Chủ tịch Hồ Chí Minh với đồng bào tôn giáo các dân tộc Việt Nam

Thứ tư - 12/02/2020 11:01

Đoàn kết trong lao động và đấu tranh chống mọi thế lực xâm lược, áp bức bóc lột là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Chính nhờ truyền thống đó mà trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, trải qua những thời kỳ bão táp của lịch sử, dân tộc ta vẫn là một khối thống nhất không một kẻ thù nào chia cắt nổi.

Truyền thống cao quý đó đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp thu và phát huy trong hoàn cảnh lịch sử mới của cách mạng Việt Nam và được thể hiện một cách sâu sắc và phong phú trong chính sách đại đoàn kết mà Người đã vạch ra. Người chỉ rõ: " Chỉ có đoàn kết, phấn đấu, nước ta mới được độc lập".

Là người sáng lập ra Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương đoàn kết tất cả mọi lực lượng có thể đoàn kết được, kiếm thêm bầu bạn, cảm hoá người trung lập, lầm lạc, cô lập cao độ kẻ thù, làm cho chúng càng ngày càng suy yếu, tiến tới đánh đổ chúng, đưa cách mạng tới thắng lợi. Xuất phát từ lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, Người chủ trương đoàn kết chặt chẽ, đoàn kết thật sự, lâu dài với mọi người yêu nước, tán thành độc lập và thống nhất Tổ quốc, không phân biệt tầng lớp, đảng phái, tôn giáo, dân tộc. Sức mạnh của khối đoàn kết toàn dân được Hồ Chí Minh tổng kết thành chân lý:

          Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết

                    Thành công, thành công, đại thành công.

Đồng bào có tôn giáo ở nước ta là một lực lượng mạnh mẽ trong khối đoàn kết của Mặt trận thống nhất dân tộc. Với chính sách tự do tín ngưỡng ( đã được ghi trong Hiến pháp đầu tiên của Nước Việt Nam dân chủ cộng hoà - 1946 ), đồng bào có tôn giáo đã được Đảng, Nhà nước và Hồ Chủ tịch hết sức coi trọng, quan tâm, chăm lo và săn sóc chu đáo. Ngày 14-10-1945 (hơn 1 tháng sau ngày tuyên ngôn độc lập), Hồ Chủ tịch đã gửi thư cho đồng bào công giáo Vinh-Hà Tĩnh-Quảng Bình. Người viết:" Tôi thay mặt Chính phủ cảm ơn bức thư các bạn đã gửi cho chúng tôi. Trong thư nói "dù phải hy sinh xương máu để kiến thiết một nước nhà tự do, hạnh phúc hoàn toàn thì chúng tôi vẫn sẵn sàng không ngần ngại". Câu nói nhiệt thành đó tỏ rằng các bạn là những người chân chính yêu nước đồng thời cũng là tín đồ chân chính của Đức Giêsu. Đức Giêsu hy sinh vì muốn loài người có được tự do, hạnh phúc; đồng bào ta cả lương lẫn giáo cũng vì tự do, hạnh phúc cho toàn dân mà phải hy sinh phấn đấu".

Nhân ngày lễ giáng sinh (25-12-1948), trong khi cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp đang bước vào giai đoạn gay go, ác liệt (ta từ cầm cự chuyển sang tiến công địch), Hồ Chủ tịch đã gửi thư chung cho đồng bào công giáo Việt Nam. Bức thư có đoạn:" Đã ba năm nay, dân tộc ta hy sinh kháng chiến, chống giặc xâm lăng. Dù khó nhọc hy sinh đến thế nào, chúng ta vẫn giữ lòng tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng. Vì cuộc kháng chiến của ta là chính nghĩa". Người khẳng định :" Hôm nay đồng bào lễ Chúa trong một bầu không khí chiến tranh, vì giặc Pháp còn đang dày xéo đất nước chúng ta. Song rồi đây, thắng lợi sẽ cho chúng ta lễ Chúa long trọng hơn, trong một bầu không khí vui vẻ và tươi sáng của một nước hoàn toàn thống nhất và độc lập". Cuối thư, Người thể hiện rõ tình cảm thắm thiết của mình với đồng bào :" Vậy đồng bào hãy cầu nguyện Chúa cho ngày thắng lợi sắp tới của dân tộc. Cầu nguyện Chúa luôn ban phúc lành cho đồng bào".

Ngay sau khi hoà bình lập lại, hoà với niềm vui chung của cả dân tộc sau cuộc kháng chiến trường kỳ thắng lợi, ngày 24-12-1955, Hồ Chủ tịch đã chia vui với đồng bào công giáo trong dịp lễ No en. Người viết:" Ngày lễ No en lần thứ hai đến trong hoàn cảnh hoà bình. Miền Bắc của ta đã hoàn toàn giải phóng. Nhân dân ta ở miền Bắc được vui sống tự do, làm ăn yên ổn, đồng bào công giáo thì được tự do thờ Chúa, không còn bị địch đóng chiếm nhà thờ, tàn sát dân lành, gây ra bao nhiêu khổ nhục. Tiếng chuông năm nay mừng sinh nhật Chúa là tiếng chuông hoà bình, tự do, hạnh phúc trong lòng của mỗi đồng bào công giáo ở miền Bắc nước ta".

Trong khi nước ta còn tạm thời bị chia cắt, Người nhắc nhở:"Nước ta phải thống nhất. Nam Bắc là một nhà. Không thể để ai chia cắt Tổ quốc ta, chia rẽ gia đình ta. Tôi mong đồng bào công giáo ta sẽ hết lòng hết sức cùng toàn dân ta kiên quyết đấu tranh cho nước nhà thống nhất, giữ vững hoà bình. Tôi mong đồng bào công giáo cũng như mọi người dân yêu nước, ra sức góp phân xây dựng miền Bắc ta vững mạnh, cố gắng thi đua sản xuất làm cho nước mạnh, dân giàu".

Dù ở đâu, trong hoàn cảnh nào, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn là trung tâm đoàn kết của cả dân tộc, là biểu tượng sáng ngời của tinh thần tận tuỵ hy sinh vì dân, vì nước. Những lời dạy của Bác trong sáng, giản dị, đậm đà tình nghĩa, truyền thống đạo đức dân tộc, thấm vào lòng dân như cơm ăn, nước uống hàng ngày. Người nói :" Năm ngón tay cũng có ngón ngắn, ngón dài. Nhưng ngắn dài đều họp nhau lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu người cũng có người thế này người thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều là dòng dõi tổ tiên ta. Vậy nên phải khoan hồng, đại độ, ta phải nhận rằng đã là con Lạc, cháu Hồng thì ai cũng có ít nhiều lòng ái quốc. Đối với những đồng bào lầm lối lạc dường, ta phải lấy tình thân ái mà cảm hoá họ. Có như thế mới thành đoàn kết, có đại đoàn kết thì tương lai chắc chắn sẽ vẻ vang". Trong bất kỳ một bài nói, một bức thư, một bài thơ hay một tác phẩm chính luận nào, Người cũng đưa vấn đề đoàn kết dân tộc, giai cấp lên trên hết. Trong bài nói chuyện tại lớp bồi dưỡng cán bộ về công tác Mặt trận

( tháng 8-1962), Người chỉ rõ :" Phải đoàn kết chặt chẽ giữa đồng bào lương và đồng bào các tôn giáo, cùng nhau xây dựng đời sống hoà thuận ấm no, xây dựng Tổ quốc . Phải chấp hành đúng chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng với tất cả các tôn giáo". Với Hồ Chủ tịch, tôn giáo nào cũng cần phải được tôn trọng và phát huy những mặt tốt đẹp của giáo lý để phục vụ các hoạt động xã hội, nâng cao phẩm chất , đạo đức con người, góp phần làm đẹp cho cuộc sống. Hầu hết các dịp lễ lớn của đồng bào có tôn giáo, hoặc những nơi đạt nhiều thành tích trong lao động sản xuất, chiến đấu... Người đều gửi thư, quà khen ngợi, động viên đồng bào (như thư gửi Hội Phật tử Việt nam ngày 15-7 âm lịch, tức ngày 30-8-1947; Thư gửi các vị tăng ni phật tử và đồng bào tín đồ Phật giáo nhân dịp lễ Đức Phật Thích Ca thành đạo ngày 8-1-1957...). Bác nhắn nhủ:

                               "Nhiễu điều phủ lấy giá gương

                    Con Hồng cháu Lạc phải thương nhau cùng "

Câu thơ của Bác đã đi vào tâm khảm mỗi người Việt nam không chỉ hôm nay mà sẽ còn thấm đậm trong tiến trình lịch sử dựng xây và bảo vệ đất nước của các thế hệ nối tiếp.

Thấm nhuần tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, Đảng ta, Nhà nước ta đã và đang vận dụng một cách sáng tạo trong đường lối của công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Cuộc sống tinh thần, vật chất của hàng triệu đồng bào các tôn giáo Việt nam cũng đang từng ngày, từng giờ được đổi mới nâng cao. Hành động gần đây của một số phần tử trong nước và nước ngoài lợi dụng tôn giáo nhằm chống phá Nhà nước CHXHCN Việt Nam, đi ngược lại tinh thần đại đoàn kết dân tộc đã bị dư luận xã hội vạch trần và lên án mạnh mẽ.

Thương nhớ và yêu kính Bác, chúng ta hãy cùng nhau làm theo những lời dạy bảo quý báu của Người./.

Nguồn: phutho.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây