, trí của Đạo xây Đời cường thịnh. Công đức ấy còn lưu giữ tới ngày nay và mãi mãi trường tồn.
Ngài còn là vị Vua Phật nguyện từ bỏ danh lợi, phú quý vinh hoa để chọn cho mình con đường đi độc đạo: xuất gia tu hành mà vẫn luôn gắn bó, lo cho thế gian, cho cuộc đời thường nhật của những người dân đất Việt. Ngài tận tụy cho khát vọng xây dựng một đạo Phật lý tưởng gắn chặt với thực tế đời sống của nhân dân, với vận mệnh của dân tộc, của non sông đất nước.
Phật hoàng Trần Nhân Tông đã góp sức lớn trong sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam, thống nhất hệ tư tưởng dân tộc, xây dựng hệ tư tưởng tôn giáo mang bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Lớp lớp hậu thế ghi nhận, trân trọng, ngưỡng kính Ngài và công lao của Ngài như bảo vật di sản văn hóa đa giá trị trên nhiều phương diện.
Đóng góp của Ngài vô cùng to lớn qua đức hạnh truyền bá, hướng dẫn nhân dân xây dựng nền tảng đạo đức, lối sống chuẩn mực đậm bản sắc, tinh thần dân tộc Việt Nam, qua hướng dẫn nhân dân bài trừ các tập tục dị đoan, mê tín. Ngài thổi vào khung trời Phật giáo Việt Nam, vốn có truyền thống lịch sử lâu đời một luồng gió mới - luồng gió mát của tinh thần nhập thế, không chỉ trong khoảnh khắc lịch sử thời đó mà còn kéo dài tới tận ngày nay, tới mãi mai sau.

Tượng đức Vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông tại chùa Phổ Minh – Nam Định
Đức Trần Nhân Tông trong lịch sử Việt Nam cho đến ngày nay vẫn là người duy nhất từ đỉnh cao quyền lực rồi thành Phật. Bởi thế cũng là người duy nhất được gọi là Phật Hoàng. Điều đáng nói là khi ấy, Hoàng đế Trần Nhân Tông đã đạt tới đỉnh cao của chiến công mà sau này thế giới phải kính phục với hai lần chiến thắng quân Nguyên Mông và triều đại nhà Trần trong 15 năm ở ngôi của Ngài là thời kỳ cực kỳ thịnh, một thời kỳ hiển hách nhất cả về võ công và văn trị. Tất nhiên vai trò cố vấn của vua cha Trần Thánh Tông và tài quân sự kiệt xuất của Quốc công tiết chế Trần Hưng Đạo góp phần rất lớn nhưng là người nắm quyền lực chính, Trần Nhân Tông chính là linh hồn của xã tắc ở thời kỳ ấy.
Trong rất nhiều giá trị tư tưởng Trần Nhân Tông, cho đến ngày nay, thế giới ngày càng biết đến rộng rãi tư tưởng về hòa hợp và hòa giải. Chiến thắng lừng lẫy giặc Nguyên Mông, Hoàng đế Trần Nhân Tông bước vào những ngày hòa bình thịnh trị bằng chính hòa giải và hòa hợp.
Không chỉ tha cho kẻ phản bội, tư tưởng hòa hợp, hòa giải của Hoàng đế Trần Nhân Tông còn là tha cho kẻ thù. Trong “Đại Việt sử ký toàn thư” có một chi tiết: “Hưng Trí Vương không được thăng trật, vì đã có chiếu cho người Nguyên về nước, các tướng không được cản trở, mà lại còn đón đánh chúng”. Chỉ một chi tiết nói về việc ban thưởng cho tướng lĩnh sau chiến tranh, vì Hưng Trí Vương Trần Quốc Nghiễn hăng say đón đánh bọn giặc Nguyên trên đường tháo chạy về nước sau khi đã có lệnh của vua Trần Nhân Tông không được cản trở chúng nên không được thăng chức, cho thấy cả một tư tưởng lớn. Ở thế kỷ 13, kết thúc chiến tranh, nhà tư tưởng Trần Nhân Tông đã cố gắng xóa bỏ hận thù: hận thù trong lòng dân tộc và hận thù với kẻ thù.
Không có hòa hợp và hòa giải, Trần Nhân Tông không thể thành công trong việc an dân và định nhân tâm sau cuộc chiến. Từ tư tưởng ấy, công cuộc mở rộng bờ cõi và xây dựng nền văn hóa rực rỡ triều Trần mới quy tụ được sức mạnh trí tuệ toàn dân.
Ngay cả trước cuộc chiến, hòa hợp, hòa giải cũng chính là yếu tố thành công của chiến thắng Nguyên Mông. Hòa giải hiềm khích trong nội bộ gia tộc nhà Trần. Hòa giải để tin tưởng trao vào tay Quốc công tiết chế Trần Hưng Đạo quyền lực tối cao thống lĩnh quân đội. Hội nghị Bình Than và Hội nghị Diên Hồng được các nhà sử học sau này gọi là cuộc họp công khai và dân chủ đầu tiên trong lịch sử Việt Nam nhằm lấy ý kiến rộng rãi về một vấn đề trọng đại của đất nước: “Trải lòng mình với trăm họ, khích động được tình cảm muôn dân, làm cho niềm cảm khái trong mọi tầng lớp vương hầu và dân chúng nhanh chóng dâng lên và quy tụ về một mối”.
Ở thế kỷ 21 nhìn lại, không khỏi khâm phục cho một tầm nhìn từ thế kỷ 13 khi Hoàng đế Trần Nhân Tông luôn tâm niệm rằng những người bên cạnh mình là anh em thân thuộc, những người phải lưu lạc và lầm lỗi là những người con xa. Điều đó lý giải vì sao vị Hoàng đế anh minh đã tụ hội được những người giỏi nhất giúp sức cho đại nghiệp.
Hàng nghìn năm qua, trong lịch sử dân tộc, ánh sáng nhiệm màu của Đạo từ bi trí tuệ luôn tỏa rạng, góp phần quan trọng tạo nên bản sắc văn hóa, con người và đất nước Việt Nam. Trong đó có những con người đã hội tụ được những tinh hoa thần khí của non sông đất nước mà trở nên đại hùng đại lược, đại trí tuệ, đại từ bi, Trần Nhân Tông - đức Điều Ngự giác hoàng là một người như vậy.
 
 

Tác giả bài viết: Thị Đoàn Điện Bàn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây