Trước hết phải đánh thắng lòng tà là kẻ thù trong mình
“Tự mình” là một cách tiếp cận sâu sắc, có hàm lượng khoa học cao về văn hóa với ý nghĩa văn hóa có vai trò to lớn tạo khả năng suy xét bản thân. Nhờ văn hóa mà con người tự thể hiện, tự ý thức, tự biết mình là một “công trình” chưa hoàn thiện. Nhận thức và thực hành văn hóa làm cho bản thân mỗi người trở thành một con người đặc biệt nhân bản, lý tính, có óc phê phán, dấn thân một cách đạo lý, chính tâm. Mỗi người tự tìm tòi những ý nghĩa mới mẻ, tạo nên một công trình mới sáng tạo, vượt lên chính bản thân để trở thành một con người “hoàn toàn” như cách nói của Bác Hồ. Với nhận thức đó, “tự mình” được xem xét trên hai phương diện chủ yếu: tự mình gương mẫu làm việc tốt cho mọi người noi theo và mình tự phê bình, có gan thừa nhận khuyết điểm theo lời dạy “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân” để cho dân tin, dân phục, dân yêu.
Trong di sản của mình, Bác nhiều lần đề cập tới các mối quan hệ. Trong tác phẩm “Đường cách mệnh” (1927), khi viết về tư cách của người cách mệnh, Bác đề cập tới 3 mối quan hệ: “Tự mình phải, đối người phải, làm việc phải”. Trong “Bài nói chuyện với cán bộ tỉnh Thanh Hóa” (2-1947), Người đề cập 5 mối quan hệ: Mình đối với mình; Đối với đồng chí mình; Đối với công việc; Đối với Nhân dân; Đối với Đoàn thể. Trong bài “Tư cách người công an cách mệnh” (3-1948), Bác đề cập 6 mối quan hệ: Đối với tự mình; Đối với đồng sự; Đối với Chính phủ; Đối với Nhân dân; Đối với công việc; Đối với địch. Trong ba lần, mỗi lần Bác đề cập tới một đối tượng khác nhau. Năm 1927 là người cách mệnh nói chung; năm 1947 là cán bộ; năm 1948 là người công an cách mệnh.
Điều đặc biệt là cả ba trường hợp, dù với các đối tượng khác nhau, Bác luôn đề cập với “tự mình” (tự mình phải, mình đối với mình, đối với tự mình) lên hàng đầu. Xét dưới góc độ phẩm chất, chuẩn mực đạo đức thì đối tượng với Nước, với Dân là hàng đầu, quan trọng nhất. Đó là phẩm chất, chuẩn mực “trung với nước, hiếu với dân” hay ở cách tiếp cận khác là “chí công vô tư” tức đặt quyền lợi chung (Tổ quốc và Nhân dân) lên trên, lên trước lợi ích cá nhân.
Vậy tại sao Bác lại đặt mối quan hệ với “tự mình” lên trước? Đây là hai cách tiếp cận khác nhau, không được lẫn. Với “tự mình” là cách tiếp cận quan hệ đạo đức chứ không phải chuẩn mực đạo đức, còn “trung và hiếu” là cách tiếp cận chuẩn mực đạo đức. Mà nói đến chuẩn mực đạo đức thì phải đặt lợi ích của Tổ quốc và Nhân dân lên trên hết, trước hết. Còn khi bàn về các mối quan hệ thì lại phải xử lý với “tự mình” trước hết; trước hết mình phải xử sự với mình cho tốt thì mới có thể xử sự tốt với các đối tượng khác. Đây là vấn đề thuộc ý thức, tư tưởng liên quan tới “tri kỷ” (biết mình), tự phê bình, đồng thời cũng là câu chuyện nêu gương qua việc làm hằng ngày.
Ở góc độ tự phê bình và sửa chữa khuyết điểm, phải xác định đây là một cuộc đấu tranh chống giặc trong lòng trường kỳ, gian khổ để giải quyết mâu thuẫn giữa hai phe: phe thiện và phe ác ở trong mình. Theo Bác, đấu tranh để phe thiện thắng, thì phe ác phải bại. Nếu không đấu tranh mà để cho phe thiện bại, thì là hỏng. Giặc trong lòng đáng sợ hơn giặc bên ngoài vì nó vô hình, vô ảnh, không dàn thành trận, luôn luôn lẩn lút trong mình ta, phá từ trong phá ra và là đồng minh với giặc bên ngoài. Nó khó thấy, khó biết, nên khó tránh. Bác nhấn mạnh: “Muốn đánh thắng chủ nghĩa đế quốc là kẻ thù trên thế giới, muốn đánh thắng chủ nghĩa thực dân và phong kiến, địa chủ là kẻ thù trong nước thì trước hết phải đánh thắng lòng tà là kẻ thù trong mình. Phải chính tâm tu thân mới có thể “trị quốc bình thiên hạ” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.8, tr.142). “Chính tâm tu thân” nghĩa là tâm mình phải chín chắn, đứng đắn, trong sáng, tu dưỡng hằng ngày, suốt đời, việc gì cũng phải làm kiểu mẫu. “Trị quốc bình thiên hạ” là làm những việc ích quốc, lợi dân như kháng chiến, kiến quốc, xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ hòa bình thế giới. Muốn cải tạo xã hội thì lòng mình phải cải tạo. Nếu lòng mình không cải tạo thì đừng nói đến cải tạo xã hội. Lòng mình còn tham ô, lãng phí thì cải tạo xã hội sao được. “Tự mình không đánh thắng được khuyết điểm của mình, mà muốn thắng kẻ địch, tự mình không cải tạo được mình, mà muốn cải tạo xã hội, thì thật là vô lý” (Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.7, tr.82).
Bác Hồ thường dẫn Khổng Tử, Mạnh Từ, Tăng Tử là những nhà tư tưởng lớn, những vị đại hiền, những kiểu mẫu cho chúng ta noi theo. Khổng Tử cho rằng tự mình phải chính trước, phải siêng năng, trong sạch, mới giúp được người khác chính. Mình không liêm, không chính mà muốn người khác liêm, chính là vô lý. Theo tinh thần của Tăng Tử, mỗi ngày phải tự kiểm điểm mấy lần: đối với người có thẳng thắn không? Đối với việc có chuyên cần không? Bác Hồ nhấn mạnh mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi ngày phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt. Được như thế thì trong Đảng sẽ không có bệnh mà Đảng sẽ mạnh khỏe vô cùng.
Nguồn: hochiminh.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn