TÀI LIỆU SINH HOẠT CHI ĐOÀN THÁNG 9/2021

Thứ ba - 07/09/2021 12:05
I. HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH
CÂU CHUYỆN VỀ BÁC:
CHUYỆN CẢM ĐỘNG VỀ BÀI HÁT “LỜI BÁC DẶN TRƯỚC LÚC ĐI XA”
Ai đã từng đến thăm Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch đều lắng đọng, bùi ngùi khi được nghe những câu chuyện kể về cuộc sống giản dị, đời thường của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời. Một trong những câu chuyện ít người biết đến trong những ngày tháng trước khi Chủ tịch Hồ Chí Minh về với thế giới người hiền là câu chuyện kể về tình yêu Người dành cho đất nước, dành cho những khúc hát dân ca. Câu chuyện giàu tính nhân văn đã tạo cảm hứng cho nhạc sĩ Trần Hoàn sáng tác nên bài hát “Lời Bác dặn trước lúc đi xa” nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩnh biệt toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta.
Ngày 17/8/1969, khi kiểm tra sức khỏe cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, các bác sĩ phát hiện tim Người có triệu chứng không bình thường và đề nghị Người không ở và làm việc tại Nhà sàn để tránh phải lên xuống cầu thang hàng ngày. Bác đã đồng ý và chuyển xuống ở hẳn ngôi nhà H67- Ngôi nhà Bộ Chính trị làm giấu Bác (trong thời gian Người đi công tác xa) để đảm bảo an toàn cho Người khi đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc. Tại đây, chiều ngày 24/8/1967, Bác trải qua một cơn đau tim đột ngột. Tuy yếu mệt, Bác vẫn gắng làm việc, ngày 25/8/1969, Bác gửi thư trả lời Tổng thống Mỹ R.Nixơn. Trong thư Người đã vạch trần tính chất phi nghĩa của cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam là “Quyết chiến đấu đến cùng, không sợ hy sinh gian khổ để bảo vệ Tổ quốc và các quyền dân tộc thiêng liêng của mình”. Sau khi chỉ rõ giải pháp để giải quyết vấn đề Việt Nam, Người viết: “Trong thư, Ngài bày tỏ lòng mong muốn hành động cho một nền hòa bình công bằng. Muốn vậy, Mỹ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược và rút quân ra khỏi miền Nam Việt Nam và dân tộc Việt Nam, không có sự can thiệp của nước ngoài. Đó là cách đúng đắn để giải quyết vấn đề Việt Nam phù hợp với quyền dân tộc của nhân dân, với lợi ích của nước Mỹ và nguyện vọng hòa bình của nhân dân thế giới… Với thiện chí của phía ngoài và phía chúng tôi, chúng ta có thể đi tới những cố gắng chung để tìm một giải pháp đúng đắn cho vấn đề Việt Nam”(1). Những ngày nằm trên giường bệnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn không nguôi những trăn trở lo lắng trước tình hình chiến sự của đất nước. Miền Nam chưa được giải phóng, đất nước chưa được thống nhất luôn là nỗi canh cánh trong lòng Bác. Bác đã từng nói: “Một ngày mà Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào còn chịu khổ là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên”(2).
Các Bác sĩ và y tá của Viện Quân y 108 được cử đến để chăm sóc sức khỏe của Người. Đồng chí y tá Ngô Thị Oanh kể lại: “Bác chỉ nằm, không đòi hỏi một thứ gì, không kêu ca đau đớn. Bác chỉ muốn nghe tin thời sự, nhất là tình hình chiến sự miền Nam. Và khi nghe quân ta bắn rơi nhiều máy bay Mỹ thì Bác rất phấn khởi”(3). Buổi sáng 2/9/1969, tình trạng sức khỏe của Bác Hồ có những diễn biến xấu đi. Sau mỗi cơn đau tỉnh dậy Bác hỏi: “Hôm nay, miền Nam đánh thắng ở đâu?”. Sắp đến ngày kỷ niệm Tết độc lập của dân tộc, thấy Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến thăm, Bác hỏi: “Các chú chuẩn bị lễ kỷ niệm Quốc khánh đến đâu rồi, các chú nhớ bắn pháo hoa để động viên tinh thần chiến đấu của nhân dân, đến ngày đó Bác sẽ cố gắng ra gặp đồng bào mươi lăm phút”. Nhưng Lễ kỷ niệm Quốc khánh năm đó thiếu vắng Bác vì bệnh tình của Người đã có phần giảm sút trầm trọng.
Y tá Ngô Thị Oanh là người túc trực chăm sóc sức khỏe cho Bác kể lại: “Buổi sáng tôi vào mời Bác uống thuốc, cắt móng tay cho Người, cắt xong Bác hài lòng hỏi tôi:
-    Cháu tên gì?
-    Dạ thưa Bác, cháu tên Ngô Thị Oanh ạ!
-    Quê cháu ở đâu?
-    Thưa Bác! Quê cháu ở Liên Châu, huyện An Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc ạ!
-    Cháu có biết hát không?
Tôi đang lúng túng chưa biết thưa Bác thế nào thì đồng chí Vũ Kỳ đứng cạnh đó trả lời giúp tôi.
-    Thưa Bác! Để cháu Oanh hát Bác nghe.
Bất ngờ và hồi hộp, tôi trấn tĩnh và hát bài: “Chiến sĩ quân y làm theo lời Bác” và bài dân ca quan họ Bắc Ninh “Người ở đừng về” trong niềm xúc động nghẹn ngào”(4). Nghe xong bài hát, Bác gật đầu mỉm cười rồi cố với lấy một bông hoa hồng trong lọ hoa ở đầu giường nơi Người nằm tặng cho cô y tá. Không một ai trong căn phòng khỏi nghẹn ngào trước tình cảm của Bác và những giọt nước mắt lăn dài trên má đã không ngưng được khi trong cơn đau, Người vẫn ân cần, quan tâm, động viên những người xung quanh không phải lo lắng cho mình. Và cũng không một ai ngờ rằng bài hát dân ca quan họ Kinh Bắc là bài hát cuối cùng Bác nghe trước lúc đi xa.
Cả cuộc đời chiến đấu vì lý tưởng cao đẹp của đất nước, vì tự do và hạnh phúc của đồng bào và nhân loại, trong khoảnh khắc cuối cùng của đời người, Bác chỉ có một ước nguyện rằng Bác muốn mang theo âm hưởng làn điệu dân ca của quê hương ngọt ngào, thắm đượm về với cõi vĩnh hằng. Ước nguyện bình dị của Người ẩn chứa cả một tinh thần nhân văn cao đẹp, trong tinh thần ấy là quê hương, nguồn cội, những nỗi nhớ thương chất chứa là ao ước và khát vọng kìm nén trong trái tim. Có lẽ đây là kỷ niệm và là một trong những câu chuyện xúc động cuối cùng về Bác Hồ kính yêu.
Không được chứng kiến câu chuyện xúc động của Bác Hồ lúc cuối đời, nhưng hình ảnh của Bác vẫn luôn in đậm trong trái tim của nhạc sĩ Trần Hoàn. Năm 1989, khi nằm điều trị bệnh tại Bệnh viện Việt - Xô cùng với đồng chí Vũ Kỳ - thư ký riêng của Bác, nhạc sĩ Trần Hoàn được đồng chí Vũ Kỳ kể lại cho nghe một câu chuyện xúc động ấy. Theo dòng cảm xúc đối với Người cha kính yêu của dân tộc, nhạc sĩ Trần Hoàn đã sáng tác nên bài hát “Lời Bác dặn trước lúc đi xa”. Bài hát được ra đời đúng dịp kỷ niệm 20 năm ngày mất của Chủ tịch Hồ Chí Minh và đã làm rung động trái tim của hàng triệu người con nước Việt. Bài hát giúp chúng ta
Những mong muốn ấy là chất chứa nỗi niềm gia đình, quê hương xứ sở và tổ quốc mình. Bài hát là một câu chuyện rất “đời” bình dị và ý nghĩa, như lời dặn tâm tình của một người cha già trước lúc đi xa, rằng luôn mong con cháu giữ được “phần hồn” của văn hóa dân tộc, bản sắc quê hương. Nhạc sĩ Trần Hoàn đã kể lại một câu chuyện có thật bằng chính cảm xúc của ông. Điều đó đã đưa bài hát “Lời Bác dặn trước lúc đi xa” đến gần hơn và sống trong trái tim của triệu triệu người dân Việt Nam, khiến cho tâm hồn của mỗi người đều bị lay động. Lời ca như thủ thỉ tâm tình, tái hiện lại hình ảnh vị Cha già kính yêu của dân tộc - rất vĩ đại nhưng cũng quá đỗi bình dị, thân thương…
Nhân kỷ niệm 50 năm (1967 - 2017) bảo tồn Di tích H67- Nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh họp Bộ Chính trị (từ 1967 - 1969) và cũng là nơi Người dưỡng bệnh và qua đời, chúng ta cùng nhau ôn lại những kỷ niệm cảm động về Người, về niềm mong ngóng của Người tại ngôi nhà này, trước lúc đi xa. Đã 50 năm trôi qua, căn phòng vắng hình bóng Bác nhưng mỗi kỷ vật, mỗi câu chuyện và ký ức về Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn hiện hữu và mỗi lớp thế hệ nối tiếp thế hệ lại được kể cho nhau nghe về Người bằng cả tình mến yêu trân trọng.được đến gần với Bác Hồ, hiểu hơn về con người và nhân cách của Người. Những giây phút cuối cùng trong cuộc đời Bác cũng có những mong muốn:
Muốn nghe một câu hò xứ Huế… Muốn nghe một câu hò xứ Nghệ… Muốn nghe một đôi khúc dân ca…
Nguồn: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch
Link tham khảo: http://ditichhochiminhphuchutich.gov.vn/chuyen-cam-dong-ve-bai-hat-loi-bac-dan-truoc-luc-di-xa-723
II. THEO DÒNG LỊCH SỬ:
NHỮNG NGÀY ĐÁNG NHỚ THÁNG 9
- 02/9: Quốc khánh Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
(02/9/1945 – 02/9/2021)
- 20/9: Kỷ niệm 44 năm ngày Việt Nam trở thành thành viên viên chính thực của LHQ (20/9/1977 – 20/9/2021)
- 23/9: Kỷ niệm 76 năm ngày Nam bộ kháng chiến (23/9/1945 – 23/9/2021
- 27/9: Kỷ niệm 81 năm Ngày Khởi nghĩa Bắc Sơn (27/9/1940 – 27/9/2021)
Kỷ niệm 52 năm ngày mất của Chủ tịch Hồ Chí Minh (02/9/1969 - 02/9/2021)
Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ngày 19/5/1890 trong một gia đình nhà nho, nguồn gốc nông dân, ở làng Hoàng Trù, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, nơi có truyền thống đấu tranh kiên cường chống ách thống trị của thực dân phong kiến. Hoàn cảnh xã hội và sự giáo dục của gia đình đã ảnh hưởng sâu sắc đến Người ngay từ thời niên thiếu.
Với tinh thần yêu nước nồng nàn, thương dân sâu sắc, sự nhạy bén về chính trị, Người đã bắt đầu suy nghĩ về những nguyên nhân thành bại của các phong trào yêu nước lúc bấy giờ và quyết tâm ra đi tìm con đường để cứu dân, cứu nước.         
          Tháng 6 năm 1911, Người đi ra nước ngoài, suốt 30 năm hoạt động, Người đã đi đến nước Pháp và nhiều nước châu Âu, châu Á, châu Phi, châu Mỹ. Người hòa mình với những phong trào của công nhân và nhân dân các dân tộc thuộc địa, vừa lao động kiếm sống, vừa học tập, hoạt động cách mạng và nghiên cứu các học thuyết cách mạng. Năm 1917, thắng lợi của Cách mạng tháng Mười Nga và sự ra đời của Quốc tế Cộng sản đã đưa Người đến với chủ nghĩa Mác - Lênin. Từ đây, Người đã nhận rõ đó là con đường duy nhất đúng đắn để giải phóng dân tộc và giải phóng giai cấp.
          Năm 1919, Người gia nhập Đảng Xã hội Pháp và hoạt động trong phong trào công nhân Pháp. Tháng 6 năm 1919, thay mặt Hội Những người Việt Nam yêu nước tại Pháp, Người gửi tới Hội nghị Versailles (Pháp) Bản yêu sách của nhân dân An Nam, yêu cầu Chính phủ Pháp thừa nhận các quyền tự do và quyền bình đẳng của dân tộc Việt Nam .
          Tháng 12 năm 1920, tại Đại hội lần thứ 18 của Đảng Xã hội Pháp tại thành phố Tours, Người bỏ phiếu tán thành gia nhập Quốc tế Cộng sản và tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp. Sự kiện này đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người, từ chủ nghĩa yêu nước chân chính đến chủ nghĩa cộng sản.
Năm 1921, tại Pháp, Người tham gia thành lập Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa, nhằm tuyên truyền cách mạng trong nhân dân các nước thuộc địa. Người viết nhiều bài đăng trên các báo “Người cùng khổ”, “Đời sống thợ thuyền”, ... Đặc biệt, Người viết tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” lên án mạnh mẽ chế độ thực dân, thức tỉnh lòng yêu nước của nhân dân các nước thuộc địa. Tất cả các bài viết của Người đều được bí mật chuyển về nước và lưu truyền trong mọi tầng lớp nhân dân.
          Ngày 30/6/1923, Người đến Liên Xô và bắt đầu một thời kỳ hoạt động, học tập và nghiên cứu về chủ nghĩa Mác - Lênin, về chế độ xã hội chủ nghĩa ngay trên đất nước Lênin vĩ đại. Tại Đại hội lần thứ I Quốc tế Nông dân (10/1923), Người được bầu vào Đoàn Chủ tịch Quốc tế Nông dân. Năm 1924, Người dự Đại hội lần thứ V của Quốc tế Cộng sản và được cử làm cán bộ Ban phương Đông của Quốc tế Cộng sản, đồng thời là Ủy viên Đoàn chủ tịch Quốc tế Nông dân, Nguyễn Ái Quốc được giao theo dõi và chỉ đạo phong trào cách mạng ở một số nước Châu Á .
          Năm 1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), Người tham gia thành lập Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức Á Đông, sáng lập tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, ra báo     Thanh niên để truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin về trong nước, đồng thời mở lớp đào tạo cán bộ cho cách mạng Việt Nam.
          Ngày 3/2/1930, tại Cửu Long (Hồng Kông), Người triệu tập Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản trong nước, thống nhất thành Đảng Cộng sản Việt Nam.
          Từ năm 1930 đến năm 1940, Người tham gia công tác của Quốc tế Cộng sản ở nước ngoài, đồng thời theo dõi sát phong trào cách mạng trong nước và có những chỉ đạo đúng đắn cho Ban Chấp hành Trung ương Đảng ta.
          Sau 30 năm hoạt động ở nước ngoài, năm 1941 Người về nước, triệu tập Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ tám, quyết định đường lối đánh Pháp, đuổi Nhật, thành lập Mặt trận Việt Minh, gấp rút xây dựng lực lượng vũ trang, đẩy mạnh phong trào đấu tranh cách mạng quần chúng, chuẩn bị tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.
          Thực hiện chỉ thị của Hồ Chí Minh, ngày 22/12/1944, tại khu rừng Sam Cao, thuộc huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy.
          Tháng 8 năm 1945, Người cùng Trung ương Đảng triệu tập Hội nghị toàn quốc của Đảng và chủ trì Đại hội Quốc dân ở Tân Trào. Đại hội tán thành chủ trương tổng khởi nghĩa của Đảng và Tổng bộ Việt Minh, cử Hồ Chí Minh làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Thay mặt Chính phủ lâm thời, Người đã phát lệnh tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.
          Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn dân tộc Việt Nam đã nhất tề đứng lên Tổng khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền về tay nhân dân lao động. Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Người tuyên bố trước nhân dân cả nước và nhân dân thế giới quyền độc lập của dân tộc Việt Nam.
          Tháng 9 năm 1945, thực dân Pháp câu kết với đế quốc Mỹ, Anh và lực lượng phản động Quốc dân Đảng (Trung Quốc) trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Quân đội Pháp mở rộng đánh chiếm miền Nam và lấn dần từng bước kéo quân đánh chiếm miền Bắc, âm mưu tiến tới xóa bỏ Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 9/1/1946, cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lần đầu tiên trong cả nước. Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa I, Người được bầu làm Chủ tịch Chính phủ Liên hiệp kháng chiến. Tháng 12 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Người tiếp tục cùng Trung ương Đảng lãnh đạo toàn dân kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
          Tháng 7 năm 1954, với thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ, Hiệp định Géneva được ký kết. Miền Bắc được giải phóng. Miền Nam bị đế quốc Mỹ xâm lược biến thành thuộc địa kiểu mới của chúng. Người cùng với Trung ương Đảng lãnh đạo nhân dân cả nước thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam.
          Tháng 9 năm 1960, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ ba của Đảng Lao động Việt Nam, Hồ Chí Minh được bầu làm Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Dưới sự lãnh đạo của Người, nhân dân ta vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, vừa tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.
          Ngày 2/9/1969, mặc dù đã được các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng do tuổi cao sức yếu Người đã từ trần, hưởng thọ 79 tuổi.
          Cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh là một cuộc đời trong sáng cao đẹp của một người cộng sản vĩ đại, một anh hùng dân tộc kiệt xuất, một chiến sĩ quốc tế lỗi lạc, đã đấu tranh không mệt mỏi và hiến dâng cả đời mình cho Tổ quốc, cho nhân dân, vì lý tưởng cộng sản, vì độc lập, tự do của các dân tộc bị áp bức, vì hòa bình và công lý trên thế giới.
          Năm 1987, tại kỳ họp lần thứ 24, Tổ chức Giáo dục - Văn hóa - Khoa học của Liên hiệp quốc (UNESCO) đã ra Nghị quyết tôn vinh Hồ Chí Minh là “Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam và nhà văn hóa kiệt xuất” .
Nguồn: baotanghochiminh-nr.vn/
Kỷ niệm 76 năm ngày Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 – 02/9/2021)
Quyền con người và quyền công dân trong Tuyên ngôn độc lập
Là một áng văn lập quốc ngắn gọn, súc tích, Tuyên ngôn độc lập do Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc tại quảng trường Ba Đình, Hà Nội tuyên bố trước quốc dân và thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không chỉ là một văn bản pháp lý hiện đại, khai sinh một nước Việt Nam mới, mở ra một kỷ nguyên độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam, nhân dân Việt Nam mà còn khẳng định quyền con người - một giá trị phổ quát của nhân loại và quyền công dân đã, đang và sẽ được thực thi ở cả phương diện lý luận cũng như trong thực tiễn.
Bản Tuyên ngôn Độc lập bằng 3 thứ tiếng Việt - Anh - Pháp do VNTTX phát đi ngày 15/9/1945, thông báo với toàn thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam mới. Đây là bản tin phát sóng đầu tiên của VNTTX
Tuyên ngôn độc lập và vấn đề quyền con người, quyền công dân
“Quyền con người là những bảo đảm pháp lý toàn cầu có tác dụng bảo vệ các cá nhân và nhóm chống lại những hành động hoặc sự bỏ mặc làm tổn hại đến nhân phẩm, những sự được phép và tự do cơ bản của con người”. Hiểu một cách khái quát thì đó là “những quyền bẩm sinh, vốn có của con người mà nếu không được hưởng thì chúng ta sẽ không thể sống như một con người”. Với ý nghĩa đó, quyền con người là tự nhiên, vốn có, không do chủ thể nào ban phát; được áp dụng bình đẳng với tất cả mọi người thuộc mọi dân tộc, trong mọi hoàn cảnh,  không thay đổi theo thời gian và không phụ thuộc vào biên giới quốc gia, lãnh thổ hay tư cách cá nhân, môi trường sống của họ.
Quyền con người “được thể hiện và bảo đảm bằng các quy định của pháp luật, dưới các hình thức điều ước quốc tế, tập quán quốc tế, nguyên tắc pháp luật chung và các nguồn khác của luật quốc tế”. Quan niệm này cho thấy tính nhân đạo, nhân văn vì con người; đồng thời, cũng là cơ sở để con người có thể đấu tranh với những biểu hiện vi phạm về quyền con người ở nơi này hay nơi khác, quốc gia này hay quốc gia khác.
Gần gũi với khái niệm quyền con người, nhưng quyền công dân có nội dung "thu hẹp" hơn quyền con người và gắn liền với nhà nước (nhà nước pháp điển hóa các quyền tự nhiên của con người dưới hình thức các quyền công dân). Đó là “tập hợp những quyền tự nhiên được pháp luật của một nước ghi nhận và bảo đảm, nhưng chủ yếu dành cho những người có quốc tịch của nước đó”. Vì thế, quyền công dân không áp dụng chung cho tất cả các quốc gia mà là được áp dụng trong một quốc gia nhất định; và đi lền cùng đó là các quốc gia khác nhau có hệ thống quyền công dân khác nhau.
Thực tế, quyền công dân chỉ là những quyền con người được các nhà nước thừa nhận, áp dụng cho riêng công dân của mình; thể hiện vị thế của mỗi cá nhân trong quan hệ với quốc gia mà cá nhân đó là công dân và có nội hàm hẹp hơn so với quyền con người; đồng thời, chỉ được áp dụng trong lãnh thổ quốc gia và có thể bị thay đổi theo thời gian.
Về bản chất, cả quyền con người và quyền công dân đều là những gì mà một cá nhân con người được phép làm và được thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ bởi các chủ thể khác; đều biểu thị mối quan hệ của cá nhân con người với cộng đồng nhân loại (quyền con người) và với quốc gia nơi mà người đó có quốc tịch (quyền công dân); đều xoay quanh một chủ thể chung (của quyền), đó chính là con người và một chủ thể chung (có nghĩa vụ) chính là là cộng đồng nhân loại mà thể chế chính trị - pháp lý trung tâm là nhà nước.
Lịch sử nhân loại kể từ khi xã hội có sự phân chia giai cấp và nhà nước, có bóc lột và bị bóc lột, có áp bức và bị áp bức thì cũng đã có những cuộc đấu tranh cho quyền tự do, bình đẳng của con người và công bằng trong xã hội. Tư tưởng về giải phóng con người, thực hiện quyền con người được hình thành và phát triển qua các giai đoạn lịch sử của nhân loại, gắn liền với từng quốc gia, dân tộc. Đấu tranh cho quyền con người luôn là tâm điểm của các cuộc đấu tranh dân tộc, giai cấp; gắn liền với các cuộc đấu tranh để giải phóng dân tộc, giai cấp, con người và diễn ra trên mọi phương diện chính trị, tư tưởng, kinh tế, xã hội…
Chủ nghĩa Mác - Lênin khi bàn về quyền con người đã thể hiện rõ sự thống nhất trong tư tưởng của các ông về con người và về quyền của con người; về tự do và dân chủ; về con đường đấu tranh để giải phóng con người và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Con người theo C.Mác “là tổng hòa những quan hệ xã hội” và “tự do là cái vốn có của con người đến mức mà ngay cả những kẻ thù của tự do; cũng thực hiện tự do, trong khi chống lại việc thực hiện đó, chúng muốn chiếm lấy, với tư cách là vật trang sức quý giá nhất, cái mà họ đã bác bỏ, với tư cách là vật trang sức của bản tính loài người”… Hơn nữa, “cái quan niệm cho rằng tất cả mọi người, với tư cách là con người, đều có một cais gì chung, rằng trong phạm vi cái chung đó mọi người đều bình đẳng, dĩ nhiên là một quan niệm rất cũ rồi”, bởi rằng, con người là sản phẩm của xã hội, của những quan hệ xã hội mà xã hội thì luôn vận động, cho nên con người và quyền con người cũng thay đổi, phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh.
Nói thế để thấy rằng, quyền tự do và bình đẳng là quyền cốt lõi nhất của con người, nhưng các quyền đó không thể và không được thực thi trong một xã hội/quốc gia/dân tộc đang bất bình đẳng - đang chịu sự bất bình đẳng - đang bị thống trị bởi một quốc gia khác. Nói thế cũng để thấy rằng, Hồ Chí Minh sinh ra và lớn lên khi đất nước đang đắm chìm trong đêm trường nô lệ dưới ách thống trị tàn bạo của thực dân Pháp; khi mà ở nơi đó, mọi quyền sống của con người và quyền dân tộc đều không được thực thi, nên Người nhận thức sâu sắc rằng, ở nơi đó những người dân bị mất nước không có quyền con người và càng không có quyền công dân.
Yêu nước và thương dân, nguyện vọng thiết tha của Hồ Chí Minh là: "Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu" và “Cái mà tôi cần nhất trên đời là: Đồng bào tôi được tự do, Tổ quốc tôi được độc lập”. Vì thế, Hồ Chí Minh đã rời Tổ quốc ra đi tìm con đường cứu nước, giải phóng dân tộc, giải phóng nhân dân mình khỏi ách thống trị của chủ nghĩa thực dân.
Trong hành trình bôn ba, trải nghiệm và khảo cứu tình hình, đời sống chính trị của các quốc gia ở nhiều châu lục, Hồ Chí Minh nhận thức sâu sắc rằng, quyền con người nói chung, quyền công dân nói riêng và quyền tự quyết của mỗi dân tộc chỉ có thể có được/được thực thi khi đất nước được độc lập, tự do, khi người dân là chủ/được làm chủ. Trong điều kiện cụ thể của Việt Nam, quyền con người, quyền công dân và quyền dân tộc chỉ có thể trở thành hiện thực thông qua  một cuộc "tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản"; trong đó, về phương diện xã hội thì: "a) Dân chúng được tự do tổ chức. b) Nam nữ bình quyền,v.v.. c) Phổ thông giáo dục theo công nông hóa"; về phương diện chính trị thì: a) Đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọn phong kiến. b) Làm cho nước Nam được hoàn toàn độc lập…;  về phương diện kinh tế thì: "a) Thủ tiêu hết các thứ quốc trái…c) Thâu hết ruộng đất của đế quốc chủ nghĩa làm của công chia cho dân cày nghèo…f) Thi hành luật ngày làm 8 giờ".
Xuất phát từ điều kiện cụ thể của đất nước và kế thừa có chọn lọc những nội dung hợp lý của tư tưởng nhân quyền hiện đại, tiến bộ của nhân loại, đặc biệt là vận dụng sáng tạo tư tưởng giải phóng con người, giải phóng xã hội của chủ nghĩa Mác - Lênin, những nội dung quan trọng nêu trên được khẳng định trong Chánh cương vắn tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam đã được chính Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo nhân dân Việt Nam kiên cường đấu tranh và giành lại bằng cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945.
Tuyên ngôn độc lập do Hồ Chí Minh soạn thảo và tuyên bố ngày 2/9/1945 trước toàn dân và thế giới không chỉ tuyên bố sáng lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, khẳng định tính hợp pháp của nước đó và Chính phủ lâm thời do Người đứng đầu mà còn mang một giá trị đặc biệt khi diễn ra đúng thời điểm chiến tranh thế giới thứ hai vừa kết thúc.
Có thể thấy, quyền con người, quyền công dân, mối quan hệ giữa quyền con người và quyền công dân Hồ Chí Minh đã nêu ra/thể hiện trong Tuyên ngôn độc lập năm 1945 không chỉ được thực thi tại Việt Nam mà còn ngày càng được điều chỉnh, bổ sung, mở rộng, quy định rõ ràng và hoàn thiện hơn trong các bản Hiến pháp; trong chủ trương, chính sách của Đảng và hệ thống pháp luật của Nhà nước. Trong thực tế, thể chế hóa Hiến pháp năm 2013 và thực thi các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã gia nhập, ký kết, Việt Nam đã bổ sung, sửa đổi và ban hành nhiều văn bản luật, pháp lệnh liên quan đến quyền con người, quyền công dân, phù hợp với Hiến pháp năm 2013. Trong đó, phải kể đến Luật đầu tư 2014, Luật doanh nghiệp 2014, Luật trưng cầu dân ý 2015, Luật quy hoạch 2017, Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017, Luật tiếp cận thông tin 2018…
Có thể nói, 75 năm trôi qua kể từ khi Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã nỗ lực để hiện thực hóa tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người, quyền công dân; từng bước chế định, hoàn thiện, xác định và quy định rõ ràng hơn về quyền con người và quyền công dân. Việc thực thi 2 quyền này ở Việt Nam chính là nhằm để mỗi người dân/công dân Việt Nam ngày càng được thụ hưởng tốt hơn quyền con người, quyền công dân gắn với quá trình xây dựng và bảo vệ, phát triển đất nước, nhất là trong 35 năm đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng. Minh chứng sinh động này cũng cho thấy, không chỉ dừng chỉ ở đó mà Việt Nam còn đóng góp tích cực vào hoạt động của Hội đồng Bảo an, Hội đồng Nhân quyền, Hội đồng Kinh tế - xã hội, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021,v.v.. và là thành viên có trách nhiệm với Liên hợp quốc để hiện thực hóa quyền con người, quyền công dân trong cộng đồng các quốc gia trên thế giới./. 
Nguồn: Tạp chí Ban Tuyên giáo Trung ương.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây