TÀI LIỆU SINH HOẠT CHI ĐOÀN THÁNG 5 NĂM 2021

Thứ ba - 27/04/2021 11:27
TÀI LIỆU SINH HOẠT CHI ĐOÀN
Số 05 – Tháng 5/2021
   Lưu hành nội bộ
 
                               
I. HỌC TẬP VÀ LÀM THEO LỜI BÁC
1. Câu chuyện về Bác:
Bác nhớ các cháu thiếu niên dũng sĩ miền Nam
Tháng chạp năm 1968, các dũng sĩ thiếu niên miền Nam đang học ở khu Tả Ngạn thì có mấy chú đưa xe ô tô đến đón về Hà Nội. Luyện, Thu, Nết, Phổ, Mên, Hòa … chưa hiểu có chuyện gì. Về Thủ đô hôm trước thì ngày hôm sau, có xe đến đón đi, vào đến sân Phủ Chủ tịch mới biết là được vào gặp Bác Hồ.
Vừa bước chân xuống xe, đã thấy Bác Hồ và Bác Tôn ngồi ở một cái ghế dài kê trước cửa nhà. Tất cả chạy ào tới chào hai Bác.
Bác cháu trò chuyện với nhau. Sau đó Bác Hồ bảo:
- Thôi các cháu vào ăn cơm với hai Bác!
Bữa cơm chẳng có thịt cá gì nhiều nhưng rất ấm cúng. Các dũng sĩ thiếu niên được ngồi ăn cùng Bác Hồ và Bác Tôn. Nết, người nhỏ nhất đoàn, cái đầu chỉ lấp ló cạnh bàn, được Bác gắp thức ăn cho luôn.
Vừa ăn, Bác cháu vừa nói chuyện rất vui. Ăn xong, hai Bác cho mỗi cháu một bông hồng, một quả táo, một quả lê và ba quyển sách “Người tốt việc tốt”.
Sau đó Bác Hồ bảo:
- Các cháu lại cả đây hôn hai Bác rồi về.
Các dũng sĩ hôn hai Bác xong, Bác Hồ căn dặn:
- Các cháu về trường cố gắng học tập cho giỏi.
Tất cả đều cảm động. Đoàn Văn Luyện khi đó mới mạnh dạn thưa với Bác:
- Thưa Bác, chúng cháu cứ tưởng hai Bác gọi chúng cháu về có việc cần.
Bác Hồ cười hiền từ và bảo:
- Hai Bác nhớ các cháu cho nên gọi các cháu về để hai Bác gặp hỏi chuyện.
Nghe nói, Luyện và các bạn cảm động muốn trào nước mắt. Hai Bác tuổi đã cao, trăm công nghìn việc, vậy mà vẫn nhớ đến các cháu miềnNam. Luyện nghĩ:
“Mình được ở ngoài Bắc mà hai Bác còn lo và thương biết chừng nào!…”.
Nguồn: Trang tin điện tử Ban quản lý lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đường link nội dung đầy đủ>> https://bitly.com.vn/vcsach
 
2. Học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh:
PHÁT HUY Ý CHÍ TỰ LỰC, TỰ CƯỜNG, KHÁT VỌNG PHÁT TRIỂN
ĐẤT NƯỚC PHỒN VINH, HẠNH PHÚC CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH
Chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc, ý chí, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong toàn dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh là động lực cho sự phát triển trong giai đoạn phát triển mới.
Vai trò quan trọng của ý chí, khát vọng phát triển đất nước trong toàn dân tộc
Ý chí là khả năng vượt qua mọi khó khăn để đạt được mục đích, là sức mạnh tinh thần to lớn, là động lực cổ vũ con người đứng lên, vượt qua những rào cản trên con đường phấn đấu để đạt được mục đích. Ý chí giúp con người phát huy được sức mạnh bên trong của mỗi cá nhân, đôi khi đến mức độ phi thường. Ý chí của một cộng đồng dân tộc dựa trên sự thống nhất về tư tưởng, có lợi ích chung, tạo thành sức mạnh tinh thần to lớn của dân tộc trong giành, bảo vệ nền độc lập cũng như trong xây dựng, phát triển đất nước.
Khát vọng là những mong muốn tốt đẹp của con người với sự thôi thúc mạnh mẽ từ bên trong để đạt được những mong muốn ấy. Cũng như ý chí, khát vọng có vai trò, ý nghĩa vô cùng quan trọng trong cuộc sống của mỗi người, gắn với mục đích sống, nuôi dưỡng những hoài bão lớn lao trong họ… Khát vọng chung của nhiều cá nhân trong xã hội tạo thành khát vọng xã hội và đến lượt nó, khi đã hình thành, vận động và phát triển, khát vọng xã hội có tác dụng lôi cuốn mọi cá nhân, vượt qua những chần chừ, dao động, tính toán thiệt hơn…, để tham gia thực hiện thành công khát vọng chung của xã hội.
Trong lịch sử phát triển của xã hội loài người, sự hình thành và phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc phụ thuộc trước hết vào ý chí và khát vọng sống, tồn tại và phát triển của cộng đồng dân tộc, tự mình cố kết lại để bảo vệ mình trước sức mạnh của tự nhiên, của các thế lực bên ngoài muốn thôn tính, đô hộ, áp bức, đồng hóa dân tộc. Lịch sử đã chứng minh không hiếm dân tộc, nền văn minh trên thế giới bị đồng hóa, bị tiêu diệt trong quá trình biến thiên lâu dài của lịch sử, khi không có sự đoàn kết toàn dân tộc, thiếu ý chí, khát vọng độc lập, tự cường và phát triển.
Thực tế lịch sử dân tộc Việt Nam đã chứng minh rất rõ vai trò của ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển. Hòn đá thề trên đỉnh núi Hy Cương, Phú Thọ nói lên ý chí, khát vọng độc lập của Vua Hùng và Thục Phán, về sự đoàn kết, thống nhất để chống giặc ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập. Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, đền nợ nước, trả thù nhà. Triệu Thị Trinh hùng hồn khẳng định: “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, đánh đuổi quân Ngô giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tỳ thiếp người"…
Ý chí khát vọng độc lập, hùng cường của dân tộc Việt Nam đã thể hiện rất rõ trong “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi:
“Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương
Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau
Song hào kiệt đời nào cũng có…”
Trong những khúc quanh của lịch sử, cộng đồng dân tộc đã sinh ra  những vĩ nhân, nhìn xa, trông rộng, như Nguyễn Trường Tộ, Vũ Duy Thanh… với  tư tưởng cải cách, đổi mới để phát triển, xây dựng đất nước độc lập, hùng cường trước hiểm họa xâm lược từ các nước  tư bản phương Tây. Lịch sử lâu dài của dân tộc đã chứng tỏ, ý chí, khát vọng phát triển của dân tộc là nguồn nội lực xã hội khổng lồ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Những thành tựu và bài học kinh nghiệm của công cuộc đổi mới toàn diện đất nước 35 năm qua một lần nữa khẳng định vai trò quan trọng của ý chí, khát vọng phát triển đất nước trong toàn dân tộc. Bài học kinh nghiệm quý giá nhất của công cuộc đổi mới là dựa vào sức dân, phát huy tinh thần và ý chí khát vọng của nhân dân trong chiến tranh cách mạng vào xây dựng phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường hòa bình. Kết quả của công cuộc đổi mới không chỉ thể hiện bằng những thành tựu về kinh tế, xã hội, mà còn là bài học về  phát huy ý chí, khát vọng phát triển, xây dựng đất nước ta phồn vinh, hạnh phúc, để “sánh vai với các cường quốc năm châu” như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát huy ý chí, khát vọng phát triển đất nước của toàn dân tộc gắn liền với tư tưởng của Người về cuộc đấu tranh giành lại nền độc lập dân tộc, “trước làm cách mạng quốc gia, sau làm cách mạng thế giới”; với tinh thần chủ động, tự lực cánh sinh, “đem sức ta mà giải phóng cho ta”. Ngay sau khi giành được nền độc lập, Người đặt tên nước Việt Nam gắn với các cụm từ “dân chủ, cộng hòa, độc lập, tự do, hạnh phúc” và trong lời dặn trước lúc đi xa Người mong muốn “tột bậc” về một nước Việt Nam “hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.
Tháng 9/1945, ngay sau khi nước nhà được độc lập, Người viết thư cho học sinh, sinh viên trong ngày khai trường năm học đầu của nước Việt Nam mới, trong đó có đoạn: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”(1). Thể hiện ý chí và vai trò của tự lực, tự cường trong quan hệ quốc tế, Người dặn: “Phải trông ở thực lực. Thực lực mạnh, ngoại giao sẽ thắng lợi. Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to tiếng mới lớn”(2).
Tháng 5/1965, khi tròn 75 tuổi, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ động viết bản Di chúc, để lại những lời dặn tâm huyết nhất cho Đảng và nhân dân ta. Về khát vọng phát triển của dân tộc, Người viết: “…Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay!” và đến ngày thắng lợi, chúng ta sẽ xây dựng đất nước ta “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về ý chí và khát vọng phát triển đất nước gắn liền với tấm gương và sự nêu gương về trách nhiệm của mỗi người dân Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chủ tịch Hồ Chí Minhkhi đã trở thành người lãnh đạo cao nhất đã nhấn mạnh  đầy đủ, thẳng thắn nhất về mong muốn của mình khi trả lời các nhà báo: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh, nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi”(3).
Toàn bộ cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện rõ ý chí và khát vọng của Người cho độc lập dân tộc và phát triển. Người nói: “Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc, và hạnh phúc của quốc dân. Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo - là vì mục đích đó... Bất kỳ bao giờ, bất kỳ ở đâu, tôi cũng chỉ theo đuổi một mục đích, làm cho ích quốc lợi dân”(4). Trả lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với phóng viên báo Granma (Cuba), vào ngày 14-7-1969, Người nói: “Tôi hiến cả đời tôi cho dân tộc tôi”.
Ý chí, khát vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về độc lập của Tổ quốc, hạnh phúc cho nhân dân, hùng cường cho dân tộc và sự hy sinh, cống hiến trọn đời của Người cho niềm mong ước ấy là tấm gương mẫu mực về trách nhiệm của mỗi người Việt Nam trong bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc, xây dựng nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc. Thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc là góp phần hiện thực hóa tư tưởng của Người trong công cuộc Đổi mới của Đảng và nhân dân ta hiện nay.
(CÒN TIẾP)
Nguồn: Tạp chí Cộng sản
>> Đường link tải nội dung đầy đủ:  https://bitly.com.vn/swon8g
 
II. TRUYỀN THỐNG
 
  1.  Ngày truyền thống:
ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN KỶ NIỆM 135 NĂM NGÀY QUỐC TẾ LAO ĐỘNG
Nhân kỷ niệm 135 năm Ngày Quốc tế Lao động (1/5/1886 - 1/5/2021), Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam biên soạn Đề cương tuyên truyền.
>>> Link tải đề cương tuyên truyền: https://bitly.com.vn/fqrlzd
 
KỶ NIỆM 117 NĂM NGÀY SINH TỔNG BÍ THƯ TRẦN PHÚ
(01/5/1904 – 01/5/2021)
Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng với những cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng
Đồng chí Trần Phú (trong quá trình hoạt động cách mạng mang nhiều bí danh) là Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương. Đồng chí sinh ngày 1-5-1904 tại thôn An Thổ, xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên; nguyên quán: Xã Tùng Ảnh (trước đây là xã Việt Yên Hạ, sau đổi thành xã Đức Sơn), huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.
Sau khi thân phụ, thân mẫu lần lượt qua đời tại Phú Yên, Trần Phú về Quảng Trị ở với anh, chị ruột và năm 1914 được một người họ hàng giúp đỡ cho ra Huế ăn học; mùa hè năm 1922, Trần Phú thi đỗ đầu kỳ thi thành chung do Trường Quốc học Huế tổ chức, sau đó đi dạy học tại Trường Tiểu học Cao Xuân Dục (Vinh, Nghệ An). Năm 1925, Trần Phú tham gia sáng lập Hội Phục Việt, một tổ chức yêu nước và cách mạng; sau đó, hội đổi tên thành Hội Hưng Nam, rồi Việt Nam Cách mạng Đảng, Tân Việt Cách mạng Đảng. Tháng 1-1930, những người phái tả trong Tân Việt Cách mạng Đảng đứng ra thành lập Đông Dương Cộng sản Liên đoàn.     
Ngày 11-11-1924, Nguyễn Ái Quốc sau nhiều năm đi tìm đường cứu nước, từ Liên Xô trở về Quảng Châu, Trung Quốc, nhằm xúc tiến việc chuẩn bị về chính trị, tư tưởng, tổ chức cho sự ra đời của chính đảng giai cấp công nhân Việt Nam. Tháng 6-1925, tại Quảng Châu, Nguyễn Ái Quốc sáng lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, một tổ chức đầu tiên ở Việt Nam có xu hướng xã hội chủ nghĩa. Lúc này, Hội Hưng Nam muốn hiểu về đường lối của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, nên đã cử Trần Phú sang Quảng Châu gặp Nguyễn Ái Quốc và Tổng bộ Thanh niên, đồng thời tham dự lớp huấn luyện chính trị do Nguyễn Ái Quốc và Tổng bộ Thanh niên tổ chức. Tại Quảng Châu, Trần Phú gặp Nguyễn Ái Quốc, được kết nạp vào Thanh niên và Cộng sản Đoàn. Sau đó, Trần Phú về nước hoạt động một thời gian và quay trở lại Quảng Châu vào tháng 1-1927, làm việc tại cơ quan của Tổng bộ Thanh niên và lại được gặp Nguyễn Ái Quốc. Nguyễn Ái Quốc cử Trần Phú sang học tại Trường Đại học Phương Đông, nơi đào tạo cán bộ cho Quốc tế Cộng sản. Trần Phú học tại đây từ tháng 1-1927 đến 11-1929 và được nghiên cứu “Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa", đã vạch ra đường lối cơ bản cho phong trào cách mạng thuộc địa.
Tháng 4-1930, đồng chí Trần Phú về Hải Phòng và bắt đầu đi khảo sát thực tế tại một số địa phương để nắm tình hình, chủ yếu là nắm phong trào công nhân và nông dân. Đầu tháng 7-1930, sau khi đi khảo sát tại một số địa phương, đồng chí Trần Phú từ Hòn Gai về Hà Nội, được bổ sung vào Trung ương lâm thời; được tổ chức bố trí đến ở và làm việc tại nhà số 90, phố Thợ Nhuộm. Tại đây, đồng chí đã nghiên cứu và được Trung ương lâm thời Đảng Cộng sản Việt Nam phân công viết dự thảo Luận cương chính trị; được các đồng chí trong Trung ương lâm thời, các đồng chí trong các xứ ủy, trong đó có Trần Văn Lan, Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Thế Rục… góp ý. Có thể nói, Luận cương chính trị của Đảng năm 1930 là sản phẩm của trí tuệ tập thể, trong đó, đồng chí Trần Phú là người chắp bút và trực tiếp soạn thảo.
Tháng 7-1930, đồng chí Trần Phú được bầu bổ sung vào Trung ương lâm thời. Tháng 10-1930, tại Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp tại Hương Cảng, đồng chí Trần Phú thay mặt Ban Chấp hành Trung ương lâm thời trình bày “Luận cương chánh trị của Đảng Cộng sản Đông Dương”, gọi tắt là “Luận cương chánh trị” hoặc “Luận cương chính trị”, trong đó đã phân tích tình hình thế giới và cách mạng Đông Dương; những đặc điểm về tình hình Đông Dương; tính chất và nhiệm vụ của cách mạng Đông Dương.
Luận cương xác định rõ nhiệm vụ cốt yếu của cách mạng Đông Dương là đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp, phong kiến và địa chủ; lập chính phủ công nông; tịch ký hết thảy ruộng đất của các thế lực thống trị, giao ruộng đất ấy cho trung nông, bần nông, quyền sở hữu ruộng đất thuộc về chính phủ công nông. Giai cấp công nhân phải có nhiệm vụ đoàn kết và lôi kéo giai cấp nông dân về với mình; sung công hết thảy các sản nghiệp lớn của tư bản ngoại quốc; bãi bỏ các sưu thuế hiện thời, lập ra thuế lũy tiến; ngày làm công 8 giờ, sửa đổi sự sinh hoạt cho thợ thuyền và quần chúng lao khổ. Xứ Đông Dương hoàn toàn độc lập, thừa nhận quyền dân tộc tự quyết; lập quân đội công nông; nam nữ bình quyền… Vấn đề mấu chốt bảo đảm mọi thắng lợi của cách mạng Đông Dương là sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Luận cương đã chỉ ra rằng, cách mạng muốn giành được thắng lợi, thì bên cạnh đường lối đúng, cần phải có phương pháp cách mạng đúng.
Về vấn đề khởi nghĩa vũ trang để giành chính quyền về tay nhân dân, luận cương nhấn mạnh, phải nâng nó lên thành một khoa học và nghệ thuật, đúng với “khuôn phép nhà binh”, và phải có thời cơ, điều kiện. Luận cương còn chỉ rõ cách mạng Đông Dương muốn giành thắng lợi phải chịu sự liên hệ mật thiết với cách mạng thế giới và cách mạng dân tộc ở các nước thuộc địa. Cũng tại hội nghị này, Đảng Cộng sản Việt Nam được đổi tên thành Đảng Cộng sản Đông Dương.
Luận cương được Hội nghị Trung ương (tháng 10-1930) thảo luận sôi nổi và nhất trí thông qua. Đánh giá về Luận cương chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Trong bản Cương lĩnh (tức Luận cương) cách mạng tư sản dân quyền năm 1930, Đảng đã nêu rõ nhiệm vụ chống đế quốc và chống phong kiến, thực hiện dân tộc độc lập, người cày có ruộng. Cương lĩnh ấy rất phù hợp với nguyện vọng thiết tha của đại đa số nhân dân ta là nông dân. Vì vậy, Đảng ta đã đoàn kết được những lực lượng cách mạng to lớn chung quanh giai cấp mình. Còn các đảng phái của các giai cấp khác, thì hoặc bị phá sản, hoặc bị cô lập. Do đó, quyền lãnh đạo của Đảng ta-Đảng của giai cấp công nhân, không ngừng được củng cố và tăng cường” (1).
Cũng tại hội nghị này, đồng chí Trần Phú đã được chính thức bầu làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương và là Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.
Sau Hội nghị Trung ương lần thứ nhất, đồng chí Trần Phú rời Hương Cảng vào cuối tháng 11-1930 để về nước cùng Trung ương lãnh đạo Đảng và phong trào cách mạng, trọng tâm là đi vào tổ chức quần chúng đấu tranh, củng cố, phát triển Đảng. Một ngày cuối tháng 12-1930, Thường vụ Trung ương Đảng họp (mở rộng), Tổng Bí thư Trần Phú chủ trì để bàn việc đẩy mạnh công tác giáo dục lý luận cho đảng viên và đẩy mạnh công tác tuyên truyền của Đảng. Về công tác tuyên truyền, Tổng Bí thư Trần Phú và Thường vụ Trung ương triệu tập hội nghị chấn chỉnh công tác giao thông liên lạc từ Trung ương đến các xứ ủy, khu ủy, tỉnh ủy… và từ Trung ương đến Quốc tế Cộng sản, đến một số đảng cộng sản. Sau hội nghị, Trung ương bắt tay xây dựng cơ sở trên một số tàu thủy chạy tuyến Sài Gòn-Đà Nẵng-Hải Phòng và từ Sài Gòn đi một số nước. Trụ sở của Trung ương cũng chuyển từ Hải Phòng vào Sài Gòn.
Ngày 20-1-1931, tại một căn nhà ở phố Lơ Grăng đờ la Liray (Sài Gòn), Thường vụ Trung ương Đảng triệu tập hội nghị bàn về công tác vận động công nhân Đông Dương. Tổng Bí thư Trần Phú chủ trì hội nghị và đọc bài phát biểu nêu bật những nhiệm vụ của công tác vận động công nhân của Đảng. Hội nghị quyết định thành lập Ban Công vận Trung ương gồm 4 người, do đồng chí Trần Phú làm trưởng ban.
Tiếp đó, đồng chí Trần Phú cùng Ban Chấp hành Trung ương Đảng bắt tay vào việc chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương lần thứ 2. Tháng 3-1931, Hội nghị Trung ương lần thứ 2 họp tại số nhà 236, đường Risô (Richaud), Sài Gòn, do Tổng Bí thư Trần Phú chủ trì. Đồng chí đã đọc báo cáo, phân tích một cách sâu sắc tình hình cách mạng ở Đông Dương và nhiệm vụ của Đảng Cộng sản Đông Dương trong giai đoạn mới; phân tích về tình hình lãnh đạo của Đảng trên tất cả các mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức và các đoàn thể quần chúng. Báo cáo đặc biệt nhấn mạnh đến công tác xây dựng Đảng.
Lúc này, địch khủng bố ngày càng gắt gao. Nhiều cán bộ của Đảng bị bắt. Tổng Bí thư Trần Phú bị mật thám Pháp bắt vào sáng 18-4-1931. Báo chí thực dân nhanh chóng đưa tin về sự kiện này. Chính quyền Đông Pháp giải đồng chí về giam ở bót Pôlô, gần khu vực Chợ Lớn, Sài Gòn. Bọn mật thám khét tiếng gian ác dùng đủ mọi cực hình, như: Cho điện giật, treo ngược lên xà nhà mà đánh, đốt cháy da thịt, hòng buộc đồng chí phải khai báo ra tổ chức Đảng. Tiếp đó chúng giải đồng chí về bót Catinat, là cơ quan tra tấn lớn nhất của mật thám Nam Kỳ, nhưng tất cả những cuộc tra tấn dã man đều không làm lay chuyển được ý chí cách mạng của đồng chí Trần Phú. Tuy sống trong tù ngục của thực dân Pháp, đồng chí Trần Phú và các chiến sĩ cộng sản Đông Dương vẫn hoạt động bí mật, tìm mọi cách liên lạc với tổ chức của ta ở bên ngoài, thông tin cho nhau biết âm mưu của địch để có biện pháp đối phó.
Sống nơi tù ngục bị đọa đày, tra tấn cực hình, làm cho sức khỏe của Trần Phú ngày càng giảm sút, bệnh tật mỗi ngày nặng thêm. Đến tháng 8-1931, sức khỏe của đồng chí bị suy sụp, cai ngục đành phải đưa tới nhà thương Chợ Quán để khám bệnh. Lúc này, bệnh lao của đồng chí đã rất nguy kịch. Trần Phú trút hơi thở cuối cùng vào sáng 6-9-1931, khi mới 27 tuổi. Trước khi nhắm mắt, Tổng Bí thư Trần Phú vẫn dặn lại các đồng chí và nhân dân: “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu!”.
Sự nghiệp của Tổng Bí thư Trần Phú là sự nghiệp cách mạng cao cả. Hoạt động cách mạng tuy chỉ trong một thời gian ngắn, nhưng đồng chí Trần Phú sớm trở thành người học trò xuất sắc của lãnh tụ Hồ Chí Minh và có những cống hiến to lớn cho Đảng, cho dân tộc và cho sự nghiệp cách mạng Đông Dương.
 Trong cuộc đời hoạt động của mình, đồng chí Trần Phú luôn nêu cao phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng, biểu hiện rõ nhất ở lòng trung thành vô hạn với sự nghiệp của Đảng và sự nghiệp giải phóng dân tộc, ở tình thương yêu sâu sắc với nhân dân lao động. Trong mọi hoạt động, đồng chí luôn gắn bó keo sơn với quần chúng, tin tưởng vào sự nghiệp cách mạng của quần chúng.
“Hãy giữ vững chí khí chiến đấu!”. Tinh thần của Tổng Bí thư Trần Phú vẫn sống mãi. Tên tuổi, sự nghiệp cách mạng của đồng chí mãi khắc ghi trong những trang sử vẻ vang của Đảng và dân tộc Việt Nam!
>> Đường link tải nội dung: https://bitly.com.vn/y7fbs0
 
KỶ NIỆM 104 NĂM NGÀY SINH ĐẠI TƯỚNG VĂN TIẾN DŨNG
(02/5/1917 – 02/5/2021)
Văn Tiến Dũng - Vị Đại tướng anh hùng
Đại tướng Văn Tiến Dũng (1917 - 2002), nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, là một vị tướng tài ba, mưu lược, nhà quân sự xuất sắc của dân tộc Việt Nam. Hơn 60 năm hoạt động cách mạng, Đại tướng Văn Tiến Dũng đã có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
 
 
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Văn Tiến Dũng (phải). Ảnh tư liệu
 
Khi nói tới đồng chí Văn Tiến Dũng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định, đó là “một vị tướng có tinh thần quyết thắng lớn và tài thao lược xuất chúng, một người cộng sản kiên cường, bất khuất đã cống hiến cả cuộc đời cho lý tưởng của Đảng, cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”1. 
Đại tướng Văn Tiến Dũng sinh ngày 2/5/1917 tại xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, Hà Nội, nhưng nhà nghèo vì không ruộng đất, cả cha và mẹ đều mất sớm nên 15 tuổi, Văn Tiến Dũng phải bỏ học về giúp anh làm thợ may. Năm 17 tuổi, Văn Tiến Dũng ra Hà Nội làm công cho các xưởng dệt để kiếm sống.
Tại đây, Văn Tiến Dũng tham gia và hoạt động tích cực trong phong trào công nhân dệt và sớm được giác ngộ cách mạng, năm 1937, ở tuổi 20 Văn Tiến Dũng gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1939, do có uy tín cao trong phong trào công nhân, Văn Tiến Dũng được cử làm Thư ký Ban Thường trực Liên đoàn Lao động Hà Nội và tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội. Năm1939, đồng chí bị chính quyền thực dân Pháp bắt đày đi nhà tù Sơn La. Năm 1941, trên đường bị địch áp giải từ Sơn La về Hà Nội, đồng chí đã thoát được trở về hoạt động trên cương vị là Bí thư Ban Cán sự Đảng tỉnh Hà Đông, rồi Bí thư Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh dưới danh nghĩa một nhà sư của chùa Bột Xuyên (huyện Mỹ Đức, Hà Đông). Tháng 4/1944, đồng chí được cử làm Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ, nhưng tới tháng 8/1944 lại bị địch bắt. Tháng 12/1944, đồng chí vượt ngục ra tiếp tục hoạt động cách mạng. Tháng 1/1945, đồng chí bị chính quyền thực dân Pháp kết án tử hình vắng mặt.
Tháng 4/1945, Văn Tiến Dũng được cử làm Uỷ viên Thường vụ Ủy ban Quân sự Cách mạng Bắc kỳ (Bộ Tư lệnh Quân sự miền Bắc Đông Dương) phụ trách tổ chức Chiến khu Quang Trung, kiêm Bí thư Khu uỷ Chiến khu Quang Trung, trở thành người chỉ đạo vũ trang giành chính quyền ở các tỉnh Hoà Bình, Ninh Bình và Thanh Hoá trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Trên cương vị này, đồng chí Văn Tiến Dũng bắt đầu thể hiện tài năng của một nhà lãnh đạo quân sự của quân đội ta.
Chính vì vậy, sau Cách mạng Tháng Tám, đồng chí Văn Tiến Dũng được Trung ương Đảng giao nhiệm vụ lập Chiến khu II trên cương vị là Chính uỷ Chiến khu, tham gia Quân uỷ Trung ương và sau đó trở thành Cục trưởng Cục Chính trị Quân đội Quốc gia Việt Nam (nay là Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam (12/1946), Phó Bí thư Quân uỷ Trung ương. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, đồng chí được cử làm Đại đoàn trưởng kiêm Chính uỷ Đại đoàn 320, năm 1948 được phong quân hàm Thiếu tướng.
Từ năm 1953 đến năm 1978, được giữ chức Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam2. Năm 1959, Văn Tiến Dũng thăng quân hàm Thượng tướng (thăng vượt cấp theo Sắc lệnh số 036/SL, ngày 31/8/1959). Trong chiến tranh chống Mỹ, đồng chí Văn Tiến Dũng được giao trọng trách trực tiếp chỉ đạo và góp phần thực hiện thắng lợi vang dội ở các chiến dịch quân sự lớn tạo ra các bước ngoặt của chiến tranh, như: Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào (1971), Chiến dịch Trị - Thiên (1972), Chiến dịch Tây Nguyên (1975), Văn Tiến Dũng được phong quân hàm Đại tướng năm 1974. Tháng 4/1975, được cử giữ chức Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh và đã đóng góp trực tiếp trong chỉ đạo tại chiến trường vào thắng lợi kết thúc chiến tranh, thống nhất Tổ quốc.
(CÒN TIẾP)
>> Đường link tải nội dung đầy đủ: https://bitly.com.vn/nr9y68
 
KỶ NIỆM 203 NĂM NGÀY SINH CÁC-MÁC (05/5/1818 – 05/5/2021)
Cuộc đời và những cống hiến của nhà tư tưởng vĩ đại Các Mác
Các Mác là một trong những nhà tư tưởng vĩ đại trên thế giới. Cuộc đời và sự nghiệp của ông có nhiều thăng trầm và cũng đầy gian khổ. Những tư tưởng của ông góp phần làm thay đổi tư duy của một bộ phận những dân tộc chịu áp bức, từ đó giúp họ đứng lên giành lại độc lập và thoát ra cảnh lầm than.
Các Mác sinh ngày 5/5/1818, trong một gia đình trung lưu ở thành phố Rhineland, Trier – Đức. Ở tuổi 17, Mác tiếp thu nền giáo dục cổ điển và ông học tập một năm tại khoa luật thuộc Đại học Bonn. Năm 18 tuổi ông và bà Jenny von Westphalen (1814 - 1881) đính hôn. Ông bắt đầu chịu ảnh hưởng bởi triết lý của G.W.F Hegel mà sau đó chi phối phong trào Chủ nghĩa duy tâm Đức.
Sau khi hoàn thành luận án tiến sỹ, ông chuyển sang báo chí và bắt đầu cộng tác với tờ Rheinische Zeitung. Ông nhanh chóng trở thành chủ bút, nhưng sau đó bị các nhà chức trách cho đóng cửa tờ báo vào tháng 5/1843 và Các Mác chuyển về lại Paris.
Khi ở Paris ông đã phát triển hiệp hội lâu dài với Ph. Ăngghen, và đặt ra những suy luận về chủ nghĩa cộng sản mà ngày nay được biết đến cái được gọi là Các bản thảo ở Paris. Sau khi bị trục xuất khỏi Pháp, ông chuyển đến Brussels và ghi chép lại những tư tưởng triết học phát triển trong Luận cương về Feuerbach.
Vào năm 1846, Các Mác đã cùng Ăngghen viết Hệ tư tưởng Đức, đây là văn bản đặt nền móng cho Tuyên ngôn Đảng Cộng sản. Quay lại Pháp, ông bắt đầu làm việc cho một loạt các tờ rơi về Đấu tranh giai cấp ở Pháp và trong thời điểm này, năm 1848, ông cùng Ăngghen xuất bản Tuyên ngôn Đảng Cộng sản.
Sau khi chuyển đến London năm 1849, Các Mác đã cống hiến nhiều năm nỗ lực cho tác phẩm chính là Tư bản - một tác phẩm về kinh tế chính trị quan trọng của Các Mác được viết bằng tiếng Đức. Cuốn sách là sự phân tích về chủ nghĩa tư bản, về phương thức sản xuất và quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa.
Với khẩu hiệu là "Công nhân của thế giới đoàn kết" là lời kêu gọi tập hợp cho phong trào cách mạng Bolshevik của Nga và cuộc cách mạng năm 1949 của Trung Quốc; và vận động của Các Mác “Mỗi người làm theo năng lực và hưởng theo nhu cầu” đã trở thành nguồn cổ vũ cho các Đảng cộng sản trên khắp thế giới.
Trước Chiến tranh thế giới thứ I, các tác phẩm của Các Mác làm nổi lên một số phản hồi tích cực từ bên ngoài Đông Âu. Sự hỗ trợ nhiệt tình từ Lênin là nhân tố chủ chốt ảnh hưởng đến những cuộc cách mạng ở Nga, và một phần hệ tư tưởng chính thống của Liên Xô được hướng theo bởi ảnh hưởng thời kỳ hậu chiến. Năm 1920, Tổ chức Frankfurt, một tổ chức của các trí thức đã họp lại nhằm thảo luận và phổ biến chủ nghĩa Mác, sau đó họ được sự tham gia của nhà triết học Mỹ Herbert Marcuse.
Chủ nghĩa Mác đã trở thành một lực lượng chủ chốt trong giới tri thức Tây Âu và những nước nói tiếng Anh trong những năm 1930, ảnh hưởng trí tuệ của chủ nghĩa Mác đạt đỉnh điểm vào những năm 1970, nhưng sau đó bị từ chối. Những di sản trí tuệ còn sót lại của Mác bị giới hạn trong các nguyên lý của triết học.
Di sản Các Mác để lại cho đời rất nhiều. Chủ nghĩa Mác đã trở thành hệ tư tưởng chính thống của các quốc gia, khi đó, là đỉnh điểm của họ, cái được xem như cuộc đua sinh tồn thứ 3. Những lý luận của ông cũng đã ảnh hưởng đến sự xuất hiện của các phong trào dân chủ xã hội chủ nghĩa mà trước đây đã từng không chấp nhận, hoặc cấm đoán không xem chủ nghĩa Mác như là một hệ tư tưởng của họ.
Một số tác phẩm của ông đặc biệt là Tuyên ngôn Cộng sản quen thuộc với hàng triệu nhà hoạt động chính trị trên toàn thế giới, đây cũng chính là nhân tố chính trong việc áp dụng các hình thức của Chủ nghĩa Cộng sản bởi Liên Xô, và tiếp theo là các chính phủ Cuba, Venezuela, Bolivia, Nicaragua, và các quốc gia khác.
Trong suốt những năm sau của cuộc đời cho đến khi ông qua đời vào năm 1883, Các Mác là một người ủng hộ tích cực của Liên đoàn Cộng sản, mà sau này trở thành Quốc tế Cộng sản.
>> Đường link tải nội dung: https://bitly.com.vn/favrq1
 
KỶ NIỆM 67 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ
(07/5/1954 – 07/5/2021)
Chiến thắng Điện Biên Phủ 1954 - Sự kiện mang tầm vóc thời đại
Chiến thắng Điện Biên Phủ 1954 đập tan một mắt xích quan trọng trong hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa thực dân cũ, mở đầu cho sự sụp đổ trên phạm vi toàn thế giới; giáng đòn nặng nề đầu tiên vào dã tâm xâm lược của chủ nghĩa đế quốc Mỹ.
Năm 1954, trên đại ngàn Tây Bắc đất nước, quân và dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đạp bằng mọi khó khăn thử thách, đập tan tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ mạnh nhất Đông Dương của thực dân Pháp và can thiệp của đế quốc Mỹ, dựng lên mốc son chói lọi trong dòng chảy lịch sử dân tộc, đồng thời làm “chấn động địa cầu”, tác động mạnh đến phong trào đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.
Nhân kỷ niệm 66 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2020), Báo CAND trân trọng giới thiệu bài viết của Đại tá Trần Tiến Hoạt, nguyên Phó Chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam.
Trận quyết chiến chiến lược
Đến năm 1953, sau 8 năm trở lại xâm lược Đông Dương, dù đã huy động tiềm lực kinh tế, quân sự đến mức cao nhưng thực dân Pháp vẫn không đạt được mục đích cơ bản đề ra là tiêu diệt chính phủ cách mạng và lực lượng kháng chiến, thiết lập lại nền cai trị trên toàn Đông Dương như trước năm 1945. Trái lại, chúng phải chịu những tổn thất nặng nề: Bị thiệt hại 390.000 quân, vùng chiếm đóng thu hẹp, mâu thuẫn giữa tập trung và phân tán lực lượng ngày càng sâu sắc...
 
Chiều 7/5/1954, lá cờ "Quyết chiến - Quyết thắng" của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries. Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã toàn thắng. Ảnh: Tư liệu TTXVN
Mặt khác, những khó khăn về kinh tế, tài chính và phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân trong nước ngày càng dâng cao đẩy chính phủ Pháp rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị mới. Lợi dụng tình thế này, đế quốc Mỹ tăng cường can thiệp vào Đông Dương, tích cực viện trợ cho Pháp kéo dài và mở rộng cuộc chiến nhằm phục vụ cho chiến lược toàn cầu phản cách mạng.
Tháng 5-1953, chính phủ Pháp cử tướng Nava - người được đánh giá là “một nhà chiến lược văn võ kiêm toàn” sang làm tổng chỉ huy quân viễn chinh ở Đông Dương với hy vọng sớm giành thắng lợi quân sự quyết định, tìm “lối thoát danh dự” dứt điểm cuộc chiến tranh. Sau một thời gian tìm hiểu tình hình chiến trường, tháng 7/1953, tướng Nava đề ra kế hoạch quân sự mới ở Đông Dương (còn gọi Kế hoạch Nava), gồm hai bước.
Bước 1 (Thu Đông năm 1953 và Xuân năm 1954): Giữ thế phòng ngự chiến lược ở chiến trường miền Bắc, tránh giao chiến với chủ lực đối phương; tiến công chiến lược ở chiến trường phía nam, đánh chiếm các căn cứ kháng chiến, trước hết là vùng tự do Liên khu 5 và Khu 9 của cách mạng; đồng thời ra sức bắt lính mở rộng ngụy quân, tập trung xây dựng khối chủ lực cơ động mạnh.
Bước 2 (từ Thu Đông năm 1954): Dồn lực lượng ra chiến trường miền Bắc, thực hiện các đòn tiến công chiến lược, tiêu diệt quân chủ lực đối phương để giành thắng lợi quyết định, buộc chính phủ kháng chiến phải đầu hàng, hoặc chấp nhận đàm phán kết thúc chiến tranh theo những điều kiện do Pháp đặt ra.
Cả thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đều đánh giá kế hoạch Nava là “hoàn hảo, phù hợp”, sẽ mang đến thắng lợi trong vòng 18 tháng!
Thực hiện kế hoạch quân sự mới đề ra, thực dân Pháp mở nhiều cuộc hành quân đánh phá, càn quét bình định, ra sức bắt lính; đồng thời đưa thêm nhiều đơn vị quân viễn chinh vào Đông Dương. Chỉ sau một thời gian ngắn, địch đã củng cố, xây dựng được 84 tiểu đoàn cơ động chiến lược, trong đó tập trung 44 tiểu đoàn ở đồng bằng Bắc Bộ.
Về phía ta, cuối tháng 9/1953, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp bàn, đề ra chủ trương chiến lược cho hoạt động quân sự Đông Xuân 1953 - 1954: Sử dụng một bộ phận chủ lực mở những cuộc tiến công vào những hướng địch tương đối yếu, có nhiều sơ hở, đồng thời tranh thủ cơ hội tiêu diệt địch ở những hướng địch có thể đánh sâu vào vùng tự do của ta; trong lúc đó, đẩy mạnh chiến tranh du kích ở khắp các chiến trường sau lưng địch, tích cực tiến hành mọi sự chuẩn bị cần thiết trong nhân dân và bộ đội địa phương, dân quân du kích các vùng tự do để cho chủ lực rảnh tay làm nhiệm vụ. Phương châm, nguyên tắc chỉ đạo tác chiến chiến lược là: Tích cực, chủ động, cơ động và linh hoạt; đánh ăn chắc, tiến ăn chắc, chắc thắng thì đánh cho kì thắng, không chắc thắng thì kiên quyết không đánh.
Chấp hành chủ trương chiến lược đã đề ra, quân dân Việt Nam phối hợp chặt chẽ cùng với quân dân hai nước bạn Lào và Campuchia mở các cuộc tiến công trên khắp chiến trường Đông Dương buộc Pháp phải phân tán lực lượng đối phó. Khối chủ lực cơ động của địch từ chỗ tập trung chủ yếu ở Đồng bằng Bắc Bộ, chỉ sau một thời gian ngắn, chính thức “bị xé nát” thành 5 mảnh, đứng chôn chân trên 5 khu vực (Đồng bằng Bắc Bộ, Tây Bắc, Trung Lào, Tây Nguyên, Thượng Lào) mà hầu như không thể hỗ trợ được cho nhau.
Phối hợp với đòn tiến công của bộ đội chủ lực, ở chiến trường sau lưng địch, ta đẩy mạnh chiến tranh du kích nhằm bảo vệ căn cứ kháng chiến, chia cắt giao thông, tiến công diệt thêm đồn bốt, căn cứ hậu cần, uy hiếp hệ thống phòng tuyến bên ngoài của địch... Sự phối hợp chiến đấu nhịp nhàng, rộng khắp đã đẩy quân Pháp lún sâu vào thế bị động. Kế hoạch Nava bước đầu bị phá sản.
Tại mặt trận Tây Bắc, từ tháng 11/1953, trước sự tiến công của quân ta, bộ chỉ huy quân Pháp ở Đông Dương quyết định điều quân xây dựng Điện Biên Phủ thành tập đoàn cứ điểm mạnh. Trong toan tính của tướng Nava, Điện Biên Phủ giữ vị trí chiến lược quan trọng nhằm bảo vệ Tây Bắc, Thượng Lào. Mặt khác, nơi đây là thung lũng phì nhiêu (dài 18km, rộng 6 – 8km), giàu có nhất vùng Tây Bắc. Không gian và địa thế đó cho phép xây dựng một tập đoàn cứ điểm mạnh nhằm thu hút và đánh bại chủ lực đối phương.
Đến đầu tháng 3/1954, quân địch tập trung tại Điện Biên Phủ lên đến 16.200 tên, gồm những đơn vị bộ binh, pháo binh, công binh, xe tăng, không quân thuộc loại tinh nhuệ nhất ở Đông Dương; được bố trí thành hệ thống phòng ngự mạnh, gồm 49 cứ điểm, chia thành 3 phân khu. Cả Pháp và Mỹ đều đánh giá Điện Biên Phủ là “pháo đài không thể công phá”, công khai thách thức đối phương tiến công.
Về phía ta, sau khi phân tích kỹ tình hình mọi mặt, nhất là so sánh tương quan lực lượng địch - ta, Trung ương Đảng và Bộ chỉ huy tối cao đã quyết tâm mở chiến dịch tiến công Điện Biên Phủ - đòn quyết chiến chiến lược nhằm kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Đại tướng Võ Nguyên Giáp được giao trọng trách Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng ủy chiến dịch.
Với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng!”, cả nước dồn sức cho chiến trường Điện Biên Phủ. Lực lượng tham gia chiến đấu lên đến 55.000 quân, gồm 3 đại đoàn bộ binh (308, 312, 316), Trung đoàn bộ binh 57 (Đại đoàn 304), Đại đoàn công binh - pháo binh 351. Trên 260.000 dân công và 27.400 tấn gạo được huy động để cung cấp cho chiến dịch. Hàng vạn thanh niên xung phong phối hợp cùng bộ đội công binh ngày đêm mở đường ra mặt trận dưới bom đạn địch, nên sau một thời gian ngắn, hàng ngàn ki-lô-mét đường được xây dựng, sửa chữa. Công tác chuẩn bị các mặt trên vượt ra ngoài mọi dự đoán, tạo bất ngờ lớn đối với cả Pháp và Mỹ.
Ngày 13/3/1954, quân ta nổ súng tiến công, mở màn chiến dịch. Sau 56 ngày đêm chiến đấu dũng mãnh, vượt qua muôn vàn gian khổ, “gan không núng, chí không mòn”, chiều 7/5/1954, bộ đội ta đã tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, bắt sống tướng chỉ huy De Castries (Đờ-cát), kết thúc thắng lợi trận quyết chiến chiến lược
(CÒN TIẾP)
>>> Đường link tải nội dung đầy đủ: https://bitly.com.vn/dl0xb1
 
ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN KỶ NIỆM 80 NĂM THÀNH LẬP ĐỘI
THIẾU NIÊN TIỀN PHONG HỒ CHÍ MINH (15/5/1941 – 15/5/2021)
Năm 2021 đánh dấu chặng đường lịch sử 80 năm vẻ vang của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh và thiếu nhi Việt Nam, công tác Đội và phong trào thiếu nhi tỉnh Bình Dương được chọn với chủ đề “Thiếu nhi Bình Dương – Tự hào truyền thống, Tiến bước lên Đoàn”. Đây là dịp để mỗi thiếu nhi, Đội viên nhìn lại lịch sử hào hùng của Đội TNTP Hồ Chí Minh, đồng thời, là cơ hội để các em thể hiện vai trò là con ngoan trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ, làm tốt 5 điều Bác Hồ dạy, kế thừa và phát huy truyền thống Đội TNTP, tiếp bước lên Đoàn, xây dựng Bình Dương và đất nước. Nhằm mục đích giúp thiếu nhi, đội viên hiểu rõ hơn về lịch sử, truyền thống Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, về những thành tích mà đội viên thiếu nhi cả nước nói chung và tỉnh Bình Dương nói riêng đạt được qua các phong trào công tác Đội, về những gương anh hùng nhỏ tuổi, Hội đồng Đội tỉnh Bình Dương giới thiệu đến các em đội viên, thiếu nhi thành phố những nội dung chủ yếu về quá trình hình thành, xây dựng tổ chức Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2021).
I. Sự ra đời của đội TNTP Hồ Chí Minh
Đảng Cộng Sản Việt Nam thành lập vào ngày 03/02/1930. Từ đó, phong trào đấu tranh chống đế quốc và phong kiến dưới sự lãnh đạo của Đảng ngày càng phát triển. Trong đấu tranh giành độc lập tự do, Bác Hồ và Đảng luôn quan tâm đến thế hệ trẻ vì đó là một lực lượng quan trọng trong công cuộc cách mạng cứu quốc, và chỉ một năm sau ngày thành lập, Đảng đã thấy rõ tầm quan trọng của việc thành lập tổ chức Đoàn, ngày 26/3/1931, tại Hội nghị lần thứ 2 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết thành lập tổ chức Đoàn Thanh niên, tiếp theo sau đó, tại Hội nghị lần thứ 8 của Trung ương Đảng vào tháng 5/1941, Trung ương Đảng đã ra quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh đoàn kết đánh Tây, đuổi Nhật, giành độc lập tự do cho dân tộc Việt Nam.
Ngay sau đó, vào ngày 15/5/1941 lịch sử, tại thôn Nà Mạ, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, tổ chức Hội Nhi đồng Cứu quốc (nay là Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh) đầu tiên được thành lập với 5 đội viên là Nông Văn Dền (tức Kim Đồng) được bầu làm Đội trưởng, Nông Văn Thàn (tức Cao Sơn), Lý Văn Tịnh (tức Thanh Minh), Lý Thị Nì (tức Thủy Tiên), Lý Thị Xậu (tức Thanh Thủy).
Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh là tổ chức của thiếu nhi Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng Sản Việt Nam sáng lập, được Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh phụ trách, từ những ngày đầu thành lập, là thành viên của Mặt trận Việt Minh, Đội hoạt động theo điều lệ của Mặt trận Việt Minh với nội dung: “Dự bị giúp đánh Tây, đánh Nhật Bản cho Việt Nam hoàn toàn độc lập”. Điều đó cho thấy, Đội luôn là tổ chức nòng cốt trong các phong trào thiếu nhi, là lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường, là lực lượng dự bị của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Đội lấy 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng làm mục tiêu phấn đấu rèn luyện cho Đội viên. Đứng dưới cờ Đội quang vinh, Đội viên được phát triển mọi khả năng trong hoạt động, học tập, vui chơi, cống hiến sức mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc.
II. Đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh – 80 năm xây dựng và trưởng thành 
Từ ngày được thành lập đến nay, theo sự nghiệp cách mạng của Đảng và được Đoàn phụ trách, Đội càng ngày càng phát triển. Theo từng thời kỳ, Đội đã đổi tên cho phù hợp với yêu cầu của cách mạng và nguyện vọng của thiếu niên, nhi đồng như Đội Nhi đồng Cứu quốc, Đội Thiếu niên Tháng Tám, Đội Thiếu niên tiền phong Việt Nam và ngày 30/01/1970, thể theo nguyện vọng của thiếu niên, nhi đồng cả nước, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết cho Đội được mang tên Bác Hồ kính yêu: Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh.
Sau ngày 15/5/1941, vâng theo lời Bác dạy, cùng cha anh làm cách mạng, Đội thiếu nhi cứu quốc được thành lập ở khắp các địa phương trong cả nước. Các đội viên, thiếu nhi tích cực tham gia hoạt động cách mạng như làm liên lạc, trinh sát, bảo vệ trật tự trị an, bảo vệ xóm làng, tham gia lao động tiết kiệm, xoá mù chữ... đã lập công xuất sắc như Đội thiếu niên du kích Đình Bảng, Đội thiếu nhi Bát Sắt (Hà Nội), Đội Thiếu nhi Thành Huế, Đội Thiếu nhi Đồng Tháp Mười... nhiều đội viên thiếu nhi anh hùng xuất hiện như Kim Đồng, Dương Văn Nội, Phạm Ngọc Đa, Vừ A Dính... của thời kỳ chống Pháp đã trở thành những gương sáng cho các thế hệ thiếu nhi Việt Nam noi theo, làm sáng ngời trang sử của Đội Thiếu niên Tiền phong.
Suốt 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, lớp lớp thiếu nhi Việt Nam ở hai miền Nam, Bắc đã góp phần nhỏ bé của mình vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc như: Phong trào Trần Quốc Toản do Bác Hồ phát động năm 1948, phong trào “Vì miền Nam ruột thịt”, “Việc nhỏ, chí lớn, chống Mỹ cứu nước”, “Làm nghìn việc tốt thực hiện 5 Điều Bác Hồ dạy”, đã có nhiều tập thể Đội và cá nhân đội viên giành danh hiệu “Cháu ngoan Bác Hồ”, nhiều đội viên thiếu niên tiền phong đã trở thành dũng sĩ diệt Mỹ, diệt nguỵ, các anh hùng thiếu nhi quên thân mình hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, xây dựng xóm làng như Trần Văn Thọ, Nguyễn Bá Ngọc, Kơpa Kơlơng, Trần Văn Uẩn...
 
Vâng lời Bác dạy:         
“Tuổi nhỏ làm việc nhỏ
Tuỳ theo sức của mình
Để tham gia kháng chiến
Để giữ gìn hoà bình”.
 
Đội viên thiếu niên tiền phong và thiếu nhi Việt Nam đã không ngừng tu dưỡng và rèn luyện, tích cực xây dựng tổ chức Đội, góp sức nhỏ bé của mình vào sự nghiệp cách mạng chung. Suốt những năm qua, các phong trào và hoạt động của Đội luôn gắn liền với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, gắn liền với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Đội đã tổ chức các hoạt động giáo dục phù hợp với lứa tuổi theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản, dưới sự hướng dẫn của các anh chị phụ trách, tạo cho thiếu niên nhi đồng biết vượt khó để học tập tốt, rèn luyện tốt, phấn đấu trở thành con ngoan, trò giỏi, đội viên tốt, Cháu ngoan Bác Hồ, mai này trở thành người công dân mới, góp phần xây dựng Tổ quốc Việt Nam giàu đẹp.
Phong trào “Kế hoạch nhỏ” (1958) để tiết kiệm làm ra của cải vật chất như xây dựng Nhà máy nhựa Thiếu niên Tiền phong (1959 đi vào hoạt động), Đoàn tàu lửa chạy trên đường sắt Thống Nhất (1979), Khách sạn Khăn quàng đỏ (1987)... và hàng nghìn công trình khác ở các địa phương đã tạo nên những cơ sở vật chất văn hóa cho thiếu nhi và xã hội. Phong trào xây dựng Hợp tác xã Măng non, lập các quỹ “Vì bạn nghèo”, “Hỗ trợ tài năng trẻ”, quỹ Vừ A Dính, Đôrêmon, Giải thưởng Kim Đồng... đã thu hút hàng tỷ đồng nhằm giúp đỡ hàng nghìn bạn có hoàn cảnh khó khăn có thêm điều kiện sinh hoạt và học tập, hoà nhập với cộng đồng. Các phong trào “Nói lời hay, làm việc tốt, phấn đấu trở thành con ngoan, trò giỏi, đội viên tốt, Cháu ngoan Bác Hồ”; phong trào “Hành quân theo bước chân những người anh hùng”, “Về với cội nguồn”, “Vì điểm tựa tiền tiêu”, “áo lụa tặng bà”, “Địa chỉ nghĩa tình”... đã thu hút hàng triệu em tham gia. Thông qua các hoạt động đó, các em được tự rèn luyện và được giáo dục những truyền thống cách mạng, những phẩm chất tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
80 năm qua, những trang vàng sử Đội và hào khí truyền thống của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh mỗi ngày một sáng. Lịch sử đó, truyền thống đó gắn liền với phong trào thiếu nhi Việt Nam và là một bộ phận không thể tách rời trong lịch sử Đảng, lịch sử dân tộc và lịch sử Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh... Với những cống hiến của Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh và thiếu niên, nhi đồng Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Đội (tháng 5/2001), Nhà nước ta đã quyết định trao tặng Huân chương Sao vàng - phần thưởng cao quý nhất của Đảng và Nhà nước cho Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh. Thành tích đó đã đánh dấu một mốc son chói lọi trên con đường phát triển của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh và lớp lớp thiếu nhi Việt Nam.
Trước sự phát triển vượt bậc về khoa học công nghệ và sự vươn mình đột phá vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh đã có những bước phát triển mới với 12 triệu đội viên và hơn 6 triệu nhi đồng; gần 30.000 tổng phụ trách trong các trường học, cán bộ phụ trách thiếu nhi ở địa bàn dân cư; hàng ngàn cán bộ chuyên trách và đội ngũ cộng tác viên với đầy đủ năng lực hoạt động trong các cơ sở Đội, Nhà thiếu nhi, đang ngày đêm miệt mài chăm lo cho sự phát triển của thế hệ măng non đất nước.
Trong những năm gần đây, Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành tiếp tục dành sự quan tâm đặc biệt cho thiếu niên, nhi đồng và công tác trẻ em. Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 42-CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015 - 2030”. Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII vừa thông qua Luật Trẻ em, trong đó có nhiều quy định, chế tài cụ thể để bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; đặc biệt, Luật quy định Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh là tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em.
Cùng với những chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước, Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X về phụ trách Đội TNTP Hồ Chí Minh, chăm sóc, giáo dục thiếu niên nhi đồng, đẩy mạnh cuộc vận động “Vì đàn em thân yêu” đã thổi không khí và sức sống mới cho các hoạt động của Đội và phong trào thiếu nhi. Đưa tinh thần Nghị quyết vào thực tiễn phong trào, công tác xây dựng Đội trong những năm gần đây đã có nhiều chuyển biến tích cực: Đội ngũ phụ trách thiếu nhi, cán bộ Đội được tăng cường, chất lượng nội dung sinh hoạt Sao nhi đồng được cải tiến, nội dung sinh hoạt Đội được đổi mới từng bước phù hợp với nhu cầu của thiếu nhi. Hoạt động Đội trong nhà trường từng bước được củng cố và nâng cao, hoạt động thiếu nhi ở địa bàn dân cư được đẩy mạnh và nhân rộng, công tác Sao nhi đồng có những bước phát triển, công tác bồi dưỡng đội viên lớn lên Đoàn có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều phong trào, hoạt động mới đã tạo ra hiệu quả xã hội thiết thực của thiếu nhi tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Phong trào “Thiếu nhi Việt Nam thi đua làm theo 5 điều Bác Hồ dạy” tiếp tục là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong các hoạt động của tổ chức Đội và thiếu niên, nhi đồng, thể hiện lòng biết ơn vô hạn của thiếu nhi Việt Nam với vị lãnh tụ, người cha già muôn vàn kính yêu của dân tộc, tạo môi trường học tập và rèn luyện, góp phần bồi dưỡng hình thành cho các em những giá trị phẩm chất tốt đẹp của người công dân mới xã hội chủ nghĩa. Chương trình “Thắp sáng ước mơ thiếu nhi Việt Nam” đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong đội viên, thiếu niên nhi đồng và các tầng lớp nhân dân, góp phần cổ vũ các em xây dựng niềm tin, ước mơ hoài bão, vượt khó vươn lên trong cuộc sống, xứng đáng là con ngoan, trò giỏi, đội viên tốt, Cháu ngoan Bác Hồ.
Vâng lời Bác Hồ dạy, phát huy truyền thống “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ” các thế hệ thiếu nhi đã tích cực tham gia phong trào “Nghìn việc tốt” và đã xuất hiện những tấm gương thiếu nhi tiêu biểu, những tập thể điển hình với nhiều chiến công và thành tích vượt bậc trên tất cả các mặt học tập, rèn luyện và tham gia các hoạt động xã hội như: Dũng cảm cứu bạn, giúp đỡ gia đình, chăm sóc ông bà, cha mẹ; những nhà tin học nhỏ tuổi, những huy chương vàng trên lĩnh vực thể thao...
Nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp bộ Đoàn trong tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí cho thiếu niên, nhi đồng, Ban Chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh khóa IX đã ban hành nghị quyết số 06-NQ/TWĐTN ngày 29 tháng 3 năm 2010 về tăng cường các hoạt động vui chơi giải trí cho thiếu niên, nhi đồng. Trong hơn 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, ở các bộ Đoàn đã có nhiều chuyển biến tích cực trong công tác tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí cho thiếu niên, nhi đồng. Ngày hội thiếu nhi vui, khỏe tiến bước lên Đoàn, Chương trình “Đêm hội trăng rằm”, các cuộc thi, trò chơi trực tuyến trên mạng xã hội như “Chinh phục vũ môn”, “Trạng nguyên Tiếng Việt”, “Cùng nhau giúp bạn”, “Phòng chống tai nạn thương tích dành cho trẻ em”… được triển khai rộng khắp trên cả nước, tập hợp, thu hút đông đảo các em thiếu nhi tham gia vào các hoạt động vui chơi giải trí lành mạnh.
(CÒN TIẾP)
>>> Link tải nội dung đầy đủ:  https://bitly.com.vn/58c5ua
 
 
III. PHÁP LUẬT
1. Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 05-2021
Nghị định hướng dẫn Luật Căn cước công dân; quy định về công an xã chính quy; tăng mức hỗ trợ học nghề cho người đóng bảo hiểm thất nghiệp… là ba trong số nhiều chính sách mới có hiệu lực trong tháng 5/2021.
  1.  Cho phép nhắn tin để tra cứu thông tin về nơi cư trú
Nghị định 37/2021 sửa đổi Nghị định 137/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Căn cước công dân sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 14/5/2021.
Nghị định này cho phép công dân khai thác thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bằng văn bản yêu cầu cung cấp thông tin hoặc thông qua dịch vụ nhắn tin, cổng dịch vụ công quốc gia, cổng dịch vụ công Bộ Công an.
Cũng theo Nghị định, công dân đã đăng ký khai sinh nhưng chưa được cấp số định danh cá nhân thì cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư xác lập số định danh cá nhân cho công dân theo thông tin hiện có trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Ngay sau khi xác lập được số định danh cá nhân cho công dân, cơ quan trên sẽ có văn bản thông báo cho công dân về số định danh cá nhân đã được xác lập và các thông tin của công dân hiện có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
  1.  Tăng mức hỗ trợ học nghề cho người đóng bảo hiểm thất nghiệp
Từ ngày 15/5/2021, mức hỗ trợ học nghề đối với người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp sẽ được áp dụng theo Quyết định 17/2021, thay cho Quyết định 77/2014 của Thủ tướng Chính phủ.
Cụ thể, mức hỗ trợ đối với người tham gia khóa đào tạo nghề trên 03 tháng tối đa là 1,5 triệu đồng/người/tháng; đối với người tham gia khóa đào tạo nghề đến 03 tháng tối đa là 4,5 triệu đồng/người/khóa đào tạo. Trước đây, mức hỗ trợ được quy định chỉ là 01 triệu đồng/người/tháng, không phụ thuộc vào thời gian đào tạo. Những người lao động đã nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ học nghề trước ngày 15/5/2021 nhưng chưa có quyết định hỗ trợ học nghề thì được áp dụng mức hỗ trợ học nghề mới nêu trên.
  1.  Lộ trình xây dựng công an xã, thị trấn chính quy
Đây là nội dung nêu trong Nghị định 42/2021/NĐ-CP của Chính phủ, có hiệu lực từ ngày 16/5/2021. Theo đó, lộ trình bố trí công an xã, thị trấn chính quy trên cả nước được quy định như sau:
- Trước ngày 30/6/2021: Hoàn thành tổ chức công an xã chính quy ở các xã, thị trấn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự;
- Trước ngày 30/6/2022: Hoàn thành tổ chức công an xã chính quy ở các xã, thị trấn còn lại.
Đối với xã, thị trấn đã tổ chức công an chính quy, trường hợp công an xã bán chuyên trách được đồng ý tiếp tục sử dụng tham gia bảo đảm an ninh, trật tự cơ sở thì được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của Pháp lệnh Công an xã cho đến khi có văn bản khác.
  1. Ngân hàng miễn giảm lãi vay do ảnh hưởng của Covid 19
Tại Thông tư 03, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài miễn, giảm lãi, phí đến ngày 31/12/2021 đối với số dư nợ của khoản nợ phát sinh trước ngày 10/6/2020 từ hoạt động cấp tín dụng, mà nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi đến hạn thanh toán trong thời gian từ 23/01/2020 đến 31/12/2021 và khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận theo doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của Covid-19.
Đồng thời, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cũng được yêu cầu cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ của khoản nợ đến ngày 31/12/2021 nếu khách hàng đáp ứng các điều kiện như: Phát sinh trước ngày 10/6/2020 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính; Phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày 31/12/2021…
Thông tư 03/2021/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 17/5/2021.
  1. Lần đầu quy định về dạy học trực tuyến
Thông tư 09/2021 là văn bản đầu tiên của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chính thức quy định về tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên.
Theo Thông tư này, hoạt động dạy học trực tuyến được thực hiện theo các bài học hoặc chủ đề trong chương trình giáo dục phổ thông, bảo đảm sự tương tác giữa giáo viên và học sinh trong quá trình dạy học.
Việc kiểm tra, đánh giá định kỳ kết quả học tập trực tuyến của học sinh được thực hiện trực tiếp tại trường học, nhưng trường hợp học sinh không thể đến trường bởi lý do bất khả kháng, việc tổ chức kiểm tra, đánh giá định kỳ được thực hiện bằng hình thức trực tuyến.
Thông tư 09/2021/TT-BGDĐT có hiệu lực từ 16/5/2021.
  1. Không còn thu lệ phí gia hạn hộ chiếu
Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 25/2021/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam.
Theo đó, trong Biểu mức thu phí, lệ phí ban hành kèo theo không còn quy định về mức thu lệ phí gia hạn hộ chiếu.
Thông tư 219/2016/TT-BTC trước đây quy định lệ phí gia hạn hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ là 100.000 đồng/lần.
Thông tư 25 có hiệu lực từ ngày 22/5/2021.
Nguồn: luatvietnam.vn
Link: https://bom.to/fAwtzswWgTt9p
 
2. Hướng dẫn tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ tuyên truyền bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026:
Ngày 8/4, Ban Tuyên giáo Trung ương đã ban hành Hướng dẫn số 05 - HD/BTGTW về việc tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ tuyên truyền bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
>> Đường link tải nội dung: https://bitly.com.vn/ba3ow3
 
IV. ĐỊNH HƯỚNG TUYÊN TRUYỀN THÁNG 05/2021
1. Tình hình dịch bệnh Covid 19:
- Tiếp tục tích cực thực hiện các hình thức tuyên truyền, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời về tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Cô-rô-na (nCoV) và các biện pháp phòng ngừa để người dân, ĐVTN chủ động, tích cực trong việc phòng, chống dịch bệnh; các hoạt động của Đoàn – Hội – Đội các cấp chung tay đẩy lùi dịch bệnh Covid-19, tăng cường tuyên truyền qua các hình thức trực quan sinh động; qua mạng xã hội (Fanpage, Facebook, Zalo...) do tổ chức Đoàn - Hội - Đội quản lý, chương trình phát thanh tại địa phương, đơn vị; thông qua các bản tin, tài liệu sinh hoạt Chi Đoàn, Chi Hội hàng tháng, ... đưa tin phù hợp, nhanh chóng, chính xác các chủ trương, biện pháp của Nhà nước và cơ quan chuyên môn trong phòng, chống dịch bệnh.
 - Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trong đoàn viên, thanh niên và người dân, lưu ý: thông tin, tuyên truyền tạo niềm tin cho các tầng lớp nhân dân, đi cùng việc chống tâm lý chủ quan, thờ ơ thiếu trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch bệnh; tăng cường thông tin các mặt tích cực, hoạt động thiện nguyện cộng đồng; đồng thời, đấu tranh phê phán những thông tin sai trái gây tâm lý hoang mang trong Nhân dân.
2. Đẩy mạnh cao điểm đợt tuyên truyền các hoạt động hướng tới bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 bằng nhiều hình thức phù hợp, tuân thủ theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại địa phương, đơn vị.
3. Tuyên truyền các ngày lễ, ngày kỷ niệm trong tháng 05 như: Ngày Quốc tế Lao động (01/5), 203 năm Ngày sinh Các-mác (05/5), 67 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5), 80 năm Ngày Thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5), 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5) và đặc biệt là hướng tới bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026
4. Các định hướng tuyên truyền thường xuyên:
- Tiếp tục nắm bắt và định hướng tình hình tư tưởng, các thông tin dư luận xã hội, nhất là các thông tin dư luận xã hội trên các trang mạng xã hội, thường xuyên báo cáo với lãnh đạo để xử lý kịp thời. Đặc biệt tăng cường tuyên truyền Nghị quyết Đại hội Đảng bộ toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và công tác chuẩn bị hướng tới bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026.
- Tăng cường tuyên truyền “Mỗi ngày 1 tin tốt, mỗi tuần 1 câu chuyện đẹp” trên fanpage đơn vị, gương điển hình trong các phong trào thi đua và các lĩnh vực học tập, công tác. Thực hiện triển khai chỉ thị 01 – CT/TW, ngày 09/3/2021 của Bộ Chính trị về việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII cho cán bộ Đoàn, đoàn viên thanh niên tại đơn vị.
- Tiếp tục triển khai chỉ thị 05-CT/TW của Bộ chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, đánh giá các mô hình cách làm hiệu quả; gương thanh niên tiêu biểu làm theo lời Bác. Tăng cường tuyên truyền các nội dung về triển khai các bài học lý luận chính trị, cuộc vận động Xây dựng giá trị hình mẫu thanh niên thời kỳ mới, tăng cường tuyên truyền công tác triển khai việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tại các địa phương, đơn vị trong tỉnh; lồng ghép với tuyên truyền kết quả kinh tế - xã hội của năm 2020; phản ánh phong trào thi đua yêu nước trên các lĩnh vực công tác, lao động, sản xuất, kinh doanh của Tỉnh.
- Tiếp tục thông tin tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh Covid-19 lồng ghép với tuyên truyền bảo vệ sức khỏe cộng đồng, phong trào thi đua toàn dân thực hành và tham gia phòng, chống các loại dịch bệnh tại cộng đồng cũng như nâng cao tinh thần chủ động, ý thức sẵn sàng ứng phó với những diễn biến bất thường của Covid 19,
- Tăng cường tuyên truyền các hoạt động đối nội, đối ngoại của lãnh đạo Đảng, nhà nước khẳng định vai trò và đóng góp của Việt Nam đối với Liên hiệp quốc, Asean, các diễn đàn, các tổ chức quốc tế khác trong đó nổi bật là năm chủ tịch Asean và ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc. Đẩy mạnh tuyên truyền về biển, đảo Việt Nam, khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam đối với vùng biển, hải đảo, chủ trương, lập trường nhất quán của Đảng ta trong giải quyết các tranh chấp.
- Tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ đoàn, đoàn viên thanh niên nâng cao cảnh giác và đẩy mạnh công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch trong tình hình mới.
- Tuyên truyền, triển khai thực hiện Luật Thanh niên (sửa đổi), Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, trọng tâm là tham mưu chính sách cho thanh niên. Tiếp tục công tác tuyên truyền phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do Virus Covid-19 gây ra; nhanh chóng triển khai chương trình công tác Đoàn và phong trào thanh niên trường học, công tác Hội và phong trào sinh viên, công tác Đội và phong trào thiếu nhi năm học 2020 – 2021; định hướng chương trình công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi năm 2021; các hoạt động tuyên truyền bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026.v.v…
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây