I.
HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH
MẪU CHUYỆN: CHỦ TỊCH NƯỚC CŨNG KHÔNG CÓ ĐẶC QUYỀN
Đầu năm 1946, cả nước ta tiến hành Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên. Gần đến ngày bầu cử, tại Hà Nội - là nơi Bác Hồ ra ứng cử - có 118 Chủ tịch ủy ban nhân dân và đại biểu các giới hàng xã đã công bố một bản đề nghị: "Yêu cầu cụ Hồ Chí Minh không phải ứng cử trong cuộc Tổng tuyển cử sắp tới. Chúng tôi suy tôn và ủng hộ vĩnh viễn cụ Hồ Chí Minh là Chủ tịch của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà".
Từ nhiều nơi trong cả nước, đồng bào viết thư đề nghị Bác không cần ra ứng ở một tỉnh nào, nhân dân cả nước đồng thanh nhất trí cử Bác vào Quốc hội.
Trước tình cảm tin yêu đó của nhân dân, Bác viết một bức thư ngắn cảm tạ đồng bào và đề nghị đồng bào để Bác thực hiện quyền công dân của mình: "Tôi là một công dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nên tôi không thể vượt khỏi thể lệ của Tổng tuyển cử đã định. Tôi ra ứng cử ở Hà Nội nên cũng không thể ra ứng cử ở nơi nào nữa. Xin cảm tạ đồng bào đã có lòng yêu tôi và yêu cầu toàn thể đồng bào hãy làm tròn nhiệm vụ người công dân trong cuộc Tổng tuyển cử sắp tới".
Sau ngày hoà bình lập lại, có lần Bác đi thăm một ngôi chùa cổ, vị sư chủ trì ra đón và khẩn khoản xin Bác đừng cởi dép khi vào trong chùa. Bác không đồng ý và lặng lẽ làm đúng những quy định như khách thập phương đến lễ chùa. Trên đường từ chùa về, khi vào đến thành phố, xe Bác đến một ngã tư thì vừa lúc đèn đỏ bật. Sợ phố đông, xe dừng lâu, đồng chí bảo vệ định chạy lại đề nghị đồng chí công an giao thông bật đèn xanh để Bác đi. Bác hiểu ý ngăn lại:
- Các chú không được làm thế, phải tôn trọng và gương mẫu chấp hành luật lệ giao thông. Không được bắt luật pháp dành quyền ưu tiên riêng cho mình.
Nguồn: hochiminh.vn
II. THÔNG TIN THỜI SỰ: Thị đoàn Điện Bàn tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2018
TTDB - Sáng ngày 28/12, Thị đoàn Điện Bàn đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi năm 2018, đồng thời tổng kết 20 năm phong trào thanh niên tình nguyện. Tham dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Xuân Đức – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh Quảng Nam, đồng chí Nguyễn Xuân Hà – Phó Chủ tịch UBND thị xã, cùng các đồng chí lãnh đạo các ngành, đoàn thể của thị xã.
Năm 2018, tuổi trẻ Điện Bàn đã tập trung tổ chức nhiều phong trào mang tính sáng tạo, nâng cao chất lượng công tác Đoàn kết tập hợp thanh niên, phát huy vai trò của tuổi trẻ trong xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh, tập trung giới thiệu việc làm cho thanh niên yếu thế. Trong đó có thể kể đến như: Chương trình gameshow Tuyên truyền Nghị quyết Đại hội Đoàn các cấp, chương trình Ngày hội hướng thiện, Chương trình đồng hành cùng ngư dân bám biển và trải nghiệm cùng chiến sĩ biên phòng, Hội trại Tuổi trẻ Điện Bàn với biển đảo quê hương, Ngày hội tư vấn xuất khẩu lao động cho thanh niên…Hội nghị cũng đã ôn lại truyền thống 20 năm phong trào thanh niên tình nguyện, đánh giá kết quả nổi bật của phong trào thanh niên tình nguyện thị xã Điện Bàn giai đoạn 2013 - 2018, đồng thời phát động thi đua chào mừng Đại hội Hội Liên hiệp thanh niên các cấp nhiệm kỳ 2019-2024.
Tại hội nghị, Ủy Ban nhân dân thị xã Điện Bàn đã khen thưởng cho 9 tập thể đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thanh niên tình nguyện giai đoạn 2013-2018, Ban Thường vụ Thị đoàn đã trao cờ thi đua xuất sắc đối với 10 tập thể, Hội Liên hiệp thanh niên thị xã đã trao cờ thi đua xuất sắc cho 7 cơ sở Hội đã có thành tích tiêu biểu xuất sắc năm 2018. Cũng nhân dịp này, Thị đoàn đã tổng kết và trao giải cho 6 cá nhân trong cuộc thi “Ý tưởng phong trào thanh niên tình nguyện năm 2019”.
Nguồn: Tuổi trẻ Điện Bàn
III. ÔN LẠI TRUYỀN THỐNG
06-01-1946: TỔNG TUYỂN CỬ BẦU QUỐC HỘI ĐẦU TIÊN
NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Ngày 6 tháng 1 năm 1946, lần đầu tiên mọi người dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên không phân biệt nam nữ, giàu nghèo, dân tộc, tín ngưỡng được hưởng quyền bầu cử và ứng cử theo nguyên tắc phổ thông, trực tiếp, bình đẳng, bỏ phiếu kín. Tình hình trong nước lúc ấy rất phức tạp, nhưng 90% tổng số cử tri đã đi bỏ phiếu. Mặt trận Việt Minh đã giành thắng lợi với 230 ghế. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trúng cử với số phiếu cao nhất.
Lần đầu tiên trong lịch sử nước ta, cũng là lần đầu tiên trong lịch sử các nước Châu Á có một Quốc hội dân chủ tiến bộ.
09-01-1950: NGÀY TRUYỀN THỐNG HỌC SINH, SINH VIÊN VIỆT NAM
Từ giữa năm 1949 đến đầu năm 1950 phong trào đấu tranh của thanh niên học sinh, sinh viên chống chủ nghĩa thực dân Pháp xâm lược và can thiệp Mỹ, chúng “ độc lập” giả hiệu, chống khủng bố đàn áp, đòi đảm bảo an ninh cho học sinh, đòi được học tiếng mẹ đẻ… đã diễn ra rầm rộ, liên tục và rộng khắp từ Nam chí Bắc. Tại Saì Gòn, các tầng lớp đồng bào cũng tích cực hưởng ứng dưới nhiều hình thức : biểu tình chống sưu thuế, chống bắt lính, đòi công ăn việc làm. Học sinh, sinh viên bãi trường, bãi khóa liên miên.
Ngày 09/01/1950, Đoàn Thanh Niên cứu quốc và Đoàn học sinh Sài Gòn - Chợ Lớn đã vận động và tổ chức cho hơn 2.000 học sinh , sinh viên các trường Pétrus Ký, Gia Long, Nguyễn Văn Khuê, Huỳnh Khương Ninh, trường Đại học Y Dược, Pháp Lý, các trường chuyên nghiệp vô tuyến điện, công chính, kỹ thuật, khoa học,… cùng nhiều giáo viên và 7.000 nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn biểu tình đòi bảo đảm an ninh cho học sinh, sinh viên học tập và trả tự do cho những học sinh, sinh viên bị bắt – trong đó có Ban lãnh đaọ học sinh cứu quốc Saì Gòn. Đoàn biểu tình kéo đến Nha học chính và Dinh thủ hiến bù nhìn đưa yêu sách. Bọn cảnh sát và lính lê dương ra đàn áp dã man đoàn biểu tình. Thái độ đó đã làm đám đông phẫn nộ, bùng nổ cuộc xung đột. Những người biểu tình dùng mọi thứ vũ khí có trong tay chống trả quyết liệt với lính Pháp, lính Âu Phi và công an Bình Xuyên. Trần Văn Ơn, người thanh niên tiêu biểu cho lòng yêu nước và ý chí đấu tranh bất khuất của học sinh, sinh viên đã bị bọn chúng giết hại trong cuộc xung đột đó.
Tại Sài Gòn, ngày 12/01/1950 đám tang anh Trần Văn Ơn đã biến thành cuộc biểu tình thị uy của trên 5 vạn người đứng trên các hè phố tiễn đưa anh. Lễ tang anh Trần Văn Ơn cũng đã được cử hành trên khắp các tỉnh thành trong cả nước. Hàng triệu lượt học sinh, sinh viên và đồng bào các giới đã đeo băng tang truy điệu với lòng thương tiếc và xuống đường tuần hành bày tỏ ý chí căm thù. Những câu hỏi đó cứ vang mãi trong những tháng năm đen tối của đất nước, thúc giục bao thế hệ trẻ noi gương Trần Văn Ơn, quên mình xông lên phía trước.
Đại hội Liên đoàn Thanh niên Việt Nam tháng 2/1950 tại căn cứ địa Việt Bắc đã lấy ngày 09/01 làm ngày truyền thống hàng năm của học sinh, sinh viên Việt Nam. Truyền thống vẻ vang đó đã được các thế hệ học sinh, sinh viên kế thừa oanh liệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và trở thành bất diệt.
Nguồn: lichsuvietnam.vn
IV. ĐỊA CHỈ ĐỎ
Di tích Dinh trấn Thanh Chiêm, xã Điện Phương
Di tích Dinh trấn Thanh Chiêm tại thôn Thanh Chiêm 1, xã Điện Phương, Thị xã Điện Bàn được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận là di tích cấp tỉnh vào năm 2008 và được Bộ văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận xếp hạng Di tích Quốc gia tại Quyết định số 2078/QĐ-BVHTTDL ngày 24/5/2017.
Theo Hồ sơ khoa học đã được công nhận, Di tích Dinh trấn Thanh Chiêm còn có tên gọi khác là Dinh trấn Quảng Nam, Dinh Chiêm, Dinh Chàm, Cacium...được chúa Tiên Nguyễn Hoàng cho dựng vào năm 1602 và giao cho các Hoàng tử trấn giữ. Dinh trấn Thanh Chiêm tồn tại trong khoảng thời gian 230 năm, từ 1602 đến 1832. Theo các tài liệu lịch sử chính thống của Việt Nam và dấu tích được tìm thấy sau hai cuộc khai quật khảo cổ học (tháng 8/1999, tháng 8/2000) và tiến hành thăm dò lòng đất di tích này bằng radar năm 2001 của giáo sư Kikuchi Seiichi – Trường ĐH Nữ Chiêu Hòa Nhật Bản
tại khu vực được xác định là Hành cung của Dinh trấn Thanh Chiêm cùng một số tài liệu như: tranh vẽ cổ và bản đồ cổ (thế kỷ XVII- XVIII) có mô tả về Dinh trấn Thanh Chiêm đã khẳng định: Di tích Dinh trấn Thanh Chiêm ở tại thôn Thanh Chiêm 1, xã Điện Phương, Thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
Hồ sơ di tích cũng khẳng định: Đầu thế kỷ XVII, lịch sử đã mang đến cho Dinh trấn Thanh Chiêm vinh dự trở thành miền đất khai sinh chữ Quốc ngữ khi Giáo đoàn Buzomi đến Dinh trấn mở đầu cho công cuộc truyền bá đạo KiTô. Tại đây các giáo sĩ, nhất là Francisco de Pina, người Bồ Đào Nha đã đặt nền móng cho việc sáng chế chữ Quốc ngữ. Dinh trấn Thanh Chiêm là cái nôi ra đời sớm nhất của chữ Quốc ngữ ở nước ta.
Trong lịch sử, Thanh Chiêm từng được xem là “kinh đô thứ hai” của các Chúa Nguyễn, là hậu cứ vững chắc và cũng là “bàn đạp” để nhà Nguyễn hoàn thành sứ mệnh Nam tiến của dân tộc Việt. Thời gian trôi qua, những dấu tích của Dinh trấn một thời vang bóng chỉ còn lưu lại khá rải rác trên vùng đất Thanh Chiêm hôm nay. Thế nhưng, vai trò, vị trí, giá trị khoa học, lịch sử của Dinh trấn Thanh Chiêm vẫn được không chỉ lãnh đạo các cấp Đảng, nhà nước ở Điện Bàn, Quảng Nam và Trung ương quan tâm mà có rất nhiều các tổ chức, cá nhân, những nhà nghiên cứu, nhà khoa học trong và ngoài nước... luôn dày công nghiên cứu. Nhân dịp này, đại diện lãnh đạo Thị xã, tôi trân trọng gởi đến các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân lời cảm ơn chân thành nhất, những đóng góp khoa học của quý vị đã giúp cho Di tích Dinh trấn Thanh Chiêm được khẳng định và công nhận hôm nay.
Thị xã Điện Bàn đã quy hoạch một không gian trong khu vực được ghi nhận là Dinh trấn xưa và đã xây dựng kế hoạch, nội dung lộ trình cụ thể để bảo tồn và phát huy giá trị của Di tích Dinh trấn Thanh Chiêm. Tại khu quy hoạch 12.000 m2 này, Điện Bàn sẽ tái hiện lại một khoảng không gian khu vực Hành Cung Dinh trấn xưa, khu trưng bày hiện vật và tư liệu và xây dựng một biểu tượng chữ Quốc ngữ. Ngoài ra, trên địa bàn khu vực Thanh Chiêm còn có 10 dấu tích Dinh trấn xưa, đã được đánh dấu khoanh vùng tọa độ theo bản đồ hiện trạng để đưa vào bảo vệ cục bộ. Đây là những việc làm cấp thiết trong thời gian đến mà Thị xã Điện Bàn sẽ tập trung. Ngoài ra, trong thời gian đến Thị xã sẽ đề nghị lãnh đạo các cấp, các ngành ở tỉnh Quảng Nam và Trung ương cũng như các tổ chức nước ngoài hãy dành cho di tích Dinh trấn Thanh Chiêm sự quan tâm đầu tư hơn nữa, chẳng hạn như tiếp tục có những đợt khảo cổ, khai quật với quy mô lớn, toàn diện hơn hoặc những công trình nghiên cứu chuyên sâu hơn về di tích Dinh trấn Thanh Chiêm.
Với vị trí thuận lợi của Thanh Chiêm – Điện Phương – Điện Bàn, trên tuyến giao thông quốc lộ 1A, gần sông Thu Bồn, là điểm dừng chân trên hành trình Di sản Hội An - Mỹ Sơn và nằm chung trong quần thể các điểm đến của khu làng nghề đúc đồng Phước Kiều, gốm, chạm khắc gỗ Đông Khương, ẩm thực Mì Quảng Phú Chiêm, bê thui Cầu Mống... nên định hướng bảo tồn, phát huy giá trị Di tích Dinh trấn Thanh Chiêm là gắn liền với công tác phát triển du lịch của Thị xã Điện Bàn.
Việc tổ chức nhiều hoạt động để tuyên truyền, quảng bá và tôn vinh Di tích Dinh trấn Thanh Chiêm trong những năm qua có ý nghĩa khẳng định về mặt khoa học vai trò, vị trí của Dinh trấn Thanh Chiêm và quá trình khai sinh chữ Quốc ngữ. Từ đó, công tác bảo tồn và phát huy giá trị Di tích Dinh trấn Thanh Chiêm sẽ có thêm nhiều thách thức, đòi hỏi các cấp các ngành của Thị xã Điện Bàn cần có sự quan tâm, đầu tư chuyên sâu hơn nữa. Đây là niềm vinh dự, tự hào và cũng là trọng trách mà Đảng bộ, chính quyền và toàn thể nhân dân Điện Bàn phát huy hơn nữa với vai trò chủ nhân của vùng đất đã từng được lịch sử lựa chọn. Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa – lịch sử truyền thống cũng chính là một trong những mục tiêu lớn của Thị xã Điện Bàn trong công cuộc hội nhập và phát triển hôm nay.