Trong lịch sử nhân loại, cùng với sự hình thành quốc gia dân tộc trên thế giới, tình cảm, tư tưởng yêu nước, tinh thần dân tộc của con người cũng xuất hiện và phát triển không ngừng, mang những đặc tính phổ quát là tình yêu, lòng tự hào đối với quê hương, tinh thần xây dựng và phát triển đất nước, ý thức trách nhiệm bảo vệ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, bảo tồn và đề cao nền văn hóa dân tộc... Sự phát triển của tình cảm, tư tưởng yêu nước, tinh thần dân tộc đến trình độ cao, hình thành chủ nghĩa yêu nước, bao gồm hệ thống những luận điểm về nhận thức và ứng xử mang giá trị cao quý của dân tộc, là chuẩn mực hướng dẫn tư tưởng và hành động của các thành viên trong cộng đồng dân tộc đối với lợi ích và chủ quyền quốc gia.
Việt Nam là một trong những quốc gia dân tộc xuất hiện sớm chủ nghĩa yêu nước. Cùng với quá trình tạo dựng giang sơn gấm vóc Việt Nam do bàn tay, khối óc, sự phấn đấu của nhiều thế hệ, tình cảm yêu nước, tư tưởng yêu nước nảy nở và ngày càng được nuôi dưỡng, bồi đắp, cùng với đó, tinh thần dân tộc, ý thức về quốc gia, về chủ quyền, lợi ích của dân tộc cũng xuất hiện, ngày càng phát triển, hoà quyện, hợp tụ thành chủ nghĩa yêu nước truyền thống Việt Nam, được lắng đọng từ “Nam quốc sơn hà” (được coi là của Lý Thường Kiệt), đến “Hịch tướng sĩ” (của Trần Quốc Tuấn) được đúc kết đầy đủ và rạng rỡ trong “Bình Ngô đại cáo”của Nguyễn Trãi (thế kỷ thứ XV). Suốt trong chiều dài lịch sử dân tộc, chủ nghĩa yêu nước Việt Nam luôn được đặt ở nấc thang giá trị cao quý nhất, thiêng liêng nhất, là cơ sở cho ý chí và hành động cứu nước và xây dựng đất nước, là động lực to lớn nhân lên gấp bội sức mạnh dân tộc Việt Nam để chiến thắng kẻ thù xâm lược hùng mạnh, làm nên biết bao chiến công lẫy lừng. Cũng qua quá trình dựng nước và giữ nước, chủ nghĩa yêu nước Việt Nam cũng được phát triển ngày càng phú.
Từ cuối thế kỷ XIX, đối đầu với họa xâm lăng của thực dân Pháp, chủ nghĩa yêu nước, tinh thần dân tộc quật khởi đã được những người con ưu tú của dân tộc khơi dậy, phát huy để vận động, tập hợp và thúc đẩy các tầng lớp người Việt Nam từ Nam chí Bắc đứng lên kháng Pháp, bảo vệ độc lập dân tộc. Cũng từ đó, chủ nghĩa yêu nước Việt Nam được bổ sung những yếu tố mới: tinh thần yêu nước gắn liền với tư tưởng canh tân đất nước, đấu tranh giành độc lập dân tộc phải kết hợp thực hiện những quyền dân chủ. Tuy nhiên, bước phát triển đó của chủ nghĩa yêu nước chưa thể tạo ra động lực mới, chưa phát huy được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc để đưa sự nghiệp giải phóng dân tộc tới thành công.
Trong bối cảnh đó, lãnh tụ Hồ Chí Minh trên con đường khảo nghiệm thực tiễn, nghiên cứu lý luận cách mạng thế giới để xác lập con đường cứu nước, cứu dân, đã tiếp nhận lý luận cách mạng thế giới mà cốt lõi là chủ nghĩa Mác-Lênin. Người nhận thấy chủ nghĩa Mác-Lênin là học thuyết khoa học và cách mạng để giải phóng dân tộc, giải phóng đồng bào, đồng thời, rất gần gũi và tương đồng với những giá trị cao đẹp của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam. Đi theo con đường của chủ nghĩa Lênin cũng là lúc lãnh tụ Hồ Chí Minh bắt đầu đưa chủ nghĩa yêu nước Việt Nam phát triển lên tầm cao mới, mang chất lượng mới. Chính Người đã hiện đại hoá chủ nghĩa yêu nước truyền thống Việt Nam và là hiện thân của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam trong thời đại mới.
Chủ tịch Hồ Chí Minh xác lập cơ sở lý luận, toàn tâm, toàn ý quan tâm bồi đắp, phát triển và phát huy vai trò của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam hiện đại
Chủ tịch Hồ Chí Minh coi chủ nghĩa yêu nước là một trong những sức mạnh, một động lực lớn của dân tộc trong cuộc đấu tranh tự giải phóng khỏi ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc. Khái quát giá trị cao quý của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam và sức mạnh kỳ diệu mà nó tạo ra, trong Báo cáo chính trị trình bày tại Đại hội đại biểu của Đảng, lần thứ hai (tháng 2/1951), Người viết: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần đó lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn. Nó vượt qua mọi nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”1. Trong thời đại mới, chủ nghĩa yêu nước Việt Nam phải được bổ sung những yếu tố mới mà điểm cốt lõi là chủ nghĩa yêu nước Việt Nam trên lập trường chủ nghĩa Mác-Lênin. Trong tác phẩm Đường Cách mạng (1927), Người xác định “bàn chỉ Nam” cho dân tộc Việt Nam trên con đường đấu tranh giành tự do, độc lập, cũng là lý luận mấu chốt để định hướng cho tinh thần và hành động yêu nước: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mạng nhất là chủ nghĩa Lênin”2. Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng do Người soạn thảo được Hội nghị hợp nhất thành lập Đảng thông qua (đầu năm 1930), đã giương cao ngọn cờ độc lập và chủ nghĩa xã hội, coi đó là động lực, đồng thời là cứu cánh của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam hiện đại. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định: độc lập dân tộc với tất cả những giá trị đích thực, chỉ có thể đạt được trong chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa xã hội chỉ có thể xây dựng được trên cơ sở tiền đề chính trị tiên quyết là độc lập dân tộc. Do đó, “Yêu Tổ quốc, yêu nhân dân phải gắn liền với yêu chủ nghĩa xã hội, vì chỉ có tiến lên chủ nghĩa xã hội thì nhân dân mình mới ngày một no ấm thêm, Tổ quốc mỗi ngày một giàu mạnh thêm”3. Người cũng chỉ rõ: chủ nghĩa yêu nước kết hợp với chủ nghĩa xã hội tạo nên “Tinh thần yêu nước chân chính khác hẳn với tinh thần “vị quốc” của bọn đế quốc phản động. Nó là một bộ phận của tinh thần quốc tế”4.
Trên cơ sở xác lập cơ sở lý luận, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn toàn tâm toàn ý bồi đắp, phát triển và phát huy vai trò của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam. Người cùng Đảng đã đề ra những quyết sách về thúc đẩy tinh thần yêu nước trong nhân dân; lãnh đạo Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể quần chúng nhân dân kêu gọi động viên lòng yêu nước trong các tầng lớp nhân dân thành các hành động cách mạng. Người giáo dục cán bộ: “Không nên chỉ hô hào thợ thuyền, dân cày chung chung. Không nên nói vô sản một cách cứng nhắc (…) phải khơi lòng yêu nước của mọi người”5. Người kêu gọi toàn dân tham gia phong trào thi đua yêu nước với khẩu hiệu: thi đua là yêu nước, yêu nước phải thi đua; người người thi đua, ngành ngành thi đua; ta nhất định thắng, địch nhất định thua. Người lấy tinh thần yêu nước làm một cơ sở quan trọng nhất để tập hợp, xây dựng lực lượng cách mạng và Mặt trận Dân tộc thống nhất.
Những luận điểm và hoạt động không mệt mỏi của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hợp tụ lòng yêu nước, tinh thần dân tộc nhiều sắc thái và cung bậc khác nhau, thành một nguồn động lực lớn lao góp phần to lớn trong những thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân của lòng yêu quê hương đất nước sâu nặng, yêu thương đồng bào vô bờ bến, cống hiến trọn đời mình cho độc lập, tự do của dân tộc, hạnh phúc của Nhân dân
Lòng yêu quê hương, đất nước, muốn giải phóng dân tộc khỏi ách áp bức thực dân, muốn đồng bào thoát khỏi thân phận nô lệ đã thôi thúc người thanh niên Nguyễn Ái Quốc dấn thân khắp năm châu để tìm kiếm chân lý cứu nước và hoạt động không mệt mỏi vì độc lập, tự do và phát triển của dân tộc Việt Nam. Người nói: “Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc và hạnh phúc của quốc dân. Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo - là vì mục đích đó (...) Bất kỳ bao giờ, bất kỳ ở đâu, tôi cũng chỉ theo đuổi một mục đích, làm cho ích quốc lợi dân”6. Năm 1946, trả lời một nhà báo nước ngoài, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: ‘Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”7. Trong “Tài liệu tuyệt đối bí mật” (Di chúc), Chủ tịch Hồ Chí Minh “tổng kết đời tư” của mình là “Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân”. Cuộc đời hoạt động của Người đã thể hiện rạng rỡ tấm gương hết lòng yêu thương đồng bào, lấy phụng sự Nhân dân làm lẽ sống.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân của những nỗ lực phấn đầu và tinh thần trách nhiệm đối với độc lập dân tộc, ý thức sâu sắc về chủ quyền quốc gia và kiên quyết bảo vệ vững chắc chủ quyền đó
Bằng ngôn từ và hành động, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã biểu lộ một cách mạnh mẽ và nhất quán ý thức phấn đầu và tinh thần trách nhiệm đối với độc lập dân tộc. Trong “Tuyên ngôn độc lập”, ngày 2/9/1945, Người phát đi một thông điệp với nhân dân và thế giới: Việt Nam đã là một quốc gia độc lập, “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do độc lập ấy”8. Trong “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” (19/12/1946), Người viết: Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước không chịu làm nô lệ”. Trong “Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” (17/7/1966), Người đưa ra một chân lý vĩnh cửu: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Trong Di chúc, Người viết: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”. Theo Người, độc lập dân tộc được đặt trong khối thống nhất bền vững và đoàn kết chặt chẽ của các tộc người (dân tộc Kinh và các dân tộc thiểu số), các miền của Tổ quốc: “Việt Nam là một dân tộc có chung một lịch sử, một thứ tiếng, một nền kinh tế và văn hóa. Dân tộc Việt Nam đã cùng nhau đoàn kết nhất trí trong lao động xây dựng và trong chiến đấu chống ngoại xâm. Nước Việt Nam là một khối thống nhất”9. Đáp lời hiệu triệu của Người, bằng hành động thực tiễn của mình, các tầng lớp nhân dân Việt Nam đã chứng tỏ: dù cho phải chấp nhận mọi hy sinh chứ không bao giờ chịu khuất phục bọn xâm lược và chịu làm nô lệ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện rạng rỡ quan niệm và ý thức của các thế hệ người Việt Nam về chủ quyền quốc gia được xác lập và phát triển trong tiến trình đấu tranh chống ngoại xâm và xây dựng Nhà nước độc lập của dân tộc. Hạt nhân cốt lõi của quan niệm đó là nước Việt Nam là của người Việt Nam. Sau thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945, Nhà nước Cộng hòa dân chủ được thiết lập, ý thức bảo vệ chủ quyền quốc gia dưới ánh sáng của đường lối đối nội, đối ngoại độc lập tự chủ của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh càng được gia tăng sâu sắc. Đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia của dân tộc ta không tách rời cuộc đấu tranh bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Kế thừa ý thức và hành động kiên quyết và khôn khéo của dân tộc trong lịch sử phòng thủ biên cương, ngăn chặn các thế lực ngoại bang xâm lấn lãnh thổ, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Tinh thần yêu nước là kiên quyết giữ quyền độc lập tự do và đất đai toàn vẹn của nước mình”10.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu cao tinh thần tự tôn, tự lập và tự cường của dân tộc ta để khích lệ đồng bào, chiến sĩ cả nước phấn đấu vì độc lập dân tộc, bảo vệ chủ quyền quốc gia “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta” trong đấu tranh giải phóng dân tộc. Tinh thần đó cũng phải được thể hiện ở công cuộc xây dựng đất nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” sau khi đánh đuổi giặc ngoại xâm.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân của tinh thần tự hào về lịch sử vẻ vang và nền văn hóa Việt Nam, biểu tượng của niềm tự tôn dân tộc
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, người Việt Nam rất tự hào về nguồn gốc tổ tiên của mình đã tạo lập nên giang sơn, đất nước và truyền lại cho con cháu. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng kế thừa những di sản, những truyền thống quý báu đó vừa là niềm tự hào, vừa là nguồn động viên sâu sắc, vừa là trách nhiệm của các thế hệ tiếp bước tổ tiên lập nên những chiến công mới. Năm 1941, khi bắt tay trực tiếp lãnh đạo cao trào đấu tranh giải phóng dân tộc, Người viết “Lịch sử nước ta” với biết bao lòng tự hào về những trang sử rực rỡ của tổ tiên, cũng là để nhắc nhở đồng bào: “Dân ta phải biết sử ta, Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”11. Lời động viên của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với các chiến sĩ Quyết tử quân Thủ đô năm 1947 càng thể hiện tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc đó: “Các em là đội cảm tử. Các em cảm tử để cho Tổ quốc quyết sinh. Các em là đại biểu cái tinh thần tự tôn tự lập của dân tộc ta mấy ngàn năm để lại, cái tinh thần quật cường đó đã kinh qua Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, truyền lại cho các em. Nay các em gan góc tiếp tục cái tinh thần bất diệt đó, để truyền lại cho nòi giống Việt Nam muôn đời sau”12. Báo cáo chính trị trình bày tại Đại hội đại biểu của Đảng, lần thứ hai (tháng 2/1951), Người nhấn mạnh: “Lịch sử ta đã có nhiều cuộc kháng chiến vĩ đại chứng tỏ tinh thần yêu nước của dân ta. Chúng ta có quyền tự hào vì những trang lịch sử vẻ vang thời đại Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung,... Chúng ta phải ghi nhớ công lao của các vị anh hùng dân tộc, vì các vị ấy là tiêu biểu của một dân tộc anh hùng”13. Quan niệm về một nền văn hóa chung của Việt Nam cần được bảo vệ và phát triển là một bộ phận của chủ nghĩa yêu nước, kế thừa truyền thống đấu tranh chống các mưu đồ và thủ đoạn hủy diệt văn hóa, du nhập văn hóa nô dịch do kẻ xâm lược gây ra và bảo vệ văn hóa dân tộc trong lịch sử dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nêu cao niềm tự hào về truyền thống văn hóa, văn hiến, coi đó là một lợi khí góp phần cổ vũ, khích lệ các thế hệ người Việt Nam đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng nuôi dưỡng và phát huy tinh thần tự tôn, tự hào dân tộc qua đó, nâng cao nghị lực, lòng tin ở sức mạnh của dân tộc, của mỗi người để vượt qua khó khăn thử thách trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Lịch sử dựng nước và giữ nước với biết bao chiến công oanh liệt đánh bại nhiều thế lực xâm lược và những thành quả sáng tạo của dân tộc ta trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, ngoại giao… đã làm nảy mầm và nuôi dưỡng lòng tự tôn, tự hào dân tộc. Lòng tự tôn, tự hào dân tộc là động lực và bệ đỡ tạo nên biết bao hành động cao đẹp, làm vẻ vang cho dân tộc ta từ xa xưa. Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm giáo dục, đặc biệt là giáo dục thanh thiếu niên, lòng tự tôn và tự hào dân tộc để xây dựng nước Việt Nam giàu mạnh, văn minh, sánh vai cùng các cường quốc năm châu. Tinh thần đó được Người thể hiện trong “Thư gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”, ngày 15/9/1945. Bằng thực tiễn hoạt động của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nêu cao tinh thần tự tôn, tự lập và tự cường của dân tộc làm một cơ sở quan trọng để phát huy tinh thần yêu nước, tập hợp, xây dựng lực lượng cách mạng và Mặt trận Dân tộc thống nhất, biến những mục tiêu cách mạng thành hiện thực.
Có thể thấy, chủ nghĩa yêu nước Việt Nam trong thời đại mới là một tài sản vô cùng quý giá của dân tộc ta được phát triển dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và những hoạt động thực tiễn không mệt mỏi của Người.
Trong công cuộc đổi mới hiện nay, chủ nghĩa yêu nước Việt Nam cần được quán triệt trong quan điểm, đường lối của Đảng ta, vận dụng trong mọi hoạt động của Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Hơn lúc nào hết, cần hiểu đúng vai trò quan trọng của chủ nghĩa yêu nước để qua đó phát huy cao độ chủ nghĩa yêu nước nhằm thực hiện chiến lược đại đoàn kết dân tộc ở tầm cao mới và chiều sâu mới để đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới. Chủ nghĩa yêu nước cũng cần được bổ sung và phát triển những giá trị mới để đoàn kết mọi người Việt Nam, không phân biệt quá khứ, thành phần giai cấp, dân tộc, tôn giáo, ý thức hệ, ở trong nước hay ở nước ngoài, tạo nên sự đồng thuận cao trong xã hội. Nếu như các khẩu hiệu Tổ quốc trên hết!, Không có gì quý hơn độc lập tự do đã đưa hàng triệu người Việt Nam hăng say chiến đấu và lao động sản xuất ở tiền tuyến và hậu phương để đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, thì hiện nay cũng phải biến mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thành khẩu hiệu hành động của mọi người Việt Nam yêu nước. Phát huy chủ nghĩa yêu nước, thực hiện được đại đoàn kết toàn dân tộc là nguyên nhân sâu xa đến mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Nguồn: hochiminh.vnÝ kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn