TÀI LIỆU SINH HOẠT THÁNG 10 NĂM 2019

Thứ hai - 14/10/2019 22:29
CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 62 NĂM NGÀY THÀNH LẬP
HỘI LHTN VIỆT NAM (15/10/1956 -15/10/2019)

HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH
Nhớ những lời dạy của Bác Hồ dành cho thanh niên
 
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại luôn dành những tình cảm tốt đẹp cũng như thời gian, công sức, trí tuệ của mình để giáo dục, bồi dưỡng các thế hệ thanh niên Việt Nam đến với cách mạng, tham gia vào quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc… Bởi theo Người thanh niên luôn là lực lượng tiên phong, xung kích trên các mặt trận, góp phần xây dựng hoà bình. Bác rất tin tưởng ở thanh niên - lực lượng hậu bị của Đảng và là lực lượng cách mạng cho đời sau.
Ngay từ thời trẻ, Người đã ý thức được vai trò của thanh niên trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc là vô cùng to lớn. Như tình cảm của một người cha đối với con, Bác Hồ hiểu rõ những ưu, nhược điểm của thanh niên nước ta. Bác luôn căn dặn thanh niên: “Thanh niên sẽ làm chủ nước nhà. Phải học tập mãi, tiến bộ mãi, mới thật là thanh niên”. Bác luôn nhấn mạnh đến việc học tập, vấn đề cốt lõi để các thế hệ thanh niên trang bị cho mình sự hiểu biết, vốn kiến thức, một trong những điều kiện tiên quyết để đảm bảo cho các thế hệ thanh niên có thể vươn mình ra biển lớn, lấy sức trẻ làm giàu cho Tổ quốc, quê hương.
Có thể khẳng định rằng, chăm lo, bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một bộ phận quan trọng trong hệ thống tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người đã dành cho thế hệ trẻ những tình cảm và sự quan tâm sâu sắc.
Nhân dịp kỷ niệm 62 năm Ngày thành lập Hội LHTN Việt Nam (15/10/1956- 15/10/2018). Nhân dịp này, xin được trích dẫn những lời dạy mà lúc sinh thời Bác đã dành cho các thế hệ thanh niên Việt Nam để thấy được những tình cảm sâu sắc, sự quan tâm bồi dưỡng những thế hệ thanh niên của Bác kính yêu.
 Hỡi Đông Dương đáng thương hại! Người sẽ chết mất, nếu đám thanh niên già cỗi của Người không sớm hồi sinh”.
(Thư gửi Thanh niên An Nam, 1925)
“… ngày nay chúng ta phải xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên để lại cho chúng ta, làm sao cho chúng ta theo kịp các nước khác trên toàn cầu. Trong công cuộc kiến thiết đó, nhà nước trông mong chờ đợi ở các em rất nhiều. Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai cùng các cường quốc năm châu được hay không chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.
(Thư gửi các em học sinh nhân Ngày khai trường đầu tiên
 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tháng 9/1945).
“Hỡi anh chị em thanh niên Nam Bộ!
Tôi thề cùng các bạn giữ vững nền độc lập tự do của nước Việt Nam. Dẫu có phải hy sinh đến nửa số dân tộc, ta cũng quyết hy sinh. Cuộc kháng chiến tự vệ chính nghĩa của dân tộc Việt Nam phải toàn thắng”.
(“Lời kêu gọi thanh niên Nam Bộ”, ngày 30/10/1945)
“... Một năm khởi đầu từ mùa Xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa Xuân của xã hội.
Vậy qua năm mới, các cháu phải xung phong thực hành “đời sống mới”.
Đời sống mới là:
- Hăng hái, kiên quyết, không sợ khó, không sợ khổ.
- Phải siêng học, phải siêng làm, phải tiết kiệm.
- Việc nên làm (như ủng hộ kháng chiến, tăng gia sản xuất) thì ta không chờ ai nhắc nhủ.
- Việc nên tránh (như tự tư tự lợi) thì ta không đợi ai ngăn ngừa”
 (Gửi thanh niên và nhi đồng toàn quốc nhân dịp Tết sắp đến,
1 - 1946, Sđd, tập 4, trang 167.)
“… Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên. Thanh niên muốn làm chủ tương lai cho xứng đáng thì ngay hiện tại phải rèn luyện tinh thần và lực lượng của mình, phải làm việc để chuẩn bị cái tương lai đó”.
 (“Thư gửi các bạn thanh niên”, ngày 12/8/1947)
            “Không có việc gì khó
             Chỉ sợ lòng không bền
             Đào núi và lấp biển
             Quyết chí ắt làm nên”.
(Bài thơ Bác tặng Đơn vị thanh niên xung phong 312
 làm đường tại xã Cẩm Giàng, Bạch Thông, Bắc Kạn, ngày 28/3/1951)
“Ưu điểm của thanh niên ta là hăng hái, giàu tinh thần xung phong. Khuyết điểm là ham chuộng hình thức, thiếu thực tế, bệnh cá nhân, bệnh anh hùng. Rất mong toàn thể thanh niên ta ra sức phát triển những ưu điểm và tẩy sạch những khuyết điểm ấy. Huy hiệu của thanh niên ta là “tay cầm cờ đỏ sao vàng tiến lên”. Ý nghĩa của nó là: Phải xung phong làm gương mẫu trong công tác, trong học hỏi, trong tiến bộ, trong đạo đức cách mạng. Thanh niên phải thành một lực lượng to lớn và vững chắc trong công cuộc kháng chiến và kiến quốc. Đồng thời phải vui vẻ, hoạt bát. Bác mong mỗi cháu và toàn thể các cháu nam nữ thanh niên cố gắng làm tròn nhiệm vụ, để xứng đáng với cái huy hiệu tươi đẹp và vẻ vang ấy”.
(Thư gửi thanh niên, tháng 4/1951, Hồ Chí Minh toàn tập)
 “Kháng chiến càng tiến tới, công việc ngày càng nhiều, chúng ta cần củng cố và phát triển Ðội TNXP để bảo đảm thêm công việc kháng chiến và đào tạo cán bộ sau này. Nhiệm vụ của Ðội TNXP là xung phong mọi việc bất kỳ việc khó, việc dễ và phục vụ đến ngày kháng chiến thành công. Ðó là nhiệm vụ rất vẻ vang của thanh niên”.
(“Ðội Thanh niên xung phong” đăng trên báo Nhân Dân số 147, 1953)
 “Nhiệm vụ của thanh niên không phải là hỏi nước nhà đã cho mình những gì. Mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà? Mình phải làm thế nào cho ích lợi nước nhà nhiều hơn? Mình đã vì lợi ích nước nhà mà hy sinh phấn đấu chừng nào?”
(Bài nói chuyện với sinh viên và thanh niên trong 
Lễ khai mạc Trường Đại học Nhân dân Việt Nam ngày 19/11/1955)
 “Tính trung bình thanh niên chiếm độ 1 phần 3 tổng số nhân dân – tức là một lực lượng to lớn. Lực lượng to lớn thì phải có nhiệm vụ to lớn”
(“Nhiệm vụ của thanh niên ta”, báo Nhân dân ngày 20/12/1955)
“Người ta thường nói: Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Để thật xứng đáng là người chủ của một nước xã hội chủ nghĩa, thanh niên ta quyết tâm thực hiện mấy điều sau đây:
- Phải thấm nhuần đạo đức cách mạng tức là khiêm tốn, đoàn kết, thực hành chủ nghĩa tập thể, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau, người tiên tiến thì giúp đỡ người kém, người kém phải cố gắng để tiến lên, ra sức cần kiệm xây dựng nước nhà.
- Phải nghiêm khắc chống chủ nghĩa cá nhân như tự tư tự lợi, tự kiêu, tự mãn, chỉ tham việc gì có danh tiếng, xem khinh những công việc bình thường. Phải chống tham ô, lãng phí.
- Phải cố gắng học hỏi để không ngừng nâng cao trình độ chính trị, văn hóa và kỹ thuật để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân.”
(Bài nói chuyện tại Đại hội Thanh niên tích
 cực lao động xã hội chủ nghĩa, ngày 17/3/960)
 “Thanh niên ta phải cố gắng học. Do hoàn cảnh trong xã hội cũ hạn chế nên số đông thanh niên công – nông ta ít được học. Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì nhất định phải có học thức”.
(Bài nói chuyện tại Đại hội lần thứ III 
của Đoàn thanh niên Lao động Việt Nam, ngày 24/3/1961)
 “Bác rất yêu quý thanh niên:
- Vì thanh niên là người tiếp sức cách mạng cho thế hệ thanh niên già, đồng thời là người phụ trách, dìu dắt thế hệ thanh niên tương lai - tức là các cháu nhi đồng.
- Vì thanh niên là người xung phong trong công cuộc phát triển kinh tế và văn hóa trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.
- Vì thanh niên là lực lượng cơ bản trong bộ đội, công an và dân quân tự vệ, đang hăng hái giữ gìn trật tự trị an, bảo vệ Tổ quốc”.
(Bài nói chuyện tại Đại hội toàn quốc lần thứ hai
 của Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, ngày 20/12/1961)
 “Phải không sợ khổ, không sợ khó, thực hiện đâu cần thanh niên có, việc khó có thanh niên, gặp gian khổ phải đi lên phía trước, khi hưởng thụ phải hưởng thụ sau mọi người”.
(Bài phát biểu tại Hội nghị Cán bộ toàn miền Bắc, tháng 9/1962)
 Đảng, Chính phủ và Bác rất chú ý đến thanh niên. Bác vui lòng khen ngợi những cố gắng của thanh niên… Thanh niên phải xung phong đến những nơi khó khăn gian khổ nhất, nơi nào người khác làm ít kết quả, thanh niên phải xung phong đến làm cho tốt.
Trọn đời trung thành với sự nghiệp cách mạng, với Tổ quốc, với Đảng, với giai cấp.
Không sợ khổ, không sợ khó, thực hiện: "Đâu cần thanh niên có, việc gì khó thanh niên làm", "gian khổ thì đi trước, hưởng thụ sau mọi người".
Không nên tự cho mình là tài giỏi, không khoe công, không tự phụ”
(Bài phát biểu tại Hội nghị cán bộ Đoàn Thanh niên 
Lao động Việt Nam toàn miền Bắc, ngày 22/9/1962)
 “Bác muốn dặn thêm các cháu mấy điều:
- Phải luôn luôn nâng cao chí khí cách mạng “trung với nước, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Không sợ gian khổ, hy sinh, hăng hái thi đua tăng gia sản xuất và anh dũng chiến đấu, xung phong đi đầu trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước.
 - Phải tin tưởng sâu sắc ở lực lượng và trí tuệ của tập thể, của nhân dân. Tăng cường đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau. Nâng cao ý thức tổ chức và kỷ luật. Kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tự do.
- Luôn luôn trau dồi đạo đức cách mạng, khiêm tốn và giản dị. Chống kiêu căng, tự mãn. Chống lãng phí, xa hoa. Thực hành tự phê bình và phê bình nghiêm chỉnh, để giúp nhau cùng tiến bộ mãi.
- Ra sức học tập nâng cao trình độ chính trị, văn hoá, khoa học kỹ thuật và quân sự để cống hiến ngày càng nhiều cho Tổ quốc, cho nhân dân.
- Luôn luôn chú ý dìu dắt và giáo dục thiếu niên và nhi đồng, làm gương tốt về mọi mặt cho đàn em noi theo”.
(Thư gửi thanh niên Ngày 2/9/1965, Báo
 “Các cháu xứng đáng là những thanh niên ưu tú của nhân dân Việt Nam anh hùng. Và, giặc Mỹ đã thua to ở hai miền nước ta, chúng đang thất bại ngày càng nặng nề hơn ở miền Nam, nhưng chúng vẫn rất ngoan cố chưa chịu từ bỏ âm mưu xâm lược nước ta. Vì vậy, Bác nhắc nhở các cháu: Phải nêu cao ý chí chiến đấu, tinh thần cảnh giác cách mạng, cùng quân dân ta quyết tâm đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược; luôn luôn đoàn kết, ra sức học tập chính trị, kỹ thuật, văn hóa để ngày càng tiến bộ, đem hết nhiệt tình tài năng của tuổi trẻ cống hiến thật nhiều cho sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước”.
(Thư khen ngợi đơn vị TNXP 333 có nhiều thành 
tích xuất sắc trên các tuyến đường Khu Bốn ác liệt, ngày 27/1/1969)
  “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa “hồng” vừa “chuyên”.
(Di Chúc của Người)
Trích: http://www.bqllang.gov.vn/

DI TÍCH LỊCH SỬ
MỘ CỤ PHAN THÀNH TÀI
Phan Thành Tài sinh năm 1878 ở làng Bảo An Tây, Tổng Đa Hòa, huyện Diên Phước, Phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (Nay là Thôn Bảo An Tây, Xã Điện Quang, Thị xã Điện Bàn, Tỉnh Quảng Nam); Phan Thành Tài hiệu là Đạt Đức, bí hiệu là Trúc Sơn, người trong làng , trong dòng tộc thường gọi ông là Học Tài.
Xuất thân trong một gia đình khoa bảng, Phan Thành Tài theo học chữ quốc ngữ, chữ Pháp tại Đà Nẵng và tốt nghiệp bậc Trung học vào năm 1899.
Năm 1904 -  1908, ông tham gia tích cực phong trào Duy tân do Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng khởi xướng. Khoảng thời gian này, ông cùng một số chí sĩ Duy tân như Trần Quý Cáp, Phan Thúc Duyện, Trương Bá Hy, Mai Dị mở trường Nghĩa thục Diên Phong tại Điện Thọ. Vừa là giáo viên, vừa là hiệu trưởng, ông rất quan tâm đến việc chăm lo sự nghiệp giáo dục đào tạo thế hệ trẻ theo đường hướng mới, biết yêu nước, thương dân, thấy rõ những bất công của xã hội đương thời.
Năm 1908 - 1912, Phan Thành Tài là yếu nhân trong phong trào chống thuế, tiên phong gia nhập “Việt Nam Quang Phục Hội” do Phan Bội Châu khởi xướng.
Năm 1916, ông được giao trọng trách Tổng tư lệnh Nam - Nghĩa - Bình, chỉ huy cuộc khởi nghĩa ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định. Cuộc khởi nghĩa Duy tân thất bại, bọn thực dân bắt giam ông tại nhà lao Vĩnh Điện. Sau nhiều ngày dụ dỗ rồi tra tấn không có kết quả, ngày 9.6.1916, chúng đem ông ra hành quyết gần bên bờ sông Vĩnh Điện.
Khu lăng mộ chí sĩ Phan Thành Tài hiện nằm ven con đường mang tên ông, qua địa bàn khối phố 2, phường Vĩnh Điện (thị xã Điện Bàn), được UBND Tỉnh Quảng Nam xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh theo quyết định Số: 440/QĐ-UB ngày 15/02/2005.
Bên trong khu lăng mộ, tộc họ và người dân địa phương trồng nhiều cây cảnh, hoa nở quanh năm. Nhằm tri ân công lao của cụ và giáo dục truyền thống cho tuổi trẻ, trường Tiểu học Phan Thành Tài (phường Điện An) và tuổi trẻ Vĩnh Điện thường xuyên tổ chức hoạt động về “địa chỉ đỏ”, nhận chăm sóc, làm đẹp di tích lịch sử, qua đó góp phần giáo dục truyền thống cho tuổi trẻ.

THEO DÒNG LỊCH SỬ
Những ngày đáng nhớ trong tháng 10

 
- 01/10/1991: Kỷ niệm Ngày Quốc tế Người cao tuổi.
- 10/10/1954: Kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ Đô.
- 13/10/1945: Kỷ niệm Ngày thành lập doanh nhân Việt Nam.
- 14/10/1930: Kỷ niệm Ngày thành lập Hội nông dân Việt Nam.
- 15/10/1956: Kỷ niệm Ngày thành lập hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam.
- 15/10/1930: Kỷ niệm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng.
- 20/10/1930: Kỷ niệm Ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam.
01/10/1991: Ngày Quốc tế Người cao tuổi
Ý thức được tầm quan trọng của người cao tuổi, năm 1982 lần đầu tiên Liên Hiệp quốc đã tiến hành Đại hội thế giới về tuổi già tại Áo, hơn 3.000 đại biểu của hầu hết các nước trên thế giới tham dự. Đại biểu của Việt Nam là giáo sư Phạm Khuê, viện trưởng viện lão khoa Việt Nam. Hội nghị đã thông qua chương trình hoạt động quốc tế về tuổi già và khuyến nghị chính phủ và nhân dân các nước quan tâm giải quyết từng bước những vấn đề về người cao tuổi căn cứ vào hoàn cảnh cụ thể của nước mình, tập trung vào 6 lĩnh vực: 
* Sức khoẻ và ăn uống
* Nhà ở và môi trường.
* Gia đình.
* Dịch vụ và bảo trợ xã hội.
* Việc làm.
* Nâng cao sự hiểu biết của người cao tuổi.
Đến năm 1990, tức 8 năm sau Đại hội thế giới ở Áo, để tập trung sự chú ý của thế giới về vấn đề người cao tuổi, đại hội đồng Liên Hiệp Quốc quyết định lấy ngày 1/10 hàng năm làm ngày quốc tế người cao tuổi, bắt đầu từ 01/10/1991.
 
15/10/1956: Kỷ niệm Ngày thành lập hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam
 
Trải qua hơn nửa thế kỷ xây dựng, phấn đấu trưởng thành dưới sự lãnh đạo của Đảng, với vai trò nòng cốt chính trị của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam ngày càng xứng đáng là tổ chức xã hội rộng rãi của thanh niên và các tổ chức thanh niên Việt Nam yêu nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh và lý tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, đoàn kết mọi tầng lớp thanh niên Việt Nam trong và ngoài nước cùng phấn đấu cho lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vì hạnh phúc và sự tiến bộ của thanh niên.
Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương phải hình thành một mặt trận thanh niên rộng rãi và thống nhất do Đoàn Thanh niên Cứu quốc làm nòng cốt. Ban Thường vụ Trung ương Đảng chỉ thị cho Tổng bộ Việt Minh chuẩn bị hình thành mặt trận đoàn kết rộng rãi các tầng lớp thanh niên lấy tên là Đoàn thanh niên Việt Nam. Tháng 6/1946, Tổng đoàn Thanh niên Việt Nam ra đời (gọi tắt là Đoàn Thanh niên Việt Nam), sau đổi thành Liên đoàn Thanh niên Việt Nam - một tổ chức rộng rãi của mọi thanh niên yêu nước tự nguyện đứng vào hàng ngũ của Liên đoàn do Đoàn Thanh niên Cứu quốc làm nòng cốt. Cuối năm 1946, Liên đoàn Thanh niên Việt Nam là thành viên chính thức của Liên đoàn Thanh niên dân chủ thế giới.
I. KHÁI QUÁT
1. Giới thiệu chung
- Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam là tổ chức xã hội rộng rãi của thanh niên và các tổ chức thanh niên Việt Nam yêu nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh và lý tưởng của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Hội LHTN Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam. 
- Hội LHTN Việt Nam là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. 
- Trải qua các thời kỳ hoạt động với những tên gọi khác nhau, Hội LHTN Việt Nam đã xây dựng nên truyền thống vẻ vang: đoàn kết mọi tầng lớp thanh niên đóng góp xứng đáng cho độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
- Bước vào thời kỳ mới, Hội LHTN Việt Nam tiếp tục phát huy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực tự cường, tài năng và sức trẻ của thanh niên, đoàn kết mọi thanh niên Việt Nam trong và ngoài nước cùng phấn đấu cho mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh, vì hạnh phúc và sự tiến bộ của tuổi trẻ.
- Hội LHTN Việt Nam đoàn kết, hợp tác với thanh niên, các tổ chức thanh niên trong khu vực và trên thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
2. Tôn chỉ, mục đích của Hội
Hội LHTN Việt Nam có mục đích: Đoàn kết, tập hợp rộng rãi các tầng lớp thanh niên Việt Nam trong và ngoài nước cùng phấn đấu cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.
3. Chức năng của Hội LHTN Việt Nam
- Tập hợp, đoàn kết, giáo dục mọi tầng lớp thanh niên Việt Nam. Hướng dẫn và tạo điều kiện để hội viên hoàn thiện nhân cách, trở thành công dân tốt, cống hiến tài năng sức trẻ vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
- Đại diện, bảo vệ lợi ích hợp pháp của hội viên và tổ chức thành niên trước pháp luật và công luận.
4. Nhiệm vụ của Hội LHTN Việt Nam
- Đoàn kết, tập hợp các lực lượng thanh niên Việt Nam trong và ngoài nước cống hiến tài năng, sức trẻ cho mục tiêu chung, khuyến khích hội viên và thanh niên tham gia tích cực vào hoạt động ích nước, lợi nhà, hướng thiện.
- Tổ chức các hoạt động thiết thực, góp phần giải quyết và đáp ứng những nhu cầu chính đáng của hội viên, thanh niên.
- Kêu gọi và kiến nghị kịp thời với các cơ quan Nhà nước, các tổ chức xã hội cùng chăm lo bảo vệ quyền lợi hợp pháp của hội viên và các tổ chức thành viên.
- Đoàn kết hợp tác với tổ chức thanh niên trong khu vực và trên thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ, tiến bộ xã hội vì cuộc sống văn minh, hạnh phúc của tuổi trẻ.
- Thường xuyên chăm lo xây dựng Hội, mở rộng mặt trận đoàn kết tập hợp thanh niên, tích cực tham gia xây dựng Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
5. Cơ cấu tổ chức của Hội LHTN Việt Nam
a. Hệ thống Ủy ban Hội các cấp:
- Hội LHTN Việt Nam được thành lập:
+ Cấp Trung ương.
+ Cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tương đương
+ Cấp quận, huyện, thị xã thành phố thuộc tỉnh và tương đương.
+ Cấp xã, phường, thị trấn và tương đương.
Hiện nay 63/63 tỉnh, thành phố đã có Ủy ban Hội và Hội LHTN Việt Nam Tập Đoàn Sông Đà trực thuộc Trung ương Hội LHTN Việt Nam và có mạng lưới chi Hội, Câu lạc bộ, Tổ, Đội, Nhóm thanh niên ở cơ sở.
b. Các tổ chức thành viên tập thể của Hội LHTN Việt Nam:
- Đoàn TNCS Hồ Chí Minh
- Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam
- Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam
- Hội Trí thức Khoa học và Công nghệ trẻ Việt Nam
- Ban vận động thành lập Hội Thanh niên khuyết tật Việt Nam
- Ban vận động thành lập Hội Công nghệ và Tin học trẻ Việt Nam
- Ban vận động thành lập Hội Xây dựng trẻ Việt Nam
- Ban vận động thành lập Hội Tài chính Ngân hàng trẻ Việt Nam
c. Các đơn vị trực thuộc Hội LHTN Việt Nam:
- Trung tâm công tác xã hội thanh thiếu niên
- Trung tâm tư vấn tình yêu hôn nhân và gia đình
- Trung tâm giáo dục vị thành niên
- Trung tâm Dạy nghề thanh niên
- Báo thanh niên
- Hãng phim thanh niên
- Cổng tri thức Thánh Gióng (www.thanhgiong.vn)
PHẦN II: CÁC MỐC SON LỊCH SỬ
Các kỳ Đại hội và Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam trong các nhiệm kỳ
* Tháng 6/1946, Tổng đoàn Thanh niên Việt Nam ra đời (gọi tắt là Đoàn Thanh niên Việt Nam), sau đổi thành Liên đoàn Thanh niên Việt Nam - là tổ chức rộng rãi của mọi thanh niên yêu nước tự nguyện đứng vào hàng ngũ của Liên đoàn do Đoàn Thanh niên Cứu quốc làm nòng cốt. Cuối năm 1946 Liên đoàn Thanh niên Việt Nam là thành viên chính thức của Liên đoàn Thanh niên dân chủ thế giới.
* Tháng 02/1950, Liên đoàn thanh niên Việt Nam tổ chức Đại hội lần thứ I tại căn cứ địa Việt Bắc trong khói lửa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Đây là sự kiện đánh dấu bước phát triển quan trọng trong công tác đoàn kết, tập hợp thanh niên với vai trò nòng cốt của Đoàn Thanh niên Cứu quốc. Đại hội đã bầu đồng chí Nguyễn Chí Thanh (nguyên là Uỷ viên Bộ Chính trị, Đại tướng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam) làm Chủ tịch Liên đoàn Thanh niên Việt Nam.
* Ngày 08/10/1956, Trung ương Liên đoàn Thanh niên Việt Nam và Ban vận động mặt trận thống nhất thanh niên tổ chức Đại hội tại Nhà hát lớn – Thủ đô Hà Nội. Đại hội đã thống nhất các tổ chức thanh niên Việt Nam với tên gọi chung là Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam. Huấn thị tại Đại hội, Bác Hồ căn dặn: “Là người chủ tương lai, cho nên toàn thể thanh niên ta phải đoàn kết chặt chẽ, phấn đấu anh dũng, vượt mọi khó khăn, thi đua giúp sức vào sự nghiệp xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, để mình làm chủ mai sau”. Bác sỹ - Anh hùng lao động Phạm Ngọc Thạch được bầu làm Chủ tịch Hội.
* Tháng 12/1961, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ II được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội. Giáo sư Phạm Huy Thông được bầu làm Chủ tịch.
* Ngày 08/12/1994, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ III được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội với 400 đại biểu chính thức. Đại hội đã thông qua Điều lệ mới, hiệp thương chọn cử anh Hồ Đức Việt, Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đoàn làm Chủ tịch Hội và quyết định lấy ngày 15/10/1956 là ngày truyền thống hàng năm của Hội LHTN Việt Nam.
* Từ ngày 13-15/01/2000, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ IV đã được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội với 599 đại biểu. Đại hội hiệp thương chọn cử chị Trương Thị Mai, Bí thư Trung ương Đoàn làm Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam. 
- Tháng 02/2003, anh Hoàng Bình Quân, Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn được bầu làm Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam thay chị Trương Thị Mai nhận nhiệm vụ mới.
- Ngày 25-27/02/2005, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ V đã diễn ra trọng thể tại Thủ đô Hà Nội với 798 đại biểu. Bí thư Trung ương Đoàn Nông Quốc Tuấn làm Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam. 
- Tháng 02/2008, anh Võ Văn Thưởng, Uỷ viên dự khuyết Ban chấp hành TƯ Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn đã được bầu làm Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam thay anh Nông Quốc Tuấn nhận nhiệm vụ mới.
Đại hội VI diễn ra trong 02 ngày 26-27/4/2010 tại Hà Nội với 995 đại biểu. Anh Nguyễn Phước Lộc, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHTN Việt Nam khóa V được hiệp thương chọn cử làm Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam khóa VI.
- Tại Hội nghị Ủy ban Trung ương Hội LHTN Việt Nam lần thứ 7, khóa VI, anh Phan Văn Mãi, Bí thư thường trực Ban chấp hành Trung ương Đoàn được hiệp thương chọn cử làm Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam khóa VI thay anh Nguyễn Phước Lộc được điều động, phân công nhận nhiệm vụ mới.
- Tại Hội nghị Ủy ban Trung ương Hội LHTN Việt Nam lần thứ 10, khóa VI, anh Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đoàn được hiệp thương chọn cử làm Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam khóa VI thay anh Phan Văn Mãi được điều động, phân công nhận nhiệm vụ mới.
* Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ VII, nhiệm kỳ 2014 - 2019 diễn ra từ ngày 27 đến ngày 29 tháng 12 năm 2014 tại Thủ đô Hà Nội với 800 đại biểu chính thức là những cán bộ Hội, hội viên xuất sắc và cá nhân tiêu biểu trong và ngoài nước, đại diện cho khối đại đoàn kết các tầng lớp thanh niên của 54 dân tộc Việt Nam. Đại hội đã hiệp thương chọn cử anh Nguyễn Phi Long, Bí thư BCH Trung ương Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội LHTN Việt Nam khóa VI được hiệp thương chọn cử giữ chức Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam khóa VII, nhiệm kỳ 2014 – 2019.
PHẦN III: CÁC HOẠT ĐỘNG XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN
a. Hoạt động của Hội LHTN Việt Nam hiện nay
Mục tiêu: Xây dựng Hội LHTN Việt Nam vững mạnh, mở rộng mặt trận đoàn kết, tập hợp rộng rãi các tầng lớp thanh niên; chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của thanh niên, cổ vũ thanh niên xây hoài bão lớn, rèn đức, luyện tài, lập thân, lập nghiệp; phát huy tài năng và sức trẻ của thanh niên trong hội nhập quốc tế, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Các cuộc vận động của Hội
- Cuộc vận động “Thanh niên sống đẹp - sống có ích” .
- Cuộc vận động “Thanh niên tình nguyện vì an sinh xã hội và bảo vệ môi trường”.
- Cuộc vận động “Thanh niên lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng”.
Các chương trình của Hội:
- Chương trình 1: “Khi Tổ quốc cần”.
- Chương trình 2: Xây dựng, phát triển tổ chức Hội, mở rộng mặt trận đoàn kết, tập hợp thanh niên.
Nguồn: thanhgiong.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây