CƠ SỞ CÁCH MẠNG NHÀ ÔNG NGUYỄN XUÂN VÂN - XÃ ĐIỆN HÒA

Thứ năm - 16/03/2023 23:00
CƠ SỞ CÁCH MẠNG NHÀ ÔNG NGUYỄN XUÂN VÂN - XÃ ĐIỆN HÒA
1. Tên di tích:  Cơ sở cách mạng nhà Ông Nguyễn Xuân Vân.
2. Loại di tích: Lịch sử cách mạng.
4. Quyết định: Đã được UBND Tỉnh Quảng Nam xếp hạng di tích cấp tỉnh theo quyết định Số: 292/QĐ-UBND ngày 21/01/2011.
5. Địa chỉ di tích: Thôn Xóm Phường, Xã Điện Hòa, Thị xã Điện Bàn.
6. Tóm lược thông tin về di tích:
Cơ sở cách mạng Nhà ông Nguyễn Xuân Vân thuộc thôn Xóm Phường, xã Điện Hòa, thị xã Điện Bàn, Tỉnh Quảng Nam với diện tích bảo vệ di tích là 25m2.
Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, thực dân Pháp tập trung tấn công vào Đảng ta và các đoàn thể quần chúng do Đảng lãnh đạo. Chúng ra sức áp bức, bóc lột nhân dân, khủng bố phong trào cách mạng, giải tán các tổ chức hợp pháp, bắt bớ những người hoạt động cách mạng. Trước sự khủng bố gắt gao của địch, các chi bộ ở Phủ uỷ Điện Bàn và tỉnh uỷ Quảng Nam bị vỡ, nên phải di chuyển đến nhiều cơ sở cách mạng khác để bảo tồn lực lượng khi yêu cầu của phong trào cách mạng, quần chúng cách mạng cần có sự lãnh đạo của Đảng. Trước tình hình đó, ở Điện Bàn, Đảng bộ dựa vào đường lối chủ trương của Đảng và tranh thủ được sự đồng tình ủng hộ của quần chúng nhân dân, một số nhà dân đã trở thành cơ sở cách mạng, trong đó có nhà ông Nguyễn Xuân Vân.
nguyễn xuân vân

          Xuất thân từ một gia đình trí thức nho học, có truyền thống yêu nước, ông Nguyễn Xuân Vân sớm tiếp thu tư tưởng chống Pháp từ cha và các anh chị. Cha ông, cử nhân Nguyễn Nhự (1865-1922) là một trong những nhân sĩ tham gia trong cuộc khởi nghĩa Duy Tân năm 1916, nhưng cuộc khởi nghĩa không may bị bại lộ và bị kẻ thù dìm trong biển máu, cụ bị thực dân Pháp bắt và định đày đi Côn Đảo nhưng do bị bạo bệnh sắp chết, nên chúng lưu lại nhà tại tù Hội An.
 Anh ruột của ông là Cụ Nguyễn Đoá (1896-1993), là cơ sở cách mạng bí mật thời chống Pháp và chống Mỹ, trong kháng chiến đã từng giữ chức vụ Phó chủ tịch Chính Phủ Cách mạng lâm thời Miền Nam Việt Nam (1968-1975). Sau ngày giải phóng, cụ kinh qua nhiều chức vụ quan trọng, trong đó đã giữ chức Phó viện trưởng viện kiểm sát nhân dân tối cao.
 Người anh thứ hai là Nguyễn Xuân Nhĩ, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Quảng Nam (năm 1945), Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Nam (năm 1946). Năm 1954 ông tham gia tiếp quản thủ đô (Hà Nội) giữ chức Trưởng ban Kiểm tra Đảng. Năm 1960 là Thường vụ khu uỷ khu V, trưởng ban Tổ chức khu V, trưởng ban an ninh cho đến ngày 30-4-1975.
 Chị ruột là bà Nguyễn Thị Niếu, tham gia Hội Phụ nữ phản đế cùng nhiều chị em khác ở Điện Bàn, đã từng tham gia trong cuộc chích máu tay ăn thề tại núi Đức Ký, nguyện trung thành với Đảng cộng sản. Bà Niếu đã tổ chức in truyền đơn của tổ chức Cộng Sản tại nhà từ đường của cha, phục vụ cuộc vận động cách mạng. Chồng bà là đồng chí Phạm Lang, Tỉnh uỷ viên năm 1930.
Chính trong môi trường của một gia đình có truyền thống yêu nước và cách mạng đó đã hình thành và nuôi dưỡng tư tưởng chống đế quốc trong tâm hồn người chiến sĩ cách mạng Nguyễn Xuân Vân. Ông sinh năm 1918 tại làng Bích Trâm, xã Điện Hoà, thị xã Điện Bàn. Ông đã tham gia phong trào Việt minh tại địa phương từ tháng 5-1945. Từ ngày 12-14 tháng 8 năm 1945, Tỉnh uỷ Quảng Nam lần lượt họp mở rộng tại gia đình Ung Bá Tòng, Nguyễn Đình Chiến (Thọ Khương, Tam Kỳ), đồng chí Nguyễn Sang (Bà Rén-Quế Sơn). Ngày 13/8/1945, Hội nghị Tỉnh uỷ đang họp thì được tin Nhật đầu hàng đồng minh. Hội nghị đã nhanh chóng quyết định chớp thời cơ, hành động kịp thời, kiên quyết lãnh đạo nhân dân toàn tỉnh vùng dậy giành chính quyền, Thành lập Uỷ ban khởi nghĩa tỉnh, cử ra ban thường trực. Một số lãnh đạo cốt cán của Tỉnh uỷ đã về trú quân tại cơ sở cách mạng đáng tin cậy là nhà ông Nguyễn Xuân Vân ở Bích Trâm, Điện Hoà  để chỉ đạo khởi nghĩa giành chính quyền,  “Lịch sử Đảng bộ Điện Bàn (1930-1975)” . Ủy ban bạo động tỉnh gồm 9 đồng chí, trong đó có 5 đồng chí thường trực: Trần Quế, Nguyễn Thúy, Nguyễn Xuân Nhĩ, Võ Toàn, Lê Thanh Hải, giao cho đồng chí Võ Toàn làm Thường trực ủy ban, vạch kế hoạch để chỉ đạo “cướp chính quyền”.
Tối ngày 17.8.1945 đến khoảng 01h sáng ngày 18.8.1945, Uỷ ban bạo động phủ Điện Bàn nhận được lệnh phát động khởi nghĩa của Tỉnh uỷ, trong đó giao cho Điện Bàn phải gấp rút huy động quần chúng nổi dậy giành chính quyền, hạ cây, dựng các chướng ngại vật cản đường từ giáp năm vào và từ Bình Long xuống Vĩnh Điện để ngăn chặn xe Nhật chở quân chi viện cho chính quyền bù nhìn chống lại ta, đồng thời tổ chức lực lượng hỗ trợ để giành chính quyền tại tỉnh lỵ Hội An...
Ở Điện Bàn, trong lúc Uỷ ban bạo động phủ đang lãnh đạo quần chúng tiến vào giành chính quyền ở phủ lỵ, được tin cuộc khởi nghĩa ở Hội An đã giành được thắng lợi. Đoàn khởi nghĩa của thị xã tiến về phủ lỵ Điện Bàn, trước khí thế cách mạng trào dâng của quần chúng tên Phủ Điện Bàn Nguyễn Bá Luân đã đầu hàng, giao toàn bộ hồ sơ, con dấu, 7 súng trường, 3 lạng vàng lá, 240 đồng bạc Đông Dương cho ta. Tối ngày 18/8/1945, đồng chí Phan Tốn, Tỉnh uỷ viên đã triệu tập Hội nghị cử Uỷ ban nhân dân cách mạng lâm thời Phủ Điện Bàn gồm 7 thành viên, do đồng chí Trần Văn Truyền làm chủ tịch, đồng chí Nguyễn Xuân Vân làm phó chủ tịch. Đúng vào lúc 9h sáng ngày 18.8.1945, chính quyền trong phủ Điện Bàn đã về tay nhân dân.
 Ngày 2/9/1945, Uỷ ban nhân dân cách mạng lâm thời phủ Điện Bàn đã tổ chức cho hàng trăm cán bộ và nhân dân trong thị xã tham gia cuộc mit ting ra mắt Uỷ ban Nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Quảng Nam tại Hội An, do đồng chí Nguyễn Xuân Nhĩ, người anh trai ông làm Chủ tịch.
Đầu năm 1946, ông tham gia vào hàng ngũ của Đảng, được Đảng phân công làm bí thư Đảng Dân chủ Quảng Nam phụ trách vận động tri thức.
Toàn quốc kháng chiến, ông Vân được điều về làm giáo viên chính trị kiêm Bí thư chi bộ Nguyễn Khánh Toàn tại trường Phan Chu Trinh ở Cẩm Khê (Tam Kỳ). Năm 1954, lúc đầu Đảng chủ trương đưa ông Vân ở lại Quảng Nam chuẩn bị hoạt động công khai trong giới tri thức. Ông Vân về lại Bích Trâm, đào hầm bí mật sống một thời gian tại nhà từ đường của cha. trước tình hình nguỵ quyền khủng bố đẩm máu Đảng chủ trương đưa ông Vân tập kết ra Bắc và được phân công về Ty Thương nghiệp Hải Dương, ông làm trưởng phòng nghiệp vụ của Ty. Năm 1960, Đảng điều ông Vân về Đặc khu uỷ Quảng Đà (1965-1968) công tác làm phó Ban Tuyên huấn Đặc khu uỷ Quảng Đà.
Năm 1968 trong cuộc tổng tấn công và nổi dậy tết Mậu Thân năm 1968, ông đã hy sinh anh dũng trong khi đang công tác tại Gò Nổi, Điện Bàn. Thi hài ông được an táng tại nghĩa trang làng Bích Trâm quê nhà. Ông được tặng Huân chương KC chống Pháp hạng II, Huân chương KC chống Mỹ hạng I và bằng công nhận liệt sĩ do chủ tịch Trường Chinh ký quyết định số 513 KT/HĐNN ngày 3/7/1984./.
Theo Sổ tay địa chỉ đỏ thị xã Điện Bàn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây