TÀI LIỆU SINH HOẠT CHI ĐOÀN THÁNG 6 NĂM 2022

Thứ tư - 01/06/2022 14:17
I. HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH
1. Chuyện kể về Bác
MỘT CUỘC GẶP GỠ BẤT NGỜ
Một lần vào đầu mùa Xuân 1963, sau khi thăm cơ sở xong, lên đường về Hà Nội, thấy ngọn đồi có cây cối sum suê, Bác cho nghỉ lại. Lúc này giữa trưa vắng vẻ, mấy Bác cháu giở cơm nắm ra vừa ăn vừa ngắm cảnh.

Vừa ăn xong, ngồi nghỉ được một lát thì nghe có tiếng lội bì bõm và tiếng người nói rì rầm. Mấy đồng chí đi theo Bác chạy ra thì thấy hàng chục thiếu nhi trai có, gái có, cháu cầm cào cỏ cháu xách rổ hái rau, đang hướng về chỗ gốc cây to nơi Bác ngồi nghỉ. Đồng chí bảo vệ báo cáo tình hình với Bác, Bác cười:

- Các chú đi mời các cháu lại đây chơi với Bác, nhưng nhớ đừng làm các cháu sợ.

Các cháu sung sướng chạy ùa đến và quây thành vòng tròn quanh Bác, cháu nào cũng hớn hở vui mừng.

Bác trìu mến nhìn khắp lượt và hỏi vui:

- Các cháu làm gì mà đông thế?

Một bé trai dáng lém lỉnh lễ phép đáp:

- Thưa Bác, một bạn thấy Bác xuống xe liền bảo chúng cháu ra xem Bác ạ!

Bác cười rất vui vẻ:

Muốn xem à? Bác ngồi đây,  cháu nào muốn xem thì xem cho kỹ.

Cả Bác, cháu và các chú cùng đi, cười vui vẻ. Bác hỏi tiếp:

- Các cháu đều đi học cả chứ? Ở đây có cháu nào không được đi học không?

- Dạ, chúng cháu đều đi học cả ạ.

Bác cười hiền hậu:

- Thế là tốt. Thế các cháu học có giỏi không? Có ngoan không nào?

Nhiều cháu phấn khởi trả lời Bác.

- Chúng cháu giỏi ạ, có ngoan ạ!

Bác gật đầu hài lòng và bảo các cháu hát. Các cháu đưa mắt nhìn nhau và cùng hát vang bài “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng”.

Thế là giữa thiên nhiên trời đất bao la, một dàn đồng ca gồm các nghệ sĩ tý hon biểu diễn say sưa dưới bàn tay bắt nhịp của Bác Hồ kính yêu.

Hát xong, Bác trìu mến nhìn các cháu và cất giọng hiền từ:

- Bác cảm ơn các cháu đến thăm Bác, hát cho Bác nghe.

Bác mong các cháu học chăm, học giỏi, vâng lời thầy cô và cha mẹ. Bây giờ Bác phải đi tiếp, Bác cháu ta tạm chia tay nhau ở đây.

Cho đến ngày Bác phải đi xa, trong di chúc của mình, Bác còn gửi gắm: “Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thương yêu cho các cháu thiếu niên và nhi đồng...”. Nhân Ngày Quốc tế thiếu nhi 1-6, thiếu nhi nước ta một lần nữa ôn lại lời dạy của Bác Hồ kính yêu trong những câu thơ mà Bác đã gửi cho các em vào tết trung thu năm 1952:

“Mong các cháu cố gắng

Thi đua học và hành

Tuổi nhỏ làm việc nhỏ

Tùy theo sức của mình...

Các cháu hãy xứng đáng

Cháu Bác Hồ Chí Minh”.

>>> Link nội dung: https://bom.to/l3UOWYsaguBtl
2. Học tập và làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
VẬN DỤNG TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ DỰA VÀO DÂN ĐỂ XÂY DỰNG ĐẢNG TRONG SẠCH, VỮNG MẠNH TRONG THỜI KỲ MỚI
Tư tưởng Hồ Chí Minh về dựa vào dân để xây dựng, chỉnh đốn Đảng, làm cho Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, gắn bó “máu thịt” với nhân dân, vì hạnh phúc của nhân dân, là nhiệm vụ then chốt có vị trí rất quang trọng trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Việc vận dụng tư tưởng của Người vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay sẽ góp phần to lớn vào công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ, xây dựng và phát triển đất nước giàu mạnh, hùng cường, thịnh vượng.
1. Gắn bó với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng, chỉnh đốn Đảng có vai trò hết sức quan trọng, có ý nghĩa to lớn đối với sự sống còn của Đảng, của dân tộc và của chế độ. Đó là nguồn gốc sức mạnh, là quy luật tồn tại và phát triển của Đảng ta.
 Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định Đảng ta là đạo đức, văn minh, là lương tâm và trí tuệ của dân tộc. Điều đó yêu cầu toàn Đảng và từng tổ chức đảng, mỗi đảng viên của Đảng phải trong sạch, vững mạnh. Muốn vậy, phải tăng cường xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức và phong cách, về tổ chức và cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Trong Di chúc, Người đã chỉ rõ “Đảng ta là một Đảng cầm quyền, mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”(1).
 Trong suốt tiến trình cách mạng Việt Nam, theo Hồ Chí Minh, Đảng phải vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Hai mặt lãnh đạo và đầy tớ không tách rời nhau, không đối lập nhau. Trong điều kiện Đảng cầm quyền thì càng phải ý thức thật sự sâu sắc tinh thần, thái độ trách nhiệm phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Đảng lãnh đạo Nhà nước là nhằm xây dựng một Nhà nước thực sự của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Đảng không có quyền lợi gì riêng của mình, ngoài quyền lợi của giai cấp, của dân tộc. Đảng không ở trên dân, cũng không ở ngoài dân, mà ở trong dân, trong lòng dân, Đảng lấy dân làm gốc. Chính vì vậy, xây dựng Đảng không chỉ là công việc của Đảng mà còn là công việc, trách nhiệm của nhân dân. Nhân dân là chỗ dựa vững chắc của Đảng, là nguồn sức mạnh của Đảng; phục vụ nhân dân là mục tiêu của Đảng, nhân dân có trọng trách to lớn là xây dựng Đảng của mình trong sạch, vững mạnh. “Dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng” luôn là nguyên tắc xây dựng Đảng và được khẳng định trong cương lĩnh và các nghị quyết của Đảng.
 Đại hội XIII của Đảng tiếp tục yêu cầu và khẳng đinh: “Thắt chặt hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dụng Đảng. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của các cấp uỷ đảng, hệ thống chính trị về công tác dân vận; có cơ chế phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh trong tình hình mới”(2). Một trong những bài học kinh nghiệm của 35 năm đổi mới đó là “Đổi mới phải luôn luôn quán triệt quan điểm "dân là gốc", vì lợi ích của nhân dân, dựa vào nhân dân”.
 Nhận thức sâu sắc vai trò to lớn của nhân dân trong xây dựng Đảng, trong thời kỳ đổi mới, Đảng ta đã có nhiều chủ trương, biện pháp để phát huy vai trò nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Cùng với quan điểm, đường lối của Đảng, Hiến pháp năm 2013 đã tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng cũng như quan hệ giữa Đảng với nhân dân, nhiều đạo luật được sửa đổi, bổ sung để phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo cơ sở pháp lý để thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; sự ra đời của Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị, Quy định về việc đảng viên tham gia sinh hoạt ở khu dân cư, Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân tham gia giám sát, phản biện, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền… đã tăng thêm cơ chế, điều kiện để nhân dân góp ý kiến để xây dựng và bổ sung, hoàn thiện đường lối của Đảng; chính sách và pháp luật của Nhà nước; tham gia giám sát cán bộ, đảng viên, công chức và các tổ chức đảng, tổ chức chính quyền trong việc thực hiện chủ trương, chính sách và pháp luật, giám sát đảng viên thực hiện Điều lệ Đảng, Quy định về những điều đảng viên không được làm, giám sát việc thực hiện đạo đức, lối sống và trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước.
 2. Tiếp tục quán triệt, thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, cần chú trọng một số nội dung chủ yếu sau đây:
 Một là, yếu tố quan trọng hàng đầu để nhân dân có thể phát huy vai trò tham gia xây dựng Đảng là phải thực hành dân chủ rộng rãi, để làm sao thật sự dân là chủ, dân làm chủ, từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm dân chủ từ trong Đảng đến dân chủ trong xã hội được thực hiện ở các cấp, các địa bàn, các lĩnh vực của đời sống kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội. Đẩy mạnh thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng thành chính sách, pháp luật của Nhà nước phù hợp với thực tiễn và đáp ứng lợi ích, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của nhân dân. Tiếp tục thể chế hóa, cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng về phát huy quyền dân chủ, về mối quan hệ "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ", nhất là nội dung nhân dân làm chủ và phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng" để nhân dân thực hiện tốt hơn quyền dân chủ trực tiếp cùng với quyền dân chủ gián tiếp thông qua đại diện của mình một cách thiết thực, hiệu quả.
 Hai là, Đảng, Nhà nước cần đổi mới cơ chế và quy trình ra quyết định lãnh đạo, quản lý theo hướng phát huy dân chủ, phát huy vai trò của nhân dân trong việc tham gia xây dựng chủ trương, chính sách, bảo đảm để nhân dân tham gia ở tất cả các khâu của quá trình ra các quyết định liên quan đến quyền và lợi ích chính đáng, thiết thân, hợp pháp của nhân dân, từ việc nêu sáng kiến đến tham gia góp ý, thảo luận, tranh luận, phản biện, đến việc giám sát quá trình thực hiện, bảo đảm nguyên tắc: Mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đều phải vì lợi ích của nhân dân. Đẩy mạnh thực hiện các định chế phát huy dân chủ hiện có như: Quy chế dân chủ ở cơ sở, Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh. Đồng thời, cần tập trung nghiên cứu, xây dựng để sớm ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền làm chủ của nhân dân, thực hành dân chủ ở cơ sở một cách đồng bộ, thực chất, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
 Ba là, cấp ủy, tổ chức đảng cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo để Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân phát huy vai trò và bảo đảm điều kiện cần thiết để tham gia giám sát các cơ quan, tổ chức đảng thực hiện chức năng, nhiệm vụ, giám sát cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ, đảng viên có chức, có quyền ở các cấp thực hiện nhiệm vụ người đảng viên có đạo đức, trách nhiệm công vụ, chấp hành chủ trương, chính sách, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Hoạt động giám sát, phản biện và góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền cần tập trung vào quá trình xây dựng các chủ trương, nghị quyết của Đảng, việc ban hành các quyết định quản lý và các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước và chính quyền các cấp, bảo đảm các chủ trương, quyết sách thật sự gắn với thực tiễn, hợp với lòng dân, tạo sự đồng thuận xã hội, sự ủng hộ của người dân trong tổ chức thực hiện.
 Bốn là, để nhân dân có thể giám sát, phản biện và góp ý thì việc cung cấp thông tin chính thống từ phía cơ quan Đảng, Nhà nước hết sức cần thiết. Cần thực hiện nghiêm túc chế độ cung cấp thông tin cho nhân dân và trách nhiệm tiếp thu, trách nhiệm giải trình của cá nhân, tổ chức được giao nhiệm vụ trước nhân dân. Cán bộ, đảng viên phải thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương, giải quyết yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân; tăng cường quy định về dân chủ trong Đảng và chế độ trách nhiệm đối với nhân dân. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, đó là:  “Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị toàn diện, trong sạch, vững mạnh. Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, “lợi ích nhóm”, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Củng cố lòng tin, sự gắn bó của nhân dân với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa”(3).
  Năm là, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín ngang tầm nhiệm vụ. Phẩm chất đạo đức, lối sống, năng lực, trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên có ảnh hưởng quyết định đến uy tín, danh dự của Đảng, tác động trực tiếp đến mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân, đến niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Do đó, phải phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu, tự giác tu dưỡng, rèn luyện của mỗi cán bộ, đảng viên gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Các ấp uỷ, tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cần tự soi, tự sửa chính mình và đơn vị tổ chức; thực hiện nói đi đôi với làm, không nể nang, né tránh, tìm ra những ưu điểm để phát huy, có các biện pháp khắc phục sửa chữa sai lầm, yếu kém, khuyết điểm một cách thiết thực, hiệu quả. Vấn đề đặt ra hiện nay là phải kiên quyết làm trong sạch đội ngũ của Đảng, khắc phục các biểu hiện sa sút, thoái hóa về phẩm chất, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên; xử lý nghiêm minh, thích đáng những hiện tượng trù dập, ức hiếp quần chúng, tham nhũng, tiêu cực. Chú trọng lãnh đạo xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đủ phẩm chất và năng lực, thật sự tiên phong, gương mẫu, trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân, có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức cách mạng, ý thức tổ chức kỷ luật. Cần tiếp tục thể chế hoá,  cụ thể hóa các quan điểm của Đảng về phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về các quyết định của mình - như Hiến pháp đã khẳng định. Giải quyết kịp thời, có hiệu quả những bức xúc, những kiến nghị chính đáng của nhân dân. Trong quá trình đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và chủ động hội nhập quốc tế, cần đẩy mạnh việc thực hiện Quy chế công tác dân vận của cơ quan nhà nước, Quy chế dân vận của hệ thống chính trị, làm cho nhân dân thật sự tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng đối với công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ đất nước.
  Sáu là, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội theo hướng phát huy dân chủ, tôn trọng nguyên tắc liên minh chính trị, hiệp thương dân chủ trong tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, bảo đảm để Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội gần dân, sát dân, thật sự là cầu nối liền giữa Đảng với nhân dân, đồng thời, đoàn kết trong Đảng chính là hạt nhân để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thật sự là động lực và nguồn lực quan trọng trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tăng cường vai trò nòng cốt chính trị, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính tri-xã hội trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tập hợp vận động nhân dân đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội. Thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên, tích cực tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, tăng cường đối ngoại nhân dân. Xây dựng thế trận lòng dân, phát huy sức mạnh đoàn kết, đồng thuận của nhân dân trong và ngoài nước để xây dựng, bảo vệ và phát triển nhanh, bền vững đất nước Việt Nam phồn vinh, thịnh vượng và hạnh phúc.
  Kỷ niệm 131 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh(19/5/1890- 19/5/2021); chào mừng ngày hội non sông bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026; thấm nhuần sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng ta trong sạch, vững mạnh mãi mãi là ánh sáng soi đường, là nguồn sức mạnh vô địch, cội nguồn gắn bó mối quan hệ máu thịt giữa nhân dân với Đảng, giữa Đảng với nhân dân trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang, thắng lợi của Đảng, của dân tộc Việt Nam.
 
 Nguồn: Tạp chí Ban Tuyên giáo Trung ương
 
>>> Link nội dung: https://bom.to/jKtZ9pDdSjWsc
II. 
TRUYẾN THỐNG
1. Theo dòng lịch sử:
- 01/6: Quốc tế thiếu nhi
- 05/06: 111 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước 

- 05/6: Ngày môi trường thế giới
- 11/6: 74 năm Ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi thi đua ái quốc
- 21/6: 97 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam
- 26/6: Ngày quốc tế và Ngày toàn dân phòng, chống ma túy
- 28/6: 21 năm Ngày gia đình Việt Nam
2. Ngày truyền thống:

BÁC HỒ GỬI THƯ CHO CHO CÁC CHÁU THIẾU NHI NHÂN NGÀY 01/6

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người rất yêu quý thiếu nhi. Người luôn dành tình cảm, sự quan tâm, chăm sóc, giáo dục đến các cháu thiếu niên, nhi đồng. Những lời dạy và bài viết của Người dành cho lứa tuổi thiếu nhi được xem như một trong những di sản vô giá của dân tộc và thế hệ trẻ nước ta.

Nhân dịp Quốc tế thiếu nhi 1/6/1969, Bác đã có lời căn dặn toàn Đảng, toàn dân cần nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng. Trong Di chúc của mình, Người khẳng định: "… Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.

Nhân Ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6, chúng ta cùng tìm hiểu những tình cảm của Bác Hồ dành cho các em thiếu niên, nhi đồng qua những lá thư Người gửi đến thiếu nhi nhân dịp Quốc tế Thiếu nhi khi Người còn sống.

“Các cháu yêu quý! Ngày 1-6 là ngày của các cháu bé khắp cả các nước trên thế giới.

Đáng lẽ tất cả các cháu đều được no ấm, được vui chơi, được học hành như trẻ con ở Liên Xô.

Song ở các nước tư bản, cha mẹ là người lao động bị bóc lột, thì trẻ con cũng bị bóc lột, phải chịu cực khổ.

Ví dụ: Mỹ là một nước nhiều tiền bạc nhất, có những nhà đại phú, ngồi mát ăn bát vàng. Nhưng con nhà lao động thì lên 5, lên 6 tuổi đã phải đi làm thuê, làm mướn.

Ở nước Việt Nam ta thì, vì giặc Pháp gây ra chiến tranh, chúng nó đốt nhà, giết người, cướp của. Vì vậy, người lớn phải kháng chiến, trẻ con cũng phải kháng chiến.

Bác thương các cháu lắm. Bác hứa với các cháu rằng: Đến ngày đánh đuổi hết giặc Pháp, kháng chiến thành công, thì Bác cùng Chính phủ và các đoàn thể cùng cố gắng làm cho các cháu cùng được no ấm, đều được vui chơi, đều được học hành, đều được sung sướng...

Bác mong các cháu ngoan ngoãn. Bác chúc các cháu mạnh khỏe. Bác gửi các cháu nhiều cái hôn”.

BÁC HỒ

Báo Sự Thật, số 134, ra ngày 1-6-1950

(Xem thêm nội dung đầy đủ tại đường link bên dưới)

Link tải nội dung đầy đủ: https://bom.to/59qXNro0nkvre

KỶ NIỆM 111 NĂM BÁC HỒ RA ĐI TÌM ĐƯỜNG CỨU NƯỚC (1911-2022): NHỮNG ÁNG THƠ TÁI HIỆN LỊCH SỬ

Người đi tìm hình của nước là tên một bài thơ của Chế Lan Viên in trong tập Ánh sáng và phù sa, xuất bản năm 1960. Bài thơ không ghi năm sáng tác nhưng toàn tập có ghi: 1955-1960. Nghĩa là bài thơ này được viết trong chặng thời gian đó. Đây là chặng thời gian chín trở lại của các nhà thơ lãng mạn xuất hiện trong phong trào Thơ Mới (1932-1945). 

Chế Lan Viên là một trong khoảng bốn, năm nhà thơ tiêu biểu có công khai sáng và khẳng định một bước phát triển của nền thơ dân tộc, đưa nền thơ cổ điển nước ta bước sang thời kỳ hiện đại, hòa nhập với thơ ca đương đại thế giới. Cách mạng Tháng Tám, hầu hết các nhà thơ của phong trào Thơ Mới hội tụ dưới cờ mặt trận Việt Minh giành chính quyền và sau đó lên chiến khu, cầm bút, cầm súng kháng chiến chống Pháp.

Đóng góp cách mạng của lớp văn nghệ sĩ ấy rất có ý nghĩa nhưng tạo nên diện mạo văn chương cho cuộc chiến chín năm (1946-1954) lại thuộc về lứa đàn em của họ, những người chưa nổi tiếng trước 1945. Riêng về thơ, đó là Nguyễn Đình Thi, Chính Hữu, Hoàng Cầm, Hữu Loan... Và Chế Lan Viên, trong nghĩ ngợi của tôi, ông là người tiêu biểu nhất trong thế hệ ấy.

Đóng góp và ảnh hưởng của ông trong nền thơ nước ta là thật sự to lớn. Ánh sáng và phù sa là tập thơ cắm mốc cho chặng thành tựu mới và bền chắc của ông. Bài thơ Người đi tìm hình của nước là minh chứng trội nhất về những đổi thay, cả tầm vóc lẫn tài năng của lứa nhà thơ từ thung lũng đau thương lãng mạn sang cánh đồng vui cách mạng.

Ngay đầu đề bài thơ và cũng có thể coi là một câu thơ thứ nhất của bài, đã cho thấy một cách tìm tòi hình tượng của tác giả. Theo tư liệu lịch sử: Năm 1911, anh thanh niên Nguyễn Tất Thành, 21 tuổi, quê ở Nghệ An, đã đến con tàu biển mang tên Đô đốc Latouche Tréville của một thương gia Pháp, đang đậu ở Bến Nhà Rồng, Sài Gòn, xin việc. Sau một ngày làm việc thử, anh được nhận vào làm phụ bếp. Ngày 5/6/1911, Nguyễn Tất Thành theo con tàu cùng 72 thủy thủ rời đất nước ra đi tại Bến Nhà Rồng.

Từ khi Pháp đánh Đà Nẵng mở đầu cuộc xâm lược nước ta năm 1858, các cuộc nổi dậy chống Pháp cứu nước của dân ta đã liên tiếp nổ ra nhưng đều thất bại. Con đường giành lại nước của hệ tư tưởng phong kiến đều không đủ cả thế và lực để đánh thắng thực dân Pháp. Người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành muốn tìm một hướng đi khác. Anh hướng về các nước phương Tây, nơi có sức sản xuất cao hơn, nơi đã có tư tưởng dân chủ tự do làm tiền đề cho các cuộc cách mạng thể chế của họ. 

Cuộc ra đi ấy của Nguyễn Tất Thành, tức anh Ba trên tàu biển Latouche Tréville đã kéo dài ba mươi năm, từ 1911-1941. Bài thơ của Chế Lan Viên bao quát chặng thời gian ấy. Bắt đầu từ cuộc tiễn đưa lặng thầm lưu luyến của dân, của nước trong câu thơ đầu tiên và kết thúc bài với hình ảnh Bác nâng hòn đất quê hương nơi biên giới Cao Bằng khi chân Người vừa chạm tới.

Chúng ta trở lại với đầu đề bài thơ. Chế Lan Viên không bằng lòng với một đề bài chỉ có lượng thông tin, ông muốn có một hình tượng: Đi tìm đường cứu nước đã được biểu hiện bằng hình ảnh đi tìm hình của nước, tìm cái hình hài, cái dạng thức tồn tại của đất nước. 

Đất nước lúc đó đang trong vòng nô lệ, dạng thức tồn tại đó phải được thay đổi: Đất nước phải được tồn tại ở dạng thức độc lập, tự do, nhưng cái độc lập tự do ấy nó như thế nào? Làm thế nào để đạt được? Bác Hồ phải đi tìm hình thức tồn tại ấy: Quân chủ hay cộng hòa. Độc lập hay liên hiệp...

Tám câu thơ đầu dựng lại phút ra đi. Bác Hồ không có ai để chia tay khi ấy, Bác chia tay với đất nước, với hình ảnh của làng mạc quê hương. Hai thời điểm xúc động nhất được thơ lưu giữ: Đấy là lúc quay lại nhìn không còn thấy đất liền nữa: Làng xóm khuất, và khi đêm buông xuống, giấc ngủ đầu tiên xa đất nước, làm sao ngủ được, chỉ nằm nghe tiếng sóng vỗ dưới thân tàu, nhưng ngay con sóng ấy cũng không còn là sóng quê hương. Tàu ra với hải phận quốc tế, trời nước bấy giờ không còn dấu vết của Việt Nam. Xa đất nước hẳn rồi. Nghĩ càng thương đất nước. Tình cảm tác giả đối với Bác dồn lại trong câu thơ: Cho tôi làm sóng dưới con tàu đưa tiễn Bác.

Năm đoạn tiếp theo, hai mươi câu liên tiếp, có thể coi là lời bình luận về thời thế lúc đó. Tác giả nhìn lại từ chỗ đứng một nhà thơ lãng mạn hồi ấy: Yên tâm với giấc mơ con, cuộc đời con, hạnh phúc nhỏ nhoi tội nghiệp. Tác giả thấy cái “sự nghiệp” khóc cười của mình trong văn chương chỉ như một thứ trò chơi lòng ta thành con rối. 

Những phẩm chất anh hùng của quá khứ oanh liệt Lý, Trần, Lê, Tây Sơn... như đã thành rêu phong trong lòng lớp người an phận. Có sự khác biệt về chất giữa người cách mạng và người thi sĩ lãng mạn thời ấy. Người thi sĩ đi tìm hình cho một bài thơ, một quê hương mơ mộng hay một đấng vô hình sương khói nào đấy, đôi lúc đã quên mất hình của nước. Cả hai đều có nỗi lòng với dân với nước nhưng tầm vóc khác nhau.

Có nhớ chăng, hỡi gió rét thành Ba-lê?... Năm khổ thơ tiếp là những hoạt động và nỗi lòng của Bác những ngày sống ở quê người. Tác giả phải tôn trọng những sự kiện có thực đã được kể trong tập Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch (tác giả Trần Dân Tiên). 

Cái tài trong bút pháp của Chế Lan Viên là theo sát sự kiện nhưng vẫn giữ được tính khái quát và tính trữ tình. Các câu thơ phóng khoáng, tài hoa và trí tuệ. Mùa đông Ba-lê (Paris). Bác Hồ thường phải nướng một viên gạch để tối ngủ ôm trong lòng cho đỡ lạnh. Chế Lan Viên viết: Một viên gạch hồng, Bác chống lại cả một mùa băng giá. Câu thơ thành một biểu tượng hàm chứa ý nghĩa rộng hơn. Tâm trí Bác ngày đêm hướng về Tổ quốc. Ý ấy đã thành hình ảnh đầy sức lay động:

Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà.

Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây?... Dòng suy tưởng tám câu chính là một cách phác họa hình của nước trong tương lai: Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?(…) Rồi cờ sẽ ra sao? Tiếng hát sẽ ra sao?

Tác giả vẫn bám vào tứ thơ ở đầu bài. Hình nước ở đây còn ở dạng nghi vấn với các dấu hỏi (?) liên tiếp. Đến đoạn dưới, sau khi đã đọc luận cương của Lênin, cái nhìn đó mới ở dạng khẳng định, các câu hỏi biến mất:

Giặc nước đuổi xong rồi. Trời xanh thành tiếng hát/Điện theo trăng vào phòng ngủ công nhân/Những kẻ quê mùa đã thành trí thức/Tăm tối cần lao nay hóa những anh hùng.

Khi Chế Lan Viên viết những câu này (khoảng trước 1960) cuộc sống miền Bắc đã là hiện thực của các câu thơ.

Tác giả rất tôn trọng một chi tiết trong ký ức của Bác, đó là lúc bác được tiếp thu đường lối giải phóng dân tộc qua Luận cương của Lênin. Bác đã khóc và đã reo. Dựa vào thực tế nhưng sáng tạo trong diễn đạt tình cảm, Chế Lan Viên đã làm sống lại trạng thái cảm xúc của Bác:

Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lênin/Bốn bức tường im nghe Bác lật từng trang sách gấp. (…) Hình của Đảng lồng trong hình của Nước/Phút khóc đầu tiên là phút Bác Hồ cười.

Bài thơ này là một mẫu mực về phương diện kết cấu, tung và hứng. Ở trên đã đặt ra vấn đề đi tìm hình thì ở đây tác giả để nhân vật trữ tình của mình thấy hình: Hình Đảng lồng trong hình Nước. Nói theo kiểu chính trị: Chủ nghĩa yêu nước đã dẫn Bác tới chủ nghĩa Mác - Lênin và ở thời điểm ấy, chỉ có chủ nghĩa Mác - Lênin với chính đảng của giai cấp công nhân mới bảo đảm cho cách mạng giải phóng dân tộc thắng lợi.

Hai khổ thơ cuối bài, tám câu, có thể coi như phần kết của bài thơ: Bác đã tìm thấy đường và giờ đây Bác lên đường. Bác về nước qua đường Liên Xô, tới Mátxcơva khi Lênin vừa từ trần. Câu thơ nói việc thật nhưng ý nghĩa rộng hơn, có sức khái quát: Đường đến với Lênin là đường về Tổ quốc. Bài thơ mở đầu bằng sự ra đi, kết thúc bằng sự trở về.

Lắng nghe trong màu hồng, hình đất nước phôi thai.

Câu kết này sử dụng giai thoại khi qua biên giới Cao Bằng, Bác đã nâng lên một hòn đất của quê hương. Tác giả thấy hòn đất ấy như một quả trứng hồng mà trong lòng nó đã thấy cái phôi non trẻ mang hình đất nước ngày mai. Chiếu lên đầu đề bài thơ càng cho thấy sự chặt chẽ trong bút pháp Chế Lan Viên.

Nhà thơ Vũ Quần Phương

Người đi tìm hình của nước

Đất nước đẹp vô cùng. Nhưng Bác phải ra đi

Cho tôi làm sóng dưới con tàu đưa tiễn Bác

Khi bờ bãi dần lui làng xóm khuất

Bốn phía nhìn không một bóng hàng tre

Đêm xa nước đầu tiên, ai nỡ ngủ

Sóng vỗ dưới thân tàu đâu phải sóng quê hương

Trời từ đây chẳng xanh màu xứ sở

Xa nước rồi, càng hiểu nước đau thương

Lũ chúng ta ngủ trong giường chiếu hẹp

Giấc mơ con đè nát cuộc đời con

Hạnh phúc đựng trong một tà áo đẹp

Một mái nhà yên rủ bóng xuống tâm hồn

Trăm cơn mơ không chống nổi một đêm dày

Ta lại mặc cho mưa tuôn và gió thổi

Lòng ta thành con rối

Cho cuộc đời giật dây

Quanh hồ Gươm không ai bàn chuyện vua Lê

Lòng ta đã thành rêu phong chuyện cũ

Hiểu sao hết những tấm lòng lãnh tụ

Tìm đường đi cho dân tộc theo đi

Hiểu sao hết “Người đi tìm hình của Nước”

Không phải hình một bài thơ đá tạc nên người

Một góc quê hương nửa đời quen thuộc

Hay một đấng vô hình sương khói xa xôi

Mà hình đất nước hoặc còn hoặc mất

Sắc vàng nghìn xưa, sắc đỏ tương lai

Thế đi đứng của toàn dân tộc

Một cách vin hoa cho hai mươi lăm triệu con người

Có nhớ chăng hỡi gió rét thành Ba Lê

Một viên gạch hồng, Bác chống lại cả một mùa băng giá

Và sương mù thành Luân Đôn, ngươi có nhớ

Giọt mồ hôi Người nhỏ giữa đêm khuya?

Đời bồi tàu lênh đênh theo sóng bể

Người đi hỏi khắp bóng cờ châu Mỹ, châu Phi

Những đất tự do, những trời nô lệ

Những con đường cách mạng đang tìm đi

Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước

Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà

Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc

Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa

Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây?

Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?

Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ

Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?

Rồi cờ sẽ ra sao? Tiếng hát sẽ ra sao?

Nụ cười sẽ ra sao?

Ơi, độc lập!

Xanh biết mấy là trời xanh Tổ quốc

Khi tự do về chói ở trên đầu

Kìa mặt trời Nga bừng chói ở phương Đông

Cây cay đắng đã ra mùa quả ngọt

Người cay đắng đã chia phần hạnh phúc

Sao vàng bay theo liềm búa công nông

Luận cương đến Bác Hồ. Và Người đã khóc

Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lênin

Bốn bức tường im nghe Bác lật từng trang sách gấp

Tưởng bên ngoài, đất nước đợi mong tin

Bác reo lên một mình như nói cùng dân tộc

“Cơm áo là đây! Hạnh phúc đây rồi!”

Hình của Đảng lồng trong hình của Nước

Phút khóc đầu tiên là phút Bác Hồ cười

Bác thấy:

dân ta bưng bát cơm mồ hôi nước mắt

Ruộng theo trâu về lại với người cày

Mỏ thiếc, hầm than, rừng vàng, bể bạc

Không còn người bỏ xác bên đường ray

Giặc nước đuổi xong rồi. Trời xanh thành tiếng hát

Điện theo trăng vào phòng ngủ công nhân

Những kẻ quê mùa đã thành trí thức

Tăm tối cần lao nay hoá những anh hùng

Nước Việt Nam nghìn năm Đinh Lý Trần Lê

Thành nước Việt nhân dân trong mát suối

Mái rạ nghìn năm hồng thay sắc ngói

Những đời thường cũng có bóng hoa che

Ôi! Đường đến với Lênin là đường về Tổ quốc...

Tuyết Mat-xcơ-va sáng ấy lạnh trăm lần

Trong tuyết trắng như đọng nhiều nước mắt

Lênin mất rồi. Nhưng Bác chẳng dừng chân

Luận cương của Lênin theo Người về quê Việt

Biên giới còn xa. Nhưng Bác thấy đã đến rồi

Kìa, bóng Bác đang hôn lên hòn đất

Lắng nghe trong màu hồng, hình đất nước phôi thai

Chế Lan Viên

Nguồn: Báo Bắc Giang

>>> Link tải nội dung: https://bom.to/BBcpgJCNJguKk

III. PHÁP LUẬT
1. Văn bản đáng chú ý của Đoàn:
- Chương trình hành động của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng:
>>> Link tải văn bản: https://bom.to/L7mFhYOxKomoB\
2. Chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ tháng 6/2021
Trân trọng giới thiệu 04 chính sách mới nổi bật có hiệu lực thi hành từ đầu tháng 06/2021 (từ ngày 01 – 10/6/2021):
1. Từ 01/6/2021, kinh doanh karaoke quá 12 giờ đêm bị phạt đến 30 triệu đồng
Đây là nội dung tại Nghị định 38/2021/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực văn hóa, quảng cáo.
Theo đó, phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng đối với tổ chức kinh doanh dịch vụ karaoke vi phạm một trong các hành vi sau:
- Kinh doanh dịch vụ ngoài khoảng thời gian từ 8 giờ đến 24 giờ mỗi ngày;
- Sửa chữa, tẩy xoá hoặc bổ sung làm thay đổi nội dung giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke.
Nghị định 38/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/6/2021 và thay thế Nghị định 56/2006/NĐ-CP , Nghị định 158/2013/NĐ-CP .
2. Các trường hợp doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm bị thu hồi giấy phép
Nghị định 23/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật Việc làm về trung tâm dịch vụ việc làm, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm có hiệu lực từ ngày 01/6/2021.
Theo đó, doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm trong các trường hợp sau đây:
- Chấm dứt hoạt động dịch vụ việc làm theo đề nghị của doanh nghiệp;
- Doanh nghiệp giải thể hoặc bị Tòa án ra quyết định tuyên bố phá sản;
- Doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
- Cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác sử dụng giấy phép;
- Bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hoạt động dịch vụ việc làm từ 03 lần trong khoảng thời gian tối đa 36 tháng kể từ ngày bị xử phạt lần đầu tiên hoặc cố tình không chấp hành quyết định xử phạt;
- Doanh nghiệp có hành vi giả mạo các văn bản trong hồ sơ đề nghị cấp, gia hạn, cấp lại giấy phép hoặc tẩy xóa, sửa chữa nội dung giấy phép đã được cấp;
- Không đảm bảo một trong các điều kiện cấp giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm;
- Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là người nước ngoài không đủ điều kiện làm việc tại Việt Nam theo quy định tại Điều 151 của Bộ luật Lao động 2019.
3. Ngân hàng Phát triển Việt Nam phải mua bảo hiểm tài sản
Ngày 31/3/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 46/2021/NĐ-CP về chế độ quản lý tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động đối với Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
Theo đó, Ngân hàng Phát triển có trách nhiệm thực hiện các quy định về bảo đảm an toàn vốn hoạt động, gồm:
(1) Quản lý, sử dụng vốn, tài sản, phân phối kết quả tài chính, thực hiện chế độ quản lý tài chính và chế độ kế toán theo quy định tại Nghị định 46/2021 và các quy định của pháp luật có liên quan.
(2) Mua bảo hiểm tài sản theo quy định của pháp luật.
(3) Hạch toán vào chi phí hoạt động các khoản trích lập dự phòng rủi ro theo quy định tại Nghị định 46/2021 và quy định của pháp luật liên quan.
(4) Mua lại, hoán đổi các giấy tờ có giá do Ngân hàng Phát triển phát hành theo quy định của pháp luật.
(5) Xử lý tổn thất về tài sản theo quy định tại Điều 14 Nghị định 46/2021.
(6) Thực hiện các biện pháp khác về bảo toàn vốn theo quy định của pháp luật.
Nghị định 46/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/6/2021 và áp dụng từ năm tài chính 2021.
4. Các thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm
Nghị định 43/2021/NĐ-CP quy định về Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm có hiệu lực từ ngày 01/6/2021.
Theo đó, cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm bao gồm các thông tin sau:
- Dữ liệu cơ bản cá nhân bao gồm: Họ, chữ đệm và tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh; giới tính, số định danh cá nhân hoặc số chứng minh nhân dân; dân tộc; quốc tịch;…
- Thông tin liên hệ của công dân;
- Nhóm thông tin về hộ gia đình: Mã hộ gia đình; địa chỉ; danh sách các thành viên trong hộ gia đình;
- Nhóm thông tin về bảo hiểm xã hội: Mã số bảo hiểm xã hội; mã đơn vị quản lý người tham gia; cơ quan bảo hiểm xã hội quản lý; loại đối tượng bảo hiểm xã hội;…
- Nhóm thông tin về bảo hiểm y tế: Mã mức hưởng; loại đối tượng; nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu; thời điểm hết hạn; thời điểm đủ 05 năm liên tục; quá trình đóng, hưởng;
- Nhóm thông tin về bảo hiểm thất nghiệp: Quá trình đóng, hưởng; thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu làm căn cứ để tính thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp;
- Nhóm thông tin về người sử dụng lao động gồm: Tên; mã số doanh nghiệp/số quyết định thành lập; mã số thuế; địa chỉ trụ sở chính; ngành, nghề kinh doanh…
- Nhóm thông tin cơ bản về y tế;
- Nhóm thông tin về an sinh xã hội.
 Nguồn: thuvienphapluat.vn
>>> Link tải nội dung: https://bom.to/l03hFxxBWK3Nr

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây